Nhật Bản được biết tới là quốc gia có sự đan xen giữa văn hóa truyền thống và hiện đại một cách rõ nét. Vì vậy, bên cạnh sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thì các giá trị văn hóa nghệ thuật nơi đây không mất đi mà còn có sự thay đổi làm sao để tương thích với thời đại.
1. NGHỆ THUẬT TRÀ ĐẠO (茶道)
Trà đạo được phát triển từ khoảng cuối thế kỷ XII và được xem như một điển hình trong văn hóa cổ xưa của Nhật Bản. Theo truyền thuyết Nhật, ngày đó có vị cao tăng người Nhật là Eisai (1141-1215) đi du học và mang về từ Trung Quốc một loại bột trà xanh được gọi là Matcha. Lúc đầu Matcha chỉ được dùng như một loại thuốc nhưng sau đó trở thành một thức uống xa hoa mà chỉ giới thượng lưu mới được sử dụng và thưởng thức trong các buổi họp mặt.
Từ uống trà, cách uống trà, rồi nghi thức uống trà cho đến trà đạo là một tiến trình không ngưng nghỉ mà cái đích cuối cùng người Nhật muốn hướng tới đó là cải biến tục uống trà du nhập từ ngoại quốc trở thành một tôn giáo trong nghệ thuật sống của chính dân tộc mình. Trà đạo ở Nhật không đơn thuần chỉ là phép tắc uống trà, mà trên hết còn là một phương tiện hữu hiệu nhằm làm trong sạch tâm hồn bằng cách hòa mình với thiên nhiên, từ đó tu tâm dưỡng tính để đạt giác ngộ.
Cách pha trà:
Bước 1: Nước pha trà
Nước pha trà thường được giữ ở 80 độ C – 90 độ C và thường được đựng trong một bình thủy hoặc được nấu trong một cái ấm kim khí không nắp trên bồn than yếu.
Bước 2: Làm ấm dụng cụ
Ấm pha trà và tách uống trà được tráng bằng nước sôi để làm ấm dụng cụ. Sau đó dùng khăn lau khô trước khi sử dụng. Sau đó cho trà vào ấm. Vì trà của Nhật là trà bột nên thường mỗi khách là một muỗng café trà xanh (trừ trường hợp người nghiện và muốn uống trà đậm thì cho nhiều hơn).
Bước 3: Pha trà
Thường trà sẽ được pha thành 3 lần khác nhau như sau:
Lần thứ nhất: Pha với nước nóng ở 60 độ C, để trà ngấm trong 2 phút rồi rót ra mời khách. Để giảm nhiệt độ của trà, thường nước sôi sẽ được rót ra một bình trà khác (hay chén tống).
Lần thứ hai: Pha với nước nóng ở 80 độ C trong khoảng 30 – 40 giây. Nghĩa là cho nước vào ấm trà, hơi lắc nhẹ và rót ra tách cho khách ngay. Nước pha trà cũng được rót qua bình trung gian để điều chỉnh nhiệt độ.
Lần thứ ba: Pha trà ở nhiệt độ 90 độ C khoảng 30 – 40 giây. Nước có thể rót trực tiếp từ bình thủy vào bình trà.
Với những loại trà ngon, thượng hạng có thể pha thêm lần thứ tư, thứ năm. Tuy nhiên, các loại trà thông thường chỉ pha đến lần thứ ba.
Bước 4: Cách rót trà
Các tách trà được để trong khay trà và rót theo thứ tự 1 – 2 – 3 – 4. Loại tách cỡ lớn tầm 70ml, lần đầu rót vào 30ml, sau đó tiếp tục với thứ tự ngược lại 4 – 3 – 2 – 1 mỗi lần 20ml. Tổng cộng tách trà rót là 50ml. Không được rót đầy trà cho khách một lần đầy tách rồi rót tiếp cho người kế tiếp. Làm như vậy sẽ có sự khác biệt về độ đậm nhạt của trà.
Bước 5: Cách uống trà
Khi uống trà xanh Nhật Bản, người Nhật thường ăn kèm với một vài loại bánh ngọt để gia tăng hương vị của trà. Trước khi uống, sẽ ăn vài miếng bánh (phải ăn hết bánh trong miệng mới uống trà, không nên vừa ăn vừa uống). Sau đó thỉnh thoảng ăn thêm bánh và uống trà tiếp.
2. NGHỆ THUẬT CẮM HOA (華道)
Người Nhật Bản nổi tiếng về nghệ thuật cắm hoa trên thế giới. Họ chú trọng chủ yếu vào đường nét và sự hài hòa của các loài hoa. Nghệ thuật Ikebana thường được biết đến dưới cái tên Kadou – Hoa đạo, là nghệ thuật diễn tả những tình cảm khi thưởng thức thiên nhiên, một nền nghệ thuật tái tạo lại không gian của cảnh vật với một cành cây, một ngọn cỏ, bộc lộ những sắc thái tình cảm qua các cung bậc màu sắc của các loài hoa.
Ra đời từ hơn 1500 năm trước tại Kyoto, Ikebana ban đầu được bắt đầu với những bông hoa cúng dâng lên Đức Phật trong các ngôi chùa cổ. Cách sắp xếp Ikebana khi đó vẫn khá giản đơn và chỉ hướng đến làm nổi bật ba yếu tố tượng trưng chính là trời, đất và con người.
Trong cách cắm hoa, cần tới sự hiểu biết về dòng thời gian và người nào có con mắt phân biệt có thể dễ nhận ra được điều này. Sự cắm hoa phải biểu hiện được thời gian, tháng, mùa, cũng như sự tăng trưởng liên tục của vật liệu sử dụng. Chẳng hạn như:
Quá khứ: dùng hoa nở hết, trái cây khô hay lá cây khô.
Hiện tại: dùng hoa nở nửa chừng hay lá cây hoàn hảo.
Tương lai: dùng nụ hoa, nụ lá để hứa hẹn sự tăng trưởng sắp tới.
Sự cân nhắc về vật liệu sử dụng cũng cần phải đi đôi với cách xếp đặt, trình bày:
Mùa Xuân: cách xếp đặt đầy sức sống với các đường cong biểu hiện sinh lực.
Mùa Hạ: cách xếp đặt tỏa ra và tràn đầy.
Mùa Thu: cách xếp đặt mỏng và thưa thớt.
Mùa Đông: cách xếp đặt đượm buồn và lắng nghỉ.
Phương pháp cắm hoa phải mang tính cách tượng trưng, mô tả, nhưng một số hình thể của hoa lá lại phải được phối hợp với phong tục, tập quán và văn hóa. Vào các ngày quốc lễ, lại có một số cách cắm hoa được ấn định trước và vào các dịp lễ hội, các nghi lễ gia đình có thể bị coi là thiếu đầy đủ nếu không theo cách cắm hoa thích hợp và không trưng bày thứ hoa thích hợp. Hoa Cúc trắng là hoa của ngày tết đầu năm, trong khi vào ngày Tết búp bê (mồng 3 tháng 3), người Nhật thường dùng tới hoa Đào, và hoa Diên Vĩ (iris) là thứ hoa của ngày Tết con trai (mồng 5 tháng 5).
3. KỊCH KABUKI (歌舞伎)
Bằng sự kết hợp nhiều loại nghệ thuật như múa, diễn xuất, âm nhạc,… Kabuki trở thành loại hình nghệ thuật độc đáo không chỉ ở phạm vi nước Nhật mà nó đã vươn ra thế giới, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Kabuki là một trong 3 loại hình nghệ thuật sân khấu chính của Nhật Bản, cùng với kịch No và kịch rối bunraku. Kabuki ra đời vào đầu thế kỷ 17 dưới hình thức biểu diễn tạp kỹ, sau đó trở thành một loại hình kịch nghệ được ưa chuộng nhất trong thời kỳ Edo (1603-1868).
Loại hình nghệ thuật này bắt đầu từ một màn trình diễn có điệu múa lạ mắt của một đồng cốt tại đền thờ Izumo Taisho, tên là Okuni. Kabuki nhanh chóng chiếm được cảm tình của khán giả, ban đầu người biểu diễn chính trong kabuki là phụ nữ, tuy nhiên do các ảnh hưởng xấu tới thuần phong mỹ tục đi kèm chính phủ đã cấm nữ giới biểu. Lúc này, cánh đàn ông tiếp tịc biểu diễn vì Kabuki vẫn rất nổi tiếng và được yêu thích. Dù vậy, các vụ ẩu đã và tệ nạn xấu vẫn tiếp tục xảy ra khiến chính quyền một lần nữa ban lệnh cấm. Vào đầu giai đoạn Genroku (1688-1704), kabuki đã trở thành một loại hình kịch nghệ nghiêm túc. Các vai diễn cũng như kịch bản trở nên phức tạp hơn và nghệ thuật diễn xuất được chú trọng. Trong thời kỳ này xuất hiện nhà viết kịch vĩ đại nhất của Nhật là ông Chikamatsu Monzaemon.
Kể từ khi xuất hiện, Kabuki đã có lịch sử 400 tuổi. Kabuki được chia thành làm hai thể loại kịch chính. Đầu tiên là Jidaimono hay còn gọi là kịch lịch sử. Các vở kịch Jidaimono thường đề cập đến các sự kiện lịch sử quan trọng trước thời Edo của Nhật Bản.Thể loại kịch thứ hai là Sewamono. Sewamono mô tả cuộc sống của thị dân và nông dân trong thời Edo. Chủ đề của Sewamono là chuyện gia đình hoặc tình cảm lãng mạn.
4. NGHỆ THUẬT THƯ PHÁP (書道)
Nghệ thuật thư pháp Nhật Bản (trong tiếng Nhật gọi là Shodo) là một trong những loại hình nghệ thuật thị giác nổi tiếng nhất của Nhật Bản. Nghệ thuật thư pháp Nhật Bản ra đời vào thế kỷ 6, khoảng 1500 năm, chịu ảnh hưởng lớn từ nghệ thuật thư pháp của Trung Quốc. Tuy nhiên, người Nhật đã có những cách tân riêng để tạo ra một trường pháp nghệ thuật thư pháp riêng của xứ sở mặt trời mọc, trong đó tiêu biểu nhất là hệ thống chữ Cana.
Trong thư pháp Nhật Bản, không có gì là bình thường hay vô nghĩa. Sự khởi đầu, hướng đi bút, hình thức, sự kết thúc của các đường, sự cân bằng giữa các nhân tố là vô cùng quan trọng, với từng đường kẻ, từng điểm, thậm chí những khoảng trống cũng có ý nghĩa riêng. Chữ tượng hình, về bản chất, là sự hài hòa, cân đối và thăng bằng. Có tới 2.136 ký tự kanji trong tiếng Nhật mà trẻ em Nhật phải học từ bé. Những ký tự tượng hình này được các nghệ nhân thư pháp truyền tải lên mặt giấy trắng vô cùng tài tình, tạo nên những bức thư pháp mang đậm ý nghĩa biểu trưng, thể hiện khí chất và tâm hồn của người nghệ sĩ.
5. NGHỆ THUẬT GẤP GIẤY (おりがみ)
Vào khoảng năm 105 sau Công Nguyên, người Trung Quốc đã phát minh ra giấy viết. Vào thế kỷ thứ 6, các nhà sư đã mang giấy từ Trung Quốc tới Nhật Bản. Cũng giống như ở Trung Quốc, người Nhật khi đó chỉ sử dụng giấy trong các dịp lễ quan trọng.Mãi tới những năm 1660, người Nhật mới sử dụng giấy như một công cụ giải trí. Và tận 20 năm sau đó, vào năm 1680 lần đầu tiên hình ảnh những cánh bướm giấy rập rờn mới được nhắc đến trong một bài thơ tiếng Nhật. Đến năm 1797, Akisato Rito đã xuất bản cuốn sách đầu tiên về gấp giấy nghệ thuật có tựa đề “Sembazuru Orikata” (Xếp ngàn cánh hạc). Nhưng phải tới thế kỷ 19, thuật ngữ “gấp giấy” mới trở nên phổ biến khắp quốc đảo này.
Chữ origami trong tiếng Nhật bắt nguồn từ hai chữ: ori là gấp hay xếp và kami là giấy. Origami chỉ được dùng từ 1880; trước đó, người Nhật dùng chữ orikata.
Origami kết hợp những cách gấp đơn giản để biến miếng giấy hình chữ nhật (2 chiều), mà thường là hình vuông, thành những hình phức tạp (3 chiều), không cắt dán trong quá trình gập, đây cũng là xu hướng của origami hiện đại. Không giống như người ta thường nghĩ, các qui tắc origami truyền thống của Nhật Bản (bắt đầu từ khoảng triều Edo 1603-1867), lại ít nghiêm ngặt hơn origami hiện đại: giấy gấp có thể là hình tròn, tam giác, và có thể cắt dán trong quá trình gấp.
Ở một vài nơi trên thế giới còn áp dụng dậy Origami trong các tiết học mỹ thuật, hình ảnh trực quan. Đặc biệt là ở các lớp mẫu giáo và cấp một, học Origami giúp trẻ tư duy hình ảnh, hình học trực quan, trừu tượng, không gian, các khối 3 chiều, các hình tam giác, hình vuông…. rất có lợi cho sự phát triển tư duy của trẻ.