Top 10 sách tiểu thuyết hay nhất nhất trong thế kỷ XX

0
5317
Vật Phẩm Phong Thủy

Nếu bạn là người đam mê đọc sách , những cuốn tiểu thuyết , thì bạn không nên bỏ qua những tựa tiểu thuyết vô cùng hay sau đây.

1.The Stranger/The Outsider
Người xa lạ (còn được dịch Kẻ xa lạ hay Người dưng; tiếng Pháp: L’Étranger) là một tiểu thuyết của Albert Camus được viết vào năm 1942.

Đây là một tác phẩm lạ thường nói về một người đàn ông Pháp bị bệnh tâm thần, người mà cuối cùng đã bị tống giam vì tội giết người, và ngồi chờ bị hành hình. Trong thời gian đó, ông đã suy nghĩ rất nhiều về cuộc đời của ông cũng như nhìn ra được và ao ước có được một cuộc sống an lành trở lại.

Đây là một trong những tác phẩm đầu tay của Albert Camus, cũng như những học thuyết cơ bản của ông về những điều phi lý và vô lý (tiếng Anh: absurdism)


2.Đi tìm thời gian đã mất
Đi tìm thời gian đã mất (tiếng Pháp: À la recherche du temps perdu) là bộ tiểu thuyết gồm 7 tập của nhà văn Pháp Marcel Proust, được viết từ 1908-1909 đến 1922 và xuất bản từ 1913 đến 1927, trong đó 3 tập cuối chỉ được xuất bản sau khi tác giả qua đời. Tiểu thuyết này được xếp vào trong số 10 cuốn tiểu thuyết được thanh niên Pháp ưa thích nhất trong thế kỷ 20. Tạp chí Time cũng bình chọn Đi tìm thời gian đã mất năm trong số mười cuốn sách vĩ đại nhất mọi thời đại[1]


3.Hoàng tử bé
Hoàng tử bé (tên tiếng Pháp: Le Petit Prince), được xuất bản năm 1943, là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nhà văn và phi công Pháp Antoine de Saint-Exupéry. Ông đã thuê ngôi biệt thự The Bevin House ở Asharoken, New York, Long Island trong khi viết tác phẩm này. Cuốn tiểu thuyết cũng bao gồm nhiều bức tranh do chính Saint-Exupéry vẽ. Tác phẩm đã được dịch sang hơn 250 ngôn ngữ (bao gồm cả tiếng địa phương) và cho đến nay đã bán được hơn 200 triệu bản khắp thế giới, trở thành một trong những sách bán chạy nhất của mọi thời đại và được phát triển trở thành một sê ri truyện tranh có 39 chương. Truyện còn được dùng như tài liệu cho những người muốn làm quen với ngoại ngữ.


4.Chùm nho uất hận
Chùm nho uất hận (tiếng Anh: The Grapes of Wrath), còn có tên trên bản dịch là Chùm nho nổi giận hay Chùm nho phẫn nộ, là tiểu thuyết của văn hào John Steinbeck, bao gồm 30 chương, phản ánh những biến đổi sâu sắc trong nông thôn nước Mỹ khoảng những năm đầu thế kỷ 20 dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của thời đại công nghiệp hóa. Với tác phẩm này, Steinbeck đã được trao giải Pulitzer vào năm 1940. Năm 1962, Steinbeck được trao giải Nobel Văn học, mà Chùm nho uất hận là sáng tác chính của Steinbeck được Viện Hàn lâm Thụy Điển đưa ra như một trong những lý do trao giải. Tạp chí Time liệt kê tác phẩm này trong danh sách 100 tiểu thuyết Anh ngữ hay nhất từ năm 1923 đến nay. Kết quả tuyển chọn dựa theo tiêu chí bình chọn Những kiệt tác thế giới được dịch ra chữ Hán do Bộ Văn hóa Trung Quốc tổ chức những năm 1980-1981 xếp Chùm nho uất hận là một trong 100 cuốn sách ảnh hưởng khắp thế giới.


5.Chuông nguyện hồn ai
Chuông nguyện hồn ai (tiếng Anh: For whom the bell tolls) là tiểu thuyết được xuất bản năm 1940 của nhà văn Mỹ Ernest Miller Hemingway. Cuốn tiểu thuyết viết về Robert Jordan, một người Mỹ thuộc Lữ đoàn quốc tế, tham gia chống Phát xít trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Tựa Chuông nguyện hồn ai được Hemingway lấy từ tác phẩm Meditation XVII của nhà thơ John Donne.


6.Waiting for Godot
Waiting for Godot (tạm dịch: Chờ đợi Godot hay Trong khi chờ Godot) là vở kịch của Samuel Beckett – nhà văn được giải Nobel Văn học. Tác phẩm được đánh giá là Vở kịch tiếng Anh đáng lưu ý nhất thế kỷ 20.[1] Đây là tác phẩm nói về hai người đàn ông cả đời chờ đợi một nhân vật không quen biết tên là “Godot”, Godot viết giống như God (Chúa Trời).

Kịch bản nguyên gốc tiếng Pháp được sáng tác trong thời gian 9 tháng 10 năm 1948 đến 29 tháng 1 năm 1949. Tác phẩm được công diễn lần đầu vào 5 tháng 1 năm 1953 tại Nhà hát Babylone (Théâtre de Babylone), Paris, Pháp.

Waiting for Godot là một tác phẩm tiêu biểu cho loại kịch phi lý. Nó không có cốt truyện, cũng không có cao trào. Cũng có thể gọi nó là bi kịch mang tính chất trào lộng. Ở đây, Beckett muốn gửi đến khán giả 1 thông điệp mang tính hư cấu, tượng trưng cho hình ảnh xã hội hiện đại hoang tàn hay sự cô độc và ý thức đang bị già cỗi của con người hiện đại. Tuy nhiên, thông điệp đó lại được thể hiện hết sức thú vị qua những tình tiết hài hóa bi kịch.[2]

Trường phái kịch phi lý không ra đời trong thời kì văn học hiện đại chủ nghĩa mà ra đời từ sau đại chiến thế giới thứ 2, nên thường bị coi là văn học hậu hiện đại. Kịch phi lý là trường phái kịch xuất hiện vào khoảng những năm 50, 60 của thế kỉ 20, với hàng loạt nhà văn Pháp và các quốc gia Âu Mĩ. Các nhà văn có nguyên quán khác nhau như: Ireland, Romania, Liên Xô, sau đó đều nhập quốc tịch Pháp như: Samuel Beckett, Eugene Ionesco, Arthur Adamov và Harold Pinter của Anh, Peter Weiss của Đức, Edward Albee của Mĩ. Trường phái kịch này không có phong trào thống nhất, cũng không có ngọn cờ chính thức, không có phát biểu tuyên ngôn, không có tổ chức đoàn thể, không tạo lập tập san. Vào cuối những năm 40, Đợi Godot của Samuel Beckett, Nữ ca sĩ hói đầu của Eugene Ionesco đã phát biểu, nhưng phải đến đầu những năm 50 mới gây được chú ý dến khán giả, đến cuối những năm 50 mới hình thành được trường phái kịch.


7.Tồn tại và hư vô
L’Être et le Néant (Tiếng Việt: Tồn tại và hư vô) là một tác phẩm lớn, hơn 700 trang sách, của Jean-Paul Sartre, một trong những nhà triết học hàng đầu của Pháp thế kỷ 20, một trong những người sáng lập ra Chủ nghĩa hiện sinh. Lúc L’Être et le Néant ra đời (1943), chẳng mấy người hiểu nó. Năm 1947, Francis Jeanson đã viết cuốn Sartre par lui-même (Sartre, do chính Sartre) tái bản dưới tựa Le problème moral et la pensée de Sartre (Vấn đề luân lý và tư tưởng của Sartre), giới thiệu, trình bày lại chính xác, mạch lạc, dễ hiểu triết lý của Sartre và những vấn đề luân lý nó đặt ra. Trong Lời đề tựa cho quyển sách này, Sartre công nhận: Jeanson đã trình bày trung thành triết lý của mình và, trên cơ sở đó, nêu những đề tài suy ngẫm Sartre đang nêu cho chính mình.

Trong L’Être et le Néant, dựa vào một số nhận xét, khái niệm cơ bản, Sartre phân tích, định nghĩa lại rất nhiều khái niệm của triết học, của đời sống hàng ngày: Thực thể, Hư vô, khách quan, chủ quan, khả năng hỏi, sự giả dối với chính mình, sự thực, sự thành thực, mình, thời gian, lượng và chất, kiến thức, thể xác, tình yêu, ngôn ngữ, nhu cầu hành hạ mình, sự thèm muốn xác thịt, sự thù hận, nhu cầu tra tấn người khác, tự do,…

Trong L’Être et le Néant có câu văn trứ danh La liberté, c’est l’angoisse du choix (Tự do, chính là khắc khoải lựa chọn): khắc khoải không do mình sợ lựa chọn đúng hay sai và do đó có thể không đạt điều mình muốn, mà do mình sợ tự do của chính mình: không có lý do nào khiến mình phải lựa chọn tương lai này hay tương lai khác, chính mình tạo lý do đó và mình thừa biết lý do đó không đầy đủ để giải thích lựa chọn của mình. Trước vực thẳm, mình phải lựa chọn giữa hai khả năng của chính mình: bổ đầu xuống đó hay ngoảnh mặt, đi chỗ khác. Hai lựa chọn đó đều không tất yếu, đều “vô lý”.

Đây là công trình triết học chính của J.P. Sartre, đã trở thành thánh kinh với lớp trẻ trí thức Pháp. Trọng tâm triết lý của Sartre trong toàn bộ sáng tác là con người tự do đánh giá ý nghĩa cuộc đời mình, tự chịu trách nhiệm về những hành động của mình. Tồn tại và hư vô là sự tổng hợp quan điểm chính của Sartre về cuộc sống.


8.Quần đảo Gulag
Quần đảo GULAG hay Quần đảo ngục tù (tiếng Nga: Архипелаг ГУЛАГ, Arkhipelag GULAG), là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn người Nga Aleksandr Solzhenitsyn, người từng đoạt giải Nobel Văn học năm 1970.

Cuốn sách gồm 3 tập, đã được đưa vào chương trình giảng dạy văn học của nước Nga thời hiện đại.Tác phẩm này được viết từ năm 1958 tới 1968, được xuất bản ở Phương Tây năm 1973. Cuốn sách viết về hệ thống trại giam Gulag của Liên Xô. Đây là lần đầu tiên cả thế giới được mô tả về hệ thống cải tạo lao động bắt buộc này của Liên Xô. Sau năm 1989, cuốn sách được xuất bản rộng rãi ở Nga, và từng được đưa vào danh sách cần phải đọc của học sinh Trung học Nga.

[
9.Nhật ký Anne Frank
Nhật ký Anne Frank là một cuốn sách bao gồm các trích đọan từ một cuốn nhật ký do Anne Frank viết trong khi cô bé đang trốn cùng gia đình trong thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng Hà Lan. Gia đình cô bé đã bị bắt năm 1944 và Frank cuối cùng đã chết vì bệnh sốt phát ban ở trại tập trung Bergen-Belsen. Sau chiến tranh cuốn nhật ký đã được cha của Frank là Otto Frank tìm lại được.

Xuất bản lần đầu với tựa Het Achterhuis: Dagboekbrieven van 12 Juni 1942 – 1 Augustus 1944 (The Annex: diary notes from ngày 12 tháng 6 năm 1942 – ngày 1 tháng 8 năm 1944) bởi Nhà xuất bản Contact ở Amsterdam năm 1947, cuốn sách đã nhận được sự chú ý của công chúng và bình phẩm rộng rãi khi có bản dịch tiếng Anh với tên Anne Frank: The Diary of a Young Girl bởi Doubleday & Company (Hoa Kỳ) và Vallentine Mitchell (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland) năm 1952. Sự phổ biến của nó đã truyền cảm hứng cho sự ra đời của vở kịch năm 1955 bởi nhà biên kịch Frances Goodrich và Albert Hackett, và sau đó họ đã chuyển thể thành phim năm 1959.

Năm 2009, Nhật ký Anne Frank được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đưa vào Danh lục ký ức thế giới. Theo UNESCO, Nhật ký Anne Frank là một trong “10 cuốn sách được đọc rộng rãi nhất trên toàn thế giới.”

10.Nineteen Eighty-Four
Một chín tám tư (Anh: Nineteen Eighty-Four) là tên một tiểu thuyết dystopia (phản địa đàng) phát hành năm 1949 của nhà văn người Anh George Orwell.[Bối cảnh trong tiểu thuyết được đặt ở miền đất Airstrip One (trước đây là Great Britain), một tỉnh thành của siêu nhà nước Oceania ở một thế giới hư cấu. Trong thế giới này, chiến tranh xảy ra liên miên, chính phủ theo dõi và dò xét sát sao, việc tẩy não diễn ra công khai. Đứng đằng sau tất cả là bộ máy nhà nước chuyên chế gọi tên là Ingsoc điều hành bởi các Đảng viên của Inner Party (“Đảng Trong”), những người quy chụp chủ nghĩa cá nhân và tư duy độc lập là thoughtcrime (“tội nhận thức”). Nhà nước này hoạt động nhân danh Big Brother (Anh Cả), vị lãnh tụ tối cao của Oceania. Nhân vật chính của tiểu thuyết là Winston Smith, Đảng viên Outer Party (Đảng Ngoài). Ông làm việc tại Ministry of Truth (Bộ Sự thật) và nhiêm vụ của ông là sửa lại các bài báo cũ để các dữ liệu lịch sử luôn phục vụ đường lối hiện tại của Đảng. Smith là một nhân viên cần cù, chăm chỉ nhưng ông thực chất căm ghét đảng phái của mình và ôm mộng đảo chính chống lại Anh Cả.

Kể từ khi ra đời vào năm 1949, Một chín tám tư đã được xem là tác phẩm kinh điển về tư tưởng chính trị và khoa học giả tưởng. Nhiều từ vựng, khái niệm như Big Brother, doublethink, thoughtcrime, Newspeak, Room 101, telescreen, 2+2=5 và memory hole đã đi vào đời sống (những người nói tiếng Anh). Tiểu thuyết cũng là nơi phổ biến tính từ Orwellian nhằm chỉ sự lừa gạt công khai, theo dõi ngầm và thao túng quá khứ bởi nhà nước toàn trị.

Năm 2005, tạp chí TIME đã đưa Một chín tám tư vào danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh xuất sắc nhất từ 1923 đến 2005. Trong danh sách “100 tiểu thuyết xuất sắc nhất của Modern Library”, Một chín tám tư đứng thứ 13 do ban biên tập bình chọn và thứ 6 do người đọc bình chọn. Năm 2003, tiểu thuyết đứng vị trí thứ 8 trong “The Big Read”, một cuộc điều tra của BBC.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN