Dưới đây là danh sách những nhân vật được coi là giàu nhất trong lịch sử thế giới. Các nhân vật trong danh sách được xếp dựa theo thời điểm họ có tài sản lớn nhất, không phải tài sản hiện tại của họ hoặc tài sản của họ tại thời điểm qua đời, tài sản của họ được quy đổi bằng cách tính theo phần trăm Tổng sản phẩm nội địa của quốc gia họ kinh doanh hoặc cư trú. Và họ là ai và vì sao họ lại sỡ hữu tài sản lớn như vậy , chúng ta cùng tìm hiểu sau đây.
1.John D. Rockefeller
John Davison Rockefeller, cha. (1839 – 1937) là một nhà công nghiệp người Mỹ, người đóng một vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp dầu mỏ thời sơ khai, người sáng lập công ty Standard Oil và đồng thời cũng là một nhân vật gây tranh cãi trong lịch sử nước Mỹ. Ông được xem là một trong những người giàu nhất lịch sử với tài sản tương đương khoảng hơn 663 tỷ USD so với USD năm 2007 (theo cách tính của Forbes).
Trong suốt thời gian 40 năm, Rockefeller đã xây dựng Standard Oil thành công ty lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất trên thế giới. Việc buôn bán dầu mỏ của Rocherfeller bắt đầu từ thời kì nội chiến Mỹ (1861-1865), trong một vài năm sau đó công ty của ông chỉ thuộc hạng trung bình. Một sự thay đổi lớn đã diễn ra khi ông nhận được một khoản cho vay lớn đến từ ngân hàng đô thị quốc gia Cleveland, chỉ trong một thời gian ngắn Rockerfeller đã cho tất cả thấy tài năng trong lĩnh vực kinh doanh của mình. Tuy nhiên tham vọng của Rockerfeller đã vượt xa những gì người ta có thể tưởng tượng. Tất cả những người tham gia vào ngành công nghiệp luyện dầu đều nhìn thấy cơ hội và triển vọng tốt với mức lợi nhuận ngắn hạn cao, nhưng không có mấy người như Rockerfeller nhìn thấy một sự thật hiển nhiên: đó là cạnh tranh trong lĩnh vực này diễn ra kịch liệt mà không thể kiểm soát được, vì thế sớm hay muộn, các doanh nghiệp tham gia vào cuộc chiến này sẽ rơi vào cảnh cạnh tranh quyết liệt, để tồn tại và phát triển, chỉ có duy nhất một cách: tiêu diệt đối thủ cạnh tranh bằng mọi giá, không từ bất cứ thủ đoạn nào. Sự nghiệp kinh doanh của ông đã gây nhiều tranh cãi. Ông bị các nhà báo chuyên chống tham nhũng tấn công; công ty của ông bị tòa án liên bang Mỹ buộc tội độc quyền và bị chia nhỏ vào năm 1911.
Ông dành 40 năm cuối đời tập trung vào các hoạt động từ thiện, liên quan chủ yếu đến giáo dục và sức khỏe cộng đồng. Ông đã dùng gần hết tài sản của mình cho các hoạt động này.
Lịch sử nước Mỹ từng có một nhà công nghiệp vừa được kính nể và khâm phục bởi tài làm giàu nhanh chóng, nhưng cũng vừa bị khiếp sợ bởi những tham vọng khôn cùng. Đó chính là John Davidson Rockefeller, được mệnh danh là người giàu nhất trong những người giàu nhất.
Từ một người làm thuê đào khoai tây dưới ánh nắng chói chang, mỗi giờ 04 xu về sau Rockerfeller trở thành người có tài sản lên tới 1-3 tỷ USD (tương đương hơn 663 tỷ USD năm 2007). Ông đã từng có thời là người giàu nhất thế giới. Nước Mỹ bấy giờ người có gia sản vài triệu USD mới chỉ có 4 đến 5 người.
2.Andrew Carnegie
Andrew Carnegie (25 tháng 11 năm 1835- 11 tháng 8 năm 1913) là một doanh nhân người Mỹ gốc Scotland và được mệnh danh là Vua Thép. Ông là người giàu thứ 3 trong lịch sử thế giới. Ông là người đã góp phần làm cho ngành công nghiệp sản xuất thép của Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ vào cuối thế kỷ 19.
Carnegie được sinh ra tại thị trấn Dunfermline, Scotland, và di trú tới Hoa Kỳ năm 1858. Từ những công việc đầu tiên là công nhân sản xuất ống chỉ, thợ thông nhà xí tới nhân viên đưa tin. Cuối cùng ông mở ra công ty thép Carnegie, sau đó sát nhập với công ty thép Elbert H. Gary’s Federal và vài công ty nhỏ khác để trở thành U.S. Steel – một trong những công ty thép lớn nhất trên thế giới. Với tài sản từ việc kinh doanh thép mang lại, ông tiếp tục xây dựng nên các công ty lớn khác về tài chính và cả về hoạt động xã hội đặc biệt là trong giáo dục như Carnegie Hall, Carnegie Corporation of New York, Carnegie Endowment for International Peace, Viện Carnegie ở Washington, Đại học Carnegie Mellon và Bảo tàng Carnegie ở Pittsburgh.
Carnegie dành một khoản tiền lớn để xây dựng nhiều thư viện, trường học, trường đại học ở Hoa Kỳ, Anh Quốc, Canada và những quốc gia khác và quỹ hưu trí cho cựu nhân viên về hưu. Theo tạp chí tài chính Forbes, tới năm 2007 tài sản của ông là 298,3 tỉ USD, và ông được coi là người giàu thứ 3 trong lịch sử sau John D. Rockefeller và Mansa Musa.
Ông đã kiếm được những khoản tiền khổng lồ từ ngành công nghiệp sản xuất thép. Những năm 70 của thế kỷ 19, ông sáng lập công ty thép Carnegie và tới những năm 90, công ty trở thành doanh nghiệp lớn nhất và lợi nhuận cao nhất trong ngành công nghiệp. Năm 1901, ông bán công ty cho J.P. Morgan với giá 480 triệu USD. Sau đó ông dành phần đời còn lại hoạt động cho công tác xã hội đặc biệt là thư viện, từ thiện, hòa bình thế giới, giáo dục và nghiên cứu khoa học.
3.Nikolai II của Nga
Nikolai II, cũng viết là Nicolas II (tiếng Nga: Николай II, Николай Александрович Романов, chuyển tự. Nikolay II, Nikolay Alexandrovich Romanov [nʲɪkɐˈlaj ftɐˈroj, nʲɪkɐˈlaj əlʲɪkˈsandrəvʲɪʨ rɐˈmanəf], phiên âm tiếng Việt là Nicôlai II Rômanốp[1] hay Ni-cô-lai II) (19 tháng 5 năm 1868 – 17 tháng 7 năm 1918) là vị Hoàng đế, hay Sa hoàng cuối cùng trong lịch sử Nga, cũng là Đại Công tước Phần Lan và Vua Ba Lan trên danh nghĩa. Tên đầy đủ của Nikolai II là Nikolai Aleksandrovich Romanov (tiếng Nga: Николай Александрович Романов). Tước hiệu chính thức của ông là Nikolas Đệ nhị, Hoàng đế và Đấng cai trị chuyên chính của toàn nước Nga[3]. Hiện nay, do sự phong thánh ông được Giáo hội Chính Thống giáo Nga xem là Thánh Nikolai Người chịu nỗi thống khổ.
Hoàng đế Nikolai II trị quốc từ năm 1894 đến khi thoái vị vào ngày 15 tháng 3 năm 1917. Dưới triều ông, Nga – một trong những đế quốc hùng mạnh nhất thế giới thời đó – đã lâm vào khủng hoảng kinh tế và quân sự. Những kẻ phê phán ông đã gọi ông là Nikolai Kẻ khát máu, vì vụ thảm kịch Khodynka, Ngày chủ nhật đẫm máu, và những vụ trấn áp người Do Thái xảy ra dưới triều ông. Ông đã đẩy nước Nga vào cuộc chiến tranh với đế quốc Nhật Bản, mà Nga là đế quốc bại trận. Cũng chính ông là người đã ra lệnh tổng động viên quân đội Nga vào tháng 8 năm 1914, đưa Nga vào cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất. Trong cuộc đại chiến, quân Nga tham chiến phe Đồng Minh, cùng quân Anh, Pháp chống lại quân Đức, Áo-Hung.
Chiến tranh khiến nước Nga lâm vào khủng hoảng, sự bất mãn với Sa hoàng lên cao. Năm 1917, phong trào Cách mạng Tháng Hai thắng lợi, Nikolai II phải thoái vị. Đầu tiên, ông và gia đình bị giam lỏng tại Cung điện Aleksandr ở Hoàng Thôn, rồi được chuyển tới Dinh Tổng đốc tại Tobolsk, sau đó lại chuyển tới ngôi nhà Ipatiev tại Yekaterinburg. Đêm ngày 16 rạng sáng ngày 17 tháng 7 năm 1918, để ngăn chặn việc quân Bạch Vệ giành được Sa hoàng, Nikolai II và toàn bộ gia đình bị những người Bolshevik xử bắn trong một căn phòng.
4.William Henry Vanderbilt
William Henry “Billy” Vanderbilt (Sinh ngày 8- 5- 1821 và mất ngày 8- 12- 1885) là một doanh nhân và một nhà từ thiện người Mỹ.[2] Ông là con trai cả của Cornelius Vanderbilt, ông cũng là người thừa kế tài sản và là một nhân vật lỗi lạc trong đại gia đình Vanderbilt. Ông trở thành người Mỹ giàu có nhất sau khi được kế thừa gia sản của cha vào năm 1877 và cho đến tận khi mất vào năm 1885, để lại phần lớn tài sản cho người vợ và các con, đặc biệt là hai cậu con trai Cornelius II và William. Ông đã được thừa kế gần 100 triệu đô từ người cha quá cố. Nhưng số tiền ấy đã được nhân lên gấp đôi tính đến năm William mất 9 năm sau đó.
5.Henry Ford
Henry Ford (30 tháng 7 năm 1863 – 7 tháng 4 năm 1947) là người sáng lập Công ty Ford Motor. Ông là một trong những người đầu tiên áp dụng sản xuất kiểu dây chuyền lắp ráp trong sản xuất ô tô. Ông không chỉ cách mạng ngành công nghiệp sản xuất ở Hoa Kỳ và châu Âu mà còn có nhiều ảnh hưởng tới kinh tế và xã hội thế kỷ 20 tới mức sự phối hợp giữa sản xuất hàng loạt, tiền lương cao và giá thành sản phẩm thấp cho người tiêu dùng đã được gọi là “Chủ nghĩa Ford.” Ông đã trở thành một trong hai hay ba người giàu nhất thế giới; ông để lại hầu như toàn bộ tài sản của mình cho Quỹ Ford, nhưng vẫn thu xếp để gia đình ông mãi giữ được quyền quản lý công ty.
6.Marcus Licinius Crassus
Marcus Licinius Crassus (Latin: M · LICINIVS · P · F · P · N · CRASSVS [1]) (ca. 115 trước CN – 53 TCN) là một vị tướng La Mã và chính trị gia, người chỉ huy cánh trái của quân đội Sulla trong trận cổng Colline, đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nô lệ lãnh đạo bởi Spartacus, cung cấp hỗ trợ chính trị và tài chính cho Julius Caesar và tham gia vào liên minh chính trị được biết đến là Liên minh Tam Đầu Chế với Pompey và Caesar. Tại thời điểm ông đạt đỉnh cao danh vọng, tài sản của ông ông được cho là có giá trị hơn 200.000.000 sestertius. Ông được coi là người đàn ông giàu có nhất trong lịch sử La Mã, và có lẽ một trong những người đàn ông giàu có nhất trong lịch sử. Crassus dù sao cũng mong muốn được công nhận cho chiến thắng quân sự của mình, tham vọng này cuối cùng đã dẫn ông tới Syria, nơi ông đã bị đánh bại và giết chết trong thất bại của La Mã tại Carrhae trước tướng (Spahbod) của Parthia tên là Surena.
7.Basileios II
Basileios II (tiếng Hy Lạp: Βασίλειος Β΄, còn gọi là Basil II; 958 – 15 tháng 12 năm 1025), được biết đến trong thời đại ông như Basileios đấng Quân vương quyền quý và Basileios Trẻ để phân biệt ông với tiên hoàng Basileios I người xứ Macedonia, là một vị Hoàng đế nhà Macedonia của Đế quốc Đông La Mã, trị nước từ ngày 10 tháng 1 năm 976 cho tới ngày 15 tháng 12 năm 1025. Ông là vị Hoàng đế có thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử Đế quốc Đông La Mã, là người có công đưa Đế quốc đến “thời kỳ hoàng kim” của nó.[1] Những chiến thắng của ông trước quân Bulgaria đã khiến người Hy Lạp coi ông như một vị Hoàng đế huyền thoại, là tiền thân của cuộc chiến tranh giữa Hy Lạp và Bulgaria trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Những năm tháng làm vua đầu tiên của ông chứng kiến một cuộc nội chiến dai dẳng chống những quyền thần gốc gác quý tộc ở vùng Tiểu Á. Chiến thắng quân sự của nhà vua trong cuộc nội chiến này đã tạo tiền đề cho giai đoạn thứ hai huy hoàng hơn hẳn của triều đại ông. Sau khi đám quyền thần phải thần phục ông, Basileos II tiến hành phát triển và mở mang cương thổ của Đế quốc Đông La Mã về phía Đông, và quan trọng hơn hết, là chiến thắng cuối cùng và việc sáp nhập hoàn toàn Đế quốc Bulgaria – kẻ thù kinh hoàng nhất của Đế quốc Đông La Mã – vào lãnh thổ Đông La Mã sau một cuộc chiến tranh ác liệt. Một sự kiện tiêu biểu trong cuộc chiến tranh đó là việc ông đui mù các tù binh Bulgaria sau chiến thắng của quân Đông La Mã, làm cho Sa hoàng Bulgaria buồn chết. Vì lẽ đó, người đời sau gọi ông là “Kẻ giết người Bulgaria” (tiếng Hy Lạp: Βουλγαροκτόνος, Boulgaroktonos), và ngoại hiệu này trở nên thông dụng với ông. Sau khi ông qua đời, Đế quốc có cương thổ trải dài từ miền Nam Ý cho tới vùng Kavkaz và tù sông Danube cho đến biên giới Palestine, đạt đến cực điểm về độ lớn kể từ các cuộc càn quét của người Hồi giáo vào 4 thế kỷ trước.
Mặc dù gần như liên tục xông pha trận mạc, Basileios II cũng là vị vua có tài trị nước, giảm bớt uy quyền của các gia đình đại địa chủ (những người này vốn chi phối nền hành chính và quân sự của Đế quốc), đồng thời làm đầy ắp kho ngân khố của Đế quốc. Một sự kiện có tầm quan trọng vang xa là việc quyết định của Basileios II trong việc gả Hoàng muội của ông là Công chúa Anna cho Đại Vương công Vladimir I xứ Kiev để đổi lấy ủng hộ quân sự, điều này dẫn đến việc Ki-tô giáo hóa nước Nga Kiev và truyền bá nền văn hóa Đông La Mã vào nước Nga.