Top 10 món ăn đặc trưng cho nền ẩm thực miền Bắc

0
2252
Vật Phẩm Phong Thủy

Đặc trưng của ẩm thực miền Bắc là món ăn có vị vừa phải, thanh đạm, nhẹ nhàng nhưng lại có màu sắc sặc sỡ, không đậm các vị cay, ngọt, béo mà chủ yếu sử dụng nước mắm loãng và mắm tôm để làm gia vị đi kèm. Điểm qua 10 món đặc trưng nhất của nền ẩm thực miền Bắc nhé!

1. Phở Hà Nội – món ăn nổi tiếng Thế giới
Phở không còn là món ăn nổi tiếng riêng của Việt Nam nữa mà hương vị của nó đã chinh phục được những người yêu ẩm thực trên toàn thế giới. Phở Hà Nội – một thương hiệu khi người ta nhắc đến miền Bắc.
Ra đời vào đầu thế kỷ 20, nơi xuất hiện đầu tiên ở Hà Nội. Phở thường là phở bò hay phở gà. Nước dùng cho nồi phở được ninh từ xương bò (xương lợn), sá sùng, kèm theo nhiều loại gia vị như: quế, hồi, gừng nướng, thảo quả, đinh hương, hạt mùi, hành khô nướng tạo nên hương vị đặc trưng riêng.”Bánh phở” theo truyền thống được làm từ bột gạo, tráng thành tấm mỏng rồi cắt thành sợi. Để thưởng thức được tô phở ngon tùy thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm và bí quyết truyền thống của người chế biến, trong đó quan trọng đặc biệt là nồi nước dùng.

2. Bánh cuốn Thanh Trì
Nhắc đến các món ăn làm từ lúa gạo ngon đã tồn tại từ bao đời nay của người dân đất Hà Thành sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc đến bánh cuốn Thanh Trì. Ngôi làng ấy dường như đã đi sâu vào tiềm thức mỗi người bởi khi nhắc đến món bánh hấp dẫn này là người ta lại vô thức buột miệng nhắc tên món ăn hấp dẫn này.
Làm bánh cuốn cũng khá công phu, bột tráng bánh phải chọn loại gạo ngon, xay mịn như nước, từng lá bánh được tráng trên khuôn vải căng chụp trên nồi nước sôi. Mỗi lá bánh mỏng tang như tờ giấy, được thoa thêm một chút mỡ phi hành cho thơm. Khách ăn đến đâu, người bán khẽ bóc từng lá đến đấy như tách thứ lụa mỏng, mịn mỡ màng. Bánh cuốn không chỉ ngon và trông đẹp mắt, để thưởng thức trọn vẹn vị ngon của bánh cần có nước chấm. Nước chấm khéo pha với các loại nước mắm ngon, dấm nếp, thêm vài lát ớt tươi, giọt cà cuống và hành phi . Bánh có thể ăn kèm với chả quế, ruốc thịt, ruốc tôm hấp nóng trong một nồi nước. Mỗi đĩa bánh cuốn Thanh Trì với mươi lá mỏng là đủ một bữa điểm tâm thanh cảnh mà ngon lành.

3. Bánh tẻ
Bánh tẻ (bánh lá, bánh răng bừa) là thứ bánh truyền thống ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bánh là từ bột gạo tẻ, gói ngoài bằng lá dong và được luộc (hấp) chín. Nhân bánh gồm thịt lợn vai, mộc nhĩ (hoặc nhân đỗ cho người không ăn được bánh nhân thịt lợn). Bánh được làm từ gạo tám thơm thì sẽ thơm, mềm, dẻo chắc bánh hơn. Mỗi địa phương có cách làm bánh tẻ riêng, nhưng đều mang được hương vị riêng mà chỉ có ở miền Bắc.
Một số loại bánh tẻ nổi tiếng như: Bánh tẻ làng Chờ (Yên Phong, Bắc Ninh); Bánh tẻ làng Phú Nhi (phường Phú Thịnh,Sơn Tây, Hà Nội); Bánh tẻ ở xã Phụng Công, Văn Giang, Hưng Yên (hay còn gọi bánh răng bừa); bánh lá ở Khoái Châu, Hưng Yên; ở Mỹ Đức, Hà Nội cũng có Bánh tẻ nhưng ít nổi tiếng.

4. Bún chả
Cạnh phở thì bún chả cũng là món ăn ngon trong danh sách cứ đi xa Hà Nội là nhớ, và nếu có đặt chân tới thủ đô thì nhất định phải nếm thử.
Bún chả là món ăn với bún, chả thịt lợn nướng trên than hoa và bát nước mắm chua cay mặn ngọt. Món ăn xuất xứ từ miền Bắc Việt Nam, là thứ quà có sức sống lâu bền nhất của Hà Nội, nên có thể coi đây là một trong những đặc sản đặc trưng của ẩm thực Hà thành. Bún chả có nét tương tự món bún thịt nướng ở miền Trung và miền Nam, nhưng nước mắm pha có vị thanh nhẹ hơn.

5. Bánh đậu xanh Hải Dương
Bánh đậu xanh là loại bánh đặc sản của Hải Dương mà rất nhiều người, kể cả người nước ngoài đã phải lòng ngay khi nếm thử. Bánh đậu xanh không quá cầu kỳ mà thật giản dị, mộc mạc nhưng lại chứa đựng hương vị nồng nàn của miền quê Bắc Bộ.
Để làm bánh phải dùng bột đậu xanh nguyên chất, hương thơm thuần khiết không có hương liệu công nghiệp. Bánh ngon làm bằng bột ướt, có trộn mỡ, đường vừa phải để tạo độ ngọt thanh và phải béo ngậy, thơm mùi đậu xanh. Bánh đậu xanh khi thưởng thức cùng trà sẽ tạo nên một hương vị rất Việt Nam.

6. Thịt dê Ninh Bình
Ninh Bình không chỉ thu hút đông đảo du khách bởi sở hữu nhiều cảnh sắc thiên nhiên đẹp mà còn làm say lòng những tâm hồn yêu ẩm thực với thực đơn đa dạng các món dê núi trứ danh.
Thịt dê Ninh Bình ngon hơn các vùng khác vì dê ở đây nuôi trên núi đá, ăn đa dạng các loại lá cây nên thịt dê săn chắc hơn so với dê thả đồi. Ninh Bình có bí quyết riêng, biến dê thành món đặc sản nổi tiếng. Đặc biệt món tái dê làm rất khéo, thịt ngọt và giòn, ăn với các loại rau thơm như lá đinh lăng, lá mơ, lá sung,.. vị bùi bùi sẽ ngấm vào tận tâm can của người thưởng thức.

7. Bánh Gio
Bánh gio (bánh tro) là món bánh truyền thống của người Việt. Bánh được làm với thành phần chính là gạo nếp ngâm qua nước tro và gói lá đem luộc chín trong nồi.
Bánh có vị lạt, mát dịu, thoang thoảng mùi tro vôi, mới ăn hơi lạ miệng sẽ là món ăn chống ngấy, dễ tiêu cho ngày Tết.

8. Nem nắm Giao Thủy – Nam Định
Nhắc đến nét ẩm thực miền Bắc không thể thiếu được món Nem nắm Giao Thủy – thứ nem khiến người ta mê mẩn đến “quên cả lời em dặn dò”.
Nem nắm Giao Thủy cầu kỳ ở khâu chế biến, được làm bằng thịt lợn nhưng đó phải là thịt nạc mông ngon, cùng mùi thơm chủ đạo của nem là thính. Thính được làm từ gạo tám thơm Hải Hậu bằng cách ngâm qua đêm, để ráo nước rồi đem rang đến khi gạo có màu vàng ngà rồi đem giã mịn. Món nem này làm mồi rượu vừa ăn, vừa uống không thấy chán.

9. Cháo ấu tẩu Hà Giang
Đến với Hà Giang dù bất kỳ mùa nào trong năm cũng khó lòng bỏ qua một tô cháo ấu tẩu có vị đắng đặc trưng. Cháo ấu tẩu Hà Giang có vị béo ngậy, thơm, cay và đặc trưng của củ ấu tẩu. Khi mới ăn bạn sẽ cảm nhận thấy một vị đắng bùi, khó nuốt, nhưng chỉ vài ba thìa đã thấy ngọt miệng, ăn nhiều còn có thể sinh nghiện. Bát cháo ấu tẩu như món cháo giải cảm của đồng bào dân tộc. Nếu có dịp đến Hà Giang, bên cạnh thắng cố, rượu ngô, tam giác mạch,… bạn hãy nhớ ghé chợ phiên ăn bát cháo ấu tẩu, món cháo “đặc sản” của xứ sở mờ sương, ăn ngon đến lạ lùng.

10. Chả cá Lã Vọng – Hà Nội
Chả cá Lã Vọng là tên của một đặc sản Hà Nội. Đây là món cá tẩm ướp, nướng trên than rồi rán lại trong chảo mỡ, do gia đình họ Đoàn tại số nhà 14 phố Chả Cá (trước đây là phố Hàng Sơn) trong khu phố cổ giữ bí quyết kinh doanh và đặt tên cho nó như trên.
Chả cá Lã Vọng được làm từ cá Lăng tươi rói được chăm sóc tỉ mỉ, tẩm ướp gia vị cầu kì đậm hương vị truyền thống. Cá lăng là loại cá ít xương, ngọt thịt và thơm, nếu không có cá lăng thì có thể dùng đến cá nheo, cá quả, nhưng cá nheo thì thịt bở hơn và cá quả thì nhiều xương dăm hơn nên không ngon bằng cá lăng.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN