Top 7 lễ hội truyền thống lớn và nổi tiếng nhất ở Hải Dương

0
5269
Vật Phẩm Phong Thủy

Mỗi vùng đất trên nước ta đều có những bản sắc riêng với những lễ hội đặc sản vùng miền khác nhau . Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem những lễ hội truyền thống đặc sắc ở Hải Dương nhé.

1.Lễ hội đình Hàn Bơi
Đến hẹn lại lên, hàng năm, vào ngày 14 đến 16 tháng 8 Âm lịch, người dân phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) lại tưng bừng mở hội để tưởng nhớ công ơn của đức thánh Khai Thiên Thể Đạo, người đã có công giúp Hùng Vương thứ 18 dẹp giặc.

Đình Hàn Bơi thờ đức thánh Khai Thiên Thể Đạo. Theo sử xưa lưu truyền, ông tên thật là Hán Công Đạt, sinh ra tại làng Phương Độ, phường Cẩm Thượng, thành phố Hải Dương, từ khi sinh ra đã có dung mạo phi thường, lại thêm trí tuệ hơn người nên sớm trở thành người văn võ song toàn, học sâu, hiểu rộng. Thời Hùng Vương thứ 18, nước Việt bị giặc Xích Quỷ xâm lăng. Vua đã cử nhiều tướng tài đi diệt giặc mà không dẹp yên được, bèn cử ông đi và phong cho bốn chữ “Hùng vĩ Việt nhân”, giao chức Đại tướng tổng chỉ huy thủy, bộ binh mã để tiêu diệt giặc. Bằng kế sách của ông, quân ta đại thắng. Không chỉ nổi tiếng với tài năng thao lược, ông còn là vị quan đức độ, được dân chúng hết mực tôn kính. Khi tuổi cao, ông về làng Phương Độ sống với dân làng. Tưởng nhớ công ơn cua ông, sau khi ông mất, dân làng lập đền thờ, quanh năm hương khói. Ngày nay, đình Hàn Bơi tọa lạc tại phường Cẩm Thượng, thành phố Hải Dương, hường về phía sông Thái Bình và là địa điểm sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng linh thiêng của người dân. Hằng năm, cứ đến ngày 14 tới 16 tháng 8 Âm lịch, nhân dân Cẩm Thượng lại tưng bừng tổ chức lễ hội truyền thống đình Hàn Bơi để tưởng nhớ công lao của đức thánh với nhiều nghi lễ truyền thống và trò chơi dân gian độc đáo. Ngoài ngày chính lễ, lễ hội còn được tổ chức vào ngày 10/3 Âm lịch với nhiều hoạt động giống ngày chính lễ.

Trước ngày lễ hội diễn ra, người dân phường Cẩm Thượng đã sẳm sửa hương hoa lên đình dâng hương. Phần lễ trang nghiêm với lễ tế, lễ rước, lễ dâng hương lên đức thánh. Lễ rước với kỳ lân, cờ thần, trống, chiêng, phường bát âm, bát biểu, chấp kích, các bàn kiệu 18 chiếc bánh trưng, 18 chiếc bánh dày, đội lễ hoa quả, kiệu long đình rước sắc Thành hoàng, kiệu bát cống bắt đầu từ đình Phương Độ sau đó ra đình Hàn Bơi. Bánh trưng, bánh dày chính là biểu tượng tượng trưng cho 18 đời vua Hùng cũng là lễ vật mà người dân dâng lên tổ tiên. Đặc biệt, sau lễ dâng hương lên đức thánh là nghi lễ thả cá chép. 18 con cá chép được thả trong nghi lễ tượng trưng cho sự bình yên, quốc thái dân an, mùa mang tươi tốt, dân khang vật thịnh.

Sau phần lễ trang nghiêm, phần hội diễn ra sôi động với hội thi bơi thuyền trải truyền thống, tái hiện lại cách tướng quân Khai Thiên Thể Đạo dùng thuyền nhỏ dẹp giặc Xích Thủy xưa kia nhằm hun đúc tinh thần tự hào dân tộc trong mỗi người dân Cẩm Thượng, ca ngợi công ơn của ngài và cổ vũ tinh thần thượng võ của dân tộc. Tục truyền rằng, xưa kia lễ hội đình Hàn Bơi còn có màn rước nước trên sông rất độc đáo diễn ra vào ngày 15/8 Âm lịch. Đoàn rước nước với tuyền tướng, thuyền quân đi trước, thuyền ngài ngự ở giữa, tiếp theo là thuyền của 6 thôn chở kiệu, hai bên đoàn rước là đôi thuyền chải thi nhau bơi, vừa bơi vừa hô vang. Tuy nhiên, qua thời gian, ngày nay nghi lễ này chỉ còn lại trong những câu truyện kể dân gian.

Ngoài hội thi bơi thuyền trải, phần hội còn nhiều hoạt động hấp dẫn thu hút đông đảo người dân tham gia như các trò chơi dân gian và chương trình văn nghệ quần chúng./.

2.Lễ hội đền An Phụ
Hàng năm, vào ngày 1 tháng 4 Âm lịch nhân dân huyện Kinh Môn, Hải Dương lại tưng bừng tổ chức lễ hội truyền thống đền An Phụ tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ An sinh vương Trần Liễu, đấng sinh thành và góp phần tạo nên thiên tài, vị anh hùng dân tộc Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn.

Đền An Phụ (tên tự là An Phụ Sơn từ), tọa lạc trên đỉnh núi An Phụ, thuộc xã An Sinh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương được xây dựng từ thời Trần (thế kỷ XIII), thờ An Sinh Vương Trần Liễu. Theo sử sách xưa, vào năm 1237, triều đình Nhà Trần cắt đất các xã An Phụ, An Dưỡng, An Sinh, An Hưng, An Bang ban cho Trần Liễu làm thái ấp và phong làm An sinh Vương. Ngài và phu nhân là đấng sinh thành ra vị anh hùng dân tộc văn võ song toàn, có công lớn trong 3 cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông xâm lược. Ông mất ngày 1 tháng 4 năm 1251. Tưởng nhớ công đức của ông, ngày 1 tháng 4 âm lịch hàng năm nhân dân quanh vùng lại nô nức mở hội Đền An Phụ.

Lễ hội đền An Phụ được tổ chức trong 3 ngày từ ngày 29/3 đến 1/4 Âm lịch. Phần lễ được tổ chức trong suốt ba ngày diễn ra lễ hội. Lễ cáo yết xin mở hội được tổ chức vào sáng ngày 29/3. Lễ Mộc dục, bao sái tượng tại đền An Phụ diễn ra lúc 23h, ngày 30/3. Ngày chính hội là ngày 1/4 Âm lịch.

Chính hội bắt đầu với màn múa rồng, đoàn rước của các xã An Sinh, Phạm Mệnh, Thượng Quận, Hiến Thành, thị trấn Phú Thứ. Lễ khai hội và dâng hương tưởng niệm An sinh vương Trần Liễu được tổ chức long trọng tại đền An Phụ với chương trình trống hội theo nghi thức cổ, màn biểu diễn múa lân, múa rồng và dâng văn tế ca ngợi công đức của An sinh vương. Sau lễ khai hội và dâng hương là lễ tế thần theo nghi thức truyền thống. Phần lễ tạ được tổ chức vào ngày 8/4 Âm lịch.

Ngoài phần lễ theo nghi thức truyền thống, phần hội có nhiều hoạt động hấp dẫn như chương trình biểu diễn chèo tại di tích động Kính Chủ, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa văn nghệ của người dân các xã và du khách tại sân đình và nhiều trò chơi dân gian truyền thống.

Những năm gần đây, lễ hội đền An Phụ ngày càng được tổ chức trọng thể, phong phú về nội dung và hình thức không chỉ để đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân địa phương mà còn là dịp giới thiệu lễ hội và di tích đền An Phụ tới đông đảo nhân dân và du khách thập phương nhằm tưởng nhớ công ơn to lớn của cha ông, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương và góp phần bảo tồn phát huy giá trị văn hóa quý báu của dân tộc.

3.Lễ hội đình Cậy
Lễ hội đình Cậy được tổ chức vào ngày 22/2 âm lịch hàng năm, tại xã Long Xuyên, huyện Bình Giang. Đây là hoạt động nhằm kỷ niệm ngày sinh của Thành hoàng.

Dưới thời phong kiến lễ hội được tổ chức vào ngày 9 tháng 3 âm lịch. Hai làng Hương Gián và Kệ Gián tổ chức hội thi bơi chải. Hội thi bơi chải bắt nguồn từ truyền thuyết: sau khi đánh thắng nhà Thục, Vua Hùng Vương thứ 18 đã lấy ngày 10 tháng 3 là ngày giỗ tổ. Vào ngày đó tất cả các Lạc hầu, Lạc tướng trị vì ở các địa phương đều phải trở về kinh đô Phong Châu (Vĩnh Phúc) để dự lễ.

Bảo Phúc Đại vương là một tướng của vua Hùng lúc này đóng quân ở Hương Gián, Kệ Gián cũng lên đường về kinh dự lễ. Ngày mồng 9 tháng 3 dân làng mở hội đua thuyền để tiễn đưa ngài. Từ đó về sau, hàng năm cứ vào ngày mồng 9 tháng 3 dân hai làng Hương Gián, Kệ Gián lại tổ chức lễ hội thi bơi chải để tưởng nhớ đến sự kiện lịch sử đó.

Trước đây đội hình đua thuyền được tổ chức theo các xóm; Hai thôn có 6 xóm được tổ chức thành 6 thuyền đua. Mỗi thuyền đua có 18 người là nam giới mặc đồng phục, không hạn chế tuổi tác bao gồm một người cầm mõ, một người cầm lái, 1 người cầm cờ, một người tát nước, một người thổi tù và và 13 tay chèo (một người chèo mũi); hai bên mạn thuyền mỗi bên 6 tay chèo. Do kinh tế khó khăn nên các xóm không tự đóng hoặc mua sắm được thuyền, mỗi năm đến kỳ lễ hội các xóm phải đi thuê thuyền đua của nơi khác, chủ yếu thuê của làng Quát (xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc). Đường bơi dài khoảng 1.500 m. Điểm xuất phát từ cây đa Đống ếch (cách cầu Cậy hiện nay khoảng 500m về phía đông), ngược theo sông Kẻ Sặt về phía tây đến hết địa giới làng Cậy, các thuyền bơi 3 vòng. Đội của xóm nào giành giải nhất được làng thưởng cho một tối hát chèo. Các xóm khác không đạt được giải phải đi xem nhờ, việc treo giải như vậy đã tạo không khí ganh đua giữa các xóm quyết tâm đoạt giải trong các kỳ thi bơi chải.

Từ khi di tích đình Cậy được xếp hạng cấp quốc gia và lễ hội tại đình Cậy được phục hồi, chính quyền và nhân dân làng Cậy đã xây dựng quy chế tổ chức lễ hội, thống nhất lồng ghép lễ hội thi bơi chải vào lễ hội kỷ niệm ngày sinh mồng 10 tháng 2 và hai năm mới tổ chức thi bơi chải một lần.

Lễ hội diễn ra trong 7 ngày:

Sáng 10 tháng 2 mở cửa đình, bao sái đồ thờ, chồng kiệu vào làm các bước chuẩn bị cho rước. Đi đầu đoàn rước là đội múa lân, tiếp theo đến đội mang cờ thần và cờ Tổ quốc, tiếp theo nữa đến đoàn các cháu học sinh, đội nhạc của hội Cựu chiến binh, sau đó đến đoàn rước kiệu thánh, kiệu lục lộ, kiệu long đình… Thành phần những người khiêng kiệu không phải lựa chọn qua tục cắt phù giá như trước kia mà giao cho các đoàn thể (chủ yếu là Đoàn thanh niên) và các xóm lựa chọn. Thành phần các đội tế cũng thay đổi, các thành viên đội tế do hội Phụ lão của xã cử ra, từ 50 tuổi trở lên không có tang cha, mẹ, vợ (trước kia kiêng 3 năm, nay chỉ kiêng 1 năm). Trước đây, chỉ có đội tế nam, nay có cả đội tế nữ. Ngày nay, do cơ chế thị trường, con em làng Cậy nhiều người đi làm ăn buôn bán xa, không có dịp về quê dự lễ hội. Do đó, số lượng người tham gia đoàn rước chỉ bằng một nửa thời Phong kiến.

Sáng 11 tháng 2, Ban tổ chức làm lễ dâng hương tại đình, sau đó ra thắp hương tại nghĩa trang liệt sỹ của xã. Ngoài ra, buổi sáng còn tổ chức tế thần tại đình, buổi chiều rước tập ngơi từ đình ra nghè. Toàn bộ đồ rước được để tại nghè một đêm để hôm sau tế công đồng.

Ngày 12 tháng 2, buổi sáng tổ chức tế công đồng tại nghè, buổi chiều rước Thánh từ nghè về đình. Buổi tối tổ chức hát chèo tại sân đình.

Ngày 13 tháng 2, buổi sáng chuẩn bị, buổi chiều tổ chức thi bơi chải. Buổi tối tiếp tục có hát chèo tại sân đình.

Ngày 14 tháng 2, ban ngày nhân dân trong thôn tiếp tục ra lễ tại đình và nghè. Buổi chiều tổ chức tế nữ tại đình. Buổi tối tiếp tục hát chèo.

Ngày 15 tháng 2, nhân dân tiếp tục ra lễ tại đình và nghè, tổ chức các trò chơi dân gian như: Chọi gà, đi cầu thùm…

Ngày 16 tháng 2, buổi chiều tổ chức lễ tạ, đóng cửa đình, cất đồ thờ. Kết thúc lễ hội.

Bên cạnh, những phong tục như: Tế, lễ, rước kiệu… Lễ hội còn bảo lưu được nhiều loại hình văn hóa dân gian như: Hát chéo, bơi chải…

4.Lễ hội chùa Trông
Lễ hội chùa Trông được tổ chức vào ngày 15/3 hàng năm, tại xã Hưng Long, huyện Ninh Giang, nhằm suy tôn Phật và đức thánh Nguyễn Minh Không.

Bắt nguồn từ kỷ niệm ngày mất của thiền sư Nguyễn Minh Không từ thời Lý. Là lễ hội lớn nhất của vùng Hạ Hồng xưa và đã được ghi vào lịch sử dân tộc.

Chùa Trông do Minh Không thiền sư xây dựng từ thời Lý (TK XI). Chùa thờ Phật và đức thánh Nguyễn Minh Không. Còn có tên gọi là Chùa Tông, Đại Nam nhất thống chí ghi là đền thờ Minh Không thiền sư, họ Nguyễn, tự Chí Thành. Thời phong kiến thuộc xã Hán Lý, tổng Văn Hội, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng. Từ năm 1947, Hán Lý là một thôn thuộc xã Hưng Long, huyện Ninh Giang.

Chùa Trông được xây dựng từ thời Lý, đến thời Nguyễn, quan thượng thư Thượng Đoàn tôn tạo theo kiểu nội công ngoại quốc gồm: Tam quan nội, tam quan ngoại, tắc môn, giải vũ, nhà mẫu, chùa kiểu chữ đinh, đền Đức Thánh kiểu chữ đinh rất đồ sộ. Công trình đã bị tàn phá trong kháng chiến chống Pháp, chỉ còn lại hệ thống tam quan và một số cổ vật. Tam quan chùa Trông là công trình kiến trúc nghệ thuật lớn ở thời Nguyễn. Chùa hiện nay đã được khôi phục nhưng chưa được như xưa.

Hội chùa Trông bắt nguồn từ kỷ niệm ngày mất của thiền sư Nguyễn Minh Không từ thời Lý. Đây là lễ hội lớn nhất vùng Hạ Hồng xưa và đã được ghi vào lịch sử dân tộc. Hội kéo dài 16 ngày, từ 15/3-1/4.

Ngày 15/3, lễ thỉnh kinh, rước nước, tổ chức rước kiệu rất trịnh trọng ra sông Luộc lấy nước cúng.

Ngày16, lễ rước Thành Hoàng và tế tại chùa.

Lễ hội chùa Trông là lễ hội chung của hai làng Hào Khê và Hán Lý, vì xa xưa nguyên là một làng. Sau khi chia tách, mỗi làng có một đình. Đình Hán Lý thờ thành hoàng là Đường Cát đại vương, một vị tướng của Khúc Thừa Dụ có công đánh giặc Đường ở TK X. Đình Hào Khê thờ thành hoàng là Lý Chiêu Hoàng, vua cuối cùng của triều Lý. Như vậy ngày hội phải tế 3 vị, gồm hai thành hoàng và một thiền sư. ở đây chỉ có tế nam, trang phục theo truyền thống gồm 3 mạnh bái, 16 bồi tế. Tên huý kiêng các từ: Minh, Lệ, Chiêu, Ứng.

Quy trình tế gồm ngũ tuần: Tuần nhất: Dâng hương hoa; Tuần nhị: Dâng đăng trà; Tuần tam: Dâng quả thực; Tuần tứ: Đọc chúc văn; Tuần ngũ: Lễ Tất

Sau lễ đức Thánh và nhị vị Đại vương là các trò vui dân gian kéo dài ba bốn ngày.

Đến ngày 20/3, Lễ rước xuất Đông nhập Tây. Lễ này có từ khi xây dựng tam quan. Cổng phía Bắc ghi 3 chữ Bắc địa đầu-nghĩa là làng Hán Lý ở phía bắc. Cổng phía Nam ghi 3 chữ Nam thiên động – làng Hào Khê là động ở phía nam. Đoàn rước gồm: Kiệu bát hương, kiệu Đức thánh, hai kiệu Thành hoàng, kiệu Thánh mẫu. Kiệu này do nữ thanh đồng khiêng. Đoàn rước đi qua cổng phía đông, đi quanh hai làng , về cổng phía tây.

Tối 25/3, mỗi giáp một mâm cỗ cúng tại đền Đức thánh, đọc kệ kể tiểu sử của Người.

Từ ngày 26-30/3, tế lễ Đức thánh và Thành hoàng. Sau tế có lễ dâng hương do một đội múa gồm 16 người thực hiện trước tượng Đức thánh theo điệu Hoa chúc, Giao liên, mô phỏng múa cung đình. Trong những ngày lễ hội có các trò diễn dân gian

Sáng ngày 1/4, tổ chức rước Thành hoàng về các đình, kết thúc hội.

Phần chia cỗ: Nếu tế bằng trâu bò, thì thủ biếu tiên chỉ một nửa, còn lại chia ba, một phần biếu già làng từ 60 tuổi trở lên, một phần biếu chức sắc, một phần biếu những người hành văn. Thịt chia theo đầu người từ hương ẩm trở lên.

Hội chùa Trông bao giờ cũng mời đại biểu chùa Hoa Vân đền Tân La ( Quỳnh Phụ, Thái Bình). Đền Tranh, đền Trung Hoà (Ninh Giang). Trong những ngày hội, nhân dân Đào Phố, xã Hồng Phúc thường rước Thành hoàng lên chùa Trông dự cho hết hội, gọi là rước chạ.

Hội chùa Trông nay vẫn đông vui, nội dung khá phong phú không kém hội xưa./.

5.Lễ hội truyền thống Văn miếu Mao Điền
Lễ hội được tổ chức vào ngày 18/2 âm lịch hàng năm tại di tích Văn miếu Mao Điền xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, nhằm ôn lại truyền thống hiếu học và khoa bảng. Từ đó khích lệ, động viên các thế hệ con cháu học tập để trở thành những người con hữu dụng của quê hương và đất nước.

Phần lễ có rước kiệu, văn tế và diễn văn ca ngợi Đức Khổng Tử cùng các bậc tiên hiền liệt vị xứ Đông, đặc biệt là lễ chữ dâng Thánh “Tiên học lễ – Hậu học văn”.

Phần hội có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.

Tại buổi lễ, các vị đại biểu, cùng đông đảo học sinh – sinh viên, nhân dân trong và ngoài tỉnh về dâng hương Đức Khổng Tử và các bậc tiên hiền, đại khoa bảng của trấn Hải Dương xưa.
6.Lễ Hội đền Kiếp Bạc
Hội đền Kiếp Bạc lễ hội truyền thống kỉ niệm ngày mất của anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn diễn ra vào mùa thu từ ngày 15 đến 20 tháng 8 âm lịch hàng năm tại đền Kiếp Bạc, Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Là một trong những lễ hội lớn nhất nước, thu hút hàng vạn người từ khắp mọi miền đất nước về đây trẩy hội, tưởng nhớ đến công đức của vị anh hùng dân tộc đồng thời, họ còn đi thăm thú cảnh quan tuyệt đẹp nơi đây.

Trước đây, hội đền Kiếp Bạc được tổ chức theo nghi lễ quốc gia, triều đình cử quan lại về làm chủ tế. Tương truyền, ngày giỗ Đức Thánh Trần là một ngày rất thiêng liêng vì nhân dân tôn thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn như một người cha.
Ngày nay 20/8 âm lịch mới là chính hội nhưng một vài ngày trước đó khách thập phương đã nô nức kéo về, thuyền đậu chật bến sông. Ngày hội chính được tổ chức rất long trọng, mở đầu bằng lễ dâng hương của chính quyền địa phương. Đại diện chính quyền đọc diễn văn ca ngợi công đức của vị anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn, ca ngợi thắng lợi của cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông và giữ lại không khí oanh liệt, hào hùng của dân tộc hơn bảy trăm năm trước, đồng thời biểu dương tinh thần đại đoàn kết và lòng yêu nước của nhân dân ta. Sau lễ dâng hương là đại lễ với nghi thức tế uy nghiêm. Sau lễ tế là đến lễ rước, đây là một nghi lễ rất quan trong của lễ hội, Người được chọn chèo thuyền xem đó là một điều vinh hạnh lớn, việc chuẩn bị thuyền rước cũng quan trọng không kém.Tất cả các thuyền rước đều được trang trí những dải vải đỏ ở mạn thuyền, trên thuyền chăng đèn kết hoa rực rỡ. Riêng thuyền rước Long kiệu trang trí vải màu vàng ở mạn thuyền, trên thuyền trang trí cờ hoa màu vàng.lễ rước không giới hạn trong một địa phương mà nó là đám rước của toàn dân, quy tụ người từ khắp nơi với nhiều loại phẩm vật dâng lễ của các vùng miền. Khi lễ rước bắt đầu Bài vị Ðức Thánh Trần được rước trên Kiệu sơn son thiếp vàng, đi qua Tam Quan hướng tới bờ sông. Từ đây kiệu được rước lên thuyền rồng. Cuộc rước kéo dài khoảng 2 giờ, sau đó lại rước Ngài trở lại đền để làm lễ tạ – đồng thời kết thúc ngày hội lớn.

Phần hội khá phong phú và đa dạng đan xen phần lễ với nhiều cuộc thi như thi làm cỗ tiễn thánh, đua thuyền, đấu vật, hát dân ca, quan họ…. Một trong những trò diễn hấp dẫn của lễ hội Kiếp Bạc là đua thuyền trên sông Lục Ðầu với hàng trăm chiếc thuyền lướt như tên bắn cùng trống thúc, chiêng dồn và tiếng hò reo dậy đất náo nức lòng người. Trảy hội Kiếp Bạc được sống lại không khí ra trận năm xưa của Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn, mỗi người dân Việt Nam càng thấy tự hào hơn về lịch sử vẻ vang của dân tộc mình.


7.Lế hội Chùa Muống
Chùa Muống tên tự là Quang Khánh tự, thuộc thôn Quảng Đạt, xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương. Hội chùa Muống đã có truyền thống từ đầu thế kỷ XIV bắt nguồn từ kỷ niệm ngày mất của sư Tuệ Nhẫn( 27 tháng giêng năm 1935), một cao tăng đồng thời còn là một lương y, người công xây dựng ngồi chùa này. Sau khi mất ông được nhân dân tôn là Thành hoàng làng. Lễ hội diễn ra trong 4 ngày từ ngày 24 đến 27 tháng giêng, trong đó 27 là ngày trọng hội.

Lễ hội chùa Muống mang 2 yếu tố Thần và Phật:

– Ngày 24 làm lễ nhập tịch, cỗ chay gồm hoa quả, bánh dầy, bánh nếp.Sư sãi tụng kinh cả đêm, không khí thật sôi nổi.

– Ngày 25, theo lệ là ngày rước bánh dầy quanh chùa trước khi đưa vào tiền đường thờ Thánh tổ. Đây là một nghi thức mong mùa màng bội thu

– Ngày 26, lễ tập ngơi, thực chất là một cuộc tập dượt chuẩn bị cho ngày đại lễ. Trong ngày tổ chức tập rước kiệu, chuẩn bị chu đáo các thứ cho trọng hội, buổi tối, các sư làm lễ mộc dục.

– Ngày 27 là ngày trọng hội, khách đến dự rất đông từ sáng sớm. Lễ rước thực hiện như ở các đền và đình làng, gồm có bát biểu, tàn, long, đòn bát cống rước tượng Thánh tổ Non Đông, Thánh phụ, Thánh mẫu. Đoàn rước diễu xung quang chùa rồi ra tam quan làm lễ, xong lại chuyển vào chùa để các thần tượng được an vị. Hội kết thúc vào đêm 27.

Hội chùa Muống là lễ hội lớn của Hải Dương.Ngày nay, lễ hội chùa Muống vẫn được duy trì tuy không còn được như xưa nhưng vẫn còn lưu giữ một số thuần phong mỹ tục như: vào những ngày hội, các cụ bà phân công nhau đứng hàng dài trước cửa chùa, bưng cơi trầu, niềm nở mời khách thập phương, gây thiện cảm từ đầu cho khách đến dự hội.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN