Di sản thế giới là di chỉ, di tích hay danh thắng của một quốc gia như rừng, dãy núi, hồ, sa mạc, tòa nhà, quần thể kiến trúc hay thành phố,… do các nước có tham gia Công ước Di sản thế giới đề cử cho Ủy ban Di sản thế giới, được công nhận và quản lý bởi UNESCO. Sau đó, UNESCO sẽ lập danh mục, đặt tên và bảo tồn những vị trí nổi bật về văn hóa hay đặc điểm tự nhiên cho di sản nhân loại chung. Vậy ở Mông Cổ có những di sản nào đã được công nhận , chúng ta cùng tìm hiểu sau đây.
1.Burkhan Khaldun
Burkhan Khaldun (Cyrillic: Бурхан Халдун; 48°45′14″B 108°39′50″Đ) là một ngọn núi thuộc dãy núi Khentii, tại Khentii, đông bắc Mông Cổ. Dãy núi và khu vực liên quan của nó được đồn đại là nơi sinh của Thành Cát Tư Hãn, cũng như là nơi an nghỉ của ông. Vùng núi cũng là nơi sinh của một trong những vị tướng giỏi nhất của ông, Tốc Bất Đài.
Ngọn núi là một phần của Khu bảo tồn Nghiêm ngặt Khan Khentii rộng 12.000 km² được thành lập vào năm 1992. Burkhan Khaldun có ý nghĩa tôn giáo mạnh mẽ trước khi Thành Cát Tư Hãn làm cho nơi đây trở thành một điểm nhấn mạnh mẽ. Nó được coi là ngọn núi linh thiêng ở Mông Cổ, cũng là nơi thiêng liêng nhất về Thành Cát Tư Hãn.
Ngày 4 tháng 7 năm 2015, UNESCO đã công nhận khu vực này là một di sản thế giới tại kỳ họp lần thứ 39 của Ủy ban Di sản thế giới diễn ra tại Bonn, Đức.
2.Lưu vực Hồ Uvs
Lưu vực Hồ Uvs (tiếng Nga: Увс нуурын хотгор, tiếng Mông Cổ: : Увс нуурын хотгор, Uws núrīn hotgor) là một Lòng chảo nội lục nhỏ nằm trên biên giới của Mông Cổ và Cộng hòa Tuva, Liên bang Nga. Nó được đặt theo tên của Hồ Uvs, một hồ nước rộng, nông và rất mặn nằm tại trung tâm của lưu vực. Một số hồ nhỏ hơn nằm rải rác gần đó. Đây là sự kết hợp bởi các vùng đất thấp nằm giữa các dãy núi Tannu-Ola và Altay. Ở đây, vùng sa mạc cực Bắc giao tiếp với khu vực đài nguyên cực Nam ở Bắc bán cầu. Tổng diện tích của lưu vực này là 70.000 km vuông, phần lớn nằm tại các tỉnh Khövsgöl, Zavkhan, Uvs thuộc Mông Cổ, phần nhỏ phía Bắc thuộc Cộng hòa Tuva của Nga. Năm 2003, lưu vực Hồ Uvs đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới nhờ hệ động thực vật vô cùng đa dạng và quý hiếm.
3.Mông Cổ Dauria
Mông Cổ Dauria hay Mông Cổ Daguur (tiếng Mông Cổ: Монгол дагуур) là một thảo nguyên, vùng đất ngập nước nằm tại Mông Cổ, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, đồng thời cũng là một Vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế theo Công ước Ramsar.
Đây là một phần của vùng sinh thái xuyên 3 quốc gia, bao gồm:
khu vực Dauria thuộc Dornod, phía Đông Mông Cổ.
Vùng sinh thái Dauria (Ngoại Baikal) ở Nga.
Khu vực đầm lầy Hồ Hô Luân ở Nội Mông, Trung Quốc.
Mông Cổ Dauria được phân loại như một khu bảo tồn nghiêm ngặt trong hệ thống các khu bảo tồn ở Mông Cổ. Cảnh quan chủ yếu của khu vực thảo nguyên và vùng đất ngập nước này là núi thấp có thể tương hỗ cho nhiều loài động thực vật. Nơi đây là nhà và khu vực sinh sản quan trọng cho nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu như là Sếu gáy trắng cùng nhiều loài chim mặt nước nguy cấp khác.
Năm 2017, một phần của Hồ Hoh Nuur và khu bảo tồn tự nhiên Ugtam thuộc Mông Cổ là đại diện cho cảnh quan Dauria được công nhận là Di sản thế giới. Ngoài ra, Khu bảo tồn thiên nhiên Daursky của Nga cũng là một phần của Di sản thế giới này.
4.Thung lũng Orkhon
Thung lũng Orkhon trải dọc theo bờ sông Orkhon ở miền trung Mông Cổ, cách thủ đô Ulanbator 360 km về phía tây.
Các cảnh quan và công trình trong thung lũng Orkon bao gồm:
Các đài kỷ niệm của người Turk đầu thế kỷ 8 dành cho Bilge Khan (Bì Già Khả Hãn) và Kul Tigin (Khuyết Đặc Lặc) với các ký tự Orkhon, là các đài kỷ niệm được thừa nhận là ấn tượng nhất từ đế quốc Turk du mục của người Đột Quyết (Göktürk hay Kök-Türk). Chúng đã được các nhà khảo cổ học Nga khai quật và giải mã trong giai đoạn 1889-1893.
Các di tích của Khar Balgas, kinh đô thế kỷ 8 của đế quốc Duy Ngô Nhĩ, trên diện tích 50 km² với nhiều bằng chứng của các cung điện, cửa hàng, đền miếu, chùa chiền…
Các tàn tích của kinh đô Karakorum của Thành Cát Tư Hãn, có lẽ bao gồm cả cung điện nổi tiếng Xanadu.
Tu viện Erdene Zuu, tu viện Phật giáo đầu tiên tại Mông Cổ. Nó bị chính quyền cộng sản phá hủy một phần vào giai đoạn 1937-1940.
Tu viện Tuvkhun là một tu viện nổi tiếng khác, nằm trên một ngọn đồi ở độ cao 2.600 m trên mực nước biển. Nó cũng đã bị những người cộng sản phá hủy gần như hoàn toàn.
Các di tích của cung điện Mông Cổ thế kỷ 13 và 14 ở đồi Doit, được cho là nơi ở của đại hãn Oa Khoát Đài (Ögedei).
Cảnh quan văn hóa thung lũng Orkhon được UNESCO công nhận là di sản văn hóa do đây là đại diện cho sự tiến hóa của các truyền thống của dân du mục chăn thả kéo dài trong hơn 2.000 năm.
5.Hồ Uvs
Uvs Nuur (tiếng Mông Cổ: Увс Нуур; tiếng Nga: Убсу-Нур, Ubsu-Nur) là hồ lớn nhất tại Mông Cổ, nằm trên độ cao 753 m so với mực nước biển, bao phủ diện tích 3.350 km²; phần phía đông bắc của hồ nằm trong lãnh thổ của Cộng hòa Tuva thuộc Liên bang Nga. Khu dân cư lớn nhất vên bờ hồ là Ulaangom. Hồ nước mặn và nông này là phần còn sót lại của một biển nước mặn lớn đã từng che phủ một diện tích lớn hơn vài nghìn năm về trước.
Hồ Uvs Nuur là trung tâm của lòng chảo Uvs Nuur, với diện tích của lòng chảo này là khoảng 700.000 km² và là một trong những cảnh quan thảo nguyên tự nhiên được bảo tồn khá tốt của đại lục Á-Âu. Ngoài hồ Uvs Nuur, vùng lòng chảo này còn có một số hồ nhỏ khác, đáng chú ý là hồ Ureg Nuur, nằm ở cao độ 1.450 m trên mực nước biển.Do các hồ này nằm về phía bắc của các biển nội địa khác của khu vực Trung Á, nên chúng là các môi trường quan trọng cho các loài thủy cầm di cư.
Do lòng chảo này nằm trong ranh giới địa khí hậu giữa Siberi và Trung Á, nên nhiệt độ của nó dao động trong khoảng từ -58 °C về mùa đông tới 47 °C về mùa hè. Mặc dù khí hậu khắc nghiệt như vậy, nhưng trong khu vực của hồ này lại có một tiểu khí hậu thích hợp cho nhiều loài động và thực vật. Đây là quê hương của khoảng 173 loài chim và 41 loài động vật có vú, bao gồm các loài có mức độ đe dọa tuyệt chủng cao toàn cầu như báo tuyết, cừu aga hay dê rừng châu Á.
Năm 2003, UNESCO đã liệt kê lòng chảo Uvs Nuur là di sản thế giới thiên nhiên. Di sản xuyên quốc gia này là một trong những khu vực lớn nhất được liệt kê trong Danh sách di sản thế giới cho tới năm 2006.