Cận thị không phải bệnh nguy hiểm nhưng nếu cứ mãi mắc phải những lầm tưởng sau thì không biết tương lai đôi mắt sẽ đi đâu về đâu! Điểm qua 7 sai lầm của người bị cận thị dưới đây nhé!
1. Đeo kính nhiều sẽ bị phụ thuộc vào kính, do vậy không nên đeo kính
Người bị cận thị mắt nhìn kém, cần đeo kính để tăng chức năng thị giác, tăng chất lượng cuộc sống. Không đeo kính sẽ làm chức năng thị giác kém phát triển, đặc biệt ở trẻ nhỏ dễ làm rối loạn phát triển thị giác hai mắt.
Những bạn học sinh thường phải học tập trong môi trường không đủ sáng, nếu không đeo kính thường xuyên cũng sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến thị lực.
2. Khám mắt, chọn kính qua loa
Với những người cận thị, chiếc kính được coi như vật “bất li thân”. Chính vì thế việc chọn mua một chiếc kính vừa đảm bỏ chất lượng vừa phù hợp với độ cận của mắt là điều cực kì quan trọng. Bạn đừng bao giờ khám mắt qua loa ở một hiệu kính không có đủ chuyên môn hay tiết kiệm 200.000-300.000 đồng để mua kính không rõ nguồn gốc chất lượng.
3. Tạo áp lực liên tục lên đôi mắt
Trẻ em là lứa tuổi dễ bị tăng độ cận nhất. Bởi mắt thường chịu tác động của các hoạt động nhìn gần và cấu trúc nhãn cầu còn nhiều thay đổi theo môi trường sống. Vì vậy, thay vì gắn liền với máy tính, điện thoại, cha mẹ dành thời gian cho con tham gia các hoạt động ngoài trời hay chơi thể thao để giúp mắt bớt các hoạt động căng thẳng.
4. Lười tập thể dục cho mắt
Những bài tập thể dục cho mắt chỉ kéo dài trong 3-5 phút nhưng giúp mắt bạn được nghỉ ngơi, cải thiện sự tập trung. Về lâu dài, đôi mắt của bạn còn có thể trở nên tinh tường hơn. Nhưng thực tế thì rất ít người đánh giá đúng vai trò của việc này với hoạt động của đôi mắt.
5. Không đeo hoặc chỉ đeo kính khi học/làm việc
Một số bạn vì ngại xấu hoặc cho rằng đeo kính nhiều dễ bị phụ thuôc vào kính làm cho mắt kém hơn nên hạn chế việc đeo kính tối đa, chỉ đeo khi học hoặc cần làm việc với máy tính. Trên thực tế, kính là dụng cụ hỗ trợ cho mắt, không có nó, mắt phải cố điều tiết để nhìn rõ khiến trục nhãn cầu càng dài thêm, làm tăng độ cận. Chưa kể đến việc đeo kính thấp số hơn độ cận cũng dễ làm thị giác ngày một yếu đi.
6. Tin rằng châm cứu hay uống thuốc bổ có thể chữa dứt điểm cận thị
Các phương pháp này không thể làm trục nhãn cầu co ngắn lại nên không thể chữa cận thị. Việc bạn áp dụng các phương pháp châm cứu, bấm huyệt hoặc uống thuốc bổ rồi thấy mắt nhìn tốt hơn chỉ là do chúng giúp tăng thể trạng cơ thể, từ đó tăng sức khỏe của mắt, cải thiện tình trạng mệt mỏi và điều tiết kém. Nếu không phẫu thuật thì hãy tin tưởng kính mắt bởi đây là công cụ chữa bệnh và khắc phục an toàn, hiệu quả nhất.
7. Quá phụ thuộc vào kính
Có lẽ bạn đang cảm thấy hơi kì cục vì top này lại khá mâu thuẫn với top 4, tuy nhiên đối với những người có độ cận dưới 1.5 thì không nên đeo kính quá thường xuyên và họ chỉ nên dùng kính khi học tập, làm việc, nhìn xa,… đặc biệt là họ nên dành thời gian luyện tập mắt mỗi ngày. Đối với những người cận dưới 0.75 độ, họ cần lập kế hoạch luyện tập và nghỉ ngơi nhằm điều chỉnh mắt vì mắt trong giai đoạn này có thể được phục hồi. Dù thế nào đi nữa, bạn cũng nên kiểm tra định kì 6 tháng/lần nhé.