Mỗi vùng đất trên nước ta đều có những bản sắc riêng với những lễ hội đặc sản vùng miền khác nhau . Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem những lễ hội truyền thống đặc sắc ở Vĩnh Long nhé.
1. Lễ cúng Miễu
Lễ cúng miễu mang tính dân dã, ban tổ chức cúng kiếng cũng mang tính dân gian. Ở Nam bộ, việc đình miếu đã bớt tính chính thống. Thời cận đại, giới phụ nữ có thể đến lễ bái hoặc tham gia một số công việc một cách tự nhiên. Thế nhưng việc tổ chức và tế lễ đều do giới đàn ông đảm nhiệm.
Trái lại, lễ cúng miễu thì bình dị hơn. Cả nam nữ, già trẻ đều có thể đến cúng lạy. Ban tổ chức cúng kiếng có thể là một bô lão, một trùm ấp, một nông dân, một phụ nữ. Lễ vật cúng kiếng biểu hiện cho tấm lòng của bà con trong xóm. Trừ một số lễ bị cấm kẹp theo truyền thống, nhìn chung không có quy định khắt khe như lễ cúng đình.
Tùy theo đối tượng của miếu thờ phượng, có lễ chia ra làm 3 loại lễ cúng miễu :
+ Lễ cúng miễu ông
Miễu ông là miễu thờ các vị nam thần xuất phát từ văn hóa Hán – Việt, gồm có Quan Công, Thổ địa, thần Nông. Nghi lễ cúng miễu ông là nghi lễ Nho giáo, gồm có các lễ : thỉnh Tro (thỉnh lư hương từ đền thờ chính về miễu, mang ý nghĩa thỉnh thần về dự lễ), cúng Tiến Yết, Chánh cúng, cúng Tiên sư, Tiền vãng (tức là những bậc đàn anh có công với xóm ấp, những người đứng ra lập miễu). Những nơi có điều kiện có thể dùng nghi thức tế với nhạc lễ, nhạc sanh… thay vì dùng nghi thức cúng vái bình thường.
Trừ những nơi thờ Quan Công phải có ba ngày vía (vía sanh ngày 13 tháng Giêng âm lịch, vía tử ngày 13 tháng Năm, vía hiển Thánh 23 tháng Sáu. Vía sanh, vía tử có thể cúng mặn. Riêng ngày vía hiển Thánh, người ta tin Quan Công đã quy y Phật giáo nên cúng chay). Còn các miễu thờ Thổ địa hoặc thần Nông chỉ có hai ngày lễ gọi là lễ xuất tế hay lễ thu tế, lễ Hạ điền và lễ Thượng điền. Các ngày vía này do địa phương quy định, không thống nhất. Gần đây, tín ngưỡng Phật giáo tràn về nông thôn nên nhiều miễu khi cúng có mời sư đến tụng kinh cầu an cho bà con trong xóm ấp.
+ Lễ cúng miễu cô hồn
Chương trình cúng miễu cô hồn cũng giống như chương trình cúng miễu ông, tức là có các nghi tiết cúng (hay tế), tiền vàng, tiền sư, Tiền yết và Chánh cúng. Ngoài ra, khi cúng miễu cô hồn còn phải mời sư đến tụng kinh cầu siêu và khí thực cho cô hồn. Những nơi có điều kiện, lễ cúng cô hồn kéo dài ra 3 ngày, mời nhiều sư đến “ứng phú” và giàn nhạc lễ đến làm lễ theo khoa nhi Phật giáo như : lễ Hưng tác, lễ Khai chung bản thỉnh Phật, thỉnh Tổ, lễ Chiêu u, lễ Đề phan, lễ Tịch trù cấp thủy, lễ Lược pháp, lễ thỉnh Thập điện, lễ các Thủy quan, cuối cùng là lễ đăng đàn Chân tế cô hồn.
+ Lễ cúng miễu bà
Tại Vĩnh Long có nhiều miễu thờ Thất thánh Nương nương, Ngũ hàng Nương nương, Thiên hậu Thánh mẫu… (thuộc văn hóa Hán – Việt) nhưng đều áp dụng nghi lễ cúng miễu nữ thần Thiên Y A Na (hoặc Chúa xứ Thánh mẫu, Thủy long Thần nữ… ). Chương trình cúng miễu bà gồm các nghi thức : lễ thỉnh Đất và Nước (đất và nước lấy từ giữa dòng sông đưa về, ngụ ý mời thần về dự lễ, ý nghĩa tương tự lễ thỉnh Tro). Lễ cúng (hay tế) Tiên sư, Tiền vãng. Lễ Tiền yết, lễ Chánh cúng. Đặc biệt vì nữ thần Thiên Y A Na Ngọc Diễn Phi vì gốc từ tín ngưỡng Chăm nên trước kia có tục mời bà bóng đến rỗi mời, múa dâng lễ (gồm dâng một mâm vàng – mô hình chiếc tháp Chàm bằng giấy, dâng ba chén bông và ba chén trái cây). Các nghi tiết này đều có giàn nhạc lễ diễn đầu. Những nơi có điều kiện có thể mời diễn viên (thường là các thầy đờn và các bà bóng) múa tạp kỹ, hát tuồng “Địa nàng” hay “Địa trạo nghinh năm bà”. Chương trình văn nghệ này mang tính tùy hứng đề nghị, ít khi tổ chức trước.
Nhiều nơi khi cúng miễu bà cũng mời sư đến tụng kinh cầu an.
Điều đáng chú ý là tục mời bà bóng đến rồi mời múa dâng lễ là tục lệ không có gì đáng phê phán. Chỉ trừ tiết mục có người lợi dụng danh nghĩa “bà về”, dùng lời huyễn hoặc, mê tín.
2.Lễ hội Kỳ Yên
Lễ kỳ yên mang ý nghĩa là ngày giỗ hội của làng. Mục đích của lễ kỳ yên là tế thần thành hoàng để cầu quốc thái dân an, xóm làng thịnh vượng, no ấm.
Phần Lễ gồm có các nghi lễ chính là: lễ thỉnh sắc thần; lễ tế Thần Nông, cúng miễu, liệt sĩ; lễ Túc yết; lễ Chánh tế; lễ cúng Tiền hiền, Hậu hiền, Hội viên quá vãng; lễ đưa sắc thần.
Các đình đều thờ tiền hiền, hậu hiền là những người có công quy dân lập làng hoặc bỏ tiền của xây dựng các công trình phúc lợi công cộng đầu tiên, để lại gương soi cho đời sau. Vì thế nên trong chương trình lễ kỳ yên đều có nghi tiết tế các vị tiền bối hữu công kể trên. Cũng mang ý nghĩa “uống nước nhớ nguồn” như vậy, nhiều đình bày ra nghi tiết tế Quốc Tổ Hùng Vương, Bác Hồ hoặc liệt sĩ. Nói tóm lại, ngày kỳ yên mang ý nghĩa là ngày giỗ hội của làng. Người ở địa phương, dù có làm ăn xa, đến ngày ấy đều mong muốn trở về tham dự. Tất cả các nghi tiết dù ngắn dài, phong phú hay đơn giản… đều mang ý nghĩa biểu lộ tấm lòng thành của mình.
Riêng đối với các danh nhân ở địa phương như Hữu phủ Tống Phước Hiệp, Lâm Thao Quận công Châu Văn Tiếp, Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn hay quan Tiền hiền Phan Công An, ngày lễ hội gắn liền với ngày giỗ, ngày kỷ niệm. Nghi thức tế lễ cũng tương tự nghi thức tế lễ trong ngày kỳ yên. Có thể nói, lễ kỳ yên ở đình làng là nghi thức căn bản, có thể áp dụng cho tất cả các đền miếu. Riêng ngày giỗ Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn (ngày mùng 3 và mùng 4 Tết) mang đủ màu sắc Kinh – Hoa – Khmer, là một ngày lễ hội đẹp mắt, hấp dẫn.
Các nghi lễ thường giống nhau, gồm một tiết mục dâng hương, 3 lần dâng rượu, một lần dâng trà. Cuối một nghi lễ đều có một bài văn tế thay cho lời khấn, nội dung gồm những lời tán dương thần thánh và lời cầu nguyện của dân làng. Khi tế lễ phải có giàn nhạc cụ gõ nhịp gồm : mõ, chiêng, trống, chuông. Mõ mang tượng trưng cho uy quyền địa phương nên được dẫn đầu. Các buổi lễ tế Khổng Tử, Quan Công hoặc một số thần linh khác không được dùng mõ. Ngoài giàn nhạc cụ gõ nhịp vừa kể còn có giàn nhạc lễ, đủ ngũ âm. Người phục vụ tế lễ gồm có một cặp lễ sanh xướng ngôn, một cặp lễ sanh lặp lại (do chưa có máy khuếch đại), một cặp lễ sanh bưng đèn và một cặp lễ sanh dâng lễ vật. Ngoài ra, trước các lễ sanh đăng đài có thể có võ sĩ múa dẫn lễ (mô phỏng điệu “Tiên nữ dâng hoa” nhà chùa khi dâng lục cúng). Phía sau các lễ sanh vừa kể cũng có thể có mấy cô đào hóa trang thành các tiên nữ vừa đi vừa cầm quạt hát theo điệu thài. Tất cả các tiết mục vừa kể do một người am tường gọi là Hương lễ chỉ huy.
Trong thực tế lễ kỳ yên thì phần “lễ” chiếm phần quan trọng hơn phần “hội”. Ở đây, các đối tượng cúng lễ là tập hợp thần linh đông đảo không chỉ riêng có thần Thành hoàng bổn cảnh. Do đó, khi cúng đình cũng có nghĩa là cúng miễu. Trước kia, khi cúng miễu phải mời bà bóng đến rồi mời múa hát. Lễ kỳ yên cũng có nghĩa là “lễ cầu an” nên thường mời các vị chân tu đến tụng kinh cầu an hoặc mời thầy pháp để gõ đầu tiễn thần “ôn hoàng dịch lệ” đem sự an lành cho xóm làng. Thế nhưng, khoảng mấy mươi năm trở lại đây, tục mời bà bóng và thầy pháp không còn. Lễ kỳ yên mang tính thuần khiết hơn.
Lễ kỳ yên là dịp để dân làng họp mặt, bàn chuyện gia đình yên ấm, vui chơi. Xưa kia, các đình vùng Vĩnh Long có tục cứ ba năm đáo lệ tổ chức hát bội cúng thần giúp vui bá gia bá tánh. Những tục lệ này nhằm thắt chặt tình cộng đồng. Còn hát xướng trong ngày kỳ yên không phải là loại văn nghệ bình thường, mà mang nội dung nghi lễ. Chương trình văn nghệ phải có nội dung đạo lý, kết thúc có hậu.
Lễ kỳ yên còn là dịp để các nghệ nhân giới thiệu sự khéo léo của mình như chưng hoa kết quả hoặc giới thiệu cái đỉnh đồng, cái lọ cắm hoa. Kỳ yên còn là dịp cho người làm vườn giới thiệu các loại cây trái mới, người làm ruộng giới thiệu các giống nếp ngon qua tài thổi xôi, làm bánh của các chị em phụ nữ.
Nói đến hội hè là nói đến tiệc tùng yến ẩm. Thế nhưng từ xưa, ở địa phương này đã có lệ, hễ hưởng lộc nhiều thì đóng góp nhiều nên không có cảnh “một miếng thịt làng bằng một sàng xó bếp”, không có tục “chiếu trên, chiếu dưới” nhậu nhẹt say sưa. Do đó, tiệc tùng yến ẩm trong ngày lễ kỳ yên chỉ mang tính liên hoan, chiêu đãi.
3.Lễ hội Lăng Ông ở Trà Ôn
Lăng Ông – theo cách gọi đã quen thuộc từ nhiều đời của người dân địa phương, là khu di tích văn hóa lễ hội đình thần, tọa lạc tại giồng Thanh Bạch thuộc ấp Mỹ Hòa, xã Thiện Mỹ, cách thị trấn Trà Ôn (Vĩnh Long) khoảng hai cây số. Đây là nơi phần mộ và miếu thờ phụng để tri ân, cầu phước bởi công đức của một ông quan triều đình Nhà Nguyễn là ông Nguyễn Văn Tồn. Khu Lăng mộ, miếu thờ này đã được Bộ Văn hóa -Thông tin công nhận là di tích văn hóa.
Quan Tiền tướng quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn (1763 – 1820) là người dân tộc Khơ-me, quê ở làng Nguyệt Lãng, xã Bình Phú, huyện Càng Long (tỉnh Trà Vinh). Ông tên thật là Thạch Duồng. Vì ông hết lòng tận trung và có công với nhà Nguyễn nên được cho mang “quốc tính” và được lấy họ nhà vua làm tự danh. Đời nhà Nguyễn, ông được phân công đi chiêu mộ thành lập một đội quân người dân tộc Khơ-me và lãnh nhiệm vụ thống quản đội quân đó. Năm Gia Long thứ nhất (1802) ông được thăng Cai cơ, trấn giữ đồn Trà Ôn (thuộc Trấn Giang) kiêm Quản hóa phủ Trà Vinh và Mang Thít thuộc Vĩnh Trấn. Thời kỳ này, ông đã có công giúp nhà Nguyễn dẹp loạn ngoại xâm, nội phản ở biên giới Tây Nam. Năm Gia Long thứ bảy (1808) và Gia Long thứ mười một (1811) ông được thăng Thống Chế. Năm 1819 ông được phân công trông coi dân phu, cùng giúp Thoại Ngọc Hầu đào kênh Vĩnh Tế. Do lao tâm, lao lực ông bị bệnh, mất đầu năm Canh Thìn 1820. Công đức của ông là giúp dân vùng Trà Ôn, Trà Vinh, Măng Thít khai khẩn đất hoang, thành lập xóm làng.
Hiện nay ngày giỗ đầu tháng Giêng hàng năm, được gọi là Lễ hội Lăng Ông, mang ý nghĩa cầu phước vào những ngày xuân và quan Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn trở thành vị phúc thần của bà con ba dân tộc: Kinh, Khơ-me, Hoa. Trong ngày lễ thường có hàng ngàn khách đến tham dự lễ hội. Lễ lớn khi cả chục nghìn khách. Người ta nói, ông là bậc tiền bối linh thiêng trên đất này, cầu phước trong dịp ngày giỗ của ông thì vùng đất này mới được mưa thuận gió hòa, bà con sẽ làm ăn phát đạt, thịnh vượng trong làm ăn, gia cư, xóm ấp yên lành. Đây cũng là địa chỉ du lịch văn hóa lễ hội đình làng truyền thống, đã được du khách thập phương ghé đến thưởng ngoạn phong cảnh, thắp hương cầu may và được xem nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian, làm phong phú thêm nhu cầu tâm thức, tâm linh và nâng cao vốn hiểu biết về văn hóa các vùng quê thuộc miệt vuờn Nam bộ./.
4.Lễ Donta của người Khơme
Lễ Đonta của người Khơme được tổ chức vào cuối tháng tám âm lịch, là một trong những hội lễ quan trọng được người Khơme xem là cái Tết thứ hai trong năm. Lễ hội Đonta bắt đầu từ ngày 16 tháng tám âm lịch và kéo dài đến cuối tháng tám âm lịch hàng năm. Trong suốt thời gian này, các gia đình người Khơme thường mang cơm nước, hoa quả, bánh trái, … đến chùa để sư sãi làm lễ cúng cho vong hồn những người đã khuất và làm lễ cầu siêu cho những vong hồn ấy.
Do tính chất cùng góp vật thực để cúng vong hồn cho người quá cố, cho các cô hồn, để sư sãi dùng cũng như cho bữa cơm cộng đồng, đặc biệt là có “baibanh” (nắm cơm hay xôi tròn) mà ngày lễ chính của lễ Đonta (ngày 30 tháng tám âm lịch) được người Khơme gọi là ngày “phchumbanh”, nghĩa là lễ “góp bánh”. Sau khi kết thúc những nghi thức lễ tại chùa vào buổi sáng ngày lễ phchum banh, mọi người trở về nhà để làm lễ cúng ông bà gọi là lễ “senchaktum”. Người ta làm cỗ, thắp nhang đèn để dâng cúng ông bà, tổ tiên, cầu xin vong hồn của họ được siêu thoát và van vái, cầu xin ông bà phù hộ.
Nhìn chung, qua nghi thức, thời gian và cách thức tổ chức lễ có thể thấy lễ hội Đonta là sự kết hợp giữa hình thức lễ nghi nông nghiệp với lễ cúng tổ tiên và lễ xá tội vong nhân của đạo Phật. Sự hợp nhất các ý nghĩa của lễ hội Đonta đã làm cho nó có tầm quan trọng trong hệ thống lễ hội cộng đồng của người Khơme ở Vĩnh Long.
Đối với đời sống tinh thần của con người, các lễ hội được xem như sợi dây cộng cảm, nơi người ta có thể cùng nhau sẻ chia lòng biết ơn với ông bà, tổ tiển, niềm tin tôn giáo, gửi gắm ước vọng về tương lai, … Cũng với ý nghĩa như vậy, các lễ hội ở Vĩnh Long đã thể hiện rõ nét đặc trưng của vùng đất nơi ba dân tộc Việt, Hoa, Khơme đang sinh sống trong tình đoàn kết, gắn bó.
5.Lễ Chol Chnam Thmay
Là lễ mừng năm mới của người Khơme, được tổ chức vào giữa tháng ba âm lịch hàng năm. Đây cũng chính là lúc giao mùa giữa mùa nắng và mùa mưa, thời điểm bắt đầu vụ sản xuất nông nghiệp theo nông lịch cổ truyền của người Khơme nên lễ Chol Chnam Thmay còn đồng nghĩa với việc mừng vụ mùa mới trong năm.
Lễ Chol Chnam Thmay là một trong những lễ quan trọng nhất trong năm, được tổ chức tại chùa và trong từng gia đình. Lễ kéo dài trong 3 ngày: ngày thứ nhất gọi là ngày “sangkran” tức là ngày “rước quyển Đại lịch” (Maha sangkran) với ý nghĩa đón mừng năm mới mà nghi thức lễ gắn với thần thoại Thomabal và Kabil Maha Prum; ngày thứ hai là ngày “wonbot”, mọi người sẽ đi chùa lễ Phật, mang thức ăn dâng cho các sư sãi; ngày thứ ba được gọi là ngày “Lơn sak” với các nghi thức chính là cầu siêu và tắm tượng Phật.
Trong ngày thứ ba của lễ, trước tượng đức Phật, chư tăng đọc kinh sám hối và sau đó dùng một cành hoa nhúng vào nước có hương thơm để tắm tượng Phật bằng cách vẩy nước thơm vào tượng. Sau đó, mọi người tuần tự đến trước tượng để làm lễ đức Phật. Đến đây thì Phật tử dùng nước thơm để vẩy lên người các vị sư để tỏ lòng tôn kính và cũng từ đó mọi người cùng té nước vào nhau để chúc mừng và cầu xin sự may mắn bởi đối với người Khơme nước là biểu tượng của sự sung túc và may mắn. Đây là nghi thức kết thúc hội lễ Chol Chnam Thmay nhưng cũng là sự tiếp nối cuộc vui trong những ngày đầu năm mới.