Top 7 lễ hội truyền thống lớn và nổi tiếng nhất ở Tp Hồ Chí Minh

0
3720
Vật Phẩm Phong Thủy

Mỗi cùng đất trên nước ta đều có những bản sắc riêng với những lễ hội đặc sản vùng miền khác nhau . Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem những lễ hội truyền thống đặc sắc ở Thái Nguyên nhé.

1. Lễ hội chùa Phước Hải
Lễ hội chùa Phước Hải được tổ chức vào ngày mùng 9 tháng giêng âm lịch hàng năm, tại số 73, đường Mai Thị Lựu, gần chợ Đa Kao thuộc phường Đa Kao, quận 1.
Chùa Ngọc Hoàng hay Ngọc Hoàng điện, nay gọi là chùa Phước Hải, tọa lạc tại số 73, đường Mai Thị Lựu, gần chợ Đa Kao thuộc phường Đa Kao, quận I, thành phố Hồ Chí Minh.Chùa Ngọc Hoàng được thành lập từ năm 1892 do một người Hoa tên Lưu Minh chủ xướng. Năm 1900, công cuộc xây cất chùa hoàn thành, nhưng đến năm 1906 mới làm lễ khánh thành. Chùa khởi nguyên tên là Ngọc Hoàng Điện, người Pháp gọi là “chùa Đa Kao”, năm 1982 chùa gia nhập Giáo hội Phật Giáo Việt Nam với hòa thượng Thích Vĩnh Khương chủ trì, mới đổi tên thành Phước Hải Tự, nhưng dân gian vẫn quen gọi là chùa Ngọc Hoàng.

Trong sân chùa Ngọc Hoàng, ngoài hai hồ nuôi cá và rùa, có một miếu thờ Hộ Pháp và một nhà bát giác che chiếc đỉnh lớn đúc bằng xi măng giả đồng dành cho khách hành hương thắp nhang trước khi vào chùa cũng như ra khỏi chùa. Chùa Ngọc Hoàng có tổng cộng trên 300 tượng thờ, được phân bố trong ba gian thờ. Gian ở giữa liền với cổng vào, là gian thờ các bậc thiên tướng và Ngọc Hoàng, theo thứ tự từ ngoài vào trong gồm có: Thổ địa (bên trái cửa vào), Môn Quan (bên phải cửa vào)- Phật Dược Sư, tượng phật duy nhất bằng gỗ trầm đặt trong lồng kính, ở giữa chánh điện- Thanh Long đại tướng (bên phải) và Phục Hổ đại tướng (bên trái), tượng to bằng người thật- Cung thờ Ngọc Hoàng ở giữa, cung thờ Chuẩn Đề Quan Âm bên phải và cung thờ Bắc Đế, tức Huyền Võ hay Trấn Võ bên trái.Ở gian thờ Ngọc Hoàng có sáu pho tượng chính: bên phải gồm ba vị, với giữa là Quan Phu Tử (chủ về việc võ) và hai bên là Thiên Tướng và Thiên Thần. Ngoài ra, còn có các tượng thờ khác như: Nam Tào, Bắc Đẩu, Hoa Đà tiên sư, Tề Thiên đại thánh, Quan Thánh đế quân, thần Nhật, thần Nguyệt, Long Mẫu nương nương, Tứ Đại kim quang, Thái ất chân nhân, Hòa thượng Đạo Minh, Khuyến thiện đại sư, hai quan văn, hai quan võ, hai đồng tử, Ông bà bà Thiên Lôi cùng bảy thiên tướng…
Hầu hết các tượng thờ ở đây đều bằng gỗ, một số ít làm bằng giấy bồi. Riêng tượng của Ngọc Hoàng là pho tượng ngồi lớn nhất trong chùa. Đầu tượng Ngọc Hoàng đội mão lớn có mái che trước trán. Hai tay Ngọc Hoàng cầm lịnh tiễn. Mặt Ngọc Hoàng bình thản, không vui cũng không buồn, mắt trong tư thế mở nhưng không thấy rõ tròng mắt, mũi dời và to. Khuôn mặt tượng Ngọc Hoàng hình chữ điền, hai má cao và rộng, có bốn chòm râu tỏa dài xuống ngang vai.Ngọc Hoàng mặc áo choàng rộng, hai tay áo phủ tận đến các ngón tay. áo được chạm nối dính hến vào tượng với kỹ thuật sơn son thếp vàng tinh xảo làm nổi bật đường nét trang trí trên thân áo với một con rồng uốn lượn.Gian bên trái từ ngoài vào, theo thứ tự từ trước ra sau có những hương án với các tượng thờ sau:- Gian đầu tiên thờ Kim Hoa thánh mẫu, mười hai bà mụ và các nhũ mẫu trong các tư thế nuôi dạy cho trẻ nhỏ.Đây là gian cầu tự cho những người hiếm muộn- Gian tiếp theo là Thập Điện Diêm Vương, với mười bức chạm gỗ với cảnh mười cửa ngục phân bổ đều mỗi bên vách năm bức. Nối liền gian Thập Điện với gian Kim Hoa thính mẫu, có các tượng thờ: Quan Âm, Kim Đồng, Ngọc Nữ, Địa Tạng Vương bồ tát (biểu tượng cho sự cứu rỗi), Hoạt Vô Thường, Tư Mạng sứ quân và Dẫn Hồn Tiền (biểu tượng sự dẫn dắt, phân biệt linh bổ lành dữ)- Thần Tài: Trang phục đồ tạng, biểu tượng mang hết sự rủi ro vào mình và ban phát tài lộc cho nhân gian. Tượng đứng cuối gian Thập Điện, tay cầm một cái rổ đựng các gói giấy đỏ bọc mảnh giấy nhỏ ghi hai chữ Hán “Tài Thần” bên trong để khách hành hương xin lộc- Gian nối liền với gian Thập Điện có các tượng thờ: Nhị Vị song án, Mã tướng quân, Thành Hoàng Lỗ Ban và Thái Tuế- Gian cuối cùng (hiện không còn cho khách vào chiêm bái) gồm hai hương án thờ Thạch Cẩm Đương (tục thờ đá của người Hoa) và thờ Ông Tà (tục thờ đá của người Khmer)- Bên phải gian thờ Ngọc Hoàng là phòng khách của chùa, sau phòng này có cầu thang lên lầu. Nơi đây thờ phụng: Quan Âm bồ tát, Quan Thánh Đế Quân, Hộ pháp và Tổ Lưu Minh – người lập chùa.

Lễ hội còn diễn ra vào những ngày rằm, mùng một âm lịch, nhất là vào các ngày rằm lớn trong năm (15/1 âm lịch, 15/7 âm lịch, 15/10 âm lịch) khách đến lễ chùa đông đến hàng vạn người. Tuy nhiên, dịp lễ hội thu hút khách đông nhất là dịp lễ vía Ngọc Hoàng vào ngày mùng 9 tháng giêng âm lịch hàng năm.

Vào dịp này, tối ngày mùng 8, vị hòa thượng trụ trì chùa tổ chức tụng kinh cầu an. Cả ngày mùng 9 dành cho hàng chục vạn khách đến chiêm bái, có cả người Hoa lẫn người Việt. Khói hương mù mịt khắp trong ngoài…Trong các cơ sở tín ngưỡng dân gian của người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh, chùa Ngọc Hoàng có thể xem là một trong những điểm có sức thu hút khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái rất đông đảo./.


2. Lễ hội chùa bà Thiên Hậu
Lễ hội chùa bà Thiên Hậu được tổ chức vào ngày 23/3 âm lịch hàng năm, tại 710 Nguyễn Trãi, quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Lễ hội nhằm suy tôn Bà Thiên Hậu.

Bà có tên thật là Mi Châu, sinh ngày 23 tháng 3 (âm lịch) năm Giáp Thân (1044), sống ở Phước Kiến (Trung Quốc). Theo sự tích kể lại thì ngày hôm ấy cha Bà là Lâm Tích Khánh cùng hai anh trai đi thuyền chở muối đến Giang Tây, giữa đường gặp bão lớn. Lúc đó Bà đang ngồi dệt vải cạnh mẹ nhưng xuất thần để đi cứu cha và hai anh. Bà dùng răng cắn được chéo áo của cha, hai tay nắm hai anh, giữa lúc đó mẹ kêu gọi Bà, ép Bà trả lời, Bà vừa hở môi trả lời thì sóng cuốn cha đi mất dạng, chỉ cứu được hai anh. Từ đó mỗi khi thuyền bè ngoài biển bị nạn người ta đều gọi vái đến Bà. Năm Canh Dần (1110) nhà Tống sắc phong cho Bà là “Thiên Hậu Thánh Mẫu”.

Chùa Bà Thiên Hậu hàng ngày vẫn đón tiếp những người đến cúng lễ khá đông. Nhưng đông hơn là vào các ngày mùng một và rằm hàng tháng, các ngày lễ Tết trong năm của người Hoa như Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, Tết Đoan ngọ v.v… Đặc biệt, ngày 28 Tết, chùa tiến hành lễ cúng Bà và Lễ khai ấn, cầu mong Bà phò trợ cho “Hộ quốc an dân” và “Hợp cảnh bình an”. Riêng ngày vía Bà (23 tháng 3 âm lịch) được xem là ngày hội chính của chùa.

Vào ngày lễ, bà con người Hoa, người Việt đến cúng lễ rất đông. Đêm 22 sẽ diễn ra Lễ tắm Bà. Sáng ngày 23, mọi người lại tổ chức Lễ rước Bà: Tượng Bà được đặt vào kiệu do các thanh niên nam nữ ăn mặc đẹp đẽ diễu qua các đường phố quanh chùa. Theo sau kiệu có thuyền rồng, các tấm bảng đỏ ghi tên các vị thần được thờ phụng trong chùa, các đội múa gồm: múa lân, múa sư tử, múa rồng, các đội nhạc dân tộc vừa biểu diễn vừa múa hát, tạo nên một quang cảnh náo nhiệt trong các khu phố đông đảo người Hoa…

Chùa Bà Thiên Hậu (theo cách gọi của người Việt) còn được gọi là chùa Bà Chợ Lớn, tên chữ Hán là Thiên Hậu miếu, người Hoa gọi là Phò Miếu (tức miếu Đức Bà). Và do bên cạnh chùa có Tuệ Thành Hội quán là nơi quy tụ của nhóm người Hoa Quảng Đông, nên chùa còn được gọi Tuệ Thành Hội quán.

Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất của người Hoa đã gây dựng trên đất Đề Ngạn xưa. Chùa nằm trong khu trung tâm của những người Hoa đầu tiên đến tạo lập nên Chợ Lớn sau này. Chùa Bà Thiên Hậu được nhóm người Hoa gốc huyện Tuệ Thành, Quảng Đông đã rời bỏ làng quê sang Việt Nam góp vốn và góp công xây dựng vào khoảng năm 1760 và được trùng tu lớn vào các năm 1800, 1842, 1890, 1916…

Đại Nam Nhất Thống Chí ghi: “Cách huyện Bình Dương 12 dặm, ở phía tả và phía hữu đường quan lộ. Nơi chợ có đường thông ra tứ phía đi liên lạc như hình chữ “điền”, nhà cửa phố xá liên tiếp thềm mái cùng nhau, người Hán, người Thổ ở chung lộn dài độ 3 dặm, đủ cả hàng hóa trăm thức, ở bên sông Nam và Bắc không thiếu món gì, đầu phía Bắc đường lớn có đền Quan Công, quán Tam Hội, xây cất đối nhau phía tả và phía hữu. Phía Tây đường lớn có chùa Thiên Hậu, gần phía Tây có Ôn Lăng Hội Quán”.

Chùa thờ bà Thiên Hậu là chính. Bà được người Quảng Đông gọi là “A Phò” (Đức Bà). Người Phúc Kiến và Hải Nam thích gọi bà là “Đạo Mẫu”.
Trang trí ở các điện là hình hoa lá, chim thú và hoành phi, câu đối, biển tự thường là màu đỏ, vàng tạo sự ấm áp, tin tưởng. Chùa còn có các bức tranh đắp nổi liên hoàn, các con vật thuộc “tứ linh”…

Chùa Bà Thiên Hậu là một trong những ngôi chùa miếu, có lịch sử lâu đời nhất của người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh giá trị về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hiện vật cổ, nơi đây còn có một giá trị khác, đó không chỉ là nơi đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng mà còn là nơi qui tụ và tương trợ lẫn nhau của bà con người Việt gốc Hoa (Quảng Đông).

Sự tích Bà Thiên Hậu, qua người kể đôi khi có ít nhiều dị biệt nhưng chủ yếu vẫn là đề cao một người phụ nữ Hoa có lòng hiếu thảo, đức hạnh, dám xả thân vì mọi người…Sự đề cao này nhằm mục đích giáo dục.

Mặt khác trên bước đường nguy nan, nhiều sóng gió khi sang vùng đất mới để mưu sinh, người Hoa tin tưởng sự hiển linh của bà sẽ giúp họ vượt qua được mọi trở ngại và được an cư lạc nghiệp. Để tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với sự phù trợ của Bà, Chùa Bà Thiên Hậu có vị trí quan trọng đối với người Hoa Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu… và cả người Việt.

Chùa Bà được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia ngày 07 tháng 01 năm 1993./.


3.Lễ Kỳ Yên đình Bình Đông
Hàng năm cứ vào độ tháng hai âm lịch, bà con trong khắp khu vực Sài Gòn Chợ Lớn (xưa) và nay thuộc các quận 8, 11, 5, 4, Bình chánh và miệt Cần Giuộc, Cần Đước – Long An; cả người Việt lẫn người Hoa lại chuẩn bị lễ vật để ngày 12 và 13 tháng hai âm đến cúng viếng đình Bình Đông.

Theo lời các vị bô lão kể lại đã lâu lắm rồi, nơi ngôi đình hiện nay, dân cư hồi đó thưa thớt làm ăn khó khăn. Một hôm, có người vớt được chiếc mão trôi trên rạch, đoán rằng của quan quân nào đó bị nạn, nên đưa lên gò và khấn vái. Lạ thay, sau đó, vùng này trúng mùa liên tục, dân làng làm ăn khấm khá qui tụ về dựng nên mái đình ngày nay. Nơi bệ thờ chính luôn luôn có những chiếc mão mới được dân làng sùng bái dâng cúng cho đến tận bây giờ.

Đình Bình Đông được xây dựng trên cù lao ngay nhánh rẽ của dòng Kinh Đôi, thuộc phường 7 quận 8 thành phố Hồ Chí Minh.

Theo “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức thôn Bình Đông, thuộc tổng Tân Phong, huyện Tân Long, phủ Tân Bình (1818). Đình có sắc phongTự Đức ngũ niên. Như vậy đình Bình Đông phải được xây dựng trước năm 1853 tức trước năm nhận được sắc. Sắc phong Thần “Thành Hoàng bổn cảnh” của thôn Bình Đông, huyện Tân Long ghi ngày 29 tháng 11 âm lịch năm Nhâm Tý.

Theo các bô lão thì đình Bình Đông có từ xưa, đến năm 1922 được trùng tu với mái ngói, vách ván, cột kèo gỗ theo dạng đình Nam Bộ: võ ca và chánh điện nằm giữa, hai bên có Đông và Tây lang, bên cạnh có nhà Nghĩa Từ. Đến năm 1930, đình xuống cấp nên mái ngói được thay bằng ngói đại ống 2 lớp, vách trét ô dước, nền gạch tàu.

Năm 1968, đình bị bom đánh sập một phần võ ca, chánh điện và nghĩa từ. Mãi đến năm 1991, đình được xây dựng lại với kết cấu bằng nguyên vật liệu nặng (bê tông – cốt sắt) nhưng kiến trúc tổng thể vẫn giữ nguyên. Lần xây dựng này có thêm nhà truyền thống. Tuy toàn bộ cảnh quang không thay đổi nhưng kết cấu không còn nét nữa. Nổi bật còn lại vẫn là các hiện vật bên trong chánh điện như toàn bộ khám thờ thần, Tả Hữu ban, Hội đồng đều chạm viền quanh với rồng vờn châu, tùng lộc, tứ linh rất nghệ thuật. Trên bàn thờ thần có khánh đựng mão thần, bộ bát bửu bằng đồng, lư hương bình hoa bằng gốm quý. Trước bàn thờ bố trí bộ lỗ bộ đầu bịt đồng rất quý. Cặp liễn treo hai bên thờ thần với hàng chữ:
Chung quanh cặp liễn có chạm các hoa văn rất nghệ thuật. Ngoài ra còn có 4 cặp liễn khác cùng kích cỡ, cùng mang tính nghệ thuật chạm trổ với nội dung ca ngợi công đức thần được treo thuần tự theo cung cách thờ cúng. Trong chánh điện còn có bao lam chạm trổ hình dáng: mai, lan, cúc, trúc, mẫu đơn, sóc, giác trên các loại gỗ quí. Các hoành phi đáng kể như Bình Đông đình có ghi niên đại 1870 treo trên cửa chánh điện và bức “Diệu – Diệu anh linh” niên đại 1850.

Trong nhà nghĩa từ bài trí hai bàn Tiền và Hậu hiền với đầy đủ hiện vật thờ cúng. Cạnh có bàn Tiên – Sư cũng được chưng dọn rất nghiêm túc. Nhìn tổng thể còn có miếu Ngũ hành, bàn thờ Thần Nông, miếu Ông Tà bố trí theo tục lệ trước mặt võ ca nhằm phục vụ hát xướng ngày đại lễ.

Hàng năm lễ Kỳ Yên tự diễn ra theo nghi thức được truyền tụng như đầu lễ là Túc yết, chính lễ là Đoàn (Đàn) cả diễn ra trịnh trọng có tế thần gọi là lễ Thỉnh Sanh. Trong lễ có chánh bái bồi bái, học trò lễ, đào thái theo chiêng trống, kèn của nhạc mà hành lễ. Tiếp có lễ “hát bội” trước là lễ hầu thần, sau phục vụ bà con đến chiêm bái. Lệ này diễn ra hàng năm vào ngày 12 và 13 tháng 2 âm lịch.

Đặc biệt năm nào lễ cúng Kỳ Yên của Đình cũng thu hút hàng vạn người dân đến chiêm ngưỡng cúng bái. Các đình làng lân cận hoặc ở xa tận Long An cũng cử đoàn đến dâng lễ. .

Đình Bình Đông được bộ văn hóa cấp bằng công nhận di tích theo quyết định số 2890 – VH/QĐ ký ngày 27.09.1997./.

4.Hội chùa Ông Bổn
Chùa Ông Bổn hay còn gọi là (Nhị phủ miếu), tọa lạc tại đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5 (TP. Hồ Chí Minh), hàng năm có nhiều lễ hội lớn. Đặc biệt ngày lễ chính của chùa là rằm tháng Giêng và rằm tháng Tám theo âm lịch.
Lễ vật cúng ông Bổn thường là heo quay, heo sống, gà luộc, hoa trái, nhang đèn v.v… Ngươi Hoa phần lớn là người gốc Phúc Kiến đem lễ vật đến chùa cúng rất đông. Bà con người Hoa thường mua những vòng hương thắp cúng treo khắp vòm trần chùa tỏa khói thơm nghi ngút suốt nhiều tháng.

Ngoài hai ngày lễ chính, chùa Ông Bổn cũng có một số bà con người Hoa đến cúng chùa vào dịp Tết Nguyên đán, Nguyên Tiêu, Rằm tháng Chạp… Người Hoa ở thành phố tới lễ chùa, dự hội rất đông vui. Thường vào dịp tết Nguyên Đán, các đội múa Rồng đến tổ chức biểu diễn múa ngay sân chùa thu hút hàng ngàn người xem. Các đội võ thuật, thể dục thể thao, cũng thường tổ chức các cuộc thi đấu tại sân chùa.

Vào Rằm tháng Giêng một số bà con người Hoa đến lễ chùa và xin vay mượn tiền của các vị thần thánh trong chùa như Ông Bổn, Quan Công để làm ăn buôn bán. Sự vay mượn này có tính chất tượng trưng, nhưng đến cuối năm vào Rằm tháng Chạp, bà con đến chùa trả lễ đầy đủ cả vốn lẫn lời bằng số tiền mặt bỏ vào các thùng phước sương. Vào dịp này số người đến chùa Ông Bổn, cũng như nhiều chùa khác xin xăm, bói toán khá nhộn nhịp.

Theo tài liệu của Lý Văn Hùng trong Gia Định tràng Phật Tích cổ thì ông Bổn chính là Châu Đạt Quan, một viên quan của triều đình Trung Hoa đời nhà Nguyên, thế kỷ thứ XIII. Ông tham gia các sứ bộ Trung Hoa đến nhiều nước ở Đông Nam Á, trong đó có vùng đất nam Việt Nam và Chân Lạp. Ông là nhà viết sử và nhà du ký… nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa cổ đại. Từ miền Chân Lạp trở về, ông viết quyển Chân Lạp phong thổ ký (ghi chép về phong tục, đất đai và con người) mô tả vùng đất cực nam Đông Dương thế kỷ XIII…

Chùa Ông Bổn – Nhị phủ miếu có kiến trúc tổng thể theo hình chữ khẩu, gồm bốn dãy nhà dài, vuông góc nhau, khoảng trống ở giữa tạo nên sân thiên tỉnh. Nhìn từ bên ngoài chùa Ông Bổn nổi bật giữa phố phường với những nếp mái cong như chồng lên nhau. Những nếp mái cong của chùa Ông Bổn khá độc đáo so với nhiều ngôi chùa khác ở thành phố Hồ Chí Minh cũng như cả nước. Phần chính điện chùa Ông Bổn bày một bàn thờ Ngọc Hoàng thượng đế với một lư hương bằng đồng khá lớn. Bên trên Ngọc Hoàng có hai tấm hoàng phi đại tự “Phúc toàn đức bị” và “Thích cấp lâm phong”. Những hiện vật này được ghi rõ làm trong năm Quang Tự thứ 27 tức 1901.

Đi qua sân thiên tỉnh, nơi đó có dãy bàn bằng xi măng làm chỗ biện bày các lễ vật cúng thần, sẽ bắt gặp một hoàng phi đại tự “Thân Lâm phước địa”, nét chữ bay bướm phong nhã. Bên dưới hoàng phi là một bàn để bày lễ cúng và cũng là bàn thờ “Nhị Phủ miếu phúc đức chính thần”.

Bàn thờ “Phúc đức chính thần” chiếm vị trí trung tâm của gian chính điện với trang thờ nguy nga, lộng lẫy. Bao lam điện thờ được sơn son thếp vàng, chạm lộng hoa lá, rồng, phượng v.v… Điện thờ phúc đức chính thần có tượng ông Bổn bằng gỗ cao khoảng 1,5m, một cỗ ngũ sự bằng đồng, một bài vị “Nhị Phủ Đại Bá Công”.

Tượng ông Bổn thể hiện một ông già khuôn mặt quắc thước, khoan hòa với chòm râu bạc trắng buông dài, dáng ngồi thoải mái, một tay gác lên tay ngai, một tay vừa mới vuốt chòm râu. Những nếp áo tượng buông chùng trong dáng nghĩ ngợi suy tư. Bên dưới tượng ông Bổn là hai tượng nhỏ khác như hai đồng tử đang đứng chờ được sai bảo.

Dãy nhà giữa bên phải chính điện là nơi làm việc của Ban trị sự Nhị Phủ miếu. Dãy nhà bên trái là nơi đặt điện thờ Quan Công, Quan Thế Âm bồ tát và hai bàn thờ nhỏ hơn một thờ bà Chúa Sanh (Chúa Sanh nương nương) và bà phu nhân Hoa Phấn (Hoa Phấn phu nhân). Những di tượng nơi các điện thờ, bàn thờ ở bên trái cũng gần giống với nhiều chùa Hoa khác thờ Quan Công, Quan Thế Âm…

Bên trong chùa Ông Bổn hiện còn lưu lại 10 cặp liễn bằng gỗ, 10 bức hoành phi cũng bằng gỗ được sơn thếp chạm trổ rất khéo léo. Hầu hết các liễn, hoành này có niên đại Quang Tự đời nhà Thanh tức được hoàn thành vào cuối thế kỷ trước. Ngoài ra trong chùa còn hai quả chuông, một bằng đồng và một bằng gang. Quả chuông đúc bằng gang có ghi năm chế tạo “Quang Tự nguyên niên” (tức năm 1875), với dòng chữ “chúng thương đồng cúng” (do những người buôn bán cúng cho chùa). Chuông này khá nặng và to lớn, nhà chùa không có giá treo nên đành để dãi dầu phong sương ở dưới đất góc chùa, cạnh lò đốt vàng mã. Một chuông khác đúc bằng đồng, dáng nhỏ, thanh thoát có ghi chữ “Ất Dậu trọng thu”, có lẽ được đúc vào năm 1825.

Nhìn chung, kiến trúc và tư tưởng chùa Ông Bổn – Nhị Phủ miếu tương đối đơn giản, nhưng vẫn tạo được không khí trang nghiêm của một cơ sở tín ngượng, tôn giáo và thể hiện một phong cách đặc sắc văn hóa của người Hoa ở thành phố. Việc chọn ông Bổn làm vị thần thờ cúng chính của ngôi chùa cũng là một đặc điểm đáng lưu ý của tôn giáo, tín ngưỡng của người Hoa ở Việt Nam nói chung./.


5.Lễ kỳ yên đình Phú Nhuận
Lễ kỳ yên đình Phú Nhuận, được tổ chức vào khoảng 16-18 tháng 01 âm lịch hàng năm, tại 18 đường Mai Văn Ngọc phường 10, Phú Nhuận TP Hồ Chí Minh. Trong lễ có các nghi thức tụng kinh cầu an, lễ tế, nghi thức tôn vương và hồi chầu nhằm suy tôn Phật, thần, các vị tiền hiền, hậu hiền.
Hiện nay, còn nhiều ý kiến khác nhau, về thời gian thành lập đình Phú Nhuận, nhưng ý kiến được nhiều người ủng hộ nhất, là đình được xây dựng vào đầu thế kỷ 19. Qua các tài liệu Hán Nôm trong đình cho thấy, mốc thời gian sớm nhất, mà đình được ghi chép bằng văn tự là sắc phong của vua Tự Đức ban cho vào năm 1852. Đó là văn bản cổ xưa nhất, xác định danh tánh ngôi đình, chính vì vậy, nhiều người đã lấy mốc xây dựng đình là năm 1852, bởi họ chưa tìm thấy một bằng chứng nào chắc chắn hơn.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác cho rằng: Đình Phú Nhuận được tái thiết vào năm 1852, nghĩa là đình đã có từ trước đó. Theo di tích còn lại hiện nay, là một cây đòn võng trên nóc đình có khắc chữ Hán ” Tự Đức ngũ niên “, nghĩa là năm Tự Đức thứ năm – tức năm 1852. Đình được tái thiết, vì lúc đầu, nằm ở vị trí khác, bên bờ một con kinh đào (đã lấp), bên cạnh chùa Cây Sai (chùa Phú Thạnh) trên con đường Huỳnh Văn Bánh hiện nay. Vào khoảng giữa thế kỷ 19, dân cư bắt đầu quy tụ về vùng Phú Nhuận, phần lớn, họ thuộc gia đình binh sĩ vào đóng ở trấn Phiên An, hoặc di dân từ “đàng Ngoài” vào. Ông Lê Tự Tài, quê ở Bắc Bộ vào Gia Ðịnh rất sớm, có công huy động dân khẩn hoang, lập ấp ở quanh vùng cầu Kiệu. Ông Tài, từng là thôn trưởng thôn Phú Nhuận và trở thành Xã trưởng, khi Phú Nhuận đổi thành xã, do đó, người ta quen gọi ông là xã Tài. Nhận thấy đình Phú Nhuận, trước kia nằm ở vị trí vùng trũng, gần rạch Thị Nghè, thường bị lầy lội vào mùa mưa nên xã Tài hiến cho làng Phú Nhuận hai mẫu đất trên gò Kim Qui, để dời đình về vị trí hiện nay.

Theo các tài liệu hiện có ở đình, năm 1852 khi mới tái thiết, đình Phú Nhuận, do hội tề làng Phú Nhuận quản trị, kinh phí xây dựng do quỹ làng xuất ra và một phần do dân làng tự ngyện đóng góp.

Lễ Kỳ yên bắt đầu bằng nghi thức tụng kinh cầu an của Phật giáo, tiếp theo là phần múa lân và biểu diễn võ thuật cổ truyền, các nghi thức tế thần, tế tiền hiền, hậu hiền. Buổi tối có phần xây chầu, đại bội và hát bội. Ngày thứ hai và thứ ba có nghi thức tế nam quan, nữ quan theo truyền thống Bắc bộ. Chấm dứt lễ hội là nghi thức tôn vương và hồi chầu theo truyền thống các đình Nam bộ./.


6.Lễ hội Giỗ Tổ Nghề Kim Hoàn
Lễ hội Giỗ Tổ Nghề Kim Hoàn diễn ra trong 3 ngày 6, 7, 8 tháng 2 âm lịch hằng năm tại Hội quán Lệ Châu, 586 Trần Hưng Đạo,quận 5, TP Hồ Chí Minh. Lễ hội được tổ chức rất qui mô, quy tụ hàng ngàn người trong ngành thợ kim hoàn, không chỉ riêng Thành Phố Hồ Chí Minh mà từ các tỉnh Nam Bộ cũng về dự, cúng bái những tổ sư khai sáng ngành kim hoàn.

Trong những ngày diễn ra lễ hội, Lệ Châu hội quán được trang hoàng rực rỡ, nến và hương được thắp từ trong đến ngoài, tạo cho ngày giỗ hết sức trang nghiêm. Mặc dù mùng 7 mới là chính lễ, nhưng việc cúng tế đã được chuẩn bị trước đó vài ngày.

Mở màn giỗ tổ là tối mùng 6 – 2 với nghi thức cúng cầu quốc thái dân an, tuyên đọc sắc phong tổ sư thợ bạc Việt Nam của các vị vua Triều Nguyễn cho người tham dự, đặc biệt là người trong nghề hiểu biết xuất xứ của tổ nghề. Ngày chánh tế mùng 7 – 2, cúng ba “Viên” theo nghi thức lễ giỗ truyền thống. Viên thứ nhất cúng Chấp minh vào 8 giờ sáng để rước tổ sư. Viên thứ hai cúng Chánh tế tổ sư từ 22 giờ đến 24 giờ. Viên thứ ba diễn ra vào 16 giờ ngày 8 – 2, tế nghĩa từ – những người có công xây dựng Lệ Châu hội quán.

Nếu xưa kia, Lệ Châu Hội Quán là nơi hội họp quan trọng của những người thợ bạc vùng đất lục tỉnh thì ngày nay, Lệ Châu hội quán đã trở thành nơi để thợ kim hoàn thể hiện lòng biết ơn đối với tổ nghề. Chính nơi đây họ còn tìm thấy một sức mạnh tinh thần để có thêm niềm tin đối với bản thân cũng như nghề nghiệp.

7.Lễ hội nghinh Ông
Lễ hội nghinh Ông là tục thờ cá “Ông” phổ biến từ Quảng Bình trở vào Nam là một trong những lễ hội lớn nhất của ngư dân. Hàng năm,từ ngày 15 dến 17 tháng 8 âm lịch tại lăng Ông Thủy tướng được vua Tự Đức ban sắc phong: “Nam Hải tướng quân” thuộc Xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh đều diễn ra lễ tế rất trang trọng của ngư dân Cần Giờ để tưởng nhớ công ơn cá “Ông”.

Lễ hội còn có các tên gọi khác như: Lễ rước cốt Ông, Lễ cầu ngư, Lễ tế cá Ông, Lễ cúng Ông, Lễ nghinh Ông, Lễ nghinh Ông Thủy tướng… Nhưng tất cả đều có chung một quan niệm rằng cá “Ông” là thần bảo trợ nghề cá và các nghề trên biển nói chung, và từ đó trở thành tín ngưỡng của ngư dân.

Ngày 15/8 không khí lễ hội đã diễn ra nhộn nhịp ở bên ngoài lăng với nhiều hoạt động văn hoá sôi nổi.
Sáng ngày 16/8, khoảng 10h, các vị trong hội lăng trong trang phục chỉnh tề làm lễ rước kiệu của Nam hải Tướng quân xuống thuyền rồng ra biển. Đoàn ghe nghinh xuất phát tại bến đò Cần Giờ – Vũng Tàu. Dọc theo đường rước, ngư dân sống trên biển và bà con hai bên phố bày lễ vật nghênh đón, khói nhang nghi ngút. Cùng với thuyền rồng rước thuỷ tướng, có hàng trăm ghe lớn nhỏ, trang hoàng lộng lẫy, cờ hoa rực rỡ tháp tùng ra biển nghênh ông. Trước mũi ghe là hương án và mâm lễ vật. Trên các ghe lớn nhỏ này có chở hàng ngàn khách và bà con tham dự đoàn rước. Đoàn rước đi khoảng hai giờ thì quay về bến nơi xuất phát, rước ông về lăng ông Thuỷ tướng. Tại bến một đoàn múa lân, sư tử, rồng đã đợi sẵn để đón ông về lăng.

Khi rước ông vào lăng, các nghi thức đón và tế diễn ra trang trọng, đúng với nghi thức cổ truyền. Các lễ cầu an, xây chầu đại bội, hát bội diễn ra tại lăng ông Thuỷ tướng. Ngoài lăng, có các hoạt động văn hoá văn nghệ. Vào khoảng 20 – 23h cùng ngày lễ cúng tế, hát bội vẫn tiếp tục diễn ra trong lăng.
Sáng 17/8: từ 8h – 22h tại lăng ông Thuỷ tướng diễn ra lễ tôn vương ông Thuỷ tướng theo sắc phong. Lễ cúng có hát thờ. Sau phần lễ tôn ông theo sắc phong cũng là lúc chấm dứt lễ hội.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN