Top 7 chứng rối loạn đang gặp nhiều ở các bạn trẻ hiện nay

0
1444
Vật Phẩm Phong Thủy

Xã hội ngày càng phát triển , các căn bệnh về rối loạn càng ngày càng tăng và ngày càng phức tạp với lối sống của các bạn trẻ hiện nay . SInh hoạt không lành mạnh với môi trường sống cũng như lối suy nghĩ tiêu cực , những chứng rối loạn dưới đây đã và đang giết chết thế hệ trẻ trong âm thầm.

1.Rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu (tiếng Anh: anxiety disorder) là một trong các rối loạn tâm lý có tính phổ biến cao, bệnh thường kết hợp với nhiều rối loạn khác như trầm cảm, rối loạn nhân cách, rối loạn ăn uống, rối loạn dạng cơ thể. Rối loạn lo âu là sự lo sợ quá mức trước một tình huống xảy ra, có tính chất vô lý, lặp lại và kéo dài gây ảnh hưởng tới sự thích nghi với cuộc sống. Khi lo âu và sợ hãi quá mức ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, vẫn tiếp tục ngay cả khi mối lo thực tế đã kết thúc thì đó là bệnh lý. Nguyên nhân chính xác của rối loạn lo âu không được biết rõ, nhưng nó bao gồm nhiều yếu tố khác nhau, chủ yếu liên quan tới các sang chấn tâm lý kết hợp với yếu tố nhân cách có xu hướng lo âu.

Thường bắt đầu từ 20-30 tuổi gặp ở nữ 2 lần nhiều hơn nam, đặc điểm của rối loạn này là sự lo âu lan tỏa, dai dẳng và không giới hạn hay nổi bật trong bất cứ tình huống, đối tượng đặc biệt nào. Bệnh có các biểu hiện về tâm trạng như luôn bất an, hồi hộp, còn thể chất thì hay run rẩy, căng cứng bắp thịt, vã mồ hôi, thắt ngực, nóng lưng, đau bụng, khó ngủ. Do các biểu hiện này bệnh nhân thường tìm đến các bác sĩ đa khoa để tìm các tổn thương thể chất cho đến khi không tìm được nguyên nhân thì mới tìm đến các bác sĩ tâm lý. Một trong các tiêu chuẩn chẩn đoán quan trọng là lo âu quá mức hàng ngày trong thời gian ít nhất 6 tháng.

Với những người bị rối loạn lo âu lan tỏa, mỗi ngày diễn ra họ đều phải trải qua cảm xúc lo lắng và căng thẳng quá mức, mặc dù có rất ít hoặc không có vấn đề nghiêm trọng nào. Họ hay dự đoán các sự kiện bất trắc và quá quan tâm đến các vấn đề sức khỏe, tiền bạc, gia đình, hoặc khó khăn trong công việc…


2.Rối loạn nhân cách
Rối loạn nhân cách (tiếng Anh:Personality disorders) là một tập hợp các trạng thái để biệt định các đối tượng có cách sống, cách cư xử và cách phản ứng hoàn toàn khác biệt với người thường nhưng lại không đủ các triệu chứng của một bệnh lý tâm thần đặc trưng. Khái niệm về rối loạn nhân cách là một khái niệm tiến triển và thay đổi theo sự phát triển của ngành tâm thần. J.Reich cũng như Kaplan đều đưa ra các con số là từ 6 tới 11,1% dân số có vấn đề về rối loạn nhân cách .

Rối loạn nhân cách là chẩn đoán có thể gây tranh cãi, căn bệnh tác động lên hầu hết thái độ và hành vi của người mắc. Vấn đề thường gặp phải là sự cản trở trong việc duy trì các mối quan hệ xã hội. Hiện nay vẫn chưa thống nhất nguyên nhân và cách điều trị. Tên gọi đã bao hàm căn nguyên của bệnh nảy sinh từ tính cách. Trên thực tế họ có hành vi và cảm xúc khác bình thường. Nhưng thế nào thì được coi là bình thường, dĩ nhiên nó thay đổi từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác và chẩn đoán cần phải căn cứ trong bối cảnh cụ thể của luật pháp, nghĩa vụ và sự mong chờ của một cộng đồng cụ thể. Ví dụ như hành vi trong thời chiến tranh không được coi cùng giá trị trong thời bình[2]. Phần lớn mọi người có thể sống cuộc sống bình thường với rối loạn nhân cách ở mức độ nhẹ, nhưng trong khoảng thời gian có sự gia tăng căng thẳng hoặc của các sức ép bên ngoài như công việc, gia đình, mối quan hệ mới, các triệu chứng của bệnh sẽ tăng lên nhanh chóng và bắt đầu gây ra những vấn đề xấu đến cảm xúc và các chức năng tâm lý[3].

Có rất nhiều dạng rối loạn nhân cách nhưng chúng đều có đặc điểm chung sau:

Phần lớn những hành vi thể hiện sự rối loạn nhân cách xuất hiện trong thời kỳ cuối thời thơ ấu hoặc thanh niên và sẽ tiếp tục xuất hiện khi trưởng thành
Rối loạn nhân cách ở trẻ em hay vị thành niên đôi khi được mô tả như là hạnh kiểm kém. Nhưng không phải bất cứ đứa trẻ nào có hạnh kiểm kém đều nhất thiết dẫn đến rối loạn nhân cách khi trưởng thành sau này
Người rối loạn nhân cách có thái độ và hành vi là nguyên nhân gây ra những vấn đề lớn cho chính bản thân họ và người khác. Ví dụ như cách họ nhìn cuộc sống, cách họ nghĩ, quan hệ với người khác, làm việc
Người được chẩn đoán rối loạn nhân cách có thể không có tính mềm dẻo trong cư xử
Có tính chất dai dẳng diễn ra trong một thời gian dài.

3.Rối loạn ăn uống
Rối loạn ăn uống (tiếng Anh: eating disorder) là một bệnh có nguồn gốc tâm lý, biểu hiện bằng việc người bệnh tự ép buộc mình phải ăn hoặc từ chối ăn mà không căn cứ theo nhu cầu tự nhiên của cơ thể, dẫn đến những tác hại tới sức khỏe thể chất và tinh thần. Bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, theo lời mô tả của tác giả cuốn sách “Sống sót sau khi mắc rối loạn ăn uống” thì các cảm giác về công việc, trường lớp, các mối quan hệ, hoạt động hàng ngày và cảm xúc bị phụ thuộc vào việc có ăn hay không và cân nặng là bao nhiêu. Người bệnh gặp phải những xáo trộn khủng khiếp trong hành vi ăn uống cũng như trong ý nghĩ và cảm xúc có liên quan tới các hành vi này. Chứng chán ăn tâm thần và ăn ói (bulimia nervosa) là hai rối loạn ăn uống phổ biến nhất được ghi nhận trong bảng phân loại bệnh tật. Cả hai đều có một số triệu chứng chung. Theo ước tính trong suốt cuộc đời mình một phụ nữ Hoa Kỳ có từ 5% đến 7% khả năng mắc bệnh. Dạng rối loạn ăn uống thứ ba đang được nghiên cứu và định nghĩa, nó có tên là ăn vô độ (binge eating disorder, cũng ăn rất nhiều như người mắc bệnh ăn ói nhưng không có hành vi nôn mửa để làm sạch dạ dày). Ăn vô độ là một tình trạng mãn tính xuất hiện khi cá nhân ăn một lượng khổng lồ thức ăn trong khoảng thời gian ngắn và không có khả năng kiểm soát ngay cả việc ngừng ăn. Nó có thể gây ra các ảnh hưởng nghiêm trọng như dẫn tới bệnh béo phì, bệnh đái đường, chứng tăng huyết áp và bệnh tim mạch.

Nhiều người nghĩ rằng rối loạn ăn uống chỉ xảy đến với phụ nữ da trắng trẻ tuổi, nhưng thực tế thì điều đó không hoàn toàn chính xác. Đúng là rối loạn ăn uống ảnh hưởng lớn đến phái nữ độ tuổi từ 12 đến 35, nhưng các nhóm khác cũng cho thấy nguy cơ đang tăng dần. Rối loạn ăn uống tác động đến tất cả các nước và chủng tộc, không một nhóm người nào được loại trừ. Thanh niên và thiếu niên theo các số liệu thống kê được cho là có nguy cơ cao mắc bệnh này.

Đối với trẻ mắc bệnh thì phần lớn rơi vào độ tuổi từ 11 đến 13, các nghiên cứu chỉ ra rằng 80% học sinh từ lớp 3 đến lớp 6 không hài lòng về ngoại hình và trọng lượng cơ thể và mới 9 tuổi nhưng đã có từ 30% đến 40% trẻ em gái sẵn sàng cho việc ăn kiêng. Giữa 10 và 16 tuổi con số này nhảy lên đến 80%. Nhiều chuyên gia về rối loạn ăn uống tin rằng hành vi này là kết quả từ những mong chờ về ngoại hình của nền văn hóa. Căng thẳng tâm lý cũng là nguyên nhân làm phát triển bệnh. Theo tác giả Abigail Natenshon một chuyên gia chữa bệnh rối loạn ăn uống bằng liệu pháp tâm lý (psychotherapist) thì ngay cả đứa trẻ 5 tuổi cũng cho thấy dấu hiệu căng thẳng liên quan đến rối loạn ăn uống. Natanshon cảnh báo rằng những đứa trẻ ở tuổi dậy thì và nhỏ hơn không được trang bị đầy đủ kiến thức để nhận biết những thay đổi của cơ thể chúng. Trẻ hiểu thông điệp từ truyền thông là gầy mới được coi là đẹp và cố để đạt được tiêu chuẩn đó mà không có những nhận thức đúng về tác động tiêu cực của các quan điểm đó. Rối loạn ăn uống ảnh hưởng đến cả thanh niên và thiếu niên không chỉ con gái mà cả con trai. Nam thanh, thiếu niên tham gia thể thao nơi mà trọng lượng là một vấn đề có khả năng cao mắc chứng bệnh này, các nam thanh niên có những vấn đề liên quan đến tình dục cũng vậy.


4.Rối loạn cường dương
Rối loạn cương dương (tiếng Anh: Erectile dysfunction) là một rối loạn chức năng tình dục ở nam giới, có biểu hiện là dương vật không đủ cương cứng lên được trong quá trình giao hợp. Hay nói cách khác độ cương cứng của dương vật không đủ để tiến hành cuộc giao hợp một cách trọn vẹn. Liệt dương là mức độ cao nhất của rối loạn cương dương.

Thống kê trên thế giới cho thấy có khoảng 150 triệu đàn ông bị rối loạn cương dương và theo dự đoán sẽ tăng lên trên 320 triệu vào năm 2025. Phần lớn sự gia tăng sẽ xảy ra ở các nước đã phát triển, do điều kiện sống được nâng cao, tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng (sức khỏe nói chung và chức năng tình dục nói riêng suy giảm theo tuổi tác). Mặc dầu thống kê cho thấy càng lớn tuổi càng dễ bị RLCD, điều này không có nghĩa rằng RLCD là một trạng thái phải có khi lớn tuổi.

Ở Việt Nam chưa có thống kê quy mô để xác định con số chính xác, chỉ có các thông số từ các phòng khám ở một số bệnh viện lớn. Phòng khám nam khoa bệnh viện Bình Dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong 3 năm (2000 -2002) đã có trên 2.100 người đến khám vì bệnh này với độ tuổi dao động rộng từ 18 đến 78. Tại Mỹ, có khoảng 30 triệu đàn ông bị ảnh hưởng bởi rối loạn cương dương. Một nghiên cứu thực hiện tại Massachusetts thấy rằng, 52% đàn ông trong lứa tuổi từ 40 đến 70 bị bệnh ở mức độ nặng nhẹ khác nhau, trong đó 9,6% bị nặng, bệnh ở người cao tuổi thường liên quan đến trầm cảm. Tại Canada, khoảng 3 triệu đàn ông bị bệnh này, còn ở Anh khoảng 2,3 triệu.


5.Rối loạn nhân cách chống xã hội
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (tiếng Anh: Antisocial personality disorder-ASPD) là một trạng thái không bình thường của nhân cách biểu hiện chủ yếu bằng sự khó hoặc không thích ứng thường xuyên với các quy tắc đạo đức xã hội và pháp luật. Đây là một dạng trong nhóm bệnh rối loạn nhân cách. Không quá ngạc nhiên khi các nghiên cứu chỉ ra rằng rối loạn nhân cách chống xã hội có tỷ lệ cao ở tù nhân (những người thường có hành vi bạo lực), tương tự như vậy người lạm dụng rượu và các chất gây nghiện cũng được ghi nhận là có nhiều khả năng mắc hơn so với cộng đồng.

6.Rối loạn nhân cách tránh né
Rối loạn nhân cách tránh né (tiếng Anh: Avoidant personality disorder-AvPD hoặc anxious personality disorder) là một trạng thái không bình thường của nhân cách, có đặc điểm chung là sự ức chế về mặt xã hội, tự đánh giá thấp bản thân và rất nhạy cảm đối với phán xét không thuận lợi của người khác đối với mình. Đây là một dạng trong nhóm bệnh rối loạn nhân cách. Đối với một số tác giả, AvPD là một kiểu ám ảnh sợ xã hội lan tỏa. Người bệnh nghèo nàn trong các mối quan hệ, họ thường chỉ có vài người bạn, ít tham gia vào các hoạt động chung.

Thường xuất hiện lúc bắt đầu trưởng thành trong nhiều hoàn cảnh khác nhau và có ít nhất 4 trong các biểu hiện dưới đây:

Tránh né các hoạt động xã hội nghề nghiệp phải quan hệ nhiều do sợ bị phê bình, phản đối và chối bỏ.
Ngần ngại không bộc lộ tình cảm với người khác dù có nhu cầu được yêu thương.
Dè dặt ngay cả trong quan hệ thân tình vì sợ xấu hổ và làm chuyện kỳ cục
Trong các bối cảnh xã giao rất sợ bị phê bình và chối bỏ.
Trong những quan hệ mới mẻ thường ức chế vì cảm giác mình không được đánh giá cao
Tự xem mình không có năng lực giao tiếp xã hội, kém thu hút và thấp kém so với người khác
Rất dè dặt để tránh mọi vấn đề trong quan hệ cá nhân hoặc tránh né dấn thân trong các hoạt động mới vì sợ rơi vào tình trạng lúng túng.

7.Rối loạn lưỡng cực
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là một chứng bệnh rối loạn tâm thần gây ra sự biến đổi cảm xúc không ổn định. Người bệnh chuyển từ cảm xúc hưng phấn (hưng cảm) sang cảm xúc ức chế (trầm cảm). Bệnh có tính chất chu kỳ xen kẽ giữa hưng phấn và ức chế.

Nguyên nhân đích thực của bệnh hiện nay vẫn chưa biết. Tuy nhiên các nghiên cứu khoa học cho thấy có sự mất cân bằng sinh hoá trong não đặc biệt là hệ Norepinephrine, Serotonin và các chất sinh hoá khác. Yếu tố di truyền cũng được đề cập.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN