Top 6 địa điểm du lịch đẹp và nổi tiếng nhất ở Cần Thơ

0
1861
Vật Phẩm Phong Thủy

Những địa danh nổi tiếng ở Cần Thơ không chỉ được du khách trong nước yêu mến mà còn được bạn bè quốc tế không tiếc lời khen ngợi, khiến chúng ta thêm phần háo hức muốn được một lần tận mắt chiêm ngưỡng những cảnh đẹp này.

1 Bến Ninh Kiều

Bến Ninh Kiều ngày nay nằm giữa ngã ba sông Hậu và sông Cần Thơ, dọc theo con đường Hai Bà Trưng, trực thuộc phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Nói về giai thoại hình thành nên Bến, bến Ninh Kiều xưa vốn là một bến sông ở đầu chợ Cần Thơ. Năm 1876, quân Pháp chiếm đóng Cần Thơ, bến sông được xây gạch, đá dọc theo bờ để ngăn sóng và trở thành bến tàu giao thương hàng hóa đông đúc, tấp nập. Bến sông được người Pháp đặt tên là Quai de Commerce (có nghĩa là bến Thương Mại), còn người dân thì gọi với cái tên bình dị là bến Hàng Dương vì dọc bờ sông có trồng nhiều cây dương. Năm 1957, Tỉnh trưởng Cần Thơ lúc này là Đỗ Văn Chước đã tạo tại đây nên một bến dạo mát và công viên cây cảnh. Sau đó, Đỗ Văn Chước trình lên Ngô Đình Diệm (tổng thống của Việt Nam cộng hòa) xin đặt tên công viên và bến dạo mát là Ninh Kiều theo tên địa danh lịch sử Ninh Kiều – nơi ghi dấu chiến thắng quân Minh của anh hùng Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn. Việc chọn tên Ninh Kiều để đặt cho một bến và công viên mới thành lập dọc theo đường Lê Lợi thật sự có ý nghĩa cũng như thể hiện sự trân trọng với chiến tích to lớn của người anh hùng đất Lam Sơn.
Ngày nay, bến Ninh Kiều được đầu tư thành công viên du lịch có diện tích 7.000 m², trở thành điểm thu hút người dân địa phương và nhiều lượt du khách đến ngắm cảnh, tản bộ, hóng mát. Đứng ở bến Ninh Kiều, du khách có thể nhìn thấy cầu Cần Thơ – cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á vào thời điểm hoàn thành (4/2010). Trong công viên có bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng cao 7,2 m, đặt trên bệ cao 3,6 m, trọng lượng hơn 12 tấn.

2 Cầu Cần Thơ

“Bắc Cần Thơ” chính là bến chờ, bến đợi lớn nhất cho đến tận hôm nay của hàng triệu người khi hai bờ sông Hậu chưa liền một dải. Nhưng ước mơ này đã thành hiện thực khi lễ khánh thành cầu Cần Thơ diễn ra.
Cầu Cần Thơ là cây cầu bắc qua sông Hậu, nối thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long, tại thời điểm hoàn thành năm 2010, đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất tại khu vực Đông Nam Á, được khởi công xây dựng ngày 25/9/2004. Toàn tuyến dự án dài 15,85km với điểm khởi đầu tại Km 2061 trên Quốc lộ 1 thuộc huyện Bình Minh tỉnh Vĩnh Long, đi tránh Quốc lộ 1 và thành phố Cần Thơ, vượt qua sông Hậu ở cách bến phà cũ về phía hạ lưu 3,2km, nối trở lại Quốc lộ 1 tại Km 2077 thuộc quận Cái Răng, Cần Thơ.
Với 216 sợi dây văng, trên cao nhìn xuống như mái tóc dài của cô gái đang tuổi xuân thì xõa xuống dòng sông Hậu. Khoảng cách hai bờ sông Hậu lớn hơn sông Tiền khiến cây cầu vừa “trải dài “ ra, vừa cao hơn, thật kỳ vỹ đến ngỡ ngàng. Cầu Cần Thơ “gác” vô cồn Ấu nên nhìn xa có những đoạn võng nhẹ nhàng, ngước lên, những sợi dây văng màu cam được bắt từ trụ tỏa dần xuống như đan như dệt trên nền trời xanh.

3 Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam

Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam được khánh thành ngày 17/5/2014, tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Đây là ngôi chùa rộng nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam do Đại tướng Phạm Văn Trà – nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – đề xuất xây dựng và chính Đại tướng cũng là trưởng ban vận động đóng góp xây dựng Thiền viện.

Theo Đại tướng Phạm Văn Trà, mục đích xây dựng Thiền Viện xuất phát từ tâm nguyện mong muốn khôi phục Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Bên cạnh đó, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam cũng đáp ứng nguyện vọng của tăng, ni, phật tử và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo thành phố Cần Thơ mong muốn có một ngôi chùa để kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa, tâm linh Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm.

Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam nằm trong khu Di tích lịch sử Lộ Vòng Cung TP Cần Thơ. Tổng diện tích Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam là hơn 38.000 m2. Ngôi chánh điện, nhà thờ Tổ được xây dựng theo kiến trúc văn hóa Lý – Trần; Lầu chuông, lầu trống được xây dựng theo tháp chuông Chùa Keo ở Thái Bình. Đặc biệt, 4 hạng mục trên được làm bằng gỗ lim, khoảng 1.000 khối được nhập từ Nam Phi.

4 Nhà Cổ Bình Thủy

Kiến trúc nhà kiểu Pháp với nền nhà cao hơn mặt sân 1m; có bốn bậc thanh hình cánh cung tao nhã, nối kết nhà với khoảng sân rộng, trần cao, trang trí hoa văn, mở nhiều cửa lớn nhỏ với khung sắt khá đơn giản giúp nhà thông thoáng, mặt tiền trang trí phù điêu đắp nổi… Toàn bộ gạch bông hoa hồng đỏ – đen lát nền nhà với hàng rào sắt đúc bảo vệ khuôn viên đều được đặt và trở từ Pháp sang. Ðây là mẫu nhà cổ hiếm hoi còn sót lại khá nguyên vẹn giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu đời sống sinh hoạt, văn hoá cũng như tiến trình phát triển dưới tác động khác nhau lúc giao thời giữa hai thế kỷ của cư dân ÐBSCL.

Ðể hội nhập với thiên nhiên, nhà luôn gắn với vườn (vườn chiếm hơn 6.000/8.000m² toàn khuôn viên), rộng bề ngang nhưng không sâu. Hầu hết tiền sảnh để tiếp khách mà không chia thành các phòng nhỏ, có hai cửa hậu thông ra phía sau, sân rộng lát gạch Tầu có đủ hòn non bộ, chậu kiểng, cổng tam quan, khu nuôi thú…

Ngày xưa, người ta xử lý chống mối và giữ độ lạnh trong nhà rất độc đáo, bằng cách rải đều dưới nền hơn 10cm muối hột, không dùng xi măng để xây mà dùng keo o dước, toàn bộ hệ thống vì kèo bao lơn cùng 16 cây cột lớn đường kính 180cm – cao từ 4m đến 6m được nối kết không phải bằng đinh mà bằng mộng – ngoàm; luật đối xứng có âm có dương, có tả có hữu, có trước có sau được gia chủ đặc biệt chú ý. Giữa tiền sảnh, nơi trang trọng nhất dùng để bàn thờ, khán thờ tổ tiên ông bà cùng cặp liễn nên nhũ chữ nổi, sau đó là giường thờ, tủ chè, sập gụ, trường kỷ, cặp thành vọng cao hơn 3m… Tất cả đều do bàn tay của các nghệ nhân Bắc – Trung – Nam tạo ra với kích thước lớn bằng gỗ quý được phủ sơn son thiếp vàng hoặc cần xà cừ, chạm khắc rất tinh tế theo chủ đề sinh hoạt sông nước miền Tây Nam Bộ hoặc: Tam Ða – Tứ Quý, Mai – Lan – Cúc – Trúc, Phúc – Lộc – Thọ, Long – Lân – Quy – Phượng…

5 Vườn du lịch Mỹ Khánh

Với diện tích hơn 50.000 m2, vườn du lịch Mỹ Khánh chính là đại diện tiêu biểu của văn hóa và thiên nhiên miền sông nước không chỉ cho Cần Thơ mà còn cả khu vực Tây Nam Bộ. Với những ngôi nhà cổ theo kiến trúc Nam Bộ, những vườn cây trái trĩu nặng, những ao cá, các du khách sẽ được tham gia nhiều hoạt động thú vị như: Câu cá sấu, chèo thuyền, đi cầu khỉ, các trò chơi dân gian,… đạc biệt là thưởng thức ẩm thực Nam Bộ ngon tuyệt. Vì thế, Mỹ Khánh còn được mệnh danh là “Đồng Bằng Sông Cửu Long thu nhỏ”.

6 Vườn cò Bằng Lăng

Cách trung tâm Cần Thơ 60 km đi theo Quốc Lộ 1, nằm gần huyện Thốt Nốt, vườn cò Bằng Lăng là địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn cho những ai đam mê tìm hiểu về thiên nhiên sông nước miền Tây dân dã với khung cảnh thanh bình của những cánh đồng lúa, vườn tược xanh mướt cùng những cánh cò trắng bay lả khắp bầu trời. Khu vườn rộng đến 15 công đất là ngôi nhà của hơn 10.000 cá thể cò từ muôn nơi tụ họp về. Đến đây bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ kỳ thú và lắng nghe những câu chuyện thú vị về con người và cuộc sống tại đây.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN