Top 4 lễ hội truyền thống lớn và nổi tiếng nhất ở Trà Vinh

0
1713
Vật Phẩm Phong Thủy

Mỗi vùng đất trên nước ta đều có những bản sắc riêng với những lễ hội đặc sản vùng miền khác nhau . Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem những lễ hội truyền thống đặc sắc ở Trà Vinh nhé.

1.Lễ Vu lan thắng hội
Lễ Vu lan thắng hội, lễ cúng cô hồn là nét văn hóa tâm linh từ mấy trăm năm kể từ khi người Triều Châu đến Trà Vinh sinh cơ lập nghiệp, đã được công nhận là lễ hội cấp tỉnh và hằng năm diễn vào ngày 27 và 28 tháng 7 Âm lịch.
Trong những ngày này, nhiều nghi lễ được tiến hành trang trọng, độc đáo như: Lễ rước Phật, thần ở các đình, chùa vùng phụ cận về Vạn Niên Phong Cung; Thỉnh kinh – diễn lại câu chuyện thỉnh kinh của thầy trò Đường Tam Tạng; Lễ khai kinh; Đăng đàn thí thực; Cầu quốc thái dân an…. Mục đích của lễ hội là báo hiếu, cầu an – cầu phúc. Đây là lễ hội của cộng đồng các dân tộc Việt, Hoa, Khmer, nó phản ánh đậm nét sự hỗn dung tín ngưỡng. Hàng năm lễ hội đã thu hút hàng chục ngàn người tham dự.
Trong lễ, các ông Bổn bận quần áo đỏ, quấn khăn đỏ cầm gươm bén xuất hiện trong chánh điện chùa Ông Bổn (tên chữ là Vạn Niên Phong Cung, tọa lạc tại thi trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè), trong chừng hai ba giờ từ lúc 10 giờ sang ngày 27. Cũng diễn ra cảnh “đánh trái chông”, “rạch lưỡi” như vậy vào ngày 28 trong sân chùa lộ thiên, nhưng bắt đầu từ lúc nào là do ông Bổn quyết định để tránh mưa.
Hòa cùng tiếng trống, tiêng thanh la, não bạc, chập chã , kèn lá liễu… của dàn nhạc “Tùa lầu cấu” (Đại la cổ: dàn nhạc của người Triều Châu) có nhiều thanh la và trống lớn rền vang, bốn ông Bổn trong quần áo mũ mão đỏ chói, rung rung người, tay cầm kiếm múa may. Sau đó, có vị cầm sợi dây vải đỏ gắn chặt vào một trái chông tua tủa những đinh thép sang giới, dài chừng một tấc quất mạnh vào người. Rồi bốn ông lần lượt cầm dao bén ngót rạch mạnh liên hồi lên mặt lưỡi mình. Máu đỏ túa ra, các ông dùng bút lông tẩm máu vẽ nguệch ngoạt lên những tờ giấy hình chữ nhật nhỏ dài màu vàng. Cứ vậy trong tiếng trống tiếng chiên náo hoạt, các ông tạo cảnh rùng rợn thích thú đối với hàng vạn người tham dự.

Ngày xưa, buổi lễ này còn hấp dẫn hơn với cảnh các ông đi chân trần trên lớp than đước dài hàng chục thước, lúc nào cũng cháy đỏ rực (do người trong chùa quạt không ngừng nghỉ). Rồi các ông dùng bó lá tre nhúng vào chảo dầu phộng sôi sung sục quất mạnh vào người gọi là “tắm dầu” cũng là cảnh “ác liệt” nhất. Bắt đầu Vu lan thắng hội, lúc chập choạng tối, chùa tổ chức cảnh Trần Huyền Trang (Đường Tăng) cùng ba đệ tử Tề Thiên Đại Thánh, Trư Bát Giới và Sa Tăng đi thỉnh kinh. Đường Tăng cưỡi trên lưng con ngựa bạch phất bằng giấy có bánh xe lăn trên đường, còn Tề Thiên, Trư Bát Giới, Sa Tăng chạy bộ theo. Đến các ngã ba, ngã tư thị trấn gặp “động quỹ” (làm bằng tre gài lá đủng đỉnh), Tề Thiên huơ thiết bảng khiêu chiến. Con quỷ núp trong động nhảy xổ ra. Cuộc chiến diễn ra hết sức “ảo diệu” vì thỉnh thoảng lại có người ngậm dầu lửa thổi xuyên qua cây đuốc cháy đỏ rực trên tay, tạo thành một quầng lửa bay ào ào trong màn đêm.

Tại chùa, ngoài những buổi cầu kinh của các nhà sư, còn có các buổi “sáp môl” (tụng kinh) của các vị sư Kmer. Xen kẽ trong những lễ cầu kinh ấy là việc biểu diễn âm nhạc đặc sắc của dàn nhạc “Tùa lầu cấu”. Với dàn kèn, trống, chập chã, thanh tao, não bạt đặc trưng của người Triều Châu, ngoài những bản nhạc truyền thống của cộng đồng tộc người này, họ còn biểu diễn cả các bản cổ nhạc, tân nhạc…

Đến Cầu Kè dịp này, du khách sẽ được thưởng thức món bún nước lèo đặc trưng của địa phương. Chỉ đơn thuần là món bún chan mước mắm “prohoc” của đồng bào Kmer Nam Bộ cùng một vài miêng thịt cá lóc, huyết heo và rau ghém. Bún ăn với giấm ớt hoặc muối hột đâm ớt hiểm. Ngon và không “đụng hàng” với những cái bánh ống nho nhỏ làm bằng bột gạo đâm trộn nước cốt dừa và đường, hấp trong hai ống tre đặt trên mặt nồi đất. Rồi nếm thử chuối tá quạ, dừa sáp…còn được thưởng thức món ăn pha lấu củ cải.

Vu lan thắng hội Cầu Kè là một trong những lễ hội dân gian tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc ở Trà Vinh./.

2.Lễ hội Chôl Chnam Thmây
Chôl Chnam Thmây (còn được gọi là “Tết năm mới” hay “Lễ chịu tuổi”) là một lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer ở đồng bằng Nam bộ nói chung và Trà Vinh nói riêng. Lễ hội được tổ chức kéo dài 3 ngày trong tháng Chétt (lịch Khmer), đó là ngày 14, 15, 16 tháng 4 Dương lịch hằng năm. Theo đó, trong ba ngày Tết, không khí tại các chùa và các phum sóc Khmer gần như náo nhiệt suốt ngày đêm.

Ngày thứ nhất – Chôl sangkran Thmây (ngày đầu năm mới):

Chọn giờ tốt nhất trong ngày, có thể là 7 giờ sáng hoặc 5 giờ chiều, cũng có khi là 12 giờ đêm (tùy theo năm). Tất cả mọi người tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo đẹp, trang trọng và lịch sự nhất, mang theo lễ vật nhang đèn vào chùa làm lễ rước Đại lịch “Maha Sangkran”, đồng thời diễu hành ba vòng chung quanh chính điện để đón chào Chư Thiên (Têvađa). Dưới sự hướng dẫn nghi lễ của một vị Achar được tôn kính nhất trong chùa, tất cả cùng nhau cầu nguyện, mong năm mới Têvađa về để hộ trì cho mọi người luôn được ấm no, hạnh phúc. Sau đó là lễ Phật. Tối đến các trò chơi dân gian cùng các vũ điệu như múa Dù kê, Rôbăm, Lâm thôn…
được mọi người thưởng ngoạn và tham gia vui chơi rất náo nhiệt.

Ngày thứ hai – Wonbơf (năm nhuận tổ chức 2 ngày):

Mọi người lên chùa làm lễ dâng cơm sáng và trưa (Wen Chông Ham) cho các vị sư.
Theo phong tục của người Khmer. Vào các ngày Lễ, Tết, mọi người tỏ lòng thành tâm tín ngưỡng bằng cách mang cơm, thức ăn và các loại bánh trái đến cho các sư sãi. Đáp lại các nhà sư sẽ làm lễ tạ ơn những người đã làm ra hạt gạo, đã trồng trọt, chăn nuôi, tạo cho cuộc sống được ấm no, đầy đủ. Sau khi làm lễ đưa thức ăn đến cho linh hồn những người đã khuất, các nhà sư làm lễ chúc phúc cho những người đã có lòng mang lễ vât đến cúng chùa.
Vào buổi chiều, người ta tổ chức Lễ đắp núi cát (Puôn Phnon Khsach) để cầu phúc duyên và tránh khỏi những kiếp nạn.

Ngày thứ ba – Lơm săk (ngày Lễ tắm Phật):

Vào ngày nầy, các phật tử Khmer, mang thức ăn và hoa quả đến chùa từ tinh mơ để đâng cơm cho các vị sư. Sau khi thọ thực xong, thì các nghi lễ tắm Phật chính thức bắt đầu: Trước tiên, các nhà sư dùng nước tinh khiết có ướp hương hoa thơm ngát. Họ dùng những cành hoa để vẫy những giọt nước hoa lên tượng Phật. Trong làn khói hương nghi ngút, người Khmer thành tâm khấn nguyện cầu mong Phật Trời gia hộ cho dân làng được dồi dào sức khoẻ, ruông rẫy tốt tươi và trúng mùa. Họ cũng cầu chư Thiên hộ trì cho phum, sóc an lành, mọi người tai qua nạn khỏi và đạt thành những điều ước nguyện. Sau lễ tắm Phật, người Khmer còn làm lễ tắm cho các nhà sư cao niên trong chùa. Kế đến là lễ Kha ma tôs, tương tự như lế sám hối của người Việt. Sau đó mọi người theo các vị sư đến các tháp đựng hài cốt và các nghĩa trang để làm lễ Bâng Skâu (cầu siêu). Tất cả mọi người dưới sự hướng dẫn của vị Achar sẽ thành tâm cầu nguyện cho các vong linh những người thân của mình được siêu thoát.

Cuối cùng, sau nghi lễ tắm Phật tại nhà. Tất cả con cháu trong gia đình trãi chiếu hoa, mời ông bà, cha mẹ ngồi vầo đấy để nhận lời xin tha thứ những thiếu sót hay lỗi lầm mà họ đã vấp phải trong suốt năm qua, cũng như nhận ở họ lời hứa thành tâm sửa đổi. Sau khi đọc kinh cầu nguyện, ước mong năm mới cả nhà sẽ luôn gặp được nhiều điều may mắn, vui vẻ, bình an và hạnh phúc, con cháu sẽ dùng nước hoa thơm tắm cho ông bà, cha mẹ để tỏ lòng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục.

Đến Trà Vinh vào dịp lễ Chôl Chnăm Thmây của người Khmer Nam bộ, chúng ta sẽ được tận hưởng một không khí náo nhiệt và đầy sinh động. Những điệu “múa Miên” và tục “thả đèn trời” là những nét Văn hoá đặc sắc không thể nào thiếu trong Lễ hội nầy. Những chiếc đèn lồng được thả lên cao, mang theo cả ước nguyện của người dân Khmer về một cuộc sống ấm no, an lành và hạnh phúc.

3.Lễ hội Ok Om Bok
Ok Om Bok, hay còn gọi là lễ hội Cúng Trăng, là một trong ba lễ hội tiêu biểu của đồng bào dân tộc Khmer theo chu kỳ một năm. Theo quan niệm tín ngưỡng của người Khmer, Mặt Trăng là vị thần cai quản thời tiết và mùa màng trong năm. Lễ hội này diễn ra vào ngày Rằm tháng Cađấc theo Phật lịch, tức ngày Rằm tháng Mười âm lịch, là thời điểm mùa mưa chuyển sang mùa khô, mùa gieo trồng chuyển sang mùa thu hoạch. Do vậy, Ok Om Bok có những điểm tương đồng với lễ Thượng điền của người Việt. Lễ hội Ok Om Bok của mỗi phum sóc diễn ra tại sân chùa, còn trên phạm vi cả tỉnh diễn ra tại Ao Bà Om thuộc khóm 3 phường 8 thị xã Trà Vinh.

Khi vị thần Mặt Trăng lên cao, người ta dâng cúng các phẩm vật là những loại nông sản vừa thu hoạch như cốm dẹp, chuối, mía… vừa để tạ ơn vừa cầu mong thần linh tiếp tục phò trợ cho năm sau mưa thuận gió hòa, mùa màng xanh tốt. Sau đó, các bậc bô lão bốc từng nắm cốm dẹp đút vào mồm trẻ con với lời chúc mạnh ăn chóng lớn (Ok Om Bok dịch sát nghĩa là ăn cốm dẹp bằng cách nắm cốm dẹp đút vô miệng).

Trong lễ hội Ok Om Bok vào buổi tối diễn ra cuộc thi thả đèn gió. Đèn gió làm bằng khung tre, dán giấy chung quanh, dùng bùi nhùi quấn phía dưới và đốt cháy đưa chiếc đèn bay bổng lên cao. Đèn gió bay lên, bay lên mãi như mang cả ước vọng, niềm tin của người nông dân Khmer đến với vị thần Mặt Trăng đang vạch mây nhìn xuống. Tại Ao Bà Om, nghi thức thả đèn gió đã trở thành cuộc thi sôi động với sự tham gia của hàng chục ngôi chùa trong tỉnh, dưới sự cổ vũ của hàng chục ngàn người trẩy hội.

Trước đó, trưa ngày 14/10 âm lịch, trên dòng sông Long Bình diễn ra cuộc đua ghe Ngo sôi nổi giữa tiếng nhạc Ngũ âm vang lừng, tiếng hò reo cổ vũ vang dậy của hàng chục ngàn người dự khán. Các đội đua từ các huyện thị trong tỉnh và các tỉnh lân cận mang đến lễ hội không khí tưng bừng, cuồng nhiệt. Ghe Ngo vừa là trò chơi dân gian, vừa tỏ sức mạnh và sự đoàn kết, vừa là nghi thức truyền thống tiễn đưa thần Nước sau mùa gieo trồng về với biển cả cũng là nghi thức tôn giáo của người Khmer tưởng nhớ rắn thần Nagar xưa từng biến thành đoạn gỗ đưa đức Phật qua sông.


4.Lễ cúng biển ở Mỹ Long
Lễ hội cúng biển còn được gọi là Lễ Nghinh Ông ở Mỹ Long, huyện Cầu Ngang từ lâu đã được xem là một trong những lễ hội quan trọng ở Trà Vinh. Lễ hội được tổ chức hàng năm từ mồng 10 đến 12 tháng 5 âm lịch.Lễ hội này đã được tổ chức lần đầu tiên từ năm 1917 nhằm thể hiện lòng thành của ngư dân trong vùng tạ ơn biển cả đã đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho người dân làng. Cùng với việc cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, lễ hội còn mang tính chất tạ ơn cá voi (cá Ông) mà ngư dân thường gọi là ông Nam Hải.

Lễ cúng biển được chia ra làm 6 phần chính gồm: Đi nghinh Nam Hải bằng ghe biển; Giỗ tiền chức; Chánh tế; Chánh tế Bà Chúa; Đi nghinh ngũ phương; Tống tàu ra khơi.

Lễ nghinh ông Nam Hải là lễ chính thức đầu tiên của Lễ hội cúng biển Mỹ Long, được tiến hành vào lúc 10 giờ sáng ngày 11 tháng 5 âm lịch. Những vị chủ lễ vận lễ phục được bố trí ngồi trên chiếc ghe được mùa nhất của mùa biển năm trước dẫn đầu đoàn ghe biển ra khơi để làm lễ cúng. Buổi sáng ngày 11.5 âm lịch, ban tổ chức làm lễ nghinh Chúa Xứ Nguyên nhung. Đến chiều, khi mặt trời lặn là bắt đầu vào lễ tế Chúa Xứ Nguyên nhung, có hương chức đọc văn tế và lễ xướng. Trong dịp này có tiết mục rất là sôi động, đó là màn múa bông của các cô bóng từ nhiều nơi tựu về.
Đúng ngọ ngày 12, ban tổ chức đặt heo quay lên chiếc tàu, có đáy kết bằng chuối cây, vỏ tàu bằng nan tre, được dán giấy vẽ màu giống như tàu thật, trong tàu có đủ tài công, thủy thủ và các vật dụng đi biển làm bằng giấy. Khi tàu chở đầy đủ lễ vật: heo cúng, gạo, muối.Tàu dần trôi theo dòng nước – chuông trống vang lên. Đến khi trên bờ không còn thấy nữa thì một hồi trống kết thúc buổi lễ này.
Với các nghi thức mang đậm nét truyền thống dân tộc, Lễ hội cúng biển Mỹ Long đã trở thành một sinh hoạt văn hóa độc đáo của người dân dịa phương và thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham dự… Cùng với các nghi thức được tiến hành theo truyền thống, lễ cúng biển Mỹ Long ngày nay còn có nhiều trò chơi phục vụ nhu cầu giải trí của ngư dân như đi cà kheo, biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao… tạo nên không khí vui tươi những ngày lễ hội.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN