Nếu bạn muốn thay đổi cuộc sống của mình, bạn sẽ phải làm những điều khác biệt. Tuy nhiên, đôi khi chỉ vài cuốn sách truyền cảm hứng cũng có thể thay đổi hoàn toàn cái nhìn của bạn và khiến cuộc sống của bạn bước sang trang mới. Dưới đây là 6 tựa sách hay về kinh tế học được nhiều người mua nhất hiện nay
1 Kinh Tế Học Cá Mập – Cách Tấn Công Các Công Ty Dẫn Đầu Thị Trường
Làm sao để tấn công kẻ đang thống lĩnh thị trường và làm sao để tồn tại, chống lại các cuộc tấn công? Được gợi cảm hứng từ cá mập trắng, những sinh vật hung bạo nhất và mạnh mẽ nhất của đại dương, tác giả đã áp dụng những chiến thuật săn mồi cũng như tránh bị săn của cá mập vào lĩnh vực kinh tế. Bạn đọc có thể học được từ vô vàn những câu chuyện hấp dẫn và sống động của các tập đoàn lớn nhất trên thế giới, cùng lúc với những chiến thuật và tập quán của loài cá mập trắng. Một quyển sách bạo liệt và không khoan nhượng, dành cho một thương trường ác liệt và đầy cạnh tranh.
2 Kinh Tế Học Hài Hước
“Siêu Kinh Tế Học Hài Hước”: – cuốn sách bán chạy nhất theo bình chọn của New York Times – với hơn 4 triệu bản được dịch ra 35 thứ tiếng, thực sự là cuộc cách mạng trong tư duy khiến bất cứ ai từng đọc qua cũng phải thay đổi cách nhìn nhận về thế giới xung quanh.
Giờ đây, Steven D. Levitt và Stephen J. Dubner cùng cuốn Siêu kinh tế học hài hước sẽ lại một lần nữa mở ra cho những độc giả quen thuộc cũng như lần đầu biết đến họ một cái nhìn mới sâu sắc hơn, dí dỏm hơn và cũng đầy ngạc nhiên hơn.
Siêu kinh tế học hài hước – BÙNG NỔ với những câu hỏi đáng suy ngẫm song không kém phần thú vị:
– Tại sao một cô gái đứng đường lại giống ông già Noel trong cửa hàng bách hóa?
– Làm thế nào để tóm dính một phần tử khủng bố?
– Giông bão, trụy tim và tai nạn giao thông giống nhau ở điểm gì?
– Lòng vị tha và sự vô cảm – thứ nào dễ kiểm soát hơn?
– Có thể cứu thế giới bằng việc ăn thịt một con kangaroo không?
Bằng những suy luận dí dỏm kết hợp với khả năng kể chuyện tài tình, Levitt và Dubner đã lần lượt giải đáp những khúc mắc cho các vấn đề như: sự nóng lên toàn cầu; vì sao mại dâm ngày nay lại rớt giá thê thảm hay tìm hiểu xem mọi người phản ứng ra sao khi bị kích động. Thế giới thông qua nhãn quan của các tác giả đầy hiện thực – có tốt, xấu, kỳ dị, và hơn hết là “siêu hài hước”.
3 Kinh Tế Học Cấm Đoán
Từ xưa đến nay, rượu và ma túy vẫn là những chất gây nghiện bị cấm đoán ở mọi nơi trên thế giới bởi những hệ lụy mà nó gây ra. Không chỉ tàn phá cơ thể con người, những chất cấm này còn là tác nhân gây ra vấn nạn buôn lậu, tham nhũng và những tác động gián tiếp đến thế hệ mai sau. Vậy, đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao những hành động cấm đoán mạnh tay của chính phủ các nước trên thế giới vẫn không thể tiêu diệt được hoàn toàn các loại chất cấm này? Đầu thế kỉ XX, Mĩ đã từng ra Luật cấm rượu, có Liên minh bài trừ quán rượu và thậm chí là Đảng cấm rượu, thế nhưng những hành động mạnh mẽ đó lại chỉ tạo ra những tác dụng ngược. Thống kê cho thấy số lượng người phạm tội có liên quan đến rượu ngày càng tăng, tỉ lệ tham nhũng và buôn lậu cũng tăng cao chóng mặt. Chính những điều này đã khiến chính phủ Mĩ phải xem xét lại và hủy bỏ luật cấm kia. Vậy phải chăng chúng ta nên thay vì cấm đoán, hãy mở ra một lối đi khác để giảm bớt những hậu quả mà các quy định cấm đoán gây ra?
“Về mặt lí thuyết, cấm đoán làm gia tăng tội phạm từ cả phía “cung” lẫn phía “cầu”. Về mặt thống kê, chúng ta cũng nghĩ rằng tội phạm tăng vì có thêm những “tội ác” do cấm đoán gây ra và các tội ác kèm theo của nền kinh tế ngầm, ví dụ như những tội ác liên quan tới việc xác định khu vực của thị trường và thực hiện các hợp đồng. Các công trình nghiên cứu thực nghiệm về nguyên nhân của tội ác và thay đổi về mức độ phạm tội là công việc cực kì khó khăn và thiếu chính xác. Một cái nhìn tổng quan về các xu hướng của tội ác trong lịch sử cho ta cơ hội đánh giá những lí thuyết khác nhau về tội ác và mối quan hệ bị bỏ qua giữa tội ác và cấm đoán. Theo cách tiếp cận kinh tế học (quá trình thị trường) đối với tội ác thì phát triển kinh tế sẽ dẫn đến ít hoạt động tội phạm hơn, còn cấm đoán sẽ tạo ra nhiều tội ác hơn (bên cạnh những hành vi vi phạm cấm đoán). Sự gia tăng tội ác được đoán trước do cấm đoán gây ra là hàm số của cả mức độ thực thi luật pháp và nhu cầu căn bản về các sản phẩm bị cấm đoán.”
Cuốn sách này sẽ nói với bạn rằng về cơ bản rằng những cấm đoán, ngăn cản trong xã hội mà bạn vẫn cho là thật hợp lý về đạo đức, được luật pháp hay các phương tiện gần như luật pháp bảo hộ, hầu hết chúng đều không có tác dụng, nếu không muốn nói là phản tác dụng. Tức là chúng thường tạo thêm những điều tồi tệ hơn cho nhiều thành phần trong xã hội, hoặc làm phát sinh thêm những vấn nạn mới như tội ác khốc liệt hơn, dung dưỡng tham nhũng, đặc quyền và hình thành thêm các băng đảng.
Kinh tế học cấm đoán là một cuốn sách rất đặc biệt mà bạn phải đọc một cách cẩn trọng, đa chiều, cởi mở, và qua đó, hãy nhìn nhận các vấn đề dưới con mắt của một trí tuệ tự do – điều mà những người trong ngành kinh tế luôn tự nhủ phải giữ gìn. Có như vậy, bạn mới có thể tránh khỏi “chấn thương” khi tiếp nhận những thông tin thú vị mà cuốn sách đưa ra.
4 Kinh Tế Học Dành Cho Doanh Nhân
Kinh tế học là kiến thức không thể thiếu đối với các doanh nhân vì nó bàn đến những vấn đề mà họ phải đối mặt hàng ngày: sản xuất cái gì, bằng cách nào, với chi phí bao nhiêu, làm sao để tận dụng tốt nhất nguồn lực (thời gian, vốn, lao động) và mang đến giá trị gì cho thị trường. Vậy thì tại sao các doanh nhân lại cho rằng lý thuyết kinh tế chỉ bóng bẩy mà không thực tiễn? Có lẽ lý do là phần lớn sách kinh tế thường bí ẩn, khó hiểu và không được viết từ góc nhìn của một nhà quản lý kinh doanh.
Trong “Kinh tế học dành cho doanh nhân, Giáo sư Sholomo Maital sẽ nói về kinh tế học một cách vô cùng giản dị. Ông cho rằng mọi quyết định chỉ xoay quanh hai câu hỏi: Nó đáng giá bao nhiêu? và Tôi phải từ bỏ gì để có nó? Nhưng để trả lời được, chúng ta sẽ phải tìm ra và duy trì thế cân bằng của “tam giác lợi nhuận”, chi phí, giá cả và giá trị.
Đây là cuốn sách “Phải Học” đối với mọi nhà điều hành, những người cần bộ công cụ ra quyết định đơn giản, hiệu quả, đem lại cho họ lợi thế trong nền kinh tế toàn cầu đầy cạnh tranh ngày nay.
5 Bán Khống – Thảm Họa Kinh Tế Đậm Chất Tài Chính Nhất Trong Lịch Sử Phố Wall
Khi tin tức về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ lan ra vào cuối năm 2008, nó đã không còn là tin mới. Sự khủng hoảng thực sự đã diễn ra thầm lặng từ năm trước đó trong các thị trường ngách, nơi mặt trời không chiếu đến, nơi Ủy ban Chứng khoán & Hối đoái Mỹ không dám, hay không buồn rờ tới. Đó là các thị trường phát sinh từ bất động sản, trái phiếu, nơi các gã lập dị chế ra những loại cổ phiếu bền vững, kiếm lời từ sự khốn khổ của các tầng lớp dưới và trung bình của Mỹ, những người không trả nổi những khoản nợ của họ. Những kẻ đủ thông minh để hiểu chuyện gì đang xảy ra thì tê liệt trong hy vọng hoặc nỗi sợ hãi, và dù là trường hợp nào thì họ cũng đã không nói ra sự thật.
Câu hỏi mấu chốt đặt ra là: Những kẻ nào đã biết được sự rủi ro tồn tại trong ảo tưởng về mức tăng không ngừng của giá bất động sản, những rủi ro tăng lên từng ngày bởi sự hình thành các trái phiếu nhân tạo với cơ sở lỏng lẻo là các tài sản thế chấp đáng ngờ? Những kẻ nào đã nhìn thấy trước hố đen này, và kiếm được hàng tỉ đô từ hiểu biết đó? Những phẩm chất nào khiến số ít này khăng khăng giữ lập trường, trong khi đồng nghiệp và bạn bè cười nhạo họ là những gã nhát cáy?
Từ một nhúm những gã chẳng lấy gì làm anh hùng cho lắm ấy, Michael Lewis, tác giả cuốn sách từng đứng đầu trong danh sách New York Times Best-sellers – Trò bịp trên phố Wall, đã viết nên một câu chuyện hấp dẫn và khác thường, chẳng kém gì những tác phẩm trước đây của ông, một lần nữa chứng minh rằng mình là phóng viên thời sự tài năng và hài hước hàng đầu hiện nay.
6 Các Cuộc Chiến Tranh Tiền Tệ
Cuộc chiến tranh tiền tệ được định nghĩa là cuộc chiến do một quốc gia khởi xướng bằng cách hạ thấp giá trị đồng tiền của chính quốc gia đó. Hành động này tạo ra những kết cục tàn phá và đáng sợ nhất với hệ thống kinh tế thế giới. Hệ lụy kinh tế đi kèm với chiến tranh tiền tệ là tăng trưởng đình trệ, lạm phát, các biện pháp khắc khổ và hoảng loạn tài chính.Kinh tế thế giới đã chứng kiến cuộc chiến tiện tệ trong giai đoạn 1921-1936 và 1967-1987. Và theo tác giả, thế giới đang đứng trước một cuộc chiến tranh tiền tệ mới khởi đầu từ năm 2010, chưa có thời điểm kết thúc cụ thể.
Trong quyển sách này, tác giả cung cấp sơ lược nhưng đầy đủ về hai cuộc chiến tranh tiền tệ trong lịch sử, cùng với lý thuyết hữu ích về tài chính và tiền tệ, từ đó tác giả liên hệ với tình hình hiện tại của sự giằng co giữa các đồng tiền mạnh trên thế giới. Mặc dù hệ quả của cuộc chiến tranh tiền tệ mới chưa chắc chắn, nhưng theo tác giả sẽ có những kịch bản xấu nhất thì hầu như không tránh khỏi nếu Mỹ và các nhà lãnh đạo trên thế giới không chịu học sai lầm từ những người đi trước.Tác giả đã khéo léo lồng ghép những sự kiện, từ quá khứ đến hiện tại, từ lý thuyết đến thực tiễn, khiến cho quyển sách là tài liệu thú vị và nhiều thông tin cho những người quan tâm đến lĩnh vực vô cùng quan trọng này. Điểm khác của quyển sách này với quyển Chiến tranh tiền tệ đã từng xuất bản ở Việt Nam do tác giả người Trung Quốc viết là cuốn sách này tập trung nhiều vào những sự kiện và phân tích tình hình hiện đại của thế giới tài chính.