Top 8 món cơm Việt nổi tiếng thơm ngon khó cưỡng

0
994
Vật Phẩm Phong Thủy

Cùng với sự phát triển của văn hóa ẩm thực, món cơm Việt lại ngày càng phong phú với nhiều cách nấu, biến tấu khác nhau tùy thuộc vào từng vùng miền.

1. Cơm lam – Tây Bắc
Cơm lam là món ăn khá phổ biến trong bữa cơm hàng ngày của người dân miền núi, nhất là miền Tây Bắc nước ta. Món cơm độc đáo này cũng khá dễ làm, ta chỉ cần ngâm kĩ gạo nếp nương, nếp cái và đổ vào những ống tre tươi bánh tẻ rồi đút lá dong tươi, dựng nướng trong đống lửa củi. Khi vỏ các ống tre trở nên cháy xém, mùi thơm nếp hương bắt đầu lan tỏa thì cũng là lúc cơm lam đã chín. Chờ cho đến khi ống cơm lam bớt nóng, ta dùng dao sắc vót dần lớp ngoài ống tre một cách thật khéo léo để giữ được lớp màng tre non. Khi thưởng thức từng hạt cơm chín dẻo đượm một mùi thơm khó tả, chấm với ít muối lạc, muối vừng thơm phức,… chắc chắn sẽ là món ẩm thực dân dã, một lần thưởng thức mãi không quên.

2. Cơm cháy – Ninh Bình
Tương truyền món cơm cháy Ninh Bình đã được hình thành hơn 100 năm (từ cuối thế kỷ 19) và nhanh chóng trở thành món đặc sản của cố đô. Để có được một món cơm cháy ngon thì việc nấu cơm là quan trọng nhất. Nấu cơm với lượng nước vừa đủ sao cho độ dẻo đạt chuẩn thì cháy mới mềm ngon. Chờ đến lúc cơm chín, ta nhanh chóng lấy hết ra chỉ để lại phần xém dưới đáy nồi. Rồi tiếp tục đun, vừa đun vừa xoay tròn nồi để cơm được chín đều. Ngoài ra ta phải dùng nồi to, dày (thông thường sử dụng nồi bằng gang) nấu để cho cháy giòn, vàng,… sau đó đem phơi từ hai đến ba nắng và bảo quản ở nơi khô ráo. Lúc chuẩn bị ăn thì đem cơm cháy ra chiên giòn và ăn trong ngày. Loại cơm này thường được ăn cùng thịt bò, cật, tim lợn xào với những loại rau chẳng hạn như hành tây, cà rốt, nấm rơm và cà chua,… Đảm bảo, bạn sẽ vô cùng thích thú với những miếng cơm giòn tơi được phủ lên những hương vị của các thức ăn kèm vừa nóng sốt vừa đậm đà.

3. Cơm gà – Hội An
Tên gọi của món ăn này khá dung dị với hai thành phần chính có thể hình dung ngay được là cơm và gà. Nhưng không chỉ đơn thuần là miếng gà hay hạt cơm nấu chín, mà món cơm gà Hội An còn hấp dẫn bởi nhiều yếu tố khiến du khách không thể chối từ.

Món cơm gà được chia làm hai dạng chính bao gồm gà xé và đùi gà chặt. Thế nhưng, chúng đều có chung đặc điểm là thịt gà dai chắc và rất thơm. Hình ảnh chiếc đùi gà óng ánh với lớp da vàng ươm, thịt nâu dai và rất chắc, cùng với đó là hạt cơm dẻo thơm, rau mùi rau răm xanh mướt kèm hành tây thái nhỏ trắng ngần, đảm bảo sẽ thu hút bạn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Thêm vào đó là một chút hồ tiêu đen rắc lên trên lại càng làm kích thích vị giác của người dùng trước khi vào bữa. Mỗi đĩa cơm được bày ra còn kèm thêm một bát canh gà nấu chung lòng mề thái nhỏ với nước dùng ngon ngọt, ăn kèm đu đủ bào ngâm dấm vô cùng thú vị. Món ăn này thể hiện được mọi nét tinh tế trong nghệ thuật chế biến của người Hội An.

4. Cơm hến – Huế
Cơm hến được coi là món ăn đặc sản của người dân xứ Huế nói riêng và của Việt Nam nói chung. Với sự kết hợp hài hoà giữa tinh hoa ẩm thực cung đình và ẩm thực dân gian đã tạo nên nét độc đáo, nét lạ lẫm cho món cơm hến. Người Huế bao đời nay vẫn luôn gắn bó với cơm hến– một món ăn không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của họ. Vị cơm hến đậm đà, ngon ngọt như xứ Huế mộng mơ, thưởng thức được cơm hến cứ như thưởng thức được nét đẹp thầm kín của xứ Huế. Tuy nói là cơm nguội nhưng vì được nấu từ gạo ngon nên cơm vẫn còn giữ được độ mềm dẻo vốn có. Các thành phần của cơm hến cũng vô cùng đơn giản, chỉ là hến luộc, nước hến, rau răm, hoa chuối, khế chua,… nhưng khi ăn vào thì vô cùng tuyệt vời. Thêm vào đó là vị bùi của đậu phộng, vị cay của ớt, đậm đà của mắm ruốc lại càng tạo nên một món ăn đầy sắc màu và hương vị.

5. Cơm niêu đập
Từ xa xưa, người Việt đều cho rằng nồi đất nấu ăn là ngon và giữ lại nhiều hương vị nhất. Vậy nên, nhiều món ăn được nấu bằng nồi niêu đã trở thành đặc sản nổi tiếng và được rất nhiều người yêu thích. Cơm niêu đập cũng là một món ăn như thế, người ta không chỉ nấu cơm trong nồi niêu mà trước khi ăn, người phục vụ sẽ gõ nhẹ chiếc búa nhỏ vào niêu khiến cho từng mảnh đất nung bị vỡ vụn và rơi xuống đất. Thứ còn lại mà ta nhìn thấy được chính là ổ cơm với lớp cháy giòn mỏng bọc bên ngoài cùng những hạt cơm mềm mịn ngon lành nằm bên trong. Cơm niêu được rất nhiều địa phương ưa thích như Hà Nội, Vũng Tàu, Sài Gòn, Đà Nẵng,… Thường cơm niêu được ăn kèm cùng với cá kho tộ, canh cua mồng tơi, cà pháo chấm mắm tôm.

6. Cơm tấm – Sài Gòn
Cơm tấm là một món ăn rất đỗi bình dị nhưng khá nổi tiếng của đất Sài Gòn với nhiều nguyên liệu ăn kèm vô cùng hấp dẫn như: sườn, chả, phá lấu, nem,… khiến thực khách khó lòng bỏ qua. Món ăn quen thuộc này độc đáo ở chỗ chúng được nấu từ những hạt gạo bị vỡ vụn, được sàng riêng và nấu chín bằng bếp củi. Cơm tấm thường được bày trên đĩa hay hộp (nếu mua về). Cách ăn cũng không khác các loại cơm bán trên đĩa thường thấy, nhưng người miền Nam thì thường dùng muỗng và nĩa, còn người Trung và Bắc không quen dùng nĩa nên họ sử dụng đũa là nhiều.

7. Cơm dừa – Bến Tre
Cơm dừa là một món cơm thân thuộc mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền đối với người dân Bến Tre. Món cơm dừa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa ẩm thực nơi đây và gắn bó mật thiết với người dân, với mỗi mùa thu hoạch ở Bến Tre từ bao đời nay.

8. Cơm nị – An Giang
Đây vốn là một món ăn truyền thống của người Chăm tại An Giang. Cơm nị là món cơm được nấu từ gạo và sữa, một số người còn thích cho thêm nho khô để tăng khẩu vị. Được biết, người Chăm thường ăn cơm nị với cà púa – một món ăn độc đáo được làm từ thịt bò. Cơm nị cùng cà púa sẽ tạo cho bạn một cảm giác vô cùng thú vị bởi mùi ngọt béo của sữa, vị mặn ngọt của thịt bò, vị bùi của đậu phộng cùng vị cay xè của ớt, kết hợp hài hòa với vị ngọt của nho khô khiến ai ăn vào cũng không thể nào quên được.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN