Mỗi vùng đất trên nước ta đều có những bản sắc riêng với những lễ hội đặc sản vùng miền khác nhau . Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem những lễ hội truyền thống đặc sắc ở Kiên Giang nhé.
1.Lễ Đôl ta
Lễ hội Đôl ta được tổ chức vào ngày 30 tháng 8 âm lịch hàng năm. Lễ tổ chức nhằm tưởng nhớ đến công ơn ông, bà, cha, mẹ những người đă có công sinh thành. Lễ thường tổ chức tại chùa.
Theo truyền tích xưa, người Khmer chọn thời điểm này để tổ chức lễ Đôl ta, vì đây là lúc vụ mùa cày cấy vừa xong, tiết thu mát mẻ, trời đẹp. Mọi người nghỉ ngơi lấy lại sức sau những tháng ngày làm lụng cực nhọc. Lúc ấy, ngoài đồng văng vẳng tiếng chim kêu. Người Khmer gọi đó là “Satt đôn ta” (chim tổ tiên) báo hiệu cho mọi nhà chuẩn bị cho lễ Đôl ta. Vừa xong mùa vụ, khí hậu mát mẻ, nhìn đồng ruộng xanh tốt, lòng người phơi phới, dặn nhau: phải chuẩn bị tốt cho ngày lễ Đôl ta – cúng ông bà tổ tiên thật chu đáo, vui vẻ và ý nghĩa.
Lễ Đôl ta nhằm 4 mục đích: nhớ đến ông bà, cha mẹ, họ hàng; tập trung anh em, con cháu trong gia đình lại để biếu quần áo, bánh trái cho những người có công ơn còn đang sống và làm lễ cầu phước cho người quá cố; đoàn kết giữa những người trong phum sóc với nhau; tổ chức liên hoan vui chơi, gắn bó họ hàng, bè bạn thân thích, tình làng xóm để giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.
Lễ Đôl ta được tổ chức cụ thể như sau:
Ngày thứ nhất, mỗi gia đình dọn dẹp bàn thờ tổ tiên, trải chiếu, để mùng mền, gối mới lên giường rồi để sẵn một bộ áo quần mới, chư chuẩn bị cho ông bà đi xa mới về nhà. Chuẩn bị các thứ này xong, họ bày bánh, trà và dọn một mâm cơm để 4 cái chén, đốt nhang, đèn rồi mời họ hàng, bà con lối xóm lân cận đến cùng cúng. Sau khi rót 3 lần rượu, trà cúng, những người đứng cúng gắp thức ăn để vào chén, đổ trà rượu vào rồi đem ra sân đổ cạnh hàng rào, mời “ma quỷ” đưa ông bà họ về nhà ăn và ở lại suốt 3 ngày cúng, để đưa giúp ông bà tổ tiên họ trở lại nơi cũ. Buổi sáng gọi là “cúng tiếp đón”. Buổi chiều, họ lại cúng linh hồn ông bà, tắm rửa, thay quần áo mới rồi mời linh hồn ông bà cùng đi vào chùa nghe sư sãi tụng kinh lấy phước, và đi xem hát múa vui chơi cho thoả thích. Những ngày này, trong tình cảm của con cháu, ông bà, tổ tiên họ như hiện diện bên con cháu, nên ai cũng phấn chấn.
Ngày cúng thứ 2, sau một ngày đêm và 1 ngày ở chùa, đến chiều họ lại đưa linh hồn người quá cố về nhà. Họ cũng làm cơm cúng và mời ông bà ở lại chơi với con cháu thêm 1 đêm nữa. Ngày thứ 3 là ngày cúng cuối cùng, mỗi gia đình lại dọn lễ vật như ngày đầu tiên và cũng mời họ hàng, lối xóm đến dự, gọi là “cúng đưa”. Khi làm các thủ tục cúng như ngày đầu, họ bới cơm, gắp thức ăn vào chén, rồi đổ vào thuyền, tàu buồm họ làm bằng bẹ chuối, mo cau để tiễn ông bà về nơi cũ. Thức ăn này họ chuẩn bị cho ông bà đi đường. Trên tàu họ treo cờ phướn hình tam giác, khắc hình cá sấu, tắc kè ở đầu và đuôi tàu để tránh tai nạn dọc đường. Họ còn để thêm bánh trái, lúa, muối, đậu, mè để ông bà và “người” đưa đường ăn được lâu.
Xong xuôi, họ đem chiếc thuyền này thả trên sông, hoặc rạch gần nhà. Sau khi đưa tàu đi, họ tiếp tục mời anh em trong gia đình, bà con lối xóm dùng cơm. Bữa cơm thân mật có xen ca hát, tạo không khí vui vẻ, có nhà mời ông lục đến tụng kinh tạo phần long trọng, kéo dài đến chiều hoặc tối kết thúc 3 ngày lễ Đôl ta.
Ngày nay, trong mối quan hệ xã hội rộng rãi, đoàn kết lâu bền giữa 3 dân tộc Kinh- Khmer- Hoa, lễ Đôn ta của đồng bào dân tộc Khmer anh em, đồng bào Kinh, Hoa trong các xóm, ấp, phum, sóc lân cận cũng được mời đến chung vui, càng thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm trong tinh thần toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Lễ Đôl ta như lễ Vu lan đều được xem là nét đẹp về lòng hiếu thảo, tri ân của con cháu với ông bà, cha mẹ đang sống và đã mất.
2.Tết Chol Chnăm Thmây
Lễ Chôl Chnăm Thmây được tổ chức vào ngày 13 đến 15 tháng 4 dương lịch hàng năm. Ngoài những nghi lễ truyền thống như: lễ rước Mahaskan, lễ dâng hương hoa quả, lễ đắp núi cát, đắp núi lúa, gạo, lễ tắm tượng Phật, lễ cầu siêu cho ông bà quá cố. Lễ hội còn có những trò chơi dân gian như: bịt mắt dập nồi, thả vịt trên sông, thả thuyền rược bắt, múa hát room-vông.
Chôl Chnăm Thmây có nghĩa là “Vào năm mới”, “Lễ chịu tuổi”, là lễ tết lớn nhất trong năm của người Khmer được diễn ra vào giữa tháng Tư Dương lịch, lúc giao mùa giữa mùa nắng và mùa mưa ở Nam bộ. Giai đoạn này trời đất giao hòa, cỏ cây trở nên tươi tốt đầy sức sống. Sự đâm chồi nảy lộc của cỏ cây được người Khmer quan niệm như là sự khởi đầu của một năm mới. Người Khmer chịu ảnh hưởng nhiều từ nền văn hóa Ấn Độ, nên đa số theo Phật Giáo tiểu thừa. Vì thế, họ ăn tết khác với những nước trong vùng Đông Nam Á và thế giới. Người Khmer ở Kiên Giang chuẩn bị ngày Tết cổ truyền của họ thật trang trọng, nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ, quần áo may mới cho mọi người trong gia đình như Tết Nguyên Đán nước ta.
Lễ hội vào năm mới của người Khmer thường kéo dài trong 3 ngày, năm nhuận kéo dài 4 ngày, mỗi ngày có tên gọi khác nhau. Ngoài việc thờ phụng Phật, người Khmer còn tin rằng mỗi năm có một vị thần trên trời (Têvôđa) được trời sai xuống để chăm lo cho cuộc sống và con người trong năm đó, hết năm lại về trời để vị thần khác xuống hạ giới. Vì thế, trong đêm Giao Thừa, nhà nào cũng làm cỗ, thắp hương, đốt đèn, cúng lễ tiễn đưa vị Têvôđa cũ, đón rước Têvôđa mới. Cả gia đình ngồi xếp chân trước bàn thờ tổ tiên, khấn vái, mong và tin rằng sẽ được thần ban phước lành.
Trong Tết Chôl Chnam Thmây, một tục lệ không thể thiếu của người Khme là đắp núi cát tại các ngôi chùa. Người Khmer quan niệm rằng mỗi hạt cát được đắp lên là xoá được một tội lỗi và giải thoát được một linh hồn ở dưới địa ngục. Núi cát cũng như những đám mây mang mưa cho vụ mùa mới sau 5-6 tháng khô hạn.
Gia đình nào cũng vậy, dù rất nghèo cũng có nồi bánh nùm-chrụt (gần giống bánh tét của người Kinh Nam Bộ) và bánh nùm-tiên (gần giống bánh ít Nam Bộ). Hai loại bánh này tượng trưng cho sự no ấm, làm ăn thịnh vượng, được mùa của người Khmer. Nó cũng như bánh chưng, bánh dầy của người Kinh vùng đồng bằng Bắc Bộ dùng trong ngày tết Nguyên đán. Ngoài ra còn có các loại bánh như: nùm-chết (bánh dừa nhân chuối), nùm- niềng- nóc, sùm-bóc-cháp (bánh bột nhân dừa)
Đến dịp Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer – Kiên Giang, chúng ta sẽ được tận hưởng một không khí náo nhiệt và đầy sinh động. Những điệu múa rô băm, múa lăm thôn, múa dù kê và tục thả lồng đèn trời là những nét văn hoá đặc sắc không thể nào thiếu trong lễ hội này. Những chiếc đèn lồng được thả lên cao, mang theo cả ước nguyện của người dân Khmer về một cuộc sống ấm no, an lành và hạnh phúc.
Tết Chôl-chnăm-thmây, đồng bào Khmer tập trung tại các ngôi chùa, cùng thờ cúng ông bà, vui chơi và cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt. Nhà chùa nào cũng cùng đồng bào chuẩn bị cho các nghi lễ, các họat động văn hóa, thể thao trong những ngày tết. Ở chùa Thủy Liễu, huyện Gò Quao năm nay ngòai các lễ mừng năm mới còn có hội thi bơi xuồng ba lá, đẩy gậy, đập nồi đất…đang được bà con háo hức chờ đón.
Ở Kiên Giang, bà con Khmer sống xen lẫn, chan hòa, đòan kết với người Kinh, người Hoa, tiếng Khmer có thể nói không sõi nhưng phong tục tập quán của đồng bào Khmer thì luôn được gìn giữ, phát huy. Tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây là một trong những dịp để đồng bào Khmer đưa con cháu mình cùng đến chùa và giảng giải cho chúng phong tục của dân tộc.
Cứ như thế, không khí ngày tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây của đồng bào Khmer ở Kiên Giang đến từ rất sớm, mang đầy đủ ý nghĩa và hương vị. Một năm mới với nhiều niềm vui mới, thắng lợi mới đang được đồng bào tưng bừng chào đón.
3.Lễ hội Nghinh Ông
Hàng năm vào các ngày 15 và 16/10 âm lịch, chính quyền xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải và ngư dân địa phương lại long trọng tổ chức Lễ hội Nghinh Ông để bày tỏ lòng tri ân vì sự phù trợ của Cá Ông và các bậc tiền nhân đã có công khai mở đất này.
Tập tục thờ cá Ông là nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của cư dân miền duyên hải, lễ cúng cá Ông ở Lại Sơn tồn tại hơn 100 năm. Đây cũng là loại hình lễ hội cầu ngư, cầu cho mưa thuận gió hòa, làm ăn trên biển thuận lợi, là dịp để bà con tổng kết lại những chuyến đi biển trong năm.
Trong ngày hội, hàng trăm tàu thuyền, ghe xuồng neo đậu phía trước Đình Thần Nam Hải nằm sát biển chờ diễu hành. Đối với người dân đảo Hòn Sơn chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá nên lễ hội nghinh ông Nam Hải là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm. Vì vậy, từ ngày 14 âm lịch, dường như hầu hết tàu thuyền dù đánh cá tận trùng khơi cũng tụ tập về làm cho những bến cảng xung quanh hòn đảo giữa biển này đông nghẹt tàu thuyền và ghe xuồng.
Lễ hội diễn ra gồm hai phần:
Phần lễ gồm lễ cúng thỉnh (cung nghinh) các vị thần. Lễ Nghinh Ông và Chánh tế được tiến hành với sự tham gia đông đảo của tất cả ngư dân trên đảo.
Về phần hội đã tổ chức được các trò chơi dân gian, tạo được không khí vui tươi cho lễ hội như: bịt mắt đập niêu, đua xuồng chèo, kéo co, thi ẩm thực với các món ăn miền biển, đờn ca tài tử.
Bên cạnh là các hoạt động: tổ chức các tour du lịch leo núi, lặn biển ngắm san hô, tham quan nhà thùng nước mắm và các nghề thủ công, tổ chức các giải xe đạp leo núi, bóng chuyền bãi biển, tổ chức giải bóng đá, liên hoan đờn ca tài tử, chiếu phim.vv…
Lễ thả tàu tiễn những vị thần linh trở về biển khơi kết thúc lễ hội nghinh ông.
Lễ hội nghinh Ông được cộng đồng cư dân ở đây sáng tạo và gìn giữ, lưu truyền nhằm thể hiện những ước nguyện, những khát vọng tâm linh và thẩm mỹ trong cuộc sống đời thường.
4.Lễ hội truyền thống Nguyễn Trung Trực
Lễ hội truyền thống Nguyễn Trung Trực là lễ hội có qui mô lớn được tổ chức hàng năm vào các ngày 26,27,28 tháng 8 âm lịch, tại thành phố Rạch Giá. Lễ hội thu hút đông nhân dân trong khu vực về dâng hương tưởng nhớ đến anh hùng của dân tộc.
Nguyễn Trung Trực là một trong những người đầu tiên ở Nam bộ đứng lên khơi dậy phong trào yêu nước, chống Pháp nửa cuối thế kỷ XIX. Chiến công hiển hách của ông làm cho quân thù khiếp sợ là trận đốt cháy tàu chiến của thực dân Pháp ở sông Nhật Tảo, tỉnh Long An năm 1861 và trận đánh tiêu diệt đồn Rạch Giá của thực dân Pháp năm 1868. Hai chiến công vang vội này đã được nhà thơ yêu nước Huỳnh Mẫn Đạt ca ngợi qua hai câu thơ nổi tiếng: “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa/ Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”. Từ hai chiến công vang dội nhất lúc bấy giờ mà phong trào yêu nước, chống Pháp đã lan tỏa khắp nơi trong cả nước đến Cách mạng Tháng 8 năm 1945. Gương hy sinh lẫm liệt của AHDT Nguyễn Trung Trực là biểu tượng tinh thần đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam được đúc kết từ hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Để tỏ lòng tiếc thương vô hạn AHDT Nguyễn Trung Trực, người dân Rạch Giá đã cất ngôi đình thờ và tổ chức cúng giỗ ông hàng năm vào ngày 27, 28 và 29/8 âm lịch. Từ lễ giỗ như lễ cúng kiếng gia tiên, nhưng với lòng ngưỡng mộ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, người dân – ai cũng muốn được tỏ lòng thành kính và tôn vinh ông bằng những nén hương, chén rượu ghi ơn người anh hùng dân tộc, lễ giỗ dần dần được nâng cấp thành lễ hội cấp thị xã, cấp tỉnh rồi cấp khu vực ĐBSCL. Hàng năm số người đến dự và dâng hương Cụ Nguyễn ngày càng đông.
Lễ hội được chia làm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm có rước sắc thần, lễ dâng hương, lễ cúng tế tại đình. Phần hội gồm họat động văn hóa-nghệ thuật và những trò chơi đặc sắc.
Ttrong suốt 3 ngày diễn ra lễ hội có các hoạt động sân khấu hóa tái hiện sinh động những chiến công oanh liệt của dân tộc Việt Nam và Cụ Nguyễn Trung Trực, các trò chơi dân gian, các hoạt động thương mại, du lịch, văn hóa ẩm thực sông nước Nam bộ và nhiều hoạt động khác phục vụ nhân dân trẩy hội.
Cùng thời gian này, những nơi có đền thờ AHDT Nguyễn Trung Trực tại các tỉnh Tiền Giang, Long An, Cà Mau, An Giang cũng tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ AHDT Nguyễn Trung Trực. Người dân luôn tự hào với truyền thống của cha ông đã làm rạng danh dân tộc Việt Nam anh hùng.
5.Lễ Ok om bok
Ngày 15 tháng 10 âl hàng năm là ngày cuối mùa mưa và cũng là thời gian thu hoạch hoa màu, trong đó có lúa nếp. Vào đúng ngày này đồng bào Khmer tổ chức một lễ lớn gọi là lễ Ok om bok mang ý nghĩa mừng cơm mới vào những ngày trăng sáng trên dòng sông Cái Lớn huyện Gò Quao.
Xưa kia, người Khmer làm ruộng theo hai mùa trong năm. Mùa mưa từ 16 tháng 4 đến 15 tháng 10 âl, mùa nắng từ 16 tháng 10 đến 15 tháng 4 âl. Ngày 15 tháng 10 âl là ngày cuối mùa mưa và cũng là thời gian thu hoạch hoa màu, trong đó có lúa nếp. Vào đúng ngày này đồng bào Khmer tổ chức một lễ lớn gọi là lễ Ok om bok mang ý nghĩa mừng cơm mới vào những ngày trăng sáng. Mưa gió chấm dứt, nước từ từ rút xuống mở đầu cho một mùa khô ráo sau những ngày lao động miệt mài trên đồng ruộng, đồng thời cũng là dịp tưởng nhớ đến công ơn Mặt trăng vì theo quan niệm của người Khmer, Mặt trăng như vị thần điều tiết mùa màng giúp trúng mùa, làm ăn khá giả.
Lễ cúng trăng được xem là lễ chính trong Lễ hội Ok om bok. Lễ này được tổ chức đúng vào đêm rằm tháng 10 âl tại khuôn viên chùa, trong từng nhà dân hay tập trung tổ chức ở một nơi rộng rãi.
Để chuẩn bị cho lễ cúng trăng, người Khmer thường làm một chiếc cổng bằng tre có trang trí hoa lá; trên cổng giăng một dây trầu gồm 12 lá trầu cuốn tròn tượng trưng cho 12 tháng trong năm và một dây cau gồm 7 trái chẻ vỏ ra như hai cánh con ong, tượng trưng cho 7 ngày trong tuần. Ngày nay lễ cúng đơn giản hơn, chỉ cần đem một cái bàn và bày lên đó các lễ vật cúng. Ngoài cốm dẹp là thức cúng bắt buộc còn có trái dừa tươi, chuối, khoai lang, bánh kẹo và trái cây… Buổi tối chuẩn bị xong, mọi người trải chiếu ngồi chắp tay quay mặt về phía Mặt trăng để chờ làm lễ. Đúng lúc Mặt trăng lên cao tỏa ánh sáng vằng vặc thì đốt nhang đèn, rót trà, mời vị sư làm chủ lễ. Ông khấn vái nói lên lòng biết ơn của bà con đối với Mặt trăng, xin Mặt trăng tiếp nhận những lễ vật do bà con dâng cúng; ban cho mọi người sức khỏe dồi dào, cho mưa thuận gió hòa, cho năm tới trúng mùa, cho cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Đó là mong ước ngàn đời không chỉ của riêng đồng bào dân tộc Khmer mà còn là ước vọng chính đáng của các dân tộc, của nhân loại.
Cúng xong, ông chủ lễ tập trung trẻ em lại ngồi xếp bằng, chắp tay nhìn về hướng Mặt trăng. Ống lấy cốm dẹp và các đồ cúng khác, mỗi thứ một ít đút vào miệng bọn trẻ rồi hỏi chúng ước gì. Bọn trẻ sẽ nói ước nguyện của mình và ông khuyên dạy chúng phải chăm ngoan, học hành giỏi giang để giúp ích cho đời… Xong thủ tục này, mọi người vừa ăn uống, vừa múa hát vui chơi đến khuya.
Do là lễ ăn mừng và nhớ ơn Mặt trăng nên trong lễ Ok om bok, ngoài việc tổ chức lễ cúng trăng, người Khmer còn tổ chức lễ đua ghe ngo và nhiều hoạt động vui chơi, giải trí khác
Chiếc ghe ngo thường được làm bằng cây sao hình thù tựa như con rắn, mình thon thon, thoai thoải về hai phía; đầu ghe ngo uốn cong và thấp hơn sau lái một chút. Ghe ngo có chiều cong và có cây cột cặp chặt ở đáy nối dài từ đầu tới lái, người Khmer gọi là đon xanh touch (cây cần câu). Cây này được làm bằng cây tràm vừa bền, vừa có độ nhún giúp ghe được vững và nhảy vọt. Trên lòng ghe đóng nhiều thanh cây ngang dài độ 1,2m vừa để cho hai người ngồi bơi thoải mái theo từng cặp song song. Ghe ngo thường có từ 52 đến 54 chỗ ngồi cho người ngồi bơi và chỉ huy. Thân ghe ngo được sơn màu đen, trên be sơn vệt màu trắng hay vàng hoặc đỏ. Hai bên vẽ hoa văn Khmer hoặc vẩy rồng, rắn. Đầu ghe vẽ hình con thú biểu tượng cho chiếc ghe ngo của chùa mình. Ghe ngo do địa phương hỗ trợ một phần kinh phí, phần còn lại bà con trong phum sóc đóng góp công sức, tiền bạc tạo nên và được bảo quản rất cẩn thận trong chùa.
Mỗi năm ghe ngo được đưa xuống nước một lần vào dịp lễ hội Ok om bok. Vì vậy người ta tổ chức lễ hạ thủy rất công phu, ngoài lễ cúng, người Khmer còn tập trung tập dượt rất cẩn thận và siêng năng. Người được chọn để bơi phải là trai tráng khỏe mạnh, quen bơi và bơi có nghệ thuật. Trước cuộc đua, họ tập bơi trên cạn cho đều tay và đúng nhịp sau đó mới tập bơi dưới nước. Người ngồi mũi chỉ huy phải là người có uy tín trong phum sóc.
Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra các hoạt động: biểu diễn nghệ thuật Khmer, liên hoan văn nghệ khme, bóng đá, bóng chuyền, các trò chơi dân gian hay thi làm giàn thủy lục; gian hàng trưng bày, triển lãm các hình ảnh, hiện vật, tư liệu về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer Kiên Giang để hiểu thêm về vùng đất giàu truyền thống cách mạng.
Từ năm 2007, lễ hội Ok om bok được tỉnh Kiên Giang nâng lên tổ chức thành Ngày hội Văn hóa-Thể thao dân tộc Khmer cấp tỉnh.
6.Lễ giỗ Đức khai trấn Mạc Cửu
Lễ giỗ Đức khai trấn Mạc Cửu được tổ chức vào tháng 5 âm lịch hàng năm, tại thị xã Hà Tiên. Lễ hội, thu hút được đông đảo cán bộ và các tầng lớp nhân dân tham gia, khơi dậy được tình yêu quê hương, đất nước, ý thức tự lực, tự cường dân tộc; ra sức làm việc và cống hiến, góp phần xây dựng quê hương Hà Tiên ngày càng giàu đẹp.
Mạc Cửu là người có công đầu trong việc khai phá nên vùng đất Hà Tiên cách đây đã hơn 300 năm. Vào đầu thế kỷ thứ 18, Mạc Cửu trên đường tha hương lập nghiệp, ông đã đặt chân đến Hà Tiên, còn gọi là Phương Thành, là một vùng đất có vị trí thông thương thuận lợi, phong cảnh hữu tình và ông đã quyết định dừng chân nơi đây bắt đầu cho công cuộc mở đất. Sau đó, ông dâng biểu xưng thần, thuần phục chúa Nguyễn xin sáp nhập đất Hà Tiên vào nước Đại Việt vào mùa thu năm Mậu Tý 1708. Đây là một sự kiện trọng đại trong lịch sử hình thành bờ cõi của dân tộc Việt Nam.
Ghi nhận công lao to lớn của Mạc Cửu, ngay sau khi ông qua đời, Triều đinh nhà Nguyễn đã truy phong cho ông tước vị “Khai trấn Thượng Trụ Quốc, Đại tướng quân Vũ nghị công” và cho nhân dân xã Mỹ Đức, trấn Hà Tiên thờ phụng. Sau đó, vào năm Minh Mạng thứ III, ngày 24 tháng 9, vua Minh Mạng đã ban sắc tiếp tục truy phong thêm tước vị cho ông là Thụ công- Thuận nghĩa- Trung đẳng thần.
Tưởng nhớ công lao của Mạc Cửu, lễ giỗ của ông được nhân dân tổ chức hàng năm. Lễ hội diễn ra trong 03 từ 25 đến 27 tháng 5 năm.
Phần Lễ được diễn ra tại Đền thờ họ Mạc và tượng đài Mạc Cửu gồm: Lễ nghinh thần, Lễ tế thần, Đặt bàn hương án trước tượng đài Mạc Cửu; Dâng hương làm lễ thỉnh sắc tại Đền thờ họ Mạc; Đoàn thỉnh sắc khởi hành đến tại khu tượng đài danh nhân Mạc Cửu..
Phần Hội được diễn ra trong khuôn viên di tích Lịch sử – Văn hóa núi Bình San, tượng đài Mạc Cửu và Sân lễ đài thị xã với các trò chơi dân gian: bịt mắt đập nồi, kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố, thi đấu cờ tướng… và biểu diễn văn nghệ với nhiều tiết mục phong phú, hấp dẫn.
Tại Lễ hội còn tổ chức một số hoạt động thiết thực chào mừng như: Tổ chức Hội chợ Biên giới Hà Tiên, tại Sân lễ đài thị xã; Tổ chức giải bóng đá tứ hùng; Thi đấu giải Quần vợt mở rộng; Hội thi tìm hiểu “Thân thế và sự nghiệp của dòng họ Mạc”; Các trò chơi; Thi đấu giải Đua xe đạp mở rộng; Hội chợ ẩm thực; Diễu hành xe hoa trên một số tuyến đường trong nội ô thị xã; Văn nghệ phục vụ tại Công viên tượng đài Mạc Cửu; Các cơ quan, gia đình treo lồng đèn và cờ phướn…
Việc tổ chức Lễ hội giỗ Đức khai Trấn Mạc Cửu là để tiếp tục tuyên truyền, giáo dục và phát huy truyền thống đạo đức “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc và tôn vinh công lao to lớn của Mạc Cửu, người có công đầu trong việc quy tập dân chúng, khai phá và mở mang vùng đất Hà Tiên, để các thế hệ con cháu tiếp bước xây dựng và phát triển, trở thành vùng đất trù phú, dân cư sung túc, đời sống ổn định./.