Top 6 làng nghề truyền thống nổi tiếng ở thủ đô Bắc Giang

0
3110
Vật Phẩm Phong Thủy

Là một tình thành hiện năm ở phía bắc nước ta, Bắc Giang được biết đến với nhiều làng nghệ truyền thống vô cùng nổi tiếng . Chúng ta cùng đi tìm hiểu nhé .

1.Bánh đa nem Thổ Hà.
Làng Thổ Hà có một đặc trưng rất khác biệt với bao làng quê khác, bao đời nay họ sinh sống chủ yếu bằng nghề thủ công. Nhiều thế kỷ trước, Thổ Hà nổi tiếng cả nước với sản phẩm gốm. Trải bao thăng trầm, cuối thế kỷ XX nghề gốm phai nhạt. Với bản chất cần cù, sáng tạo, không cam chịu người dân nơi đây tiếp tục tìm hướng đi mới cho mình. Họ bươn trải khắp chốn, cùng quê học hỏi và đem về làng đủ thứ nghề: làm mì gạo, làm bánh kẹo, nấu rượu, buôn bán nhỏ, thế nhưng không hiểu sao cái nghề làm bánh đa nem lại có duyên với làng, với con người nơi đây đến thế. Ban đầu bánh làm ra chỉ cung ứng trong làng, trong xã, rồi tiếng đồn vang xa, nhiều người biết đến sản phẩm này của Thổ Hà. Hàng ngày lái buôn về làng cất hàng đi bán từ Bắc Ninh, Hà Nội, Lạng Sơn,… và rồi nó trở thành cái nghề, cái nghiệp gắn bó tự nhiên, máu thịt với người Thổ Hà lúc nào không hay.

Làng Thổ Hà hiện có khoảng 800 hộ với gần 3.600 nhân khẩu, trong đó hơn 400 hộ làm bánh đa nem. Trong điều kiện nhân lực và thời tiết tốt nhất, hàng ngày khoảng gần 4,7 triệu chiếc bánh đa nem được xuất bán ra thị trường. Dù kinh tế có suy thoái nhưng công việc sản xuất kinh doanh của làng vẫn vững vàng bởi sản phẩm bánh đa nem gần như thiết yếu. Nhờ biết áp dụng công nghệ vào sản xuất, nên công việc tráng bánh đa nem đã nhàn hơn trước rất nhiều, người dân đã sử dụng máy tráng bánh thay vì tráng thủ công trước đây, năng suất cao mà sản phẩm lại đẹp hơn. Với mức giá cả hiện nay, mỗi lao động chính có thu nhập trung bình hàng tháng khoảng 7-8 triệu đồng.

Ngoài ra, người Thổ Hà cũng rất thức thời với những nghề mới. Bắc Giang xưa nay vốn nổi tiếng với bánh đa Kế. Bánh giòn, thơm, bùi và hơi có chút vị ngọt. Người làng Thổ Hà những năm gần đây cũng đã bắt đầu học làm bánh đa và cho đến giờ, thương hiệu bánh đa Thổ Hà cũng đang nổi lên trên thị trường.

Nếu có cơ hội qua Bắc Giang, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội mua làm quà cho bạn bè, người thân sản phẩm đặc trưng của người làng Thổ Hà, chắc chắn sản phẩm làng nghề sẽ để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng quý khách./.


2.Nghề thêu ren Bắc Giang.
Các sản phẩm thêu ren được kết tinh từ sự khéo léo của nghệ nhân, sự tỉ mỉ và công phu của người thợ, bàn tay tài hoa của người hoạ sỹ, chứa đựng trong nó những giá trị về lối sống, văn hoá của ngàn xưa truyền lại.

Thời gian qua, mặc dù trên thị trường có nhiều sản phẩm thêu ren bằng công nghệ máy móc hiện đại nhưng sản phẩm thêu ren thủ công bởi bàn tay tài hoa của nghệ nhân vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng. Các sản phẩm thêu ren của Bắc Giang đều được thêu tay bằng chỉ thô, trên chất liệu vải thô, silk, lụa Phước Thịnh không màu, không phai. Những sản phẩm đặc trưng nổi của các làng nghề thêu ren Bắc Giang hầu hết tập trung theo các chủ đề: Tranh thêu phong cảnh, chân dung, tứ quý, tứ đại mỹ nhân, bát mã… áo Kimônô thêu rồng, công, hạc, khăn thêu hoa, khăn trải bàn thêu,…

Trong số các làng nghề, hợp tác xã thêu ren của Bắc Giang, tiêu biểu có Hợp tác xã thêu ren Hoàng Lan, thôn Chùa, xã Xương Giang, thành phố Bắc Giang do chị Nguyễn Thị Làn làm Chủ nhiệm. Sinh ra và lớn lên ở làng quê vốn nổi tiếng về nghề thêu, từ nhỏ chị đã được tiếp xúc với khung thêu, kim chỉ. Mười tuổi, chị biết thêu thành thạo, 21 tuổi, chị đã là một thợ thêu có tiếng trong thôn. Trong cơ chế thị trường, nhiều làng nghề đứng trước nguy cơ bị mai một, nghề thêu ren cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Là người con nặng lòng với nghề truyền thống của cha ông để lại, chị Làn cùng một số người bạn quyết tâm vực dậy sức sống cho làng nghề. Bằng hướng đi đúng, qua việc chọn sản phẩm tranh thêu là chủ yếu, Hợp tác xã Hoàng Lan từng bước khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, không chỉ giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương, trẻ khuyết tật mà còn thiết thực giữ được nghề truyền thống do cha ông để lại.

Hiện nay các sản phẩm thêu ren của các nghệ nhân Bắc Giang nói chung và của Hợp tác xã Hoàng Lan nói riêng được thị trường Nhật Bản, EU, Mỹ rất ưa chuộng, đây là một thị trường đầy tiềm năng, đảm bảo cho các làng nghề phát triển ổn định và bền vững./.


3.Làng nghề mây tre đan Tăng Tiến.
Về xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, khi hỏi bất cứ một cụ già nào rằng: “nghề mây tre đan có tự bao giờ?”, thì cũng đều nhận được một câu trả lời: “Từ xa xưa, cha ông truyền lại, chẳng ai còn nhớ nổi nữa”. Những đứa trẻ trong xã, khi bắt đầu biết chạy nhảy, nô đùa cũng là lúc chúng học đan lát. Cứ thế, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, nghề mây tre đan như ăn vào máu thịt, vào khả năng bẩm sinh của mỗi người dân nơi đây.

Làng nghề mây tre đan Tăng Tiến thuộc thôn Phúc Tằng nằm kề bên Quốc lộ 1A, cách thành phố Bắc Giang 7km về hướng Tây, tiếp giáp với tỉnh Bắc Ninh. Mảnh đất Việt Yên văn hiến của Bắc Giang, không chỉ có ngôi danh lam cổ tự Bổ Đà là trung tâm phật giáo lớn đất Bắc Giang mà còn là nơi khai sinh ra nghề đan lát truyền thống. Từ bao đời nay, người dân Tăng Tiến vẫn say mê với nghề đan lát. Đến với Tăng Tiến, thấy nhà nhà, ai ai cũng làm nghề, tay mành, tay nan lướt nhanh tạo ra những chiếc rá, chiếc rổ, chiếc mành… mới thấy hết được nghệ thuật đan lát, bàn tay khéo léo của người dân nơi đây.

Đã từ lâu làng quê yên bình là điểm đến của nhiều thương lái cùng những du khách nước ngoài có sự quan tâm, yêu thích cây tre, cây mây cùng những sản phẩm làm ra từ mây tre, hình ảnh biểu trưng của người Việt. Chính vì thế mà sản phẩm mây tre đan nơi đây được bạn bè, du khách trong và ngoài nước biết và tìm đến tham quan, hợp tác, mua bán. Không chỉ có nghề truyền thống lâu đời, mặt hàng đẹp mà mẫu mã, kiểu dáng, sản phẩm ngày càng đa dạng đã chắp cánh cho mây tre đến được tay những người yêu thích sản phẩm mây tre.

Với bí quyết làng nghề cùng sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại ngày nay, trong khâu nhuộm mành, nan tre, các nghệ nhân làng nghề đã tạo ra những sản phẩm có màu sắc phong phú, đồng thời bảo quản cho nan không bị mối mọt, giữ sản phẩm được lâu hơn, bền đẹp cùng thời gian. Những sản phẩm mây tre có tính đặc trưng của làng nghề như: mành trải bàn ăn, đệm, gối, túi sách, mành tre cửa, ấm tích, bàn ghế… xuất khẩu ra nước ngoài được bạn hàng ưa chuộng, đặc biệt là thị trường Nga, EU, Mỹ.

Để làm nên một sản phẩm mây tre Tăng Tiến đối với người thợ đó là một qúa trình sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi nhiều công phu, tỉ mỉ, qua nhiều công đoạn. Những cây tre đem về phải mang cắt thành những đoạn nhỏ rồi đến tay người thợ. Họ mang chẻ ra thành những chiếc nan nhỏ như những chiếc tăm nhưng có độ dài 30 đến 40 cm, đặc biệt có khi họ chẻ thủ công bằng tay. Thế nhưng, họ chẻ rất nhanh, điêu luyện và những chiếc tăm đều tăm tắp. Sau đó, từng bó tăm được đem phơi khô. Một khâu đặc biệt quan trọng là nhuộm tăm, để tạo màu, độ bền cho mành tăm, chống mối mọt, đặc trưng của Tăng Tiến. Để tạo ra những sản phẩm bền đẹp, người thợ đem dệt từng chiếc tăm nhỏ thành mành, với những màu chỉ khác nhau kết hợp với màu của tăm mà tạo nên những sản phẩm đa màu sắc, mẫu mã, vừa đẹp mà vừa bền.

Một làng nghề nổi tiếng, có lịch sử lâu đời nay hương nghề đã bay xa, sản phẩm có mặt gần như khắp thế giới, hiện đang thu hút được nhiều du khách yêu mến và muốn khám phá đến với đất Bắc Giang. Mô hình sản xuất phát triển nghề truyền thống ở xã Tăng Tiến trở thành gương điển hình tiên tiến cho các làng nghề khác cùng tham khảo, học tập. Hiện nay, cả nước có nhiều làng nghề dường như đang mất dần “chỗ đứng”, làng nghề mây tre đan Tăng Tiến vẫn đứng vững trước cơ chế thị trường, đây là minh chứng cho sức sống trường tồn của các làng nghề nếu biết xây dựng cho mình một chiến lược phát triển và hướng đi đúng.


4.Làng nghề trồng dâu, nuôi tằm Mai Thượng.
Làng Mai Thượng, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hoà là một làng cổ. Trong làng, hộ nào không ươm tơ thì cũng trồng dâu, nuôi tằm. Lợi ích kinh tế của nghề này đã được dân gian tổng kết bằng câu: “nuôi lợn cả năm không bằng nuôi tằm một lứa”, bởi nó mang lại 70% thu nhập cho người dân.

Nghề trồng dâu, nuôi tằm đòi hỏi sự chăm chút chu đáo của người nuôi, như người trong thời kỳ “con mọn” nên chỉ gia đình nào thường xuyên có lao động ở nhà mới làm được nghề này. Trong đó, nuôi tằm là khâu quan trọng nhất, quyết định năng suất, chất lượng sản phẩm tơ, kén, hiệu quả kinh tế của nghề trồng dâu nuôi tằm. Nó đòi hỏi thời gian nghiêm ngặt, quy trình chặt chẽ, lao động nhẹ nhàng và có kỹ thuật cao. Bởi khi tằm trải qua các giai đoạn trưởng thành với 4 thời kỳ ngủ, tằm bắt đầu ăn rỗi. Kinh nghiệm của người nuôi tằm cho rằng, để tằm nhả tơ, đóng kén đều thì thường phải đảm bảo 2h cho tằm ăn một lần sau khi đã hết các thời kỳ ngủ. Một khâu không kém phần quan trọng đó là khi tằm chín vàng, được bắt lên né đóng kén phải thật nhanh tay để tằm tránh khỏi cay mắt. Ở Mai Thượng, người nuôi tằm luôn đoàn kết, hỗ trợ nhau và được thể hiện rõ nét ở việc chỉ cần gọi một câu là hàng xóm, láng giềng đến bắt né giúp như một sự thỏa thuận bằng miệng, nhà nào cần giúp là giúp ngay. Ngoài ra, khâu cuối cùng để có sản phẩm đạt chất lượng là khi tằm đang đóng kén, người nuôi phải “hong nắng” và “sưng sấy” sao cho kén khô, thơm và khi ươm kén không bị tan, cho sợi tơ vàng óng, thuận lợi cho người ươm tơ. Trồng dâu – nuôi tằm – ươm tơ là sự gắn kết hài hòa, không thể tách rời, tằm vàng chỉ ăn lá dâu và chỉ con tằm ấy mới nhả sợi tơ vàng óng, mềm mại, mát rượi. Điều này, người dân làng Mai Thượng biết rõ hơn ai hết nên đã rất chú trọng đến khâu trồng dâu. Lá dâu phải sạch, không được trồng gần ruộng trồng thuốc lào, ớt hay cây trồng khác mà có hơi mùi thuốc sâu là coi như lá dâu ấy không đảm bảo chất lượng.

Ở Hiệp Hòa, ngoài xã Mai Đình, nghề nuôi tằm ươm tơ còn phát triển ở xã Hợp Thịnh từ lâu đời. Hiện Hợp Thịnh có hơn 1.400 hộ trồng dâu nuôi tằm với khoảng trên 40 ha. Người dân nơi đây không thể nhớ rõ nghề “ăn cơm đứng” này có từ bao giờ. Từng trải qua những thăng trầm, có lúc tưởng chừng mai một, song họ vẫn kiên trì gìn giữ nghề truyền thống của cha ông để lại. Thôn Ninh Tào là nơi có diện tích trồng dâu lớn nhất xã. Hầu như nhà nào trong thôn cũng nuôi tằm, nhà nhiều hàng chục nong, nhà ít thì vài nong. Cùng với thôn Ninh Tào, một số thôn ven sông như Đa Hội, Đồng Đạo, Hương Ninh có bãi bồi bởi phù sa sông Cầu vẫn giữ nghề trồng dâu, nuôi tằm, không chỉ bởi vùng đất ở đây rất thích hợp với cây dâu và mà còn vì nghề này đã đem lại sự no ấm cho nhiều hộ dân ven dòng sông Cầu.

Dọc theo từ triền đê sông Cầu trên những bãi bồi phù sa, với những nương dâu xanh mướt, đến đường làng ngõ xóm với những nong kén vàng tươi đã làm nên sự trù phú cho mảnh đất, con người nơi đây. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, mặc dù có rất nhiều nguyên liệu và công nghệ để tạo nên những sản phẩm may mặc nhưng sản phẩm làm từ nguyên liệu tơ tằm vẫn là sản phẩm quý được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Với tiềm năng, thế mạnh của làng nghề, trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, nghề trồng dâu nuôi tằm đang đứng trước cơ hội về mở rộng hợp tác đầu tư sản xuất cho người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước; qua đó, tạo ra sản phẩm độc đáo từ tơ tằm và tăng giá trị cho ngành dệt may Việt Nam; đồng thời nâng cao vị thế làng nghề, tăng thu nhập cho người dân nơi đây, góp phần gìn giữ và phát triển làng nghề theo hướng bền vững./.


5.Làng nghề bánh đa Kế.
Người dân làng Kế làm bánh đa quanh năm, đặc biệt nhộn nhịp vào những lúc nông nhàn. Ban đầu nghề làm bánh đa chỉ là một nghề phụ của người dân, dần dần được chuyên nghiệp hoá trong nhiều gia đình. Họ đã có được lợi nhuận và niềm say mê từ món quà quê rất đỗi thân thuộc này. Bánh đa Kế có từ lâu đời, là một sản phẩm truyền thống chứa đựng sự công phu, khéo léo và tinh tế của người dân. Làm bánh theo kiểu của người Kế thoạt nhìn rất đơn giản, nhưng thực ra lại đòi hỏi sự công phu, khéo léo. Nguyên liệu chính để làm bánh đa Kế là gạo, phải chọn loại gạo ngon, để lâu ngày, khi ấy nhựa gạo chuyển hoá thành một dạng thức khác, nó cô đọng và hoà tan vào những hạt gạo trắng trong. Người ta vo gạo rất nhẹ nhàng, làm sao cho vừa sạch lại vừa bảo đảm những bụi cám vẫn còn dính trên hạt gạo ấy. Sau đó đem gạo ngâm nước, ngày xưa người ta thường ngâm vào những chậu bằng sành, gốm cho đến khi hạt gạo có vị chua và căng mọng lên đem vớt ra để cho ráo nước rồi cho vào xay. Ngày nay người ta xay gạo bằng máy, dễ dàng hơn trước kia rất nhiều, trước đây người dân xay gạo bằng cối đá rất vất vả và công phu. Phải xay gạo thật nhuyễn, hạt gạo hoà cùng những giọt nước trong trẻo tan ra thành bột mịn và trắng muốt. Cũng có khi người ta còn làm thành cơm rồi mới đem xay cùng với gạo, lúc đó cơm sẽ được dàn ra cho nguội, không được nát và cũng không quá cứng. Xay gạo cùng với cơm làm cho bánh đa có độ dẻo cần thiết.

Sau khi xay bột, người dân làng Kế tráng bánh, kiểu làm không khác tráng bánh cuốn là mấy, có điều tráng bánh đa phải dầy hơn, độ chín của bánh đa cũng cần phải kỹ càng hơn. Điều đặc biệt là ở bánh đa Kế, người ta tráng bánh hai lần. Lần đầu khi bánh chín rồi nhưng còn ướt, họ vẫn để bánh trên mặt miếng vải ấy, rồi lại tiếp tục đổ thêm một lượt bột lên trên đợi đến khi chín mới đưa ra. Bánh được tráng hai lần sẽ bảo đảm độ dầy dặn.

Khi bánh chín, người ta lấy bánh ra rất khéo léo để bánh không bị rách hoặc méo mó. Người làm bánh đa dùng một ống nứa dài và to đặt lên một đầu chiếc bánh rồi quấn lại một cách nhẹ nhàng khoảng nửa vòng rồi từ từ đặt miếng bánh xuống một chiếc phên và gỡ bánh ra.

Trước khi đem phơi bánh đa, người ta rắc một lượt vừng đen cùng lạc sống giã giập lên trên. Kỹ thuật rắc vừng, lạc cũng đòi hỏi sự chuyên nghiệp, khi rắc họ lấy tay nhúm lấy những hạt vừng rồi rắc đều lên trên mặt bánh đa, nhưng họ rắc tập trung dày đặc ở tâm chiếc bánh đa. Lại có gia đình cho lạc giã giập hoà cùng bột nước đem tráng lên khuôn.

Khi phơi bánh đa, người làng Kế đặt lên trên những tấm phên đan bằng nứa, phên phải phẳng phiu, kích thước không được nhỏ hơn bánh đa khi mang từ khuôn ra. Khi bánh se mặt và vẫn còn dẻo, phải kịp thời gỡ bánh cho khỏi dính vào phên tránh bị vỡ, hoặc thủng, rồi mới lật bánh sang mặt bên kia và phơi tiếp cho đến khô. Khi khô bánh được bảo quản rất cẩn thận. Ngày xưa người ta để bánh vào nơi thoáng mát, cao ráo để tránh ẩm, nay thường xếp bánh vào túi nilông buộc chặt.

Trước khi bánh đa Kế đến với người tiêu dùng còn phải thông qua khâu nướng bánh. Đây là công đoạn cuối cùng, phức tạp và đòi hỏi sự tinh tế, kinh nghiệm. Người ta đốt những viên than củi lên, khi những viên than đã bén lửa họ đặt những chiếc bánh đa lên trên chậu than hồng. Một tay cầm bánh đa, một tay cầm chiếc quạt nan. Người nướng phải quạt đều tay, liên tục, những chiếc bánh đa được lật đi lật lại thoăn thoắt, mùi hương thơm toả ra tạo một cảm giác dễ chịu. Thi thoảng họ dừng lại uốn những chiếc bánh cho khỏi bị vênh. Thường người nướng bánh là các bà, các chị với đôi bàn tay nhanh nhẹn, linh hoạt và hết sức kỹ thuật. Nướng bánh đa phải quan sát rất tập trung, phải biết đặt chỗ nào lên trên chậu than hồng ấy, chỗ nào được và chưa được. Quan trọng nhất là người nướng phải biết dừng lại lúc nào, tức là khi bánh đã được rồi thì đưa ra ngay nếu không rất dễ bị cháy. Chiếc bánh đa ngon phải mở phồng, vàng rộm được tô điểm thêm bởi những hạt vừng đen như những vật trang trí làm nổi bật hình thức chiếc bánh.

Khi thưởng thức, những chiếc bánh đa có vị bùi, ngọt, giòn và thơm lừng. Từng miếng bánh đa giòn tan trong miệng khiến ta có cảm giác như hương vị quê hương đang dạt dào theo tiết tấu âm thanh quen thuộc mà đáng quý biết nhường nào. Hương vị của miếng bánh đa Kế là hương vị của quê hương xứ sở, là công sức cha ông đã hun đúc và sẽ còn mãi với thời gian./.


6.Gốm Làng Ngòi.
Gốm làng Ngòi thuộc xã Tư Mại, huyện Yên Dũng. So với cả chục thương hiệu gốm cổ truyền Việt Nam thì gốm Làng Ngòi còn rất mới mẻ. Tuy nhiên Gốm làng Ngòi đã sớm khẳng định được thương hiệu bởi nét độc đáo, giản dị, chân chất, nhưng đậm đà bản sắc tạo nên phong cách riêng đã được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Gốm làng Ngòi luôn có hai mầu đặc trưng là men nước dưa và xương đất. Khác với Bát Tràng chỉ vẽ và trang trí bằng mầu, Phù Lãng chỉ vuốt và dội men, gốm làng Ngòi được trang trí bằng hoạ tiết hoa văn đắp nổi thể hiện sinh động trên chất liệu gốm nâu sành rất đặc trưng do chính tay họa sỹ tạo nên. Sản phẩm gốm xù xì mang đậm phong cách dân gian và nét văn hoá làng quê đặc sắc.

Nét riêng đầu tiên khắc ấn, ghi tên cho gốm Làng Ngòi có lẽ được bắt đầu từ nội dung của nó. Các sản phẩm đa dạng, phong phú đều mang đậm tâm hồn Việt. Đó là những bình, lọ hoa nghệ thuật, đèn vườn, gạch trang trí nội ngoại thất với hoạ tiết hoa văn như hoa sen, lá khoai, lá lúa, lá dáy, hoạ tiết thổ cẩm… Các hoa văn này đều là hoa văn đắp nổi. Dòng sản phẩm độc đáo thứ hai của Gốm làng Ngòi là gốm tượng dân gian, hiện nay đang rất được ưa chuộng với những tượng Chí Phèo, Thị Nở, Lão Hạc… Nhưng có lẽ, phần độc đáo và được ưa chuộng nhất, cũng là thế mạnh nổi bật của Gốm Làng Ngòi là tranh tường khổ lớn đắp nổi. Mảng tranh gốm ghép dựa trên nền một số dòng tranh nổi tiếng đang có nguy cơ thất truyền như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống và cả những nét văn hóa vùng miền trên cả nước.

Khoác trên mình chiếc áo văn hoá dân gian rất cổ truyền, nhưng gốm Làng Ngòi lại tạo ra cho mọi người cái lạ, cái ngộ nghĩnh. Người xem sản phẩm gốm làng Ngòi bị cuốn hút bởi nét mộc mạc, dân dã, gần gũi nhưng vô cùng độc đáo ở hoạ tiết trang trí.

Gốm làng Ngòi là sự kết tinh bởi sự đam mê nghệ thuật, sự cần mẫn cùng tình yêu quê hương, đất nước, yêu nền văn hoá dân gian cùng đôi bàn tay tài hoa sáng tạo. Tất cả tạo nên gốm Làng Ngòi một phong cách riêng, độc đáo không bị hòa lẫn.

Đến nay, gốm làng Ngòi không chỉ được “biết đến” mà đã trở thành 1 thương hiệu gốm uy tín, ghi danh vào làng Gốm Việt, thương hiệu Gốm làng Ngòi không chỉ thị trường trong nước biết đến mà còn chiếm được sự mến mộ của bè bạn quốc tế. Sản phẩm Gốm Làng Ngòi được trưng bày tại hàng trăm cuộc hội chợ triển lãm, đặc biệt Gốm Làng Ngòi đã xuất hiện tại triễn lãm “Hình ảnh APEC và Di sản văn hóa Việt Nam” (2007), được Hiệp hội làng nghề Việt Nam công nhận là “Sản phẩm tinh hoa làng nghề”. Sản phẩm gốm làng Ngòi đã xuất hiện tại nhiều công trình ở khắp mọi miền đất nước cùng nhiều mẻ hàng xuất sang Nhật Bản, Ấn Độ, Ai Cập, Châu Âu… ./.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN