Nhà văn nữ Nguyễn Ngọc Tư là một nhà văn trẻ thuộc thế hệ hậu chiến (sinh năm 1976) tại tỉnh miền cuối nước Việt là Cà Mau, lớn lên ở đây, đi làm và viết văn cũng ở đây. Cô có sách được xuất bản rất sớm vì có tài viết truyện loại đồng quê cho nhi đồng và thiếu niên, và thường được coi như một thứ Hồ Biểu Chánh mới.
Cô được biết đến nhiều nhất bởi tập truyện gây tranh cãi mang tên Cánh đồng bất tận. Và nhiều tác phẩm nổi tiếng khác: Đong Tấm Lòng, Đảo, Yêu Người Ngóng Núi, Ngày Mai Của Những Ngày Mai…
1 Giao Thừa
“Giao thừa” sẽ giới thiệu đến bạn đọc 17 câu truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư như: Bởi yêu thương, Cái nhìn khắc khoải, Chuyện vui điện ảnh, Cuối mùa nhan sắc, Dòng nhớ, Đời như ý, Giao thừa, Hiu hiu gió bấc… Đây là 17 câu chuyện với 17 nỗi buồn rất chung mà rất riêng: Những mối nhân duyên không gặp gỡ, những nhan sắc cuối mùa, những éo le đời sống… Những nỗi buồn, những yêu thương tưởng như là thoang thoảng hóa ra lại rất sâu…
Suốt trong “Giao thừa”, ta vẫn thấy bàng bạc – như thường gặp – chất văn hóa rất riêng và vẫn cứ mới của vùng sông nước Nam Bộ. Đó là nét văn hóa nguyên sơ vừa hiện đại, tinh khiết vừa bụi bặm, nhẹ nhàng vừa dữ dội mà tâm lý đa số bạn đọc muốn khám phá khi đã quá quen với văn hóa Bắc và Trung Bộ. Nguyễn Ngọc Tư đi vào đó bằng ưu thế nhất định của người địa phương có tấm lòng cảm thông với số phận nhân vật, có cái nhìn tận thấu bản chất sự việc và năng khiếu về ngôn ngữ, cách kể chuyện. Tết của người ta hoa đào đỏ chói, hoa mai vàng rực, tết của Ngọc Tư đầy dưa hấu”Những trái dưa hấu bóng mẩy thẳm xanh chất tầng tầng trên chợ” (Giao thừa). Từ cách mô tả về con vịt Cộc, Ngọc Tư đã cho thấy sự gắn bó thân thiết với sông nước, ghe thuyền, con người của Nam Bộ để có được những trang viết như thế.
Những nhân vật của Ngọc Tư cũng vậy. “Thật” như sông nước, dễ gần gũi, dễ cảm thông. Họ là những đứa trẻ, cụ già, người mẹ, người chị, người em, người láng giềng tốt bụng, rất bình thường nhưng có nét đặc trưng về số phận. Đó là những người bán dưa cơ hồ không biết tết trong “Giao thừa”, là số phận những thành viên trong gia đình chú Đời hát rong “Đời như ý”, hay khát vọng làm má của Diệu trong “Làm má đâu có dễ”, ước mơ được yêu của ông già Chín trong “Cuối mùa nhan sắc”… Dường như Ngọc Tư chỉ quan sát họ rồi chọn đưa từ ngoài đời vào trong trang văn hơn là dụng công hư cấu. Cho nên họ là máu thịt đích thị của đất và người Nam Bộ. Nhiều khi, hoàn cảnh đã tha hóa hay ngăn trở ước mơ của họ làm ta phải chảy nước mắt. Chú Đời mù lòa trong (Đời như ý) chỉ muốn được hát rong yên ổn bên vợ con – một ước mơ hết sức bình thường đơn giản – nhưng rồi có đứa con xinh xắn phải gửi người ta nuôi giùm. Đến chết muốn gặp cũng không được vì nó đã bỏ đi bụi đời. Đâu đây dường như nhân vật của Ngọc Tư rất gần với số phận những nhân vật của Nam Cao. Chỉ khác một bên tiêu biểu cho văn hóa Bắc Bộ, một bên là Nam Bộ.
Người ta thường nói nhiều đến cách viết của Nguyễn Ngọc Tư. Về mặt này, trong “Giao thừa”, cũng như nhiều tập truyện khác, chị có vẻ rất nghề ở cách kể chuyện. Từ một nhân vật hay sự việc chính nào đó, chị cứ mải miết lan man tỏa ra ngang dọc để biến chuyện thành truyện. Với cách kể này, đòi hỏi phải có sự khái quát giỏi ở kết truyện mới có sức thuyết phục bạn đọc. Nguyễn Ngọc Tư gây được ấn tượng với người đọc từ cái tình mênh mang và lắng sâu. Ví như sau khi kể về một tình yêu thực sự nhưng không thể đến với nhau được. Nguyễn Ngọc Tư khái quát trong “Người năm cũ”: ” Đường đời gang tấc mà vì nỗi gì đi vòng vèo cho xa hoài xa mãi”. Ở truyện đầu tiên, “Bởi yêu thương” Nguyễn Ngọc Tư kết : “Cũng giống như phim tình cảm, đôi khi người ta vì yêu mà rứt ruột lìa xa người mình yêu. Biết làm sao, hoàn cảnh vậy mà!”. Kết như vậy không có gì lớn, không có gì mới nhưng vẫn cứ gây ray rứt, nôn nao thắc thỏm lòng người…
Nguyễn Ngọc Tư vẫn có duyên trong cách sử dụng ngôn ngữ địa phương và cách đưa đối thoại vào trong văn-“Giao thừa” đã tiếp tục khai thác triệt để thế mạnh của ngòi bút Nguyễn Ngọc Tư một cách tròn trịa hơn, chín hơn. Chủ đề của các truyện không nhiều tầng nghĩa mà lắng sâu chất Nam Bộ, dễ đọc, dễ cảm thông.
2 Gió Lẻ Và 9 Câu Chuyện Khác
Tiếp theo Ngọn đèn không tắt, Giao Thừa, Cánh đồng bất tận, Gió lẻ và 9 câu chuyện khác vẫn là những câu chuyện về những thân phận con người với cái nhìn đau đáu xót xa dưới ngòi bút của cây viết trẻ Nguyễn Ngọc Tư.
3 Gáy Người Thì Lạnh
Quá khứ là kỷ niệm ấm áp, còn tương lai là những khát khao. Giữa hai miền thời gian đó, những chuyến dong ruổi, dù ngắn, qua ngóc ngách của làng quê hiện tại, đã giúp nhà văn viết nên những chi tiết hiện thực gây nhói buốt. “Gáy người thì lạnh” giống như những lời trần tình (hay tự vấn) của tác giả, đồng thời cũng là chia sẻ đến những ai mong được kết nối với tự nhiên, thèm được thở “những thứ khí trời bên ngoài cánh cửa”.
4 Khói Trời Lộng Lẫy
Các truyện trong tập đều xoay quanh thân phận người phụ nữ. Nỗi buồn bao quanh họ: cô đơn, khao khát tình cảm gia đình, tình yêu. Không được hạnh phúc, đôi khi họ tỏ ra “cay nghiệt”, nhưng rồi sự cay nghiệt cũng không vượt quá sự mong manh yếu đuối vốn là bản chất của họ (như cô gái trong “Khói trời lộng lẫy” đã đánh cắp đứa em trai cùng cha khác mẹ để trả thù người cha bỏ rơi mình, để rồi cuối cùng lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan). Các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư được sinh ra để đi tìm nhau. Cho nên, cùng với nỗi mất mát, cô cũng cho họ những con đường, đó là lòng vị tha và một chút hy vọng.
5 Sông
Đây là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư với sự đổi mới toàn diện của chính cô. Đẹp. Đáo để. Trần tục và hư ảo. Truyện kết thúc bằng dấu chấm hỏi về số phận một con người – Không hề do dự, cô đã đẩy mầm ý tưởng vừa nhú lên sang tay người đọc, để họ nuôi dưỡng chúng, bằng trải nghiệm qua việc đọc cuốn sách này.
“… Sài Gòn. Sáng nay ở đó Tú dậy, đánh răng rồi chở vợ ra đường, họ có thể cùng ăn sáng trước khi đến cơ quan. Sáng nay ở đó Hậu, Bách, Cường tiểu thơ vẫn còn nằm ngầy ngật trong hơi men vì nhậu nhẹt khuya. Sáng nay mẹ cậu mặc quần lửng, giày thể thao, đá cầu ở công viên xong thì xõa tóc ngồi quán cà phê với một trong những người đàn ông của bà, cũng có thể là cha cậu.
Sáng nay cậu cùng một người không thể gọi là lạ, cũng không thể nói đã quá biết nhau, đi xuyên qua những cánh rừng tinh linh đi tìm những khe suối nằm đâu đó giữa những vách đá. Hai thằng người bụi bặm và trông hơi tàn tạ…
Khi mặt trời biến hai cái bóng thành vũng tối dưới chân, bọn cậu đã tận mắt nhìn thấy một vài cái khe nhỏ nước chảy cùng một thứ rêu óng biếc. Hứng mãi nước mới đầy một vốc tay, cậu không thể hình dung có bao nhiêu dòng chảy re rắt như vầy để làm tràn đầy hồ Thiên, khiến nó không khô cạn dù bất cứ mùa nắng hạn nào. Cậu xòe những ngón tay chắn giữa khe, thấy nước ẩn nhẩn lách qua, nhỏ nhắn và xanh xao như một hồn ma sầu muộn. Không thể tin được những nhánh nước rủ rỉ này lại làm nên dòng chảy hàng ngàn dặm của sông Di….”
6 Ngọn Đèn Không Tắt
Ngọn đèn không tắt là bức tranh sinh động về thanh niên hôm nay trên mọi mặt đời sống; là tập truyện ngắn vừa hấp dẫn vừa thuyết phục. Với giọng văn mộc mạc bình dị, với ngôn ngữ đời thường đã tạo nên một không khí rất tự nhiên về màu sắc, hương vị của mảnh đất cuối cùng tổ quốc. Qua ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư, những con người lam lũ giản dị, bộc trực ấy chứa bên trong cả một tâm hồn vừa nhân hậu vừa tinh tế qua cách đối nhân xử thế.