Những địa danh nổi tiếng ở miền Trung không chỉ được du khách trong nước yêu mến mà còn được bạn bè quốc tế không tiếc lời khen ngợi, khiến chúng ta thêm tự hào về đất nước, quê hương.
1 Bà Nà (Đà Nẵng)
Nằm cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30km, Bà Nà thuộc huyện Hòa Vang được mệnh danh là “Sapa thứ 2” của Việt Nam và một trong những trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng nhất Đông Dương vào thời kỳ Pháp thuộc.
Bên cạnh đó, với độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển và nhiệt độ trung bình từ 17 – 20 độ C tạo khí hậu mát mẻ quanh năm, Bà Nà còn được xem là lá phổi xanh của Đà Nẵng. Vì vậy, du khách có thể cảm nhận được “sự giao thoa” độc đáo của 4 mùa trong cùng một ngày – sáng mùa xuân, trưa mùa hè, chiều mùa thu, tối lại mùa đông se lạnh.
Đối với nguồn gốc tên gọi Bà Nà, có người cho rằng khi người Pháp đặt chân lên vùng đất này đã thấy có rất nhiều cây chuối, do đó gọi là núi Banane và lâu dần người Việt đọc thành Bà Nà. Còn nhà văn Nguyên Ngọc lại cho rằng, Bà Nà là tiếng của người dân tộc Katu, đó có nghĩa là núi của tôi hay nhà của tôi.
Ngoài ra, một truyền thuyết khác lại kể lại rằng Bà Nà là tên viết tắt của bà Thiên Y A Na Thánh Mẫu hay Bà Ponagar hoặc Bà Nà là do những người dân địa phương đặt tên với ý nghĩa rằng Bà chỉ các con vật linh thiêng và Nà chỉ khu đất rộng nằm trên triền núi.
2 Hội An
Hội An, đô thị cổ ven bờ sông Hoài, trước đây là một thương cảng sầm uất với tên gọi Faifo. Người Việt, người Hoa và người Nhật cùng sinh sống, giao thương tấp nập ngày đêm. Hiện nay ở Hội An vẫn còn rất nhiều ngôi nhà cổ ghi dấu ấn kiến trúc đặc trưng của ba nhóm dân tộc này.
Ngoài những nơi tham quan rất nổi tiếng như chùa Cầu, nhà cổ Tấn Ký, các hội quán của người Hoa, việc thích nhất khi tôi đến Hội An là dạo phố, ngắm nhìn những ngôi nhà cổ tuyệt đẹp. Mỗi ngôi nhà là một câu chuyện khác nhau, đầy hấp dẫn và lôi cuốn.
3 Ghềnh Đá Đĩa (Phú Yên)
Được đánh giá là một trong số ít Ghềnh Đá Đĩa nổi tiếng, đẹp bậc nhất trên thế giới, nhưng thắng cảnh này vẫn chưa được nhiều người biết đến. Tôi đến địa danh này phần vì háo hức, phần vì muốn được tận mắt mục sở thị kì quan mà câu chuyện của nó còn nhuốm màu cổ tích.
Cô bạn đồng hành cùng tôi, quê gốc Phú Yên từng đến đây khi chưa đến 10 tuổi, giờ trở lại ngạc nhiên thoảng thốt. Hỏi ra mới biết, cách đây vài năm con đường đến đây vẫn còn bụi mù mịt, ghập ghềnh, làm gì có đường trải nhựa đẹp như thế này. Toàn bộ khu vực này đều vẹn nguyên sự hoang sơ, thậm chí không có chỗ gửi xe hay một quán nước ven đường. Cũng vì thế, khi chứng kiến sự đổi thay của khu di tích quốc gia này, hầu như ai cũng phải sững sờ.
4 Núi Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng)
Ngũ Hành Sơn nằm cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 8 km về phía đông nam, trên một bãi cát mênh mông gần bờ biển, thuộc làng Hoà Khuê, ấp Sơn Thủy, huyện Hòa Vang quận Ngũ Hành Sơn. Ngũ Hành Sơn với năm ngọn núi được nằm theo hệ Ngũ Hành là một kiệt tác của thiên nhiên ban tặng cho thành phố Đà Nẵng. Nhìn từ trên cao Ngũ Hành Sơn giống như một bàn tay của Trời ấn định nơi đây là vùng đất thiêng.
Theo truyền thuyết của người Chăm, thuở xa xưa có một lão ngư (ở phương Bắc bị đắm thuyền trôi dạt đến. Có sách ghi là một ẩn sĩ) sống giữa bãi cát mênh mông bên bờ biển. Một hôm, lão ngư thấy một con giao long rất lớn (có sách chép là nữ thần Naga) đến đây đẻ trứng. Bỗng từ đâu một con rùa vàng hiện lên, tự xưng là thần Kim Quy, đào cát vùi quả trứng xuống, rồi giao cho ông lão một cái móng chân của mình, và dạy cách trông coi trứng rồng. Nhờ có móng rùa thần, mà ngư ông đã ngăn chặn được diều hâu và các loài thú dữ đến xâm phạm nơi ấp trứng. Sau đó, quả trứng ngày một lớn dần. Cho đến một hôm, trứng nở ra một thiếu nữ xinh đẹp (có sách ghi là nàng tiên), và vỏ trứng tách thành năm mảnh, trở thành năm ngọn: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Vua Chăm nghe được câu chuyện ấy liền cưới thiếu nữ làm vợ, còn Thần Kim Quy thì chở ông lão lên trời.
Những ngọn núi hình thành Ngũ Hành Sơn có tên lần lượt là: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn (lớn, cao và đẹp nhất), Hỏa Sơn (có hai ngọn) và Thổ Sơn những ngọn núi nhỏ này được Vua Minh Mạng triều Nguyễn đặt tên hiện ngọn núi này thuộc quận Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng.
5 Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)
Đảo Lý Sơn là nơi để bạn khám phá nhiều điều mới lạ về thiên nhiên, được nhắm nhìn trọn vẹn vẻ đẹp mê hồn của cảnh vật và tận hưởng những giây phút thư giãn bình yên nhất. Lý Sơn là một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi, nằm cách bờ 30km với diện tích khoảng gần 10 km2 và dân số hơn 20.000 người bao gồm 3 hòn đảo là hòn Mù Cu, Đảo Lớn và Đảo Bé.
Đảo Lớn có 3 di tích quốc gia là Âm Linh tự, đình làng An Hải và di chỉ văn hóa Sa Huỳnh. Đảo Bé sở hữu một bãi tắm tuyệt đẹp với làn cát trắng mịn, được bao quanh bởi những vách đá nham thạch kỳ vĩ, phù hợp để tổ chức cắm trại qua đêm. Tại Đảo Lý Sơn, bạn cũng có thể đến tham quan một số địa danh như chùa Hang, hang Câu, cột cờ Tổ quốc trên đỉnh Thới Lới, cổng Tò Vò, chùa Đục và Quan Âm Đài… Thêm vào đó là vô số các loại đặc sản như gỏi rong biển, ốc tượng, gỏi tỏi, cua Hoàng Đế… sẽ hấp dẫn bạn ngay chỉ cái nhìn đầu tiên.
6 Động Thiên Đường (Quảng Bình)
Động Thiên Đường nằm ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, thuộc tỉnh Quảng Bình. Đây là một trong những động khô dài nhất của châu Á với chiều dài tới 31,4 km. Cửa động rất nhỏ chỉ vừa đủ một người đi qua, thế nhưng bên trong có nơi mở rộng hơn 150 m, trần cao khoảng gần 80 m.
Không khí nơi đây khá mát lạnh vì chỉ ở mức 20 độ C, bao trùm xung quanh là những khối nhũ đá, măng đá muôn hình vạn trạng rất ấn tượng. Thêm vào đó là hệ thống cầu thang gỗ và ánh sáng trắng soi đường sẽ đưa bạn đến những địa điểm nổi tiếng chẳng hạn như Cổ Tháp, tháp Liên Hoa, cung Quần Tiên Hội Tụ, Kỳ Hươu, Voi Ma Mút… Vẻ đẹp tráng lệ của những tuyệt tác thiên nhiên của nơi này thực sự sẽ cho bạn cảm giác đặt chân đến chốn thiên đường vô cùng huyền ảo.