Iran có một lịch sử nghệ thuật, âm nhạc, kiến trúc, thi ca, triết học, truyền thống, và hệ tư tưởng dài lâu.Với nền văn hóa đa dạng , Iran cũng sỡ hữu những ngôn ngữ phổ biến hiện nay.
1.Tiếng Ba Tư
Tiếng Ba Tư, còn được biết đến như tiếng Farsi, là một ngôn ngữ Iran thuộc ngữ tộc Ấn-Iran của hệ ngôn ngữ Ấn-Âu. Nó chủ yếu được nói ở Iran, Afghanistan (dưới tên gọi Dari từ năm 1958), và Tajikistan (dưới tên gọi Tajik từ thời Xô Viết), và một vài vùng khác về mặt lịch sử được xem là thuộc Đại Iran. Tiếng Ba Tư, nói chung, được viết bằng chữ Ba Tư, một biến thể của chữ Ả Rập.
Có chừng 110 triệu người nói tiếng Ba Tư trên toàn cầu, và ngôn ngữ này có vị thế chính thức tại Iran, Afghanistan, và Tajikistan. Trong nhiều thế kỷ, tiếng Ba Tư cũng là ngôn ngữ văn hóa tại nhiều vùng ở Tây Á, Trung Á, và Nam Á.
2.Tiếng Azerbaijan
Tiếng Azerbaijan hay tiếng Azeri, cũng đôi khi được gọi là tiếng Thổ Azerbaijan hay tiếng Thổ Azeri, là một ngôn ngữ Turk được nói chủ yếu bởi người Azerbaijan, tập trung chủ yếu tại Liên Kavkaz và Azerbaijan thuộc Iran. Ngôn ngữ này có địa vị chính thức tại Azerbaijan và Dagestan (một chủ thể liên bang của Nga) nhưng không có địa vị chính thức tại Azerbaijan thuộc Iran, nơi đa số người Azerbaijan sinh sống. Nó cũng được nói tại những cộng đồng người Azerbaijan tại Gruzia và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như tại châu Âu và Bắc Mỹ.
Tiếng Azerbaijan là một thành viên của nhánh Oghuz của ngữ hệ Turk. Nó có hai dạng chính, Bắc Azerbaijan (nói tại Cộng hòa Azerbaijan và Nga, dựa trên phương ngữ Shirvan) và Nam Azerbaijan (nói tại Iran, dựa trên phương ngữ Tabriz). Tiếng Azerbaijan có quan hệ gần gũi với tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng Qashqai, tiếng Turkmen và tiếng Tatar Krym; chúng có thể thông hiểu lẫn nhau ở mức độ nào đó.
3.Tiếng Kurd
Tiếng Kurd (Kurdî, کوردی) là một dãy phương ngữ gồm các phương ngữ và ngôn ngữ liên quan đến nhau được nói bởi người Kurd ở Tây Á. Tiếng Kurd bao gồm ba nhóm phương ngữ gọi là Bắc Kurd (Kurmanji), Trung Kurd (Sorani), và Nam Kurd (Palewani). Một nhóm các ngôn ngữ Iran phi Kurd, gọi là nhóm ngôn ngữ Zaza–Gorani, cũng được nói bởi nhiều triệu người Kurd. Nghiên cứu năm 2009 ước tính rằng có từ 8 đến 20 triệu người bản ngữ tiếng Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đa số người Kurd nói tiếng Bắc Kurd (“Kurmanji”).
Ngày nay, có hai nhóm phương ngữ tiếng Kurd chính được dùng trong văn viết, là tiếng Bắc Kurd ở miền bắc vùng Kurdistan và tiếng Trung Kurd ở xa hơn về phía đông và nam. Tiếng Trung Kurd, cùng với tiếng Ả Rập, là một trong hai ngôn ngữ chính thức của Iraq và trong tài liệu chính trị được gọi đơn giản là “tiếng Kurd”. Nền văn học tiếng Kurd hầu như chỉ tập trung vào thơ cho đến đầu thế kỷ 20 khi xuất hiện nhiều tác giả theo đuổi nhiều phong cách hơn.
4.Tiếng Lur
Tiếng Lur là một ngôn ngữ Iran được nói bởi người Lur tại khu vực Tây Á. Tiếng Lur được tạo nên từ năm nhóm phương ngữ gồm Feyli, Trung (Minjaee), Bakhtiari, Laki và Nam.
5.Tiếng Ả Rập
Tiếng Ả Rậplà một ngôn ngữ Trung Semit đã được nói từ thời kỳ đồ sắt tại tây bắc bán đảo Ả Rập và nay là lingua franca của thế giới Ả Rập. Ả Rập là một thuật ngữ ban đầu được dùng để mô tả những nhóm người sống trong khu vực từ Lưỡng Hà ở phía đông tới dãy núi Anti-Liban ở phía tây, và từ tây bắc bán đảo Ả Rập tới Sinai ở phía nam.
Ngôn ngữ viết hiện đại (Tiếng Ả Rập chuẩn hiện đại) xuất phát từ tiếng Ả Rập kinh Qur’an (được gọi tiếng Ả Rập cổ điển hay tiếng Ả Rập Qur’an). Nó được giảng dạy rộng rãi trong trường học và đại học, và được dùng ở nhiều mức độ tại nơi làm việc, chính phủ, và trong truyền thông. Hai dạng ngôn ngữ viết này (tiếng Ả Rập chuẩn hiện đại, và tiếng Ả Rập cổ điển) được gọi chung là tiếng Ả Rập văn học, là ngôn ngữ chính thức của 26 quốc gia và ngôn ngữ hành lễ của Hồi giáo. Tiếng Ả Rập chuẩn hiện đại phần nhiều có cùng ngữ pháp với tiếng Ả Rập Qur’an, với phần từ vựng không thay đổi nhiều. Tuy vậy, nó đã loại bỏ những từ vựng không còn tồn tại trong ngôn ngữ nói nữa, đồng thời tiếp nhận từ vựng cho các khái niệm trong thời kỳ hậu Qur’an và đặc biệt thời hiện đại.
Tiếng Ả Rập được viết bằng chữ Ả Rập, một hệ chữ abjad và được viết từ phải sang trái.