Ý có nhiều phương ngữ/ngôn ngữ khu vực, tuy nhiên việc thiết lập một hệ thống giáo dục quốc gia đã dẫn đến suy giảm tính đa dạng về các ngôn ngữ được nói tại Ý trong thế kỷ XX. Và có tất cả 12 ngôn ngữ được công nhận theo pháp lý quốc gia lục địa già nay.
1.Tiếng Ý
Tiếng Ý (italiano) là một ngôn ngữ thuộc nhóm Rôman của hệ Ấn-Âu và được dùng bởi khoảng 70 triệu người, đa số sinh sống tại Ý. Giọng Ý được xem như chuẩn hiện nay là giọng của vùng Toscana (tiếng Anh: Tuscany, tiếng Pháp: Toscane), nhất là giọng của những người sống tại thành phố Firenze (còn được gọi là Florence). Trên bán đảo Ý và các đảo phụ cận, nó được xem như đứng trung gian giữa các tiếng miền nam (thuộc nhánh phía Nam của nhóm Rôman) và các tiếng miền bắc (thuộc nhóm ngôn ngữ Gaul-Rôman, một phân nhóm của nhóm Rôman). Trong nhóm Rôman, nó là tiếng gần tiếng Latinh nhất và, giống như các ngôn ngữ khác trong nhóm, dùng rất nhiều trọng âm (stress) trong lối phát âm.
2.Tiếng Albania
Tiếng Albania là một ngôn ngữ Ấn-Âu với hơn năm triệu người nói, chủ yếu sinh sống tại Albania, Kosovo, Cộng hòa Macedonia, và Hy Lạp, và một số nơi có kiều dân Albania, gồm Montenegro và thung lũng Preševo của Serbia. Những cộng đồng có tuổi đời hàng thế kỷ của người Albania hiện diện rải rác ở Hy Lạp, Nam Ý, Sicilia, và Ukraina.
3.Tiếng Catalunya
Tiếng Catalunya (català, phát âm: [kətəˈla] hay [kataˈla]) là một ngôn ngữ Rôman, ngôn ngữ dân tộc và là ngôn ngữ chính thức của Andorra, và là một ngôn ngữ đồng chính thức ở những cộng đồng tự trị Tây Ban Nha là Catalunya, quần đảo Baleares và cộng đồng Valencia (nơi người ta gọi nó là Valencià (“tiếng València”)), cũng như ở thành phố Alghero trên đảo thuộc Ý là Sardegna. Ngôn ngữ này cũng được nói ở cộng đồng tự trị Aragón (ở La Franja) và Murcia (ở Carche) thuộc Tây Ban Nha, và về mặt chính thức cũng được công nhận ở một mức độ nào đó ở vùng lịch sử Roussillon phía nam nước Pháp, gần như tương đương với tỉnh Pyrénées-Orientales (Bắc Catalunya).
Tiếng Catalunya phát triển từ tiếng Latinh bình dân ở cả hai phía ở khu vực phía đông dãy núi Pyrénées (các hạt Rosselló, Empúries, Besalú, Cerdanya, Urgell, Pallars và Ribagorça). Ngôn ngữ này có các đặc điểm chung với các ngôn ngữ Gallo-Romance, Ibero-Romance, và các loại ngôn ngữ nói Gallo-Ý ở miền Bắc Italia.
Do một hệ quả của các cuộc chinh phục của người Aragón và Catalunya vào Al-Andalus (bán đảo Iberia thuộc Hồi giáo ngày xưa) ở phía nam và phía tây, ngôn ngữ này lan rộng đến phần lớn khu vực ngày nay là Catalunya, quần đảo Baleares và phần lớn cộng đồng Valencia.
Trong suốt thế kỷ 15, trong thời kỳ vàng son Valencia, tiếng Catalunya đã đạt đến đỉnh cao văn hóa của nó, một đỉnh cao mà sau này chỉ đến thời La Renaixença (“Phục Hưng”), bốn thế kỷ sau mới lại có được.
4.Tiếng Friuli
Tiếng Friuli hay Friula hay, thân mật hơn, marilenghe trong tiếng Friuli, friulano trong tiếng Ý, Furlanisch trong tiếng Đức, furlanščina trong tiếng Slovene) là một ngôn ngữ Rôman thuộc về nhánh Rhetia-Rôman, được nói tại vùng Friuli tại đông bắc Ý. Tiếng Friuli có khoảng 600.000 người nói, đa phần cũng nói được tiếng Ý. Nó đôi khi cũng được gọi là tiếng Đông Ladin vì có cùng nguồn gốc với tiếng Ladin, nhưng, qua nhiều thế kỷ, tiếng Friuli ngày càng trở nên khác biệt dưới ảnh hưởng của những ngôn ngữ lân cận, gồm tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Venetia, và tiếng Slovene.
5.Tiếng Croatia
Tiếng Croatia (hrvatski [xř̩ʋaːtskiː]) là một dạng chuẩn hóa của tiếng Serbia-Croatia được dùng bởi người Croat,[6] chủ yếu tại Croatia, Bosna và Herzegovina, vùng Vojvodina của Serbia. Đây là ngôn ngữ chính thức và dạng chuẩn văn viết tại Croatia và là một trong các ngôn ngữ chính thức của Liên minh châu Âu. Tiếng Croatia cũng là một ngôn ngữ chính thức của Bosna và Herzegovina, và một ngôn ngữ thiểu số được công nhận tại Serbia.