Những nghi lễ thiêng liêng nhất trong ngày cưới, đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời của mỗi con người. Tuy nhiên ở mỗi dân tộc, mỗi nền văn hoá lại có những phong tục, nghi lễ cưới hỏi rất khác nhau mang đến nhiều điều thú vị. Cùng Wanderlust Tips khám phá những phong tục đặc sắc, được giữ gìn và lưu truyền trong lễ cưới truyền thống của các nước trên thế giới.
1. SAN-SAN-KUDO UỐNG 3 CHÉN RƯỢU
Ở Nhật có 4 loại lễ chính thường được gọi là Kancon sosai đó là lễ thành nhân, lễ cưới, lễ cúng tổ tiên, lễ tang. Trong đó, lễ cưới được coi là lễ mang tính trang trọng nhất trong 4 lễ. Cũng giống như lễ cưới ở Việt Nam các nghi lễ trong ngày cưới chủ yếu xuất hiện tại nhà chú rể.
Trước hết, ngày tổ chức lễ cưới được chọn rất cẩn thận để tránh những ngày mang điềm xấu. Các lễ nghi đám cưới truyền thống bắt đầu một ngày trước đám cưới chính thức, khi cô dâu đi thăm đền chùa hoặc tổ chức liên hoan chia tay với cha mẹ và hàng xóm. Các lễ nghi trong ngày cưới chủ yếu diễn ra ở nhà chú rể. Khi cô dâu chia tay với cha mẹ để sang nhà chú rể phải mặc đồ trắng. Tại nhà chú rể, cô dâu mặc kimono màu trắng, đội loại mũ gọi là tsuno-kakushi, có nghĩa là “giấu sừng”, ám chỉ gạt bỏ và giấu đi sự ghen tuông của phụ nữ. Chú rể mặc kimono có gắn gia huy và quần chùng, gọi là hakama.
Khi rước dâu về tới nhà sẽ tổ chức nhiều nghi lễ mà quan trọng nhất là việc đôi tân hôn hứa hẹn thề nguyền bằng cách trao các chén rượu sake cho nhau. Nghi thức này, tiếng Nhật gọi là sansan kudo, vốn xuất phát từ những gia đình quyền quý nhưng nay được coi là tiêu chuẩn trong các đám cưới kiểu truyền thống trên toàn Nhật Bản, theo đó cô dâu và chú rể 3 lần nhấp rượu sake trong một bộ 3 chiếc chén từ nhỏ đến lớn. Tiếp sau nghi thức này là giới thiệu gia đình hai họ và tiệc đón dâu. Khoảng 3 hoặc 5 ngày sau, người vợ và đôi khi cả chồng, trở về nhà mình, mang theo quà cho người thân và bạn bè. Nghi thức này gọi là satogaeri.
Người Nhật có một tục lệ trong ngày cưới gọi là “san-san-kudo” nghĩa là uống 3 ngụm. San = 3, ba ngụm rượu đầu tiên thay mặt cho cô dâu chú rể và bố mẹ của hai bên. San = 3, ba ngụm rượu tiếp theo là tượng trưng cho uống cạn đi lòng căm thù, đam mê và dối trá. Ku = 9, là con số may mắn trong quan niệm của người Nhật. Do = kết thúc bằng sự hòa hợp của hai tâm hồn.
2. KHÔNG BÉO KHÔNG ĐƯỢC LẤY CHỒNG
Nếu như ngày nay, đa số mọi người đều tin rằng tiêu chí của một người phụ nữ xinh đẹp là phải có một cơ thể cân đối, săn chắc cùng 3 vòng rõ ràng, vòng nào ra vòng đó; thì trái lại, có một vùng đất khác tại châu Phi lại nghĩ rằng người phụ nữ chỉ thực sự đẹp và quyến rũ khi họ sở hữu một cơ thể “phì nhiêu màu mỡ” cùng kích cỡ 3 vòng tròn đều mập mạp. Ngoài ra, theo quan niệm của tất cả người dân ở đây, một cô nàng béo tròn còn tượng trưng cho sự giàu có, quyền uy và uy tín.
Vì vậy nên, bằng nhiều cách khác nhau, những cô gái sinh ra ở vùng đất này, ngay từ thuở bé đều được gia đình của mình kích thích ăn uống một cách vô độ để mau chóng đạt được trọng lượng cơ thể khổng lồ, sao cho khi đến tuổi lấy chồng, các cô sẽ được đàn ông để ý đến. Điều này vô tình cũng kéo theo rất nhiều hệ lụy không hay, bi hài có đủ…
Vùng đất đó không nơi nào khác chính là Mauritania, quốc gia giữa Tây Sahara và Senegal, châu Phi. Tại đây, chỉ vì quan niệm khác với phần còn lại của thế giới như đã nêu ở trên nên phần lớn các cô gái từ lúc sinh ra đã được in sâu cái nhìn về tiêu chuẩn của một vẻ đẹp gắn liền với trọng lượng cơ thể lớn. Do đó, họ luôn tìm cách để cơ thể của mình quá cân nhanh chóng khi tới tuổi lấy chồng, rồi sau đó đến thế hệ con cháu của họ, họ cũng sẽ tiêm nhiễm cái nhìn “mập mới đẹp” vào đầu chúng. Cứ thế, xét theo mật độ dân số thì Mauritania có số lượng phụ nữ béo phì khi đến tuổi trưởng thành cao ngất ngưởng.
Quan niệm này được xem là một truyền thống lâu đời tại Mauritania, được nhiều thế hệ các bà các mẹ tuân thủ nghiêm ngặt. Theo một số sử liệu tại đây, tục lệ này bắt nguồn từ thời kỳ tiền thuộc địa, khi người Moor Arab còn là dân du mục. Ở thời kỳ này, khi người chồng càng giàu có thì người vợ càng bớt cực khổ trong chuyện làm việc nhà, trái lại cô ta còn được phép thuê các gia nhân hầu hạ từ túi tiền của chồng. Dần dà những người vợ giàu có đó vì quá ít vận động hay làm việc chân tay, sẽ trở nên béo phì.
Do đó, kích thước cơ thể của người vợ được xem là dấu hiệu của sự giàu có của người chồng. Vậy nên phụ nữ tại Mauritania ngày nay cứ theo đó mà ăn bất chấp để trở nên béo tròn, càng béo tròn thì càng dễ được đàn ông giàu lấy làm vợ, bởi họ chính là bộ mặt tượng trưng có gia sản nhà chồng. Ngoài ra, vết rạn da do tăng cân quá nhanh chóng cũng được người Mauritania xem là vật quý của phụ nữ hoặc vòng mỡ quanh eo được xem là niềm tự hào của các quý bà, quý cô tại đây.
3. ĐẬP VỠ BÁT ĐĨA TRƯỚC NGÀY CƯỚI
Văn hóa của Đức cũng vô cùng đa dạng và phong phú. Đặc biệt là văn hóa cưới xin. Nhiều tập quán đã là truyền thống của họ từ xa xưa, nhưng cũng có nhiều phong tục hội nhập từ các nước khác nữa.
Đối với người phụ nữ Đức, ngay sau khi đăng kí kết hôn, họ sẽ chính thức mang họ chồng và được gọi theo tên chồng. Mặc dù hiện nay Đức đã ban hành Luật mang họ trong gia đình và người vợ có quyền giữ họ riêng hoặc dùng kép. Tuy nhiên, hầu hết các cặp vợ chồng Đức vẫn theo truyền thống này.
Ở một số vùng của nước Đức, khi đôi uyên ương vừa bước ra khỏi phòng đăng ký kết hôn, họ sẽ được gia đình và bạn bè ném gạo lên người với ý muốn chúc phúc cho đôi trẻ có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc, con đàn cháu đống.
Bữa tiệc độc thân hay còn gọi là “Junggesellenabschied”, là nghi thức không thể thiếu trong mỗi cuộc đời một người. Khoảng 2-3 tuần trước ngày cưới, cô dâu và chú rể thường sẽ cùng với những người bạn thân thiết của mình tổ chức một bữa tiệc và gọi đó là “bữa tiệc độc thân cuối cùng”.
Bữa tiệc thường sẽ do hội bạn thân tổ chức mà không báo trước để gây bất ngờ cho họ. Cô dâu chú rể sẽ cùng ăn uống vui chơi với những người bạn của mình khi vẫn còn trên danh nghĩa là “độc thân vui vẻ”. Được biết, trước đây ngày lễ độc thân chính là ngày mà người cha của cô dâu sẽ gọi toàn bộ đàn ông trong gia đình đến để xem xét về con rể tương lai của mình.
Mọi người sẽ kiểm tra anh chàng đó có đủ nhân cách và trách nhiệm làm chồng của con gái họ hay không. Chú rể sẽ phải nghe những bài giáo huấn và triết lý dài dòng về hôn nhân và gia đình. Đây cũng có thể coi là thách thức cuối cùng trước khi nhận được chấp thuận của gia đình cô dâu.
Tuy nhiên sau này ngày lễ đã dần dần được thay đổi, nó mang tính chất nhẹ nhàng và vui vẻ chứ không còn căng thẳng và nhàm chán. Nhà gái sẽ nghĩ ra những trò để trêu chọc chú rể và cho đến ngày nay thì nó trở thành một bữa tiệc vui vẻ và tràn ngập tiếng cười.
Mọi người cùng nhau hát hò nhảy múa, ra đường và đi lòng vòng khắp nơi, mời thêm người đi đường cùng tham gia như để thông báo với cả thế giới về tin vui của mình.
4. BÔI BẨN CÔ DÂU CHÚ RỂ
Ở một số vùng tại Scotland, trước khi một người con gái có thể tổ chức đám cưới với người đàn ông mà cô chọn lựa, cô và chú rể của mình sẽ phải trải qua một nghi thức cổ xưa vô cùng thú vị, gọi là “Blackening of bride” có nghĩa là “Bôi bẩn cô dâu”. Tục lệ xuất phát ở ngôi làng Balintore, Scotland, nơi những người thân và bạn bè sẽ đổ một đống rác thải lên người cô dâu, chú rể. Để thực hiện “nghi thức” này, họ sẽ chuẩn bị gồm những thứ như cá chết, thực phẩm hư hỏng, bột mì, xúc xích, nước sốt, bùn đất và cả sữa thiu, trứng gà, mật ong…, rồi trộn lẫn với nhau và đổ lên khắp người cặp vợ chồng trẻ. Sau khi bôi bẩn xong, cặp vợ chồng sẽ ngồi trên một chiếc xe tải và được chở lòng vòng quanh ngôi làng khoảng vài giờ đồng hồ, trong tiếng hò hét cổ vũ, tiếng trống, tiếng còi của mọi người chúc mừng đôi uyên ương. Sau cùng, đôi vợ chồng trẻ còn bị treo lên một cành cây suốt một đêm dài.
Người Scotland cho rằng nghi thức này sẽ giúp cặp đôi trẻ xua đuổi hết linh hồn ma quỷ. Nếu như đôi trẻ có thể trải qua và chịu đựng được những cực hình như thế thì họ cũng sẽ vượt qua được mọi rắc rối trong đời sống hôn nhân. Khi đó, cặp vợ chồng trẻ có thể hạnh phúc bên nhau bền lâu, có thể cùng nắm tay nhau vượt qua mọi gian nan và đi đến cuối cuộc đời. Đây là cách giúp họ mạnh mẽ hơn và đương đầu với mọi thử thách trong cuộc sống. Cho đến ngày nay, nghi thức này vẫn được các cặp vợ chồng thời hiện đại giữ gìn như một nét văn hóa riêng biệt. Nhưng được thực hiện nhẹ nhàng hơn. Cô dâu và chú rể chỉ bị bôi đen bàn chân của mình bằng tro hoặc xỉ, chứ không nhất thiết phải “bôi đen” cả cơ thể.
5. VẼ HOA VĂN LÊN TAY CHÂN CÔ DÂU
Vẽ hoa văn lên tay chân cô dâu là một nghi thức truyền thống của Ấn Độ, có tên gọi là Henna hay còn gọi là Mehndi. Vẽ Henna là một phần không thể thiếu trong đám cưới truyền thống của Ấn Độ. Henna là một loại hình xăm được vẽ trực tiếp lên cơ thể, đặc biệt là lòng bàn tay của các cô dâu chuẩn bị về nhà chồng. Đối với các cô dâu Ấn Độ, hình xăm Henna được coi là một trong những món đồ trang sức quý giá trong ngày về nhà chồng, và vẻ đẹp của cô trong ngày cưới sẽ không được coi là hoàn hảo nếu thiếu những hình vẽ này.
Trước đây, lễ vẽ Henna thường diễn ra vào buổi sáng trước đám cưới một ngày và chỉ dành cho cô dâu, người thân và bạn bè là phụ nữ, đàn ông không được tham gia. Nhưng ngày nay, lễ Henna thường diễn ra ở nơi tổ chức tiệc, có cả cô dâu và chú rể tham gia. Chất liệu để vẽ Henna chính là lá henna. Lá được phơi khô, giã nát và lọc để lấy bột màu xanh lá cây. Sau đó bột được hòa tan trong một vài nguyên liệu khác, ngâm qua đêm tạo thành bột vẽ Henna. Người thực hiện vẽ Henna cho cô dâu có thể là người thân, bạn bè hay một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Hình vẽ đơn giản hay phức tạp tùy thuộc vào những gì cô dâu thích. Phong tục Henna được vẽ ở mặt trước và sau của lòng bàn tay, cẳng tay cho đến trên khuỷu tay và trên bàn chân cho đến dưới đầu gối.
Hình vẽ Henna rất đa dạng, phổ biến nhất là các họa tiết hoa, con công và paisley (hoa văn mô phỏng hoa lá cách điệu với những đường cong hay những hình khối xen kẽ nhau cầu kì). Mỗi hình lại mang một ý nghĩa, và được xem là may mắn thể hiện sự cao quý, sang trọng. Hình con công là sắc đẹp, bông hoa là niềm vui và hạnh phúc, hình paisley là khả năng sinh sản và may mắn. Ngoài ra còn có họa tiết hình con chim, con bướm, cây và lá nho, chồi nụ, hình gợn sóng,… Các hình vẽ đầy sắc màu này được cho là có thể giúp thư giãn, bởi bột henna có tác dụng làm mát cơ thể và giữ cho các dây thần kinh không bị căng thẳng. Đây chính là lý do henna được vẽ lên tay và chân, nơi hội tụ của các dây thần kinh chạy dọc cơ thể. Tên của người chồng cũng sẽ được khéo léo hòa quyện trong những hình vẽ này, biểu hiện mối liên hệ khăng khít giữa hai người. Tương truyền, bàn tay của cô dâu được vẽ hoa văn càng nhiều và đậm màu thì càng được chồng yêu thương, càng lâu phai thì sự gắn kết của họ càng bền vững.
Với hình vẽ henna trên tay, cô dâu sẽ không phải làm bất cứ việc nhà nào và được cung phụng cho tới khi màu henna tự phai đi, ít nhất là 1 đến 2 tuần. Đối với một cô dâu Ấn Độ, đó là khoảng thời gian trăng mật, chưa gặp phải rắc rối với gia đình nhà chồng, hạnh phúc như chính hình xăm Henna lưu lại trên cơ thể. Nhưng khi hình xăm dần mờ đi thì cũng là dấu hiệu báo cho cô biết cô thực sự bước vào một cuộc sống mới, những quan hệ mới và cả những mâu thuẫn mới. Chú rể không bị bắt buộc phải vẽ Henna, nhưng vẫn có thể vẽ trên bàn tay và bàn chân các chấm nhỏ hoặc hoạ tiết đơn giản.
Phong tục Henna không chỉ là cách làm đẹp, nó còn thể hiện mong muốn hạnh phúc bền lâu của người con gái Ấn Độ trước khi về nhà chồng cũng như chứa đựng niềm tin của người Ấn Độ muốn truyền lại cho các thế hệ sau.