Top 10 di sản thế giới được công nhận tại Bỉ

0
1397
Vật Phẩm Phong Thủy

Di sản thế giới là di chỉ, di tích hay danh thắng của một quốc gia như rừng, dãy núi, hồ, sa mạc, tòa nhà, quần thể kiến trúc hay thành phố,… do các nước có tham gia Công ước Di sản thế giới đề cử cho Ủy ban Di sản thế giới, được công nhận và quản lý bởi UNESCO. Sau đó, UNESCO sẽ lập danh mục, đặt tên và bảo tồn những vị trí nổi bật về văn hóa hay đặc điểm tự nhiên cho di sản nhân loại chung. Vậy ở Bỉ có những di sản nào đã được công nhận , chúng ta cùng tìm hiểu sau đây.

1.Khu mỏ Blegny
Khu mỏ Blegny là một bảo tàng mỏ than nằm ở Blegny, gần Liège, Bỉ. Bảo tàng là một điểm dừng của Tuyến đường di sản công nghiệp châu Âu, đồng thời cũng là một phần của di sản thế giới Khu mỏ chính ở Wallonia được UNESCO công nhận vào năm 2012. Mỏ than là một minh chứng cho quá trình công nghiệp hóa (giai đoạn 1860-1960) với việc sử dụng điện và động cơ đốt trong.

Đây là mỏ than cuối cùng ở lưu vực Liège. Mỏ than đã dừng hoạt động khai thác và thương mại vào năm 1980, và mở cửa cho công chúng tham quan như là một địa danh du lịch. Mỏ than bao gồm hai giếng khai thác ở độ sâu 530 mét. Ở độ sâu 30 và 60 mét là phòng trưng bày được bố trí hệ thống thông gió. Tại đây, du khách có thể chiêm ngưỡng động cơ diesel cổ, hệ thống vận chuyển than bằng đường sắt.


2.Khu mỏ chính ở Wallonia
Các địa điểm thuộc Khu khai mỏ chính ở Wallonia ở miền nam nước Bỉ được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2012 bao gồm 4 khu mỏ là:

Khu mỏ Grand Hornu
Khu mỏ Bois-du-Luc
Khu mỏ Bois du Cazier
Khu mỏ Blegny
Bốn địa điểm tạo thành một dải dài 170 km, mỗi mỏ có chiều dài từ 3 đến 15 km, kéo dài từ Đông sang Tây của Bỉ. Di sản này bao gồm các khu khai thác than từ thế kỷ 19, 20 được bảo tồn tốt nhất của đất nước. Đây là ví dụ đầu tiên của kiến ​​trúc không tưởng từ giai đoạn đầu của thời đại công nghiệp ở châu Âu trong một quần thể tích hợp cao, giữa công nghiệp và đô thị, đặc biệt là mỏ than Grand Hornu và thành phố của người lao động được thiết kế bởi Bruno Renard trong nửa đầu của thế kỷ 19. Mỏ Bois-du-Luc bao gồm nhiều tòa nhà được xây dựng từ năm 1838-1909 và là một trong những mỏ than lâu đời nhất của châu Âu, có niên đại từ cuối thế kỷ 17. Tại khu vực Wallonia có hàng trăm mỏ than, hầu hết đã bị biến mất, trong khi bốn địa điểm của di sản được UNESCO công nhận là biện pháp tốt nhất để bảo vệ tính toàn vẹn.

3.Hôtel Tassel
Hôtel Tassel là một ngôi nhà do kiến trúc sư người Bỉ Victor Horta thiết kế cho nhà khoa học kiêm giáo sư người Bỉ Emile Tassel. Nhà này được xây dựng năm 1893-1894, tọa lạc tại số 6 phố Paul-Emile Jansonstraat ở Bruxelles, Bỉ.

Ngôi nhà này thường được coi là ngôi nhà đầu tiên thực sự theo phong cách Nghệ thuật mới (Art Nouveau). Horta đã dứt khoát đoạn tuyệt với kiểu phối hợp truyền thống. Trên thực tế, Horta xây nhà này gồm 3 phần riêng. Hai phần nhà hơi theo lối cổ truyền bằng gạch và đá – một ở phía đường phố và một ở phía vườn – Phần ở giữa là cấu trúc bằng thép, mái lợp kính, nối 2 phần kia với nhau. Qua mái che bằng kính, ánh sáng tự nhiên được chiếu vào trung tâm tòa nhà.

Cùng với Nhà bảo tàng Horta, Hôtel Solvay, Hôtel van Eetvelde, Hôtel Tassel đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2000.


4.Hôtel Solvay
Hôtel Solvay là một ngôi nhà tọa lạc ở số 224 đường Louise thành phố Bruxelles, Bỉ, do kiến trúc sư Victor Horta thiết kế theo phong cách Nghệ thuật mới (Art nouveau). Đây là một trong 4 ngôi nhà chủ yếu do kiến trúc sư Victor Horta thiết kế được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới trong năm 2000.

Ngôi nhà này do Armand Solvay – con của nhà hóa học kiêm kỹ nghệ gia nổi tiếng người Bỉ Ernest Solvay – giao cho kiến trúc sư Victor Horta thiết kế. Horta đã thiết kế rất tỉ mỉ tới từng chi tiết nhỏ như thảm, đồ nội thất, ánh sáng, đồ dùng trên bàn ăn, thậm chí tới cả chuông cửa. Horta đã dùng các vật liệu xây dựng rất đắt tiền như đá hoa, onyx (mã não dạng sợi), đồ đồng, gỗ vùng nhiệt đới vv…Về trang trí cầu thang, Horta đã cộng tác với hoạ sĩ chấm màu người Bỉ Théo van Rysselberghe.

Hôtel Solvay và phần lớn đồ nội thất được bảo trì nguyên vẹn, nhờ gia đình Wittamer. Gia đình này đã mua ngôi nhà đó trong thập niên 1950 và đã hết sức giữ gìn cùng tu sửa ngôi nhà nguy nga này. Hôtel Solvay ngày nay vẫn thuộc sở hữu tư nhân, nên du khách chỉ có thể tham quan khi chủ nhà cho phép với những điều kiện ngặt nghèo.


5.Quảng trường Lớn Bruxelles
Quảng trường Lớn (Bruxelles) (tiếng Hà Lan: Grote Markt, tiếng Pháp và tiếng Anh: Grand Place) là quảng trường ở trung tâm thành phố Bruxelles, Bỉ. Đây là nơi rất hấp dẫn du khách và là một biểu tượng của thành phố, sau Atomium và giếng phun nước Manneken Pis. Quảng trường Lớn Bruxelles đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới năm 1998 trong khóa họp thứ 22.


6.Các tháp chuông của Bỉ và Pháp
Các tháp chuông của Bỉ và Pháp gồm 56 tháp đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới. Quần thể này gồm 32 tháp của Bỉ được công nhận năm 1999, tới năm 2005 UNESCO công nhận thêm 23 tháp của Pháp.

Các tiêu chuẩn để UNESCO công nhận là di sản thế giới được nêu ra như sau:

Các tháp chuông này là những mẫu đặc biệt của dạng kiến trúc đô thị, thích ứng với các nhu cầu chính trị và tinh thần trong thời đại của chúng.
Các tháp chuông này thể hiện sự độc lập của các thành phố và thị xã mới đạt được đối với chế độ phong kiến thời trung cổ

7.Các tu viện béguinages xứ Flanders
Các tu viện béguinages xứ Flanders gồm một số tu viện dòng béguinage ở xứ Flanders (Bỉ), được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới năm 1998, trong khóa họp thứ 22.

Dòng béguinage là một cộng đoàn nữ tu tự trị gồm các phụ nữ thế tục, hiến thân phụng sự Chúa (béguin) nhưng không hoàn toàn giống nhu các nữ tu thoát tục. Các nữ tu thế tục này sống trong các tu viện gọi là béguinage, thường gồm một số nhà cư ngụ, nhà làm việc, nhà nguyện vv…, xây dựng chung quanh một sân. Dòng béguinage phát triển ở một số vùng trong các nước tây bắc Âu từ thế kỷ thứ 13 (nhất là ở xứ Flanders, Bỉ).


8.Viện bảo tàng Plantin-Moretus
Viện bảo tàng Plantin-Moretus là một quần thể bảo tàng-xưởng-nhà tại Antwerp (Bỉ). Quần thể này được đặt tên theo hai người in sách nổi tiếng của thế kỷ 16: Christoffel Plantijn và Jan Moretus.

Quần thể này đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2005.


9.Nhà thờ Đức Bà Tournai
Nhà thờ Đức Bà Tournai là một nhà thờ chính tòa và là một nhà thờ Đức Bà ở Tournai. Nhà thờ Đức Bà Tournai mang đậm nét kiến trúc Roman. Hai bên nhà thờ đều có tháp chuông. Trong khóa họp thứ 24 vào năm 2000, UNESCO đã công nhận Nhà thờ Đức Bà Tournai là di sản thế giới.


10.Maison Guiette
Maison Guiette hay Nhà Guiette còn được gọi là Les Peupliers là một dinh thự nằm ở Antwerp, Bỉ. Nó được thiết kế vào năm 1926 bởi Le Corbusier và xây dựng vào năm 1927. Nơi đây là phòng thu và nơi sinh sống của René Guiette, một họa sĩ và nhà phê bình nghệ thuật người Bỉ. Đây là một trong những công trình ít được biết đến của Le Corbusier, nhưng đã trở nên nổi tiếng sau khi nó được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 2016 cùng với 16 công trình kiến trúc khác đại diện cho Phong cách Kiến trúc Quốc tế.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN