Ho ra máu là tình trạng khạc ra máu khi cố gắng sức để ho, máu thường có bọt, màu đỏ tươi. Những triệu chứng biểu hiện trước khi ho là nóng rát sau xương ức, ngứa cổ, đau ngực và cảm thấy nặng nề như có gì đó đè nặng lên ngực, khó thở. Vì tính chất nguy hiểm của bệnh nên cần đến gặp bác sĩ ngay, hoặc các phòng cấp cứu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Xét nghiệm giúp chẩn đoán tùy vào nguyên nhân thường là: xét nghiệm máu, X Quang ngực, soi cấy đàm, chụp CT ngực, nội soi phế quản, siêu âm tim…
+ Còn hiện tượng khạc ra máu lại khác nhé, bạn nên lưu ý. Khạc ra máu là từ đường mũi họng, máu khạc ra dễ dàng, không kèm gắng sức ho. Kèm theo đó là những bệnh lý chảy máu vùng mũi họng dễ phát hiện như chảy máu cam, bệnh răng lợi…
+ Nôn ra máu là biểu hiện thường có cả thức ăn, không có bọt. Đặc điểm là trước khi nôn thường bị đau bụng, hoặc có bệnh lý về đường tiêu hóa trước đó.
2. Các nguyên nhân thường gặp:
a. Lao Phổi:
Việt Nam là vùng có tỉ lệ nhiễm lao nhiều trên thế giới, nên đây là nguyên nhân thường gặp nhất. Khi bị bệnh lao phổi thường xuất hiện triệu chứng ho ra máu và tình trạng này kéo dài trên 2 tuần. Lượng máu khạc ra có thể ít hoặc nhiều, khi ho có thể kèm theo máu tươi hoặc lẫn đờm. Khi phát hiện có dáu hiệu nên chụp X quang phổi và xét nghiệm đàm.
Bệnh có tính lây lan và để lại nhiều di chứng nên cần được phát hiện và điều trị sớm.
b. Dãn phế quản:
Ho ra máu chỉ xảy ra khi tổn thương của phế quản quá nghiêm trọng, phế quản không thể chịu đựng được sức ép từ bên ngoài tác động vào, phế quản giãn ra hết cỡ, chức năng của bệnh không còn được thực hiện. Niêm mạc của phế quản bị phá huỷ từ đó bệnh nhân mới ho ra máu.
Nguy hiểm hơn, nếu như bệnh nhân bị một lần thì sẽ có những lần sau nữa. Mà không chỉ phế quản mà các bộ phận xung quanh lúc này cũng có dấu hiệu của tổn thương. Nên chụp X quang phổi và CT ngực có cản quang.
c. Ung thư phổi:
Đây là bệnh lý ác tính, diễn tiến thường âm thầm, giai đoạn đầu ít có triệu chứng, hay xảy ra ở người có tiền sử hút thuốc lá lâu năm hoặc bị các bệnh về phổi làm việc trong môi trường hóa chất độc hại. Ho ra máu kéo dài, đau ngực, khó thở, sụt cân, ho ra máu lượng ít nhưng kéo dài không dứt. Nên chụp X quang phổi, CT ngực có cản quang, nội soi phế quản, sinh thiết u để nắm rõ tình hình sức khỏe.
d. Bệnh lý nhiễm trùng hô hấp:
Người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng: sốt, ho, khạc đờm mủ, đau ngực khi ho, hít sâu và thay đổi tư thế. Ho ra máu đặc biệt nguy hiểm nên khi gặp triệu chứng này người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời, làm các xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh như chụp X-quang ngực, soi cấy đờm, chụp CT ngực, nội soi phế quản hay siêu âm tim…để được xử lý kịp thời, phòng ngừa biến chứng và hạn chế nguy cơ tử vong.
3. Kết luận:
Ho ra máu nguyên nhân phần lớn là từ bệnh lý hô hấp. Chính vì vậy khi có dấu hiệu ho ra máu bạn cần đến ngay bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.