Top 7 lễ hội truyền thống lớn và nổi tiếng nhất ở Nam Định

0
3236
Vật Phẩm Phong Thủy

Mỗi cùng đất trên nước ta đều có những bản sắc riêng với những lễ hội đặc sản vùng miền khác nhau . Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem những lễ hội truyền thống đặc sắc ở Nam Định nhé.

1.Lễ hội đền Độc Bộ
Lễ hội đền Độc Bộ được tổ chức từ 11 đến 15/ 8 âm lịch hàng năm, tại xã Yên Nhân, huyện Ý Yên. Lễ hội là dịp để nhân dân trong vùng tưởng nhớ ngày hiển linh của đức thánh Triệu Việt Vương.

Đền Độc Bộ thờ đức thánh Triệu Việt Vương người có công trong việc xây làng, lập ấp từ thủa nơi này còn hoang vu. Ông đã đến đây chiêu mộ dân phiêu bạt dạy cho họ khai khẩn đất đai. Ngoài nghề trồng cấy, người dân biết dệt chiếu, dệt vải, Ông đã tổ chức cho dân đắp đê từ Bố Hải qua miền biển Giao Thuỷ, Đại An tiến về phía nam, chạy thẳng đến Mai Giang thuộc đất Nghệ An để ngăn nước mặn, cải tạo đất. Cũng chính nơi đây đã chứng kiến Triệu Việt Vương anh dũng chống giặc ngoại xâm và ông đã trẫm mình xuống cửa biển này, quyết không để giặc bắt. Cảm phục và muốn ghi công, tôn vinh người anh hùng có công mở mang bờ cõi, hy sinh thân mình cho dân cho nước, người dân đã xây cất đền phụng thờ ông.

Lễ hội thường được diễn ra trong 5 ngày:

Bắt đầu từ ngày 11/8, dân chúng khắp vùng dâng lễ về tham gia tiến hành nghi thức khai hội. Ngày 13/8, tổ chức nghi thức rước của hàng tổng. Vào ngày này, các thôn như: Dương Phạm, Phạm Xá, Đoài, Đống Cao… sẽ tổ chức rước kiệu từ làng mình về đền Độc Bộ. Đi đầu đoàn rước là đội cờ ngũ sắc, cờ thần. Tiếp đến là đội phụng nghinh các cỗ kiệu bát cống do các trai đinh đảm nhận với trang phục màu đỏ, chân quấn xà cạp, thắt lưng đỏ, đầu vấn khăn đỏ. Tiếp sau là đến phường bát âm với các loại nhạc cụ cổ truyền. Theo sau là đoàn rước có đội phụng nghinh bát bửu, chấp kích, xênh tiền và hai đội tế nam – nữ quan. Kế tiếp là đoàn rước của các cụ cao niên trong làng, chức sắc địa phương, nhân dân trong vùng tới tham dự. Hai bên đường đoàn rước đi qua, người dân náo nức, trang trọng bày các mâm lễ của gia đình để bái vọng Thánh. Thời gian tổ chức lễ rước tiến hành trong buổi sáng.

Nét đặc sắc và nổi bật nhất của lễ hội này là sau khi các đoàn rước tập kết về sân đền Độc Bộ, tất cả các kiệu yên vị tại sân, hướng ra ngã ba sông. Các phụng nghinh đưa bát nhang vào đền làm lễ nhập tịch. Đúng giờ Ngọ ngày 13, tại đền Độc Bộ tiến hành nghi thức tế Tam Kỳ giang ở giữa ngã ba sông. Các xã thuộc hàng tổng như: Phạm Xá, Dương Phạm, Đoài thôn, Độc Bộ, Đống Cao cùng nhau rước kiệu lên thuyền, chèo ra điểm giữa ngã ba sông để làm lễ. Vị trí cử hành nghi lễ tại điểm giao 3 dòng nước, cách đền Độc Bộ khoảng 1km.

Sau khoảng 2 giờ tế, lễ trên sông, các đội tế Tam Kỳ giang lần lượt nối nhau quay về đền để thực hiện các nghi thức tế lễ khác. Sau đó, các đội kiệu của Dương Phạm, An Đường rước kiệu Mẫu, Ngọc Hoàng, Thổ Thần hồi miếu (trở lại làng/thôn mình).

Bên cạnh các nghi thức tế lễ trang trọng được thực hiện, vào các buổi tối của các ngày hội, dân làng còn tổ chức thi hát chèo, ca trù giữa các phường hát trong khu vực về dự hội, góp phần tạo nên bầu không khí vui mừng, náo nhiệt. Ngoài phần lễ chính, phần hội ở lễ hội đền Độc Bộ cũng diễn ra khá sôi động xung quang khu điện thờ. Các trò chơi dân gian cũng được mở tại đây như múa rồng, múa sư tử, đánh cờ người, tổ tôm điếm, kéo co, vật, …

Ngày nay, những tập tục rước kiệu từ các nơi về tham dự lễ hội vẫn diễn ra, tuy nhiên để phù hợp với điều kiện xã hội và Quy chế tổ chức lễ hội truyền thống, thời gian hành hội co lại trong vòng từ 2 đến 3 ngày, một số nghi thức rườm rà đã được rút gọn. Trong đó, điểm nhấn tạo nên nét độc đáo và thu hút của lễ hội Độc Bộ là: lễ tế Tam Kỳ giang; hội đua thuyền; hội thi ca hát; hội thi cỗ và các trò chơi dân gian vẫn được tô đậm thêm tạo nên một không gian văn hóa lễ hội đặc sắc.

Vào mùa lễ hội, rất nhiều làng thuộc địa phận hành chính huyện Ý Yên, Nghĩa Hưng (Nam Định) và huyện Yên Khánh (Ninh Bình)… đến để dâng lễ và xin rước chân nhang thờ đức thánh Triệu Việt Vương về thờ vọng tại các khu thờ tự của làng mình.

2.Lễ khai ấn đền Trần
Lễ khai ấn đền Trần diễn ra giữa đêm 14 và mở đầu cho ngày 15 tháng Giêng, tại Khu di tích đền Trần phường Lộc Vương, TP.Nam Định. Đây là sự hồi ảnh của tập tục cổ, sau những ngày nghỉ tết bắt đầu từ rằm tháng giêng thì triều đình trở lại làm việc bình thường.

Lễ khai ấn là một tập tục từ thế kỷ XIII, chính xác là vào năm 1239 của triều đại nhà Trần thực hiện nghi lễ tế tiên tổ. Tại phủ Thiên Trường, vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những quan quân có công. Những năm kháng chiến chống Nguyên- Mông sau đó, Lễ khai ấn bị gián đoạn cho tới năm 1262 được Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mở lại.

Thiên Trường không phải là Kinh đô nước Việt nhưng gắn với việc khai ấn là bởi trong kháng chiến chống Nguyên – Mông, Thăng Long thực hiện vườn không nhà trống, rút lui chiến lược thì nơi đây là căn cứ địa dễ tiến thoái như một “Thủ đô kháng chiến” theo cách gọi hiện đại để tận dụng địa thế và huy động sức người sức của cả một vùng trấn Sơn Nam, phủ Thiên Trường… Vậy nên danh sĩ Phạm Sư Mạnh mới gọi nơi đây là “Hùng thắng Đông kinh hộ ấn vàng…”.

Trải bao thế kỷ, ấn cũ không còn. Năm 1822, vua Minh Mạng qua Ninh Bình có ghé lại đây và cho khắc lại. Ấn cũ khắc là “Trần triều chi bảo”, ấn mới khắc là “Trần triều điển cố” để nhắc lại tích cũ. Dưới đó có thêm câu “Tích phúc vô cương”. Và từ đây, Lễ khai ấn vào giờ Tý ngày rằm tháng Giêng (từ 11 giờ đêm 14 đến 1 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng) là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông. Và cũng là “tín hiệu nhắc nhở” chấm dứt ngày Tết, thực sự bắt tay vào công việc.

Tại đền Cố Trạch các bô lão tề tựu đông đủ để lễ đức Thánh Trần, sau đó tham dự buổi lễ khai ấn đầu năm.

Hòm ấn được đặt trang trọng trên ban thờ, trong hòm có hai con dấu. Quả nhỏ trên mặt khắc hai chữ “ Trần Miếu”, quả lớn có khắc những chữ: “ Trần Triều Tự Điển, Tứ phúc vô cương” theo kiểu chữ triện. Đúng giờ tý (12 giờ đêm) buổi lễ bắt đầu một cụ cao niên nhất đứng ra thay mặt dân làng làm lễ. Tiếp đó người rước hòm ấn đi theo nhịp trống, chiêng cùng ánh đèn, nến, tiến sang đền Thiên Trường tiếp tục làm lễ, cuối cùng là tổ chức đóng dấu son đỏ trên các tờ giấy vàng chia phát cho những người tham gia dự buổi lễ, chia về treo tại nhà để cầu phúc, cầu may, tránh mọi hoạn nạn rủi ro trong năm.

Lễ khai ấn tại đền Cố Trạch và Thiên Trường hàng năm vẫn được dân làng Tức Mạc duy trì đến nay, xong về hình thức nghi lễ có đơn giản hơn trước đây.

Sau lễ khai ấn đầu năm tại đền Cố Trạch và Thiên Trường còn có lễ hội lớn được mở vào dịp từ 15-20/8 âm lịch hàng năm. Cũng như những lễ hội khác nó bao gồm các nghi lễ và sinh hoạt văn hoá dân gian từ xưa nghi lễ ở đây diễn ra với các lễ rước từ khác đền chùa xung quanh về làm lễ dâng hương và tế tự ở đền Thiên Trường thờ 14 vị vua Trần và đền Cố Trạch thờ Trần Hưng Đạo. Các đám rước gồm có: cờ, bát kiệu, kiệu long đình, đội trống nhạc lễ cùng đông đủ các bô lão và dân các làng xung quanh tham dự. Khi đám rước về đến đền thi nghi lễ được diễn ra. Trước đây chỉ có lễ chứ không có hội, những năm gần đây do nhận thức được tầm quan trọng của các di tích, các cơ quan văn hoá, kết hợp với các cấp cơ quan chính quyền địa phương với chỉ đạo nghi lễ, với sinh hoạt văn hoá tổ chức thành lễ hội lớn lễ hội đền Trần, lễ hội Trần Hưng Đạo.

Lễ dâng hương với nghi thức 14 cô gái đồng trinh đội 14 mâm hoa sau khi làm lễ ở ngoài sân theo tiếng nhạc lễ đi thẳng vào trong đền dâng lên trước ngai thờ của 14 vị vua sau lễ dâng hương và lễ đại tế của các bô lão trong làng nhằm diễn tả lại những nghi thức của triều đình phong kiến xưa, sau lễ tế ở đền Thiên Trường là lễ tế ở đền Cố Trạch.
Sau phần lễ là phần hội với các sinh hoạt văn hoá khá phong phú và độc đáo như hội diễn võ củ 3 thế hệ (ông, cha, con) tại sân đền Thiên Trường còn diễn ra cuộc đấu vật, múa rồng, múa sư tử…hội chọi gà, ném vòng cổ chai, chơi đu, chơi cờ thẻ… Đặc biệt múa bài Bông một điệu múa mừng chiến thắng của quân dân thời Trần. Tương truyền do thái sư Trần Quang Khải sáng tác và dạy cho các ca vũ ở cung đình. Sau này dân làng Phường Bông (Mỹ Trung) vốn xưa là phương múa hát phục vụ cung đình, tập luyệ các điệu múa này và trình diễn trong các dịp lễ hội đền Trần. Ngoài lễ hội lớn tháng 8 âm lịch hàng năm đúng vào ngày kỵ Trần Hưng Đạo tại đền Cố Trạch còn có những ngày kỵ giỗ khác như ngày giỗ của thân Phụ Vương Mẫu, các con các lão tướng Trần Hưng Đạo.

Tất cả các nghi lễ tại di tích đền Trần từ lâu đã lưu giữ được các phong tục cổ truyền của dân tộc phần nào tái hiện được một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc, nội dung lịch sử được thể hiện sống động và sâu sắc nó nuôi dưỡng bồi đắp tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất chống ngoại xâm, tâm thức uống nước nhớ nguồn của mỗi người Việt Nam./.


3.Hội chợ Viềng
Trải qua những thăng trầm lịch sử, chợ Viềng ngày nay đã trở thành điểm giao lưu văn hóa cộng đồng, hội tụ tinh hoa sản vật và cũng là nơi đón chuyến xuất hành đầu xuân của khách thập phương về “mua may bán rủi”. Hội chợ Viềng diễn ra vào mùng 8 tháng giêng âm lịch hàng năm, tại Xã Kim Thái, huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Chợ Viềng họp cả ngày vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhưng người ở xa thường về từ sớm, rậm rịch họp chợ từ 11, 12 giờ đêm hôm trước, cho đến sáng và hết cả ngày hôm sau. Khách đến từ khắp nơi, trong Nam ngoài Bắc đông nhất vẫn là người nội tỉnh sau đến khách các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá đổ ra. Khác các tỉnh từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình đổ về đông nườm nượp. Khách thập phương về hội chợ phần lớn là do nghe danh tiếng của chợ Viềng mà về, nhưng phần đông vẫn là những người có gốc gác hoặc quê quán ở tỉnh Nam đi làm ăn xa nay nhớ đất Tổ, đất quê tìm về. Nên dù có xa mấy, tận bên kia Ðại Dương, tận Sài Gòn lục tỉnh… cũng nhớ ngày về để dự hội.

Tiếng là “hội chợ” nhưng chợ Viềng không bán mua những sản phẩm ngoại lai cao cấp, hào nhoáng đắt tiền như ở các hội chợ tỉnh, thành phố lớn. Sản phẩm được đem ra mua bán ở đây chủ yếu là các cây trồng, vật nuôi: từ cây trồng để lấy gỗ, cây hoa cây cảnh, các loại cây ăn quả, thậm chí cả cây cà, cây chanh, cây ớt. Và sau nữa là đến các vật dụng sản xuất nhỏ của nhà nông. Người ta có thể tìm mua ở đây từ cái cày cái cuốc đến các vận dụng nhỏ như đôi quang thúng, cái đòn gánh, hay những thực phẩm cần thiết cho cuộc sống con người như gạo, thịt, quần áo, giày dép…du khách còn có thể tìm thấy ở đay những bộ tế khí, những chiếc lư hương bằng đồng, cùng trăm ngàn thứ vật dụng linh tinh khác.

Ngoài ra, còn có thứ thực phẩm được người bán kẻ mua rất tưng bừng náo nhiệt. Ðó là thịt bò non. Nói đúng ra là thịt bê được thui vàng ươm nguyên cả con, bán rất nhiều dọc các ngả đường đi vào chợ. Có thể nói không ngoa rằng “Trên là trời, dưới là thịt bò bê”. khách mua ai thích phần nào có thể tuỳ chọn, mà giá lại rất phải chăng, hợp với túi tiền của “người nhà quê”.
Hội chợ Viềng, khu hội chợ chính nằm trong thôn Trung Thành nhưng bao xung quanh nó là cả một quần thể di tích, như đình chùa, đền phủ, lăng tẩm, rất đẹp như lăng Mẫu, đền Vua, chùa Long Vân, chùa Cao, Phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, đình ông Khổng… được xây dựng từ thứ kỷ 19 cách đây hàng trăm năm. Các di tích này được Bộ Văn hóa xếp hạng là “di tích lịch sử văn hoá”. Cụm di tích này chủ yếu thờ bà chúa Liễu Hạnh – một nhân vật văn hoá dân gian vừa giống như có thật, vừa như truyền thuyết, Bà được dân gian phong Thánh, vừa được sắc phong như Thần, vừa được coi như bà Chúa, cô Tiên… Ðiều quan trọng hơn cả là sự tích và hình tượng bà Chúa Liễu đã đi vào tâm thức và trở nên bất tử trong lòng mọi người dân trong vùng. Cho nên dù là người bản địa hay khách thập phương về đây không chỉ đi dự hội chợ Viềng mà còn để đi lễ chùa, đền phủ Bà Chúa để cầu may cầu lộc đầu xuân. Người ta có thể dến dự hội trước sau đi lễ Ðền hoặc đi đền cầu may rồi mới đi hội chợ./.

4.Lễ hội Đền Trần
Không biết từ bao giờ câu ca “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ” luôn vương vấn trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt như một lời nhắc nhở để mỗi dịp tháng ba, tháng tám hàng năm lại tìm về cội nguồn, cùng hoà mình vào những lễ nghi trang nghiêm, những lễ hội tưng bừng, tưởng nhớ Thánh, Mẫu đã có công sáng lập và gìn giữ vùng đất thiêng này. Lễ hội đền Trần được tổ chức trong các ngày từ ngày 15 đến ngày 20 tháng tám âm lịch hàng năm tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định nhằm tri ân công đức của 14 vị vua Trần.

Theo hồi cố của các bô lão, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, đúng rằm tháng giêng, trước sân đền Thượng tổ chức nghi lễ Khai ấn với sự tham gia của bảy làng: Vọc, Lốc, Hậu Bồi, Bảo Lộc, Kênh, Bái, Tức Mặc. Các làng rước kiệu các vị thần về tụ tập ở đền Thượng để tế các vua Trần. Nghi lễ này phản ánh một tập tục nghi lễ cổ: sau những ngày nghỉ tết, từ rằm tháng giêng thì triều đình trở lại làm việc bình thường. “Khai ấn” là mở đầu ngày làm việc của một năm mới. Đến nay, nghi thức khai ấn vẫn được giữ nguyên với những lễ nghi truyền thống, thu hút hàng vạn người từ khắp mọi miền Tổ quốc về tham quan, xin ấn mỗi năm với mong muốn một năm mới thành đạt và phát tài.
Hội đền Trần diễn ra từ ngày 15 đến ngày 20 tháng tám âm lịch hàng năm. Những năm chẵn hội mở to hơn năm lẻ. Song không đợi đến chính hội, khách thập phương đã nô nức về trẩy hội đền Trần. Hành hương về cội nguồn ai cũng mong muốn điều tốt lành, thịnh vượng. Trước sân đền phấp phới lá cờ đại – lá cờ truyền thống với năm màu rực rỡ biểu trưng cho ngũ hành, hình vuông biểu tượng đất (âm), rìa tua hình lưỡi liềm biểu tượng trời (dương). Chính giữa cờ hội thêu chữ “Trần” bằng chữ Hán do hai chữ “Đông” và “A” ghép lại.
Lễ hội được cử hành trang nghiêm. Nghi lễ được diễn ra với các lễ rước từ các đình, đền xung quanh về dâng hương, tế tự ở đền Thượng thờ 14 vị vua Trần. Lễ dâng hương có 14 cô gái đồng trinh, đội 14 mâm hoa đi vào đền trong tiếng nhạc lễ dâng lên 14 ngai vua. Nghi lễ này là hồi ảnh của cung cách triều đình phong kiến xa xưa.

Phần hội có nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá phong phú, độc đáo như chọi gà, diễn võ năm thế hệ, đấu vật, múa lân, chơi cờ thẻ, đi cầu kiều, hát văn, múa bài bông. Chính những nét sinh hoạt văn hoá độc đáo này đã tạo cho hội Đền Trần sức hấp dẫn và cuốn hút du khách thập phương.

Lễ hội Đền Trần là một trong những lễ hội truyền thống lớn, niềm tự hào của mỗi người dân Nam Định khi nhớ về cội nguồn dòng giống của các bậc đế vương và của dân tộc Việt Nam.


5.Hội Phủ Dầy
Ngoài những hình thức lễ thông thường như ở các di tích tôn giáo khác như đặt lễ, thắp hương, khấn vái, xin âm dương, hóa vàng lễ ở các di tích thờ Mẫu nói chung và Phủ Dầy nói riêng có thêm hình thức đặc biệt là hầu đồng (hầu bóng).

Hầu bóng gắn với hát văn và múa thiêng là hình thức lễ phổ biến nhất ở Phủ Dầy. Hát văn cùng với múa thiêng – những điệu múa mang đậm chất dân gian (múa sinh hoạt, múa chèo đò, múa hẻo…) đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho nghi lễ hầu bóng. Người ta quan niệm rằng một số người “có căn” có khả năng giao tiếp với thần linh, có thể được Thánh nhập và quan thân xác họ. Để chuẩn bị cho một buổi hầu đồng, họ phải chuẩn bị khá kỹ và khá tốn kém từ việc chọn ngày tốt chọn người hầu dâng và cung văn đến việc mua sắm trang phục, mua đồ lễ… Tùy điều kiện kinh tế mà quần áo, đồ lễ sang trọng hay bình dân, nhiều hay ít. Thông thường, quy trình của một buổi hầu đồng diễn ra qua mấy bước: với sự giúp đỡ của hai người hầu dâng, người hầu đồng trùm khăn phủ diện, lắc lư, khi Thánh giáng thì giơ tay ra hiệu cho cung văn biết. Nếu Thánh đã nhập thì tung khăn phủ diện.

Hầu bóng diễn ra liên tục trong năm, nhưng có thể nói, hình thức lễ bái, đội bát nhang, trình đồng, lên đồng diễn ra đặc biệt sôi nổi trong các ngày hội. Lễ là nguyên nhân đầu tiên quyết định thành hình hội trong các lễ hội, vì vậy nếu mất đi những sắc vẻ truyền thống và thiêng liêng của lễ thì hội cũng khó có điều kiện tồn tại lâu đời.

Rước kiệu Mẫu Liễu trong ngày tổ chức lễ hội Phủ Giầy là một nghi thức quan trọng. Lễ rước được diễn ra khá náo nhiệt với sự tham gia của các nam nữ thanh đồng, của nhân dân trong thôn, đặc biệt là có các xe tay chở sư chùa Thiên Hương đi thỉnh kinh, đoàn xe tay chở các quan, các vị chức sắc hàng huyện, tổng…

Đám rước diễn ra trong không khí hào hứng, đầy nhiệt tình của dòng người náo nhiệt trải dài. Từ các cụ già 70 – 80 tuổi đến những cháu bé, từ những người giàu có đến các thành thị cho đến lớp nghèo khó, mặt ai cũng ánh lên vẻ phấn chấn. Đoạn đường rước Mẫu không ngắn những người ta không thấy mệt mỏi vì dường như Mẫu đã tiếp thêm cho họ một nguồn sinh lực mà không dễ gì có được. Đám rước ước chừng vài nghìn người từ nhiều miền quê khác nhau nhưng đều có một điểm chung – con cháu của Mẫu.
Trong đám rước còn có sự xuất hiện của các đội múa rồng, múa sư tử, múa tứ linh, múa võ rất đẹp mắt. Có 6 con rồng với nhiều màu, đặc biệt có một con rồng mây mà theo lời một số người dân địa phương, đó gọi là rồng Thanh Long (rồng xanh), luôn múa đôi cùng rồng Hoàng Long (rồng vang). Hai con rồng này cặp đôi, hòa quyện với nhau thì đất nước sẽ hưng thịnh. Đặc biệt, trong đám rước từ Phủ Thiên Hương còn có 3 con rồng được kết bằng hàng nghìn quả bóng bay với ba màu đỏ, xanh, vàng tượng trưng cho Tam tòa Thánh Mẫu trông rất sinh động.

Trò kéo chữ đây cũng là một nét đặc sắc của Phủ Giầy. Hội kéo chữ thường được tiến hành vào ba ngày 7, 8, 9 tháng 3 hàng năm. Trước khi tổ chức kéo chữ, lý kỳ lý dịch phải lên lễ Mẫu để xin kẻo chư. Cũng có năm người lên Phủ Thông – nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh và bà Ngọc Đài để xin chữ xếp, xin được chữ gì thì dán lên bảng gỗ rồi đem treo trước phượng du. Mỗi làng cử từ 20 – 30 thanh niên được gọi là phu cờ, họ thường quấn khăn đỏ, mặc áo vàng, bụng thắt khăn đỏ, quần trắng, chân quấn xà cạp đỏ. Mỗi phu cờ cầm một gậy xếp chữ dài khoảng 4 thước dán giấy xanh, đỏ, trắng, vàng buộc nhiều tua rua, đầu gậy có ngù bằng lòng gà.
Tổng cờ sẽ là người điều khiển các phu cờ. Dưới sự điều khiển của tổng cờ, phu cờ chạy thành hàng một, vòng theo đường quanh hồ trước cửa Phủ rồi trở về sân và đứng vào vị trí đã định hình, hình thành dần cả nét chữ cho đến khi xếp xong. Nhìn từ xa trên đỉnh núi hay ngồi ở phương du cũng đều thấy nét chữ vàng nổi bật trên nền của những màu sắc sặc sỡ trông rất đẹp mắt. Chữ xếp thường là 4 chữ: “Mẫu nghi thiên hạ”, “Quang phục thánh thiện” hoặc “Hòa cốc phong đăng”, “Thiên hạ thái bình”. Người dân Phủ Giầy cho rằng tuỳ theo chữ kéo đầu năm mà năm đó Mẫu sẽ “gia ân” hay “gia uy” cho con nhang đệ tử.

Có thể nói, hội Phủ Giầy là một hình thức sinh hoạt văn hóa – tâm linh đáp ứng nhu cầu tinh thần – tình cảm của đông đảo nhân dân. Bằng hoạt động lễ hội, con người vừa có thể bày tỏ những tâm tư, khát vọng của mình vừa có dịp bộc lộ các khả năng sáng tạo của chính mình. Sống trong khung cảnh lễ hội, con người có được những giây phút “thăng hoa” để tạm quên đi những nỗi cực nhọc vất vả hàng ngày. Chính lễ hội đã tiếp thêm nguồn sức mạnh thiêng liêng để con người tiếp tục sống và lao động.


6.Hội chùa Cổ Lễ
Hàng năm, từ 13 đến 16 tháng 9 Âm lịch, tại thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, Hội chùa Cổ Lễ lại được tổ chức tưng bừng với rất nhiều trò chơi dân gian vui nhộn. Hấp dẫn nhất là cuộc thi bơi thuyền truyền thống trên dòng sông uốn lượn quanh chùa.
Hội chùa Cổ Lễ được tổ chức hàng nằm nhằm suy tôn Thiền sư, pháp sư Nguyễn Minh Không tổ sư nghề đúc đồng. Đây cũng là một trong những hội chùa nổi tiếng khắp miền Bắc với những hoạt động văn hóa cổ truyền như lễ rước Phật, đấu vật, đánh cờ người… Đối với nhiều người dân trong vùng, hội chùa Cổ Lễ chính là cái Tết thứ hai trong năm.
Chùa Cổ Lễ hay Quang Thần tự là một ngôi chùa nằm ở thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Vào thế kỷ 12, thiền sư Nguyễn Minh Không đã tu luyện thành chính quả và xây dựng ngôi chùa này. Sinh thời, ngài chỉ là một người nông dân của huyện Nam Ninh, đến năm 29 tuổi, ngài đi tu và trở thành một vị sư nổi tiếng về chữa bệnh. Sư Minh Không đã chữa bệnh cho hàng ngàn người dân. Bởi vậy, chùa Cổ Lễ vừa thờ Phật lại vừa thờ ngài (tức là đức thánh Nguyễn Minh Không).
Ngôi chùa hiện nay là do Hòa thượng Phạm Quang Tuyên cho thiết kế và xây dựng vào năm 1920 bằng những vật liệu truyền thống gồm gạch và vữa làm từ vôi, mật mía, giấy bản. Chùa là một quần thể kiến trúc có bố cục tiêu biểu cho chùa miền Bắc từ tam quan, tháp, chùa chính, hội quán, nhà tổ, đền thờ. Sự bố trí khéo léo giữa các kiến trúc và khoảng sân vườn làm người ta có cảm giác chùa rộng lớn hơn diện tích thực. Sau nhiều lần trùng tu chùa Cổ Lễ đã trở thành một danh lam ở vùng đồng bằng sông Hồng. Hội chùa từ 13 đến 16 tháng 9 Âm lịch hàng năm, có nhiều nghi thức văn hóa cổ truyền giàu tính nhân văn như lễ rước Phật, đấu vật, đánh cờ người…, đặc biệt là được xem cuộc thi bơi chải truyền thống trên dòng sông uốn lượn quanh chùa.
Niềm tự hào lớn của chùa Cổ Lễ là quả chuông cao 4,2m, nặng 9 tấn, miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước. Nhiều cụ già ở đây còn kể lại rằng vào năm 1936, trong lúc nấu đồng đúc chuông, một số người dân đã tháo trang sức bằng vàng, bạc đang đeo thả vào dòng kim loại nóng chảy.
Điều làm nên nét độc đáo của chùa Cổ Lễ là chính điện có cấu trúc mái vòm theo kiến trúc gothique nên tòa nhà này trông phảng phất dáng vẻ của một giáo đường Thiên chúa. Kiến thức rộng lớn, khả năng sáng tạo và tinh thần cởi mở của hòa thượng Phạm Quang Tuyên, người thiết kế nên ngôi chùa này thật đáng để hậu thế ngưỡng mộ.
Ngoài ra, chùa còn có tháp Cửu Phẩm Liên Hoa 12 tầng đặt trên lưng một con rùa lớn. Con rùa nằm giữa một hồ nước hình vuông, bốn góc là bốn hòn giả sơn có đắp bốn con voi kích thước tương đương với voi thật. Tháp cao 32m, có tám mặt, các cạnh tháp đều đắp hình rồng, mái cong rất tinh xảo. Trong lòng tháp có 62 bậc theo đường xoáy trôn ốc dẫn lên bàn thờ Phật đặt trên đỉnh.
Từ trên đỉnh tháp nhìn xuống sẽ thấy những cánh đồng lúa như tấm lụa xanh dài vô tận. Thấp thoáng phía đằng xa, thành Nam nhỏ bé như bàn tay. Một chiếc cầu cong ba nhịp nối liền khu tháp với một tòa kiến trúc mái vòm cao là Phật giáo hội quán. Bên trái hội quán là dãy nhà thờ Trần Hưng Đạo, gần đó là đền thờ Bà Liễu Hạnh. Trong mùi hương trầm thoang thoảng, tiếng mõ đều đều, tiếng đọc kinh ngân nga văng vẳng, đây quả là nơi di dưỡng tinh thần không chỉ dành riêng cho những người mộ đạo.
Hội chùa Cổ Lễ một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu của tỉnh Nam Định còn bảo lưu được nhiều nghi thức văn hóa cổ truyền giàu tính nhân văn như lễ rước Phật, đấu vật, đánh cờ người…, phản ánh đời sống văn hóa phong phú, đa dạng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Đặc biệt là được xem cuộc thi bơi chải truyền thống trên dòng sông uốn lượn quanh chùa, để hình dung sự gắn bó của Thánh với đồng đất, kênh rạch nơi đây./.

7. Lễ hội truyền thống hoa- cây cảnh Vị Khê
Đã thành thông lệ, từ ngày 12 đến 16 tháng Giêng hằng năm, tại ngôi đình thờ thành hoàng và ông tổ làng nghề Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) lại tổ chức Lễ hội hoa – cây cảnh.

Làng Vị Khê, xã Điền Xá, huyện Nam Trực nằm ven đê sông Hồng, cách thành phố Nam Định 5 km, được coi là vùng đất tổ của nghề trồng hoa cây cảnh. Theo ngọc phả đình Vị Khê, nghề trồng hoa cây cảnh làng Vị Khê có từ thế kỷ XIII (1211) do Thái uý Tô Trung Tự truyền dạy. Gần 800 năm trôi qua với biết bao biến cố nhưng làng hoa cây cảnh Vị Khê vẫn tồn tại và phát triển. Hàng năm làng tổ chức Lễ hội truyền thống hoa – cây cảnh, để tưởng nhớ, tôn vinh công lao của ông tổ nghề Tô Trung Tự – người đã truyền dạy nghề trồng hoa cây cảnh cho dân địa phương làm kế sinh nghiệp lâu dài.

Lễ hội gồm hai phần: Phần lễ gồm các nghi lễ: tế nam quan, tế nữ quan, rước hoa – cây cảnh tiêu biểu về đình làng, dâng hương ông tổ làng nghề.

Phần hội gồm các hoạt động: trưng bày những loài hoa quý, những cây cảnh độc đáo, biểu diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian như: cờ người, cờ tướng, tổ tôm điếm, chọi gà, kéo co…

Lễ hội còn hấp dẫn, sôi động với cuộc thi tay nghề tạo thế cây cảnh, thi hoa cây cảnh nhằm bình chọn ra những tác phẩm đẹp nhất để trao giải thưởng.

Lễ hội truyền thống hoa cây cảnh Vị Khê có ý nghĩa sâu sắc, khơi dậy nét đẹp văn hoá truyền thống của quê hương, tri ân công đức Tổ làng nghề. Đồng thời là cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trồng hoa cây cảnh của các nghệ nhân, còn là cơ hội đối với những ai yêu thích nghệ thuật cây cảnh đem tác phẩm của mình giới thiệu với các du khách trong và ngoài nước, để các doanh nghiệp, doanh nhân hợp tác kinh doanh. Lễ hội truyền thống hoa cây cảnh Vị Khê cũng góp phần tôn vinh sản phẩm làng nghề./.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN