Top 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới ở nước ta

0
1378
Vật Phẩm Phong Thủy

Khu dự trữ sinh quyển thế giới là một danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu bảo tồn thiên nhiên có hệ động thực vật độc đáo, phong phú đa dạng. Theo định nghĩa của UNESCO, Khu dự trữ sinh quyển thế giới là những khu vực hệ sinh thái bờ biển hoặc trên cạn giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn sự đa dạng sinh học với việc phát triển bền vững khu vực đó có giá trị nổi bật, được quốc tế công nhận.Và dưới đây là các khu dự trữ sinh quyển ở nước ta.

1.Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ
Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ còn gọi là Rừng Sác là một quần thể gồm các loài động, thực vật rừng trên cạn và thuỷ sinh, được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các cửa sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ. UNESCO đã công nhận đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào ngày 21/1/2000 với hệ động thực vật đa dạng độc đáo điển hình của vùng ngập mặn. Nơi đây được công nhận là một khu du lịch trọng điểm quốc gia Việt Nam
Rừng ngập mặn Cần Giờ có điều kiện môi trường rất đặc biệt, là hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái thủy vực với hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái nước mặn. Rừng Cần Giờ nhận một lượng lớn phù sa từ sông Đồng Nai, cùng với ảnh hưởng của biển kế cận và các đợt thủy triều mà hệ thực vật nơi đây rất phong phú với trên 150 loài thực vật, trở thành nguồn cung cấp thức ăn và nơi trú ngụ cho rất nhiều loài thủy sinh, cá và các động vật có xương sống khác.

Về thực vật: nhiều loại cây, chủ yếu là bần trắng, mấm trắng, các quần hợp đước đôi – bần trắng cùng xu ổi, trang, đưng v.v… và các loại nước lợ như bần chua, ô rô, dừa lá, ráng, v.v… Thảm cỏ biển với các loài ưu thế Halophyla sp., Halodule sp., và Thalassia sp.; đất canh tác nông nghiệp với lúa, khoai mỡ, các loại đậu, dừa, các loại cây ăn quả. Khảo sát của Phạm Văn Ngọt và cộng sự (2007) ghi nhận rừng ngập mặn Cần Giờ có 220 loài thực vật bậc cao với 155 chi, thuộc 60 họ; trong đó, các họ có nhiều loài nhất gồm: họ Cúc (Asteraceae) 8 loài, họ thầu dầu (Euphorbiaceae) 9 loài, họ Đước (Rhizophoraceae) 13 loài, họ Cói (Cyperaceae) 20 loài, họ Hòa thảo (Poaceae) 20 loài, họ Đậu (Fabaceae) 29 loài.
Về động vật: khu hệ động vật thủy sinh không xương sống với trên 700 loài, khu hệ cá trên 130 loài, khu hệ động vật có xương sống có 9 loài lưỡng thê, 31 loài bò sát, 4 loài có vú. Trong đó có 11 loài bò sát có tên trong sách đỏ Việt Nam như: tắc kè (gekko gekko), kỳ đà nước (varanus salvator), trăn đất (python molurus), trăn gấm (python reticulatus), rắn cạp nong (bungarus fasciatus), rắn hổ mang (naja naja), rắn hổ chúa (ophiophagus hannah), vích (chelonia mydas), cá sấu hoa cà (crocodylus porosus)… Khu hệ chim có khoảng 130 loài thuộc 47 họ, 17 bộ. Trong đó có 51 loài chim nước và 79 loài không phải chim nước sống trong nhiều sinh cảnh khác nhau.
Đây là một khu rừng mà theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài là được khôi phục, chăm sóc, bảo vệ thuộc loại tốt nhất ở Việt Nam và toàn thế giới. Đây cũng là địa điểm lý tưởng phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái.

Rừng ngập mặn Cần Giờ đã trở thành “lá phổi” đồng thời là “quả thận” có chức năng làm sạch không khí và nước thải từ các thành phố công nghiệp trong thượng nguồn sông Ðồng Nai – Sài Gòn đổ ra biển Ðông.


2.Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai
Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai là một khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam. Khu dự trữ sinh quyển này bao gồm Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu, Khu bảo tồn vùng nước nội địa Trị An – Đồng Nai, Khu Ramsar Bàu Sấu.

Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai nằm trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Lâm Ðồng, Bình Phước, Bình Dương và Đăk Nông, với tổng diện tích 966.563 ha, gồm ba vùng: vùng lõi có diện tích 169.072 ha; vùng đệm có diện tích 349.995 ha và vùng chuyển tiếp có diện tích 447.496 ha.

Khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên được thế giới công nhận ngày 10/11/2001 do đáp ứng các tiêu chí của UNESCO, đặc biệt đây là diện tích rừng mưa ẩm nhiệt đới cuối cùng còn sót lại ở miền Nam Việt Nam với rất nhiều loài động vật quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng, đặc biệt là loài Tê giác một sừng. Các hệ sinh thái tự nhiên rừng đầu nguồn ở đây cực kỳ quan trọng với chức năng điều nước lưu vực sông Đồng Nai, cung cấp nước ngọt vào mùa khô và khống chế ngập lụt vào mùa mưa cho cả một vùng rộng lớn miền Đông Nam Bộ…
Khu Ramsar Bàu Sấu rộng hơn 3.500 hécta vào mùa mưa và thu hẹp khoảng 100 – 150 hécta vào mùa khô nằm tập trung ở khu Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú) được Ban Thư ký công ước Ramsar công nhận ngày 4-8-2005.
Khu Bảo tồn thiên nhiên và Di tích Vĩnh Cửu được thành lập vào năm 2003 với tổng diện tích là 64.686 ha. Trong đó, rừng đặc dụng là 59.810 ha và rừng sản xuất là 4.876 ha.
Khu Bảo tồn vùng nước nội địa Trị An – Đồng Nai được Thủ tướng phê duyệt năm 2008. Khu này gồm toàn bộ vùng hồ Trị An và các vùng phụ cận thuộc sông Đồng Nai với đa dạng thành phần loài cá và các loài thủy sinh vật khác tạo nên chuỗi và lưới thức ăn phong phú trong hệ sinh thái ao hồ đặc trưng vùng nhiệt đới.

3.Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà
Quần đảo Cát Bà là quần thể gồm 367 đảo trong đó có đảo Cát Bà ở phía nam vịnh Hạ Long, ngoài khơi thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 30 km, cách thành phố Hạ Long khoảng 25 km. Về mặt hành chính, quần đảo thuộc huyện đảo Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Nơi đây đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cơ sở hạ tầng cũng khá phát triển với tổ hợp nhiều khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, chùa chiền và đặc biệt là toàn bộ khu vực đảo đã được thành phố Hải Phòng triển khai các trạm thu phát wifi.


4.Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng
Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng là một khu dự trữ sinh quyển thế giới do UNESCO công nhận tại Việt Nam cho các vùng đất phía Nam vùng duyên hải Bắc Bộ, nằm ở cửa sông Đáy, sông Hồng và sông Thái Bình. Đây là khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển thuộc 3 tỉnh châu thổ sông Hồng là Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình. Khu dự trữ sinh quyển thế giới này chứa đựng những hoạt động kiến tạo địa chất và đa dạng sinh học có giá trị nổi bật toàn cầu với các kiểu sinh cảnh chủ yếu như: bãi bùn, bãi cát ngập triều, trảng cỏ, sậy, rừng ngập mặn cùng các cồn cát phi lao… Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch sinh thái, đồng quê và tắm biển.

Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng được công nhận ngày 2 tháng 12 năm 2004. Tổng diện tích của khu dự trữ sinh quyển này lớn hơn 105.558 ha, trong đó có 66.256 ha là đất liền ven biển và 39.302 ha mặt nước biển thuộc 25 xã của các huyện Kim Sơn (Ninh Bình); Nghĩa Hưng, Giao Thủy (Nam Định); Tiền Hải, Thái Thụy (Thái Bình). Vùng lõi có diện tích hơn 14.000 ha, vùng đệm gần 37.000 ha, vùng chuyển tiếp trên 54.000 ha, có số dân trên 128 000 người (2004).

Khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng gồm 3 phân vùng riêng biệt, thuộc các cửa sông Đáy, cửa Ba Lạt và cửa Thái Bình.

Vùng ven biển cửa sông Đáy nằm trên 7 xã thuộc huyện Kim Sơn và 6 xã thuộc huyện Nghĩa Hưng.
Vùng ven biển cửa Ba Lạt sông Hồng nằm trên 4 xã thuộc huyện Giao Thủy và 3 xã huyện Tiền Hải.
Vùng ven biển cửa sông Thái Bình nằm trên 5 xã thuộc huyện Thái Thụy.
Có 3 đô thị loại V thuộc khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng là thị trấn Bình Minh, thị trấn Rạng Đông và thị trấn Diêm Điền.


5.Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang
Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang là khu dự trữ sinh quyển thế giới thuộc vùng ven biển và vùng biển Kiên Giang. Tại kỳ họp thứ 19 từ ngày 23 đến 27/10/2006 tại Paris, UNESCO đã công nhận khu dự trữ sinh quyển này.

Với diện tích hơn 1,1 triệu ha, khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang là khu dự trữ sinh quyển lớn thứ 2 trong 8 khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam đã được UNESCO công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới, sau Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An. Khu DTSQ Kiên Giang chứa đựng sự phong phú, đa dạng và đặc sắc về cảnh quan và hệ sinh thái. Có thể thấy ở đây từ rừng tràm trên đất ngập nước, rừng trên núi đá – núi đá vôi đến hệ sinh thái biển mà trong đó tiêu biểu là thảm cỏ biển gắn liền với loài động vật quý hiếm là bò biển… Đây là khu dự trữ sinh quyển thứ năm của Việt Nam được UNESCO công nhận.

Khu DTSQ Kiên Giang trùm lên địa phận các huyện Phú Quốc, An Minh, Vĩnh Thuận, Kiên Lương và Kiên Hải. Khu DTSQ Kiên Giang có ba vùng lõi thuộc các Vườn quốc gia U Minh Thượng, VQG Phú Quốc và Rừng phòng hộ ven biển Kiên Lương – Kiên Hải.


6.Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An
Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được chính thức công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào tháng 9/2007 với trung tâm là Vườn quốc gia Pù Mát. Đây là Khu dự trữ sinh quyển thứ sáu của Việt Nam được UNESCO công nhận.

Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An là khu dự trữ sinh quyển có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á với tổng diện tích 1.303.285ha; là hành lang xanh nối kết 3 vùng lõi gồm: Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt tạo nên sự liên tục về môi trường sống và các sinh cảnh duy trì hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học thông qua việc giảm bớt khó khăn về chia cắt nơi sống do các hoạt động kinh tế của con người tạo ra.

Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An có diện tích 1.303.285ha, thuộc địa bàn 9 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tân Kỳ, Anh Sơn; trong đó Vườn quốc gia Pù Mát làm trung tâm đang lưu giữ nhiều nguồn gen quý về động, thực vật với đầy đủ đại diện của 4/5 lớp quần hệ (rừng thưa, rừng kín, cây bụi và cây thảo).


7.Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau
Tại kỳ họp thứ 21, Ủy ban Điều phối quốc tế chương trình con người và sinh quyển thế giới (MAB) trực thuộc Ủy ban UNESCO (diễn ra từ ngày 25 đến 29-5- 2009 tại Jeju, Hàn Quốc), đã chính thức đưa Cù Lao Chàm – Hội An (Quảng Nam) và Mũi Cà Mau (Cà Mau) vào danh sách khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây cũng là địa danh được công nhận là khu du lịch quốc gia

Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau có diện tích 371.506 ha với 3 vùng: Vùng lõi 17.329ha, vùng đệm 43.309ha và vùng chuyển tiếp 310.868ha. Tại vùng lõi được chia làm 3 vùng nhỏ là các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Hạ và dãy phòng hộ ven Biển Tây. Nơi đây có nhiều hệ sinh thái đặc trưng điển hình như: Hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rừng tràm trên đất ngập nước than bùn, hệ sinh thái biển… mỗi hệ sinh thái đều lưu giữ các nguồn tài nguyên sinh vật, tài nguyên địa chất phong phú có giá trị bảo tồn cao.

Vùng Mũi Cà Mau có 4 đặc trưng sinh thái chính: Hệ thống diễn thế nguyên sinh trên đất bãi bồi; hệ thống chuyển tiếp các hệ sinh thái đặc trưng từ rừng ngập mặn sang rừng tràm ngập nước ngọt theo mùa; là vùng bãi đẻ và nuôi dưỡng con non các loài thuỷ hải sản cho cả vùng biển rộng lớn.


8.Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm
15°57′2″B 108°30′44″Đ Cù lao Chàm là một cụm đảo, về mặt hành chính trực thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nằm cách bờ biển Cửa Đại 18 km và đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cù lao Chàm bao gồm 8 đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông. Dân số trên các hòn đảo này gồm khoảng 3.000 người.

Cù lao Chàm là một di tích văn hoá lịch sử gắn với sự hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An. Bản đồ Tây-phương xưa thường ghi Cù lao Chàm với tên “Champello” lấy từ tiếng Nam-Ấn (Autronesian) “Pulau Champa”. Cù lao Chàm còn có các tên gọi khác như Puliciam, Chiêm Bất Lao, Tiên Bích La.] Tại đây còn nhiều di tích thuộc các nền văn hoá Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt, với các công trình kiến trúc cổ của người Chăm và người Việt có niên đại vài trăm năm.

Đây còn là một địa điểm du lịch có khí hậu quanh năm mát mẻ, hệ động thực vật phong phú, đặc biệt là nguồn hải sản và nguồn tài nguyên yến sào. Các rặng san hô ở khu vực biển cù lao Chàm cũng được các nhà khoa học đánh giá cao và đưa vào danh sách bảo vệ.

Tháng 10 năm 2003, Khu Bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm được thành lập để giữ gìn sinh vật hoang dã trên đảo, là một trong 15 Khu Bảo tồn biển của Việt Nam vào thời điểm 2007.

Ngày 29.5.2009, với hệ động thực vật phong phú và những di tích lịch sử hàng trăm năm trước, Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới trong phiên họp thứ 21 của Ủy ban Điều phối quốc tế chương trình con người và sinh quyển diễn ra tại đảo Jeju (Hàn Quốc).


9.Khu dự trữ sinh quyển Langbian
Khu dự trữ sinh quyển Langbiang là Khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9 của Việt Nam được công nhận tại Kỳ họp lần thứ 27 ngày 9/6/2015 của Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển thuộc UNESCO. Đây là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại miền đất Tây Nguyên được UNESCO công nhận, đưa tổng số Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam lên con số 9.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang có diện tích 275.439 ha, nằm ở phía bắc tỉnh Lâm Đồng, thuộc khu vực nam Tây Nguyên, Việt Nam và được đặt tên theo ngọn núi Langbiang, nơi có câu chuyện tình lãng mạn giữa chàng Lang và nàng Biang của người K’Ho – cư dân thiểu số bản địa đã sinh sống ở đây bao đời nay.

Tổng diện tích: 275.439 ha, trong đó:

Vùng lõi 34.943 ha,
Vùng đệm: 72.232ha,
Vùng chuyển tiếp: 168.264 ha

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN