Top 7 lễ hội truyền thống lớn và nổi tiếng nhất ở Quảng Nam

0
5200
Vật Phẩm Phong Thủy

Mỗi cùng đất trên nước ta đều có những bản sắc riêng với những lễ hội đặc sản vùng miền khác nhau . Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem những lễ hội truyền thống đặc sắc ở Quảng Nam nhé.

1.Lễ hội Bà Thu Bồn
Lễ hội Bà Thu Bồn là một lễ hội dân gian của cư dân ven sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam.Lễ hội được tổ chức hằng năm vào ngày 12 tháng 2 âm lịch. Lễ hội là dịp người dân nơi đây tỏ lòng thành kính biết ơn sự che chở của bà cho dân làng sống trên bờ cũng như trên sông nước được bình an, ấm no. Đây là lễ hội lớn mang màu sắc tín ngưỡng dân gian có từ bao đời thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc Chăm, Cơ Tu, Kinh sinh sống vùng thượng lưu sông Thu Bồn, Vu Gia (Quảng Nam).

Sự tích về “Bà Thu Bồn” có nhiều truyền thuyết. Nhưng thuyết phục hơn cả là câu chuyện lưu truyền trong dân gian ở làng Thu Bồn như sau: Bà Thu Bồn hay còn gọi là bà Bô Bô – một vị nữ tướng của nhà Lê bị giặc truy đuổi đến làng Thu Bồn thì bị ngã ngựa do tóc bà bị quấn vào chân ngựa, sau đó bà bị giặc giết. Bà đã được các vua triều Nguyễn sắc phong là Bô Bô phu nhân, là thượng đẳng thần. Có lẽ chính vì vậy mà những người dân nơi đây truyền tụng những truyền thuyết về bà mẹ xứ sở mang sắc màu thần bí nhưng luôn là biểu tượng của cái đẹp, của khát vọng thái bình.

Phần nghi lễ của lễ hội Bà Thu Bồn gồm có lễ rước nước thiêng trên sông Thu Bồn, rước “Ngũ hành tiên nương” (5 vị nữ tướng dưới quyền, theo hầu Bà Thu Bồn trong cuộc chinh chiến) về lăng Bà để cúng tế, lễ cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa… Lễ vật cúng bao giờ cũng có một con trâu và mâm xôi lớn. Trâu tế sau khi bị giết, không xẻ thịt hay nấu chín mà để nguyên con, dùng huyết của nó bôi lên cúng.

Cùng với các hoạt động tế lễ, phần hội còn có các hoạt động văn hóa – thể thao hấp dẫn như hát tuồng, hô hát bài chòi, hát hò khoan đối đáp, hội hoa đăng trên sông Thu Bồn; thi kéo co, thi đấu bóng đá, bóng chuyền, quan trọng nhất là hội đua thuyền Lệ Bà (Nam-Nữ), hội thả hoa đăng và đốt lửa thiêng trên những bãi bồi của dòng Thu Bồn.

Từ năm 2005 đến nay, lễ hội Bà Thu Bồn được tỉnh Quảng Nam đưa vào chương trình lễ hội “Quảng Nam – hành trình di sản”.

2.Lễ hội Cầu bông
Lễ hội Cầu Bông được tổ chức vào mùng Bảy tháng Giêng âm lịch hằng năm ở tại làng Trà Quế, thuộc xã Cẩm Hà, thành phố Hội An tỉnh Quảng Nam. Lễ hội Cầu Bông có ý nghĩa như một nghi lễ mở mùa cho một năm mới. Hàng trăm gia đình lo sắm sửa lễ vật dâng cúng và cầu mong một năm mưa thuận, gió hoà, mùa rau bội thu, nhà nhà no ấm.

Trước hết là lễ Nghinh thần (rước thần), từ sáng sớm người dân ở 2 làng đã tụ hội về đình làng, nhà thờ Tiền hiền để nghinh thần. Cờ phướng dâng cao, kiệu hoa quả tươi, lư hương và án thờ được bốn chàng trai làng vận lễ phục khiêng đi. Trước đoàn rước là hai hàng cờ, biển, theo sau kiệu thần là trống chiêng, đồ gia lễ, đội nhạc cổ và các nghệ nhân, các bô lão trong sắc phục áo dài, khăn đóng diễu qua các ngõ làng, thôn xóm. Lễ nghinh thần của làng rau Trà Quế bao giờ cũng có thêm đoàn phụ nữ mặc áo dài, trên tay bưng mâm ngũ quả.

Làng Trà Quế từ lâu nổi tiếng với nghề trồng rau. Năm nào làng rau phát đạt thì lễ Cầu Bông được tổ chức quy mô. Ngoài phần lễ còn có phần hoạt động hội hè, vui chơi để bà con giải trí và chuẩn bị bước vào năm mới với hy vọng nhiều tài lộc. Khi đoàn rước vừa đến đình, các vị bô lão tiến hành ngay lễ cúng đất và cúng âm linh theo nghi thức truyền thống. Bàn thờ cúng đất được đặt trước và đối diện với bàn cúng chính, trên bàn bày hoa quả, gạo, muối, thịt gạo, áo giấy và vật tế âm linh. Sau một năm làm ăn vất vả, đến lúc rãnh rỗi, nghỉ ngơi, nông dân luôn ngưỡng vọng về ân đức cô bác, âm linh, đồng thời bày tỏ lòng thành và niềm thương cảm.

Tiếp theo đó mọi người bước vào phần tế chính thức với bàn thờ đầy ắp bánh trái, hương hoa và đặc biệt có cả một con gà giò. Theo người dân nơi đây, gà giò cúng phải là gà trống nuôi vừa mới lớn, có màu lông đẹp, đem luộc hết sức cẩn thận, da và gân phải nguyên vẹn. Văn tế có nội dung tôn vinh, ngưỡng vọng công đức tổ tiên, những bậc tiền hiền có công khai hoang lập nên làng rau truyền thống hơn 500 năm qua, Sau khi tế lễ xong, các cụ cao niên tập trung lại để xem giò gà, nếu giữa bàn chân gà đầy đặn thì xóm làng bình an, khá giả, hoa trái tốt tươi.

Không chỉ tập trung cúng đình, cả làng nhà nào cũng sắm một mâm lễ vật để Cầu Bông. Lễ vật nhất thiết phải có một con gà trống thiến miệng ngậm hoa, trên lưng cắm một con dao làm bằng tre, năm dĩa xôi hồng cắm năm cái bông rực rỡ và một ly rượu trắng. Ngày nay, mọi người đều cảm thấy mình được xác nhận là một thành viên quan trọng không thể thiếu trong làng. Chính vì thế mà tất cả dân làng Trà Quế cũng như dân làng lân cận đều tụ họp về để tham gia phần hội hè sống động, vui vẻ này.

3.Hội Bài chòi
Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng của ông cha xưa còn lại đến ngày nay ở miền Trung Việt Nam nói chung và trên mảnh đất Quảng Nam nói riêng. Cứ vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, người dân trong các làng ở Quảng Nam lại rộn ràng chuẩn bị dựng chòi kê ván chuẩn bị cho Hội bài chòi.
Hội bài chòi được khai mạc từ tờ mờ sáng mồng 1 Tết. Những cụ già có vai vế trong làng làm lễ cúng thần linh, thổ địa, thành hoàng… cầu cho một năm mới gặp nhiều điều an lành, mùa màng bội thu, làng xóm trù phú. Trong khi đó, tiếng trống hội liên tục vang lên báo hiệu và thôi thúc dân làng đến chơi và nghe hô hát bài chòi. Nhân dân làng trên, xóm dưới trong những bộ trang phục đẹp nhất nô nức đến chơi bài chòi đầu năm tìm sự may mắn.

Theo các tài liệu nghiên cứu văn hóa dân gian, nếu đúng thể thức thì khi chơi bài chòi, người ta dựng 11 chiếc chòi cao từ 2 đến 3 thước, bên trái có 5 chòi và bên phải có 5 chòi, gọi là chòi con và 1 chòi ở chính giữa là chòi trung tâm hay còn gọi là chòi cái. Thông thường dân gian chơi bài chòi cốt để giải trí, để nghe anh hiệu gõ mõ, hô bài chòi diễn xướng mang đậm tính chất nghệ thuật dân gian. Ở đây âm nhạc là nhịp gõ, nhịp trống, kết hợp nhuần nhuyễn với lời hô hát. Lời hô mang nghĩa văn chương bình dân mộc mạc, hình mỗi con bài thì mang dáng vẻ họa tiết cách điệu theo phong cách dân gian.

Chơi bài chòi thực hiện theo mỗi chòi con (10 chòi) được phát 3 con bài, trên thân bài có tên con bài, tất cả là 30 con bài (gọi là bài nọc). Ở chòi cái có một cái ống tre lớn dùng để đựng bài cái. Khi trống thúc liên hồi báo hiệu hội bài chòi bắt đầu, những người đánh bài chòi vào chòi con, tay cầm 3 con bài do họ tự chọn lựa ngẫu nhiên. Anh hiệu (người hô) bước ra ống thẻ cái, xóc đi xóc lại rồi chậm rãi rút từng con bài. Mỗi lần rút bài anh hiệu hô câu thai tên con bài. Chòi nào có đúng quân bài đó thì người chơi cầm mõ gõ lên ba tiếng cắc, cắc, cắc hoặc xướng to lên “ăn rồi” thì anh hiệu sẽ sai ngưòi phụ việc đến trao cho một cây cờ đuôi nheo nhỏ. Đến lúc chòi con nào ăn đủ 3 con (được 3 cờ) thì hô “tới” và gõ một hồi mõ kéo dài, lúc này trống tum, trống cán ở chòi cái đánh vang lên báo hiệu có người thắng/tới. Thông thường cuộc chơi từ 8 đến 10 hiệp là hết một ván bài chòi, lưu lại một hiệp/ ván cho ban tổ chức dùng để chi phí và sau đó tiếp tục kẻ bước xuống người bước lên chòi chơi ván khác.

Hội bài chòi ở Quảng Nam vừa mang trong nó hơi thở nóng hổi của cuộc sống hiện đại, vừa chứa đựng vẻ dịu dàng, duyên dáng của một nét văn hóa truyền thống đầy ý nghĩa. Chính vì thế, hội bài chòi đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu được của nhiều tầng lớp nhân dân trong tỉnh, thu hút cả người già và lớp trẻ ở mọi vùng miền, không những trong dịp tết mà còn ở các lễ hội của địa phương.


4.Lễ rước Thần Nông
Lễ rước Thần Nông được tổ chức vào ngày 01/03 Âm lịch hàng năm, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đây được coi là Hội của trẻ chăn trâu, lễ rước và cầu Thần Nông cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt.
Lễ Thần Nông tức là lễ tế vua Thần Nông để cầu mong được mùa và nghề nông phát đạt. Trên các quyển lịch cổ hàng năm, người ta thường vẽ một mục đồng dắt một con trâu. Mục đồng tức là vua Thần Nông, còn con trâu tượng trưng cho nghề nông. Hình mục đồng cũng như con trâu thay đổi hàng năm tùy theo sự ước đoán của Khâm thiên giám về mùa màng năm đó sẽ tốt hay xấu. Năm nào được coi là được mùa, Thần Nông có giày dép chỉnh tề, còn năm nào mùa màng bị coi là kém, Thần Nông có vẻ như vội vàng hấp tấp nên chỉ đi giày một chân. Con trâu được đổi màu tùy theo hành của mỗi năm, nó có thể có một trong 5 màu vàng, đen, trắng, xanh, đỏ đúng với các hành Thổ, Thủy, Kim, Mộc, Hỏa.Lễ rước Mục Đồng – lễ hội dành cho trẻ chăn trâu – ngày xưa được tổ chức ở làng Phong Lệ, Hòa Châu, Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Ngày trước, theo lệ cứ đến các năm Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu, nghĩa là cách 3 năm, làng lại tổ chức lễ rước Mục đồng một lần. Sau dãn dần ra sáu năm, rồi cuối cùng 12 năm mới tổ chức một lần. Lần cuối cùng được ghi nhận là vào năm Bảo Đại thứ 11 (1936).

Chuyện kể rằng, làng Phong lệ xưa có một cồn cỏ. Ngày nọ, có người xua đàn vịt lên cồn, chân vịt bỗng dính chặt xuống đất như có bàn tay ai đó níu lại. Cho là có thần linh giánh hạ nên chẳng ai dám bén mảng đến cồn. Từ đó cồn có tên là cồn Thần. Một hôm, có đàn trâu trong làng chạy lạc đến cồn, đám trẻ chăn trâu đến tìm nhưng không hề hấn gì cả. Từ đó có tiếng đồn là cồn Thần chỉ cho các trẻ chăn trâu đến gần mà thôi. Xóm Cồn về sau được gọi là xóm Đồng, làm nơi tụ tập của các mục đồng trong làng. Câu chuyện lạ lùng ấy, sau nhiều thế hệ dần dần hình thành một lễ hội dành riêng cho các trẻ chăn trâu, gọi là lễ rước Mục đồng.

Từ hạ tuần tháng ba âm lịch, khi vụ mùa đã hoàn tất là lúc các công việc sắp đặt cho lễ hội bắt đầu. Để phục vụ cho lễ rước, ngoài việc cắt cử các chức sắc lo việc tế lễ, dân làng Phong Lệ phải chuẩn bị cho một cổ kiệu hai đòn khiêng có giăng hoa, kết trái tươm tất và phân công cho bốn mục đồng khỏe mạnh khăn đóng, áo dài giữ phần khiêng kiệu. Ngoài cờ nhỏ của mục đồng, còn có cờ lớn của 13 tộc họ ngày đó. Cờ lớn cán bằng tre dài khoảng 5 mét, có khoan lỗ đút cây ngang qua để treo các con giống, nào là tứ kinh (long, lân, quy, phụng), tứ nghệ (sĩ, nông, công, thương). Nhưng nhiều nhất vẫn là các dụng cụ sản xuất nông nghiệp như cày, bừa, cuốc, xẻng, dần, nia… Chuẩn bị đâu vào đó, chiều 29/3 âm lịch làm lễ dạo đồng. Đây là lúc con cháu sinh sống ở các nơi xa kèo về đông đủ. Mục đồng cầm cờ dạo quanh các cánh đồng tỏ ý cầu cho được mùa. Sáng ngày 30, chính thức diễn ra lễ rước. Lễ bắt đầu vào sáng tinh mơ ngay giữa đình thần. Sau khi hương khói, khấn lễ, Trùm Mục (người cai quản các mục đồng) lễ phục tươm tất trịnh trọng tiến vào hậu tẩm khấn vái, cung kính thỉnh bài vị thần nông nâng cao ngang mày rồi quỳ xuống vào đặt vào trong kiệu. Kiệu rước được bài trí như kiệu rước thần, cỡ 80 x 100 cm, nóc kiệu có 4 mái, rèm kiệu được giăng hoa kết đèn rực rỡ, do 4 mục đồng khiêng. Đoàn người cờ xí xếp hàng đâu vào đấy, chiêng trống lại gióng giã vang lên; tất cả mục đồng hướng vào chánh điện đồng loạt chắp tay xá ba cái rồi đám rước dài lượt thượt đi qua đường làng, hướng về Cồn Thần, trong tiếng nhạc rộn rã của phường bát âm và cờ xí rợp trời. Đến Cồn Thần, kiệu thần hạ xuống. Trùm Mục quỳ trên chiếc chiếu hoa, ngửa mặt lên trời lầm rầm khấn giữa 2 hàng đuốc chập chờn hư ảo. Sau một hồi lâu khấn vái, Trùm Mục gieo 2 đồng tiền vào cái đĩa con trước mặt: một sấp, một ngữa. Thế là thần đã giáng! Một hồi sênh nổi lên, tiếp đó là ba hồi chiêng trống. Rồi, trống cơm, phường bát âm cùng tấu những âm điệu rộn rã chào mừng. Sau 3 tiếng sênh làm hiệu, Trùm Mục dõng dạc xướng: “Chúng Mục Đồng Phong Lệ tạ! Xin cho tốt lúa, tốt gieo, vũ thuận, phong điều! Đồng reo một tiếng’… Đoàn Mục Đồng đồng reo vang trời và cầm cờ nối đuôi theo vị Trùm Mục chạy tới, chạy lui, quanh đi, quẫn lại chung quanh tảng đá trắng giữa cồn thần. Một lúc sau, đám rước rồng rắn quay trở lại đình thần trong tâm niệm tôn kính là trên kiệu đã có vị thần thiêng liêng của mình. Trời vừa sáng, đám rước về đến đình làng. Sau đó là lễ đặt bài vị và lễ dâng vật cúng của dân làng. Trong lễ, mọi người ai ai cũng giữ sự cung kính trước đám mục đồng. Lễ vật xôi gà được bày trên chiếu hoa trải khắp ba gian đình, ai nấy đều hoan hỉ vì tin rằng lòng thành của mình đã được thần mục chứng giám; và ngày mai, đồng ruộng sẽ tốt tươi. Thời phong kiến, hàng năm đều có tục tế và rước Thần Nông tại triều đình cũng như ở các địa phương./.


5.Lễ hội đâm trâu hoa Làng Ông Tía
Lễ hội đâm trâu hoa Làng Ông Tía được tổ chức vào ngày 13/3, tại nhà Rông thôn 6, xã Phước Trà, huyện hiệp Đức. Đây là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào vùng cao Quảng Nam đồng thời là dịp để đồng bào giao lưu, học hỏi những kinh nghiệm vốn sống, vốn văn hóa giữa các bản làng nhằm tăng thêm mối đoàn kết giữa các thôn.

Lễ hội đâm trâu hoa Làng Ông Tía được tổ chức hàng năm nhằm kỷ niệm ngày khởi nghĩa vũ trang của làng (13/3/1960).

Để chuẩn bị cho lễ hội, từ nhiều tháng trước, buôn làng cử người đi tìm chọn mua trâu đực, loại trâu cực kỳ khỏe mạnh và sung sức, đưa về chăm bẵm để chọn ngày làm lễ.

Sáng ngày 12/3, cây nêu dài 9m có trang trí hoa văn đẹp mắt đã được dựng lên ngay trung tâm sân nhà rông thôn 6 Phước Trà sau khi cúng thần nước, thần đất, cúng đường nơi con trâu đã đi qua.

Sau phần làm lễ kỷ niệm là đến màn múa hát, đánh cồng chiêng chuẩn bị đâm trâu. Gần 100 người bao gồm già trẻ, gái trai trong làng với trang phục dân tộc Cadoong xếp thành vòng tròn quanh cây nêu đã cột con trâu làm lễ.

Với sự cổ vũ nhiệt tình của bà con bên ngoài, đội cồng chiêng, ca vũ nhảy múa xoay vần quanh cây nêu khoảng một giờ đồng hồ với vẻ mặt vui tươi. Để tiếp thêm sức mạnh, có hai người đàn ông chạy trong vòng tròn và thỉnh thoảng đưa đến tận miệng những người tham gia nhảy múa một chén rượu bất kẻ già trẻ, gái trai.

Sau phần nhảy múa, đánh cồng chiêng là phần đâm trâu. Đây là nghi thức quan trọng nhất, linh thiêng nhất. Người được chọn đứng ra đâm trâu là một thanh niên chưa vợ, khỏe mạnh và có uy tín với dân làng.

Với cây giáo tự chế trong tay, chàng trai Cadoong đã hạ gục chú trâu bằng hai nhát đâm vào phía sau chân trước của con trâu. Trước khi trâu gục hẳn, những trai tráng khỏe mạnh đã cố sức “lái” cho đầu trâu nằm phục xuống và hướng về phía cây nêu trong tiếng vỗ tay, la ó, reo hò vang dội của đông đảo buôn làng.

Sau khi con trâu đã chết hẳn, trai tráng có nhiệm vụ xẻ thịt trâu và phần chia thịt cho dân làng do các già làng đứng ra phân xử để đảm bảo nhà nào cũng có phần thịt trâu trong lễ hội./.

6.Lễ giỗ tổ Nghề Yến
Vào ngày mồng 9 và 10 tháng Ba âm lịch hàng năm tại xã đảo Tân Hiệp- Cù Lao Chàm người dân lại tổ chức lễ tế nhằm cầu mong biển trời phù hộ và tưởng niệm tri ân các bậc tiền bối đã có công trạng đối với nghề khai thác Yến sào.

Lễ giỗ tổ nghề yến là lệ định kỳ đã có từ hơn 150 năm qua nhằm tưởng niệm, tri ân các bậc tiền nhân đã có công khai sinh và phát triển nghề khai thác yến sào tại vùng biển Cù Lao Chàm. Những năm gần đây, giỗ tổ nghề yến cũng là lễ cầu an đầu năm của dân làng Bãi Hương cầu mong mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, cuộc sống ấm no sung túc; đồng thời nâng cao niềm tự hào và ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm của vùng biển đảo.

Theo gia phả để lại, đình làng Thạch Tân được xây dựng từ thế kỷ XI, đã qua 3 lần di chuyển và nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ được dáng dấp, kiến trúc từ lúc mới xây dựng. Đây là nơi thờ tự các bậc tiền hiền đã có công khai cơ lập ấp, thủy tổ của các dòng họ, các vị nhân sĩ trí thức. Đình làng gắn liền với truyền thống cách mạng của quê xã Tam Thăng. Cùng với địa đạo Kỳ Anh, đình làng Thạch Tân được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1997.

Ngày tế lễ diễn ra như ngày hội với nhiều hoạt động phong phú: Tế Tổ nghề Yến, Vui hội làng chài ( đua ghe ngang, kéo co bằng thuyền trên biển, hội Bài chòi, trò chơi bịt mắt đập nồi), đêm hội Cù lao (biểu diễn nghệ thuật cổ truyền, giao lưu văn nghệ đất liền- hải đảo- du khách), Chợ ẩm thực món ngon Cù Lao Chàm (các đặc sản biển, rau rừng, bánh ít, tổ yến khô, yến chưng hột sen, rượu yến, rượu hải sâm- bào ngư…), tour tham quan thắng cảnh biển đảo- các khu du lịch Cù Lao Chàm, làng chài Bãi Hương, xem san hô, các loài hải sản dưới biển bằng thuyền đáy kính và thúng đáy kính khu vực Bãi Nần.

Tham gia lễ hội du khách có cơ hội tham gia một tour tham quan tại hang Tò Vò. Du khách đi thuyền đến hang xem nơi cư trú của loài chim yến, tìm hiểu công việc cực nhọc của công nhân Đội khai thác yến Hội An.

Bên cạnh đó còn có thể uống loại rượu ngâm từ trứng yến cùng các sản vật vô giá của biển đảo như rượu hải sâm, rượu bào ngư, tôm, cua, cá, mực, cua đá, ốc, vú sao, vú nàng, rau rừng…

7.Lễ hội làng Gốm Thanh Hà
Vào ngày mồng 10 tháng giêng âm lịch hàng năm, hàng trăm hộ dân làng gốm Thanh Hà, Hội An đều tập trung về miếu Nam Diêu thành kính giỗ tổ trong sự chứng kiến của đông đảo đại biểu Thành phố và khách du lịch thập phương.
Theo lịch sử, cư dân Thanh Hà có nguồn gốc chủ yếu ở vùng Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương vào định cư từ khoảng cuối thế kỉ 15. Trong buổi sơ khai, khi đồ dùng của đại bộ phận dân cư chủ yếu là đồ gốm sứ, đất nung thì cư dân ở đây đã tiếp tục truyền thống của cha ông, khai thác địa thế thuận lợi của vùng đất mới để phát triển nghề gốm. Theo cách nhớ của người làng Thanh Hà thì năm 1516, nghề gốm bắt đầu sản xuất tại làng Thanh Chiêm ( nay là khối phố 6 phường Thanh Hà ), sau đó do không hợp phong thủy nên dời lên Nam Diêu ( tức khối phố 5 phường Thanh Hà ), Nam Diêu có nghĩa là lò gốm phía Nam

Hiện nay tại Nam Diêu còn miếu Tổ nghề của làng. Hằng năm, người dân làng gốm tổ chức lễ tế Xuân vào ngày mồng 10 tháng Giêng nhằm cúng tổ tiên, mong cho chư thần, tổ nghề và các bậc tiền nhân ban cho năm mới bình an, làng nghề phát triển.

Nhiều thế kỉ qua, nghề làm gốm và gạch ngói ở Thanh Hà nổi tiếng không chỉ ở xứ Quảng mà cả nước và nước ngoài.Trong sách Phủ Biên Tạp Lục học giả Lê Quí Đôn có đề cập đến gốm ” Cochi”, ” Cauchi” ( Giao Chỉ) mà người nước ngoài ưa chuộng có cả gốm Thanh Hà xứ Quảng.Và kể từ thế kỉ 17 trở lui, do việc tái tạo thành phố Hội An mà sinh ra ngành gạch ngói rất thịnh hành ở Thanh Hà.

Không chỉ phục vụ cho nhu cầu địa phương các vùng lân cận mà còn trở thành một mặt hàng trao đổi mua bán cho cả xứ Đàng Trong. Khi nhà Nguyễn chọn Phú Xuân làm kinh đô, nhiều nghệ nhân được gọi ra Huế xung vào đội thợ xây dựng cố cung. Có người được vua phong đến hàm Bát phẩm, đó là những Chánh Ca,

Lễ hội làng Gốm, một hoạt động văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân Thanh Hà – Hội An luôn diễn ra sôi nổi, đậm tính dân gian với nhiều nghi thức cổ truyền được chính các nghệ nhân và bà con nhân dân trong làng thực hiện.

Ngay từ sáng sớm, phần lễ chính tế Tổ với đoàn rước thần chủ đã diễn hành qua khắp các ngã đường. Đội hình lân, sư, dàn bát âm, nghi trượng, kiệu thần chủ, kiệu lư hương gốm cùng hơn 100 nam phụ lão ấu đi từ miếu Nam Diêu về đình Thanh Chiếm tế lễ. Đây là nơi được cư dân thờ tự, tôn vinh và ngưỡng vọng về công đức của các vị tổ nghề.

Trong văn tế của Ban cổ lễ do các bô lão chủ trì điều hành theo nghi thức truyền thống, nài tâm niệm cầu mong quốc thái dân an, nhà nhà an lành, mùa màng bội thu và tri ân công đức Tổ nghề. Lời tiếng của người hậu thế cũng đã gợi tưởng niềm tự hào mà bao thế hệ người làng Nam Diêu, Thanh Chiếm, Bộc Thuỷ…hoài vọng.

Ngay sau phần lễ tế chấm dứt, người làng Thanh Hà đa phần “mặc áo vải, khăn hoa” cùng mời du khách vui hội với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như: cõng nàng về dinh, lái buôn xuất sắc, thi chuốt gốm, làm con thổi đất nung, nấu cơm bằng nồi đất, thi đập nồi, bịt mắt đánh trống,…

Sôi nổi nhất là hội đua thuyền, hô hát bài chòi, hát bội diễn ra liên tục từ đêm trước đến tận tàn ngày hội.

Làng gốm Thanh Hà nay đã là điểm đến không thể thiếu đối với du khách khi tham quan đô thị cổ Hội An – di sản văn hóa thế giới./.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN