Top 6 tranh Đông Hồ không thể thiếu trong gia đình vào dịp Tết

0
3868
Vật Phẩm Phong Thủy

Ngày nay, thú chơi tranh ngày Tết không còn được chú trọng hoặc cách chơi tranh cũng khác ngày xưa rất nhiều. Những dòng tranh dân gian truyền thống rất nổi tiếng của Việt Nam như Đông Hồ, Hàng Trống… được nhiều du khách nước ngoài vô cùng thích thú, nhưng đối với nhiều người Việt hiện nay lại… trở nên xa lạ. Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu 6 bức tranh Đông Hồ không thể thiếu trong gia đình mỗi dịp Tết.

1. Dạ xướng ngũ canh hoà (Gà gáy năm canh)

“Dạ xướng ngũ canh hòa” (Gà gáy năm canh) là một bức tranh Đông Hồ rất nổi tiếng. Nổi bật lên đó là hình ảnh chú gà trống với tư thế vô cùng oai phong lẫm liệt, bất khuất, không chút e dè lo sợ kẻ thù. Đồng thời gà trống cũng thể hiện một đức tính vô cùng cao quý đó là chữ Tín: Hằng ngày, gà trống luôn luôn gáy đúng canh năm, dù cho mưa gió cũng không sai. Gà trống là người bạn thân thiết của người dân quê, luôn đánh thức mọi người dậy đúng giờ bằng tiếng gáy oai vệ của mình.
5 chữ Hán trong bức tranh có nghĩa là Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín

Nhân: Lòng yêu thương đối với muôn loài vạn vật.
Nghĩa: Cư xử với mọi người công bình theo lẽ phải.
Lễ: Sự tôn trọng, hòa nhã trong khi cư xử với mọi người.
Trí: Sự thông biết lý lẽ, phân biệt thiện ác, đúng sai.
Tín: Giữ đúng lời, đáng tin cậy.

Treo “Dạ xương ngũ canh hòa” trong nhà, gia chủ mong muốn thể hiện bản thân là một người luôn đúng giờ, đồng thời cũng mang nhiều điều tốt lành cho năm mới.
2. Vinh Hoa – Phú Quý

Đây là 2 bức tranh Đông Hồ rất đặc biệt vì chúng phải luôn đi với nhau thành cặp thì mới đầy đủ ý nghĩa. Cặp tranh “Vinh hoa – Phú Quý” mang ý nghĩa sâu sắc với mong muốn chúc tụng cũng như cầu may cho gia đình có một cuộc sống giàu sang, đầy đủ “vinh hoa – phú quý”, điều này đồng nghĩa với việc gia đình có đông con, nhiều cháu (người xưa có quan niệm nhà đông con chính là nhà có phúc). Ngoài ra, cặp tranh còn mang hàm ý chúc cho gia đình có đầy đủ cả nếp lẫn tẻ (tức là có trai, có gái) như vậy thì mới tròn đầy.
Chính vì những ý nghĩa tốt đẹp đó nên cặp tranh “Vinh hoa – Phú quý” thường được mua về để treo trong nhà dịp Tết như một lời chúc cho sự thành đạt, no ấm của gia chủ và đó cũng là lời chúc cho gia đình được giàu sang, phú quý, con cháu đề huề với đầy đủ cả trai lẫn gái.

3. Đám cưới chuột

“Đám cưới chuột” có lẽ là bức tranh đặc biệt nhất của làng tranh Đông Hồ. Bức tranh vẽ nên tình trạng tham ô, nhận hối lộ như chú mèo mải nhận chim, nhận cá mà quên cả nhiệm vụ chính của mình là phải đi bắt chuột. Ngoài ra, bức tranh còn thể hiện cảnh sống của những người dân thấp cổ bé họng, muốn sống cuộc sống bình yên thì phải cống nạp cho bọn tham quan, cường hào ác bá.
Ngày xưa là như vậy và ngày nay vẫn còn những “con mèo” độc ác, tham nhũng vẫn đang ngày ngày tìm cách vơ vét, bóc lột của nhân dân. Vì vậy, bức tranh “Đám cưới chuột” luôn mang ý nghĩa sâu sắc cùng với giá trị nhân văn, tính hiện thực sâu sấc và cả giàu tính chiến đấu.
Chính vì ý nghĩa đặc biệt của mình, nên “Đám cưới chuột” thường được mua về để treo ở cơ quan, trong nhà như một lời cảnh báo, nhắc nhở và răn dạy những người có chức có quyền phải sống phải đạo và nó cũng là lời răn dạy các thế hệ trẻ trong gia đình cần phải biết đối nhân xử thế, biết tránh xa tham lam tiêu cực để có được thành công bền vững, giữ vững đức hạnh cho thế hệ mai sau.

4. Hứng dừa

“Hứng dừa” có lẽ là một bức thú vị của làng tranh Đông Hồ. Hình ảnh cây dừa được xem là biểu tượng của hạnh phúc lứa đôi. Hình tượng quả dừa cùi trắng, nước trong chính là một tình yêu trong trắng của đôi trai gái. Trong bức tranh, ta thấu trên thân cây dừa có một chàng trai to khoẻ, vạm vỡ đang hái liền hai trái dừa đưa xuống cho cô gái đang vén váy lên hứng dừa (đây cũng được xem là một chi tiết nghệ thuật vô cùng đặc sắc trong làng tranh). Có một câu hỏi thú vị được đặt ra ở đây là: Tại sao chàng trai lại không hái từng quả một rồi đưa xuống cho cô gái đứng ở dưới dùng tay để đón? Chàng trai chắc hẳn là một người rất tinh nghịch và tinh quái. Chàng đã hái tận 2 trái dừa và đưa xuống, nếu cô gái mà dùng tay để đón thì rất khó và chắc chắn sẽ bị rơi, 2 quả dừa theo đó sẽ bị tách ra làm đôi, đồng nghĩa với hạnh phúc cũng từ đó mà ra đi. Cô gái lúc này không còn cách nào khác phải vén váy lên để hứng trọn lấy 2 trái dừa, tức là hứng trọn hạnh phúc của chính mình.
Có một bài thơ được viết trong bức tranh như sau (đọc từ phải qua trái):
“Khen ai khéo dựng lên dừa
Đấy trèo đây hứng cho vừa một đôi”
“Hứng dừa” luôn được rất nhiều người yêu thích. Bức tranh thuộc dòng tranh truyền thống, mang ý nghĩa về hạnh phúc đủ đầy, may mắn ngập tràn, tình yêu đôi lứa tươi đẹp… có thể treo trang trí ở nhiều nơi như phòng khách, cơ quan,…

5. Đàn lợn âm dương

Hình ảnh con lợn trong tranh dân gian Đông Hồ có lẽ là một trong những con lợn được tạo hình đẹp nhất. Vì Đông Hồ là một làng tranh giữa một vùng quê, nên đã có một cái nhìn rất đẹp, rất tình về một vật nuôi tượng trưng cho sự ấm no, sung túc.Chỉ cần nói về các bức tranh dân gian vẽ con lợn gần như chắc chắn người ta luôn nghĩ ngay đến các bức tranh Đông Hồ, điều đó thực sự dễ hiểu vì tranh Đông Hồ là một dòng tranh nổi tiếng còn tồn tại đến ngày nay, trong khi các dòng tranh khác ít nhiều mai một và biến mất.
Trong “Đàn lợn âm dương” hình các con vật luôn được viền bởi những nét khắc rất chắc khoẻ mà cũng rất mềm mại, không chỉ đẹp mà còn đúng cả về đặc điểm hình thể. Con lợn nào cũng có trên mình những xoáy âm dương để thể hiện cho sự sinh sôi và phát triển. “Đàn lợn âm dương” là bức tranh duy nhất được in ba bản màu. Lợn trong tranh Đông Hồ mang một ý nghĩa rất riêng biệt: thể hiện sự sung túc và thịnh vượng, cầu chúc cho một năm mới phát tài phát lộc. Vì vậy mà bức tranh cũng mang những sắc thái rất tươi vui và dí dỏm như những người bạn và người thân trong gia đình.
“Đàn lợn âm dương” đẹp và rực rỡ, đầy sự cách điệu lạ mắt: những khoáy tròn âm dương trên lưng. Chắc hẳn người thợ đã vẽ với tâm hồn của một người nghệ sĩ đã nhìn những xoáy lông bình thường trên mình lợn mà vẽ thành cái khoáy âm dương trong triết học cổ. Cái hồn của làng quê bình dị, thân thiết như toát lên qua bức tranh, để những người con đất Việt dù cho có đi đâu xa vẫn luôn nhớ về nơi “chôn nhau cắt rốn” của chính mình.

6. Chăn trâu thổi sáo

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã có một ý tưởng thật thú vị: Một tàu lá sen dựng đứng như chiếc ô; Con trâu đang nghển cổ thưởng thức tiếng sáo, tư thế và dáng vẻ của nó khiến ta dường như nghe được tiếng sáo du dương vang vọng giữa bầu trời trong xanh lồng lộng; Một cuộc sống vô cùng thanh bình… Khi xem “Chăn trâu thổi sáo”, người thưởng thức dường như thả tâm hồn mình về vùng đất nào đó thoải mái, khoáng đạt nhất.
Ngoài ra, bức tranh còn có chữ “Hà diệp cái thanh thanh” (Lọng lá sen xanh xanh). Trong dân gian vẫn còn lưu truyền một cái tựa khác cho bức tranh này là “Thiên thanh lộng suy địch” (Trời xanh trong tiếng sáo). Bức tranh vẽ nên hình ảnh một chú bé ngồi đè lên những bông sen trên lưng trâu, đang say sưa thả hồn mình theo tiếng sáo. Con trâu (không hề có chút sự ràng buộc của sợi dây nào) đang ngóc đầu lên như muốn đồng cảm với con người. Trên đầu chú bé có một chiếc lá sen được cường điệu lớn hơn bình thường nhưng vẫn hài hòa cân đối.
Chúng ta có thể tìm thấy những ý tưởng về trí tuệ và nhân bản trong bức tranh. Sự an bình của cuộc sống thường nhật toát ra từ hình tượng của bức tranh, đó chính là tính nhân bản của bức tranh. Có người nói hình tượng chiếc lá sen che trên đầu chú bé như hình tượng của cây nêu – biểu tượng của Thái cực – sự vươn lên hòa nhập hoàn toàn vào thiên nhiên. Lời chú thích được lưu truyền trong dân gian của bức tranh cũng minh họạ cho ý tưởng này: “Thiên thanh lộng suy địch” (Trời xanh trong tiếng sáo). Khi tâm hồn của con người trở nên thanh thản, vô tư như thuở bé buông trong tiếng sáo, bao trùm cả trời xanh, hòa nhập vào vũ trụ. Nhưng cũng có người lại nói, bức tranh nói về ý chí tiến thân. Ngày xưa, có rất nhiều những cậu bé mặc dù thông minh nhưng tài năng của họ mãi không được trọng dụng. Có một cậu bé kia là thần đồng, cậu rất căm ghét chế độ phong kiến lúc bấy giờ và đã bày ra một trò chơi rất dễ thương: Lấy lưng trâu làm kiệu, lấy lá sen làm lọng, tạo ra một cái kiệu rất sang trọng mà chỉ bọn vua quan mới có. Cậu bé luôn có mong muốn mình đỗ đạt làm quan.
Đây quả là một bức tranh ý nghĩa và thích hợp để treo trong nhà dịp Tết phải không?

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN