Người Việt ăn bánh Chưng, người Hàn ăn canh bánh gạo, người Trung Quốc ăn sủi cảo để cầu mong may mắn, phúc lộc và sức khỏe… Đó đều là những món ăn truyền thống đặc trưng trong dịp năm mới ở các nước châu Á.
1 VIỆT NAM: BÁNH CHƯNGBánh muốn ngon thì phải chuẩn bị nguyên liệu thật chu đáo, gạo ngâm đãi thật kỹ, đậu xanh đồ vừa chín tới, thịt có cả nạc, bì, mỡ, ướp đủ gia vị, gói xong phải luộc ngay bánh mới xanh. Để chiếc bánh vuông đẹp, “chín rền” thì lúc gói phải “đỗ trong gạo, gạo trong lá”, gói chặt tay, không cần ép mà bánh vẫn để được lâu. Khi vớt ra, bánh có màu sắc xanh dịu nhẹ của lá dong, có độ dẻo ngọt của nếp, vị thơm của đậu xanh, béo ngậy của thịt lợn, tất cả hòa quyện thành một món ăn vừa thơm ngon, vừa độc đáo. Khi ăn bánh chưng, người ta có thể chấm với nước mắm thật ngon, thêm củ hành muối, củ cải dầm hay dưa góp sẽ càng đậm đà, khó quên.
2 TRUNG QUỐC: SỦI CẢO VÀ BÁNH TỔ
Đối với người miền Bắc ở Trung Quốc, món ăn truyền thống dịp đầu năm là sủi cảo. Sủi cảo là một loại bánh có vỏ làm bằng bột mì, hoặc bột gạo. Nhân gồm thịt và rau trộn lẫn với nhau. Ở Trung Quốc, các loại rau trộn lẫn với thịt có cách đọc gần như từ “giàu có”, thịt miếng dài hơn, âm thanh đọc giống như “dài và dư thừa”. Bánh được nặn thành một hình bán nguyệt. Người dân Trung Quốc ăn bánh sủi cảo trong dịp đầu năm mới để cầu mong nhiều may mắn và tiền bạc, đặc biệt, tránh ăn hết sạch những miếng bánh sủi cảo trên đĩa với ý nghĩa rằng: năm mới tài sản, lương thực lúc nào cũng dư thừa, ăn không hết.
Còn ở miền Nam Trung Quốc, người dân lại đón chào năm mới truyền thống với bánh “niangao”, có nghĩa là bánh tổ. Đây là một món ăn được làm từ bột gạo, nếp trộn đều cùng đường thắng, sau đó đổ vào khuôn tròn rồi hấp chín. Bánh có màu nâu đẹp mắt và vị ngọt thanh. Trong tiếng Quảng Đông, từ “niangao” có cách đọc giống như từ “thịnh vượng, tiến bộ”, vì vậy, ăn bánh tổ chào đón năm mới để cầu mong một năm mọi thứ đều tốt hơn.
3 HÀN QUỐC: CANH BÁNH GẠO
Tteok kuk là một trong những món ăn truyền thống trong ngày Tết mà không một người Hàn Quốc nào không thưởng thức. Vào ngày mồng 1 tháng 1 Âm lịch, bất kỳ người Hàn Quốc nào cũng thưởng thức một bát Tteok kuk để mừng thêm một tuổi và sống trường thọ.
Để làm ra món ăn tuyệt vời này, người dân Hàn Quốc phải thực hiện nhiều công đoạn rất kỳ công. Nguyên liệu đế nấu Tteok kuk thường là: bánh gạo Tteok, thịt ức bò, trứng, tỏi, hành tây, hành lá, lá rong biển tiêu nguyên hạt và các gia vị khác như muối, đường, nước mắm, dầu vừng.
4 MÔNG CỔ: BÁNH BUUZ
Tsagaan Sar là dịp Tết truyền thống của người Mông Cổ. Trong dịp Tết này, người Mông Cổ chế biến nhiều món ăn ngon từ thịt cừu, sữa dê. Đặc biệt là món bánh Buuz truyền thống. Đây thực chất là một loại bánh bao, cũng có phần vỏ bánh từ bột mì, nhưng nhân không phải thịt lợn mà là thịt cừu trộn hành tây, rau mùi và các loại gia vị vừa miệng. Bánh Buuz thường được ăn kèm với nước sốt cà chua.
5 ĐÀI LOAN: BÁNH CỦ CẢI
Tên gọi thân thiện với nguyên liệu làm ra bánh vì thế hai món bánh Đài Loan này rất dễ ăn và dễ mua được. Bánh hành, bánh củ cải chắc chắn sẽ làm hài lòng bạn ngay khi thưởng thức.
Lớp vỏ bánh được làm từ bột dai, mềm, phẩn nhân bên trong là củ cải hoặc hành tây, bên trên phủ một ít mè nhằm tăng hương vị. Mặc dù là món ăn đường phố dân dã, nhưng chúng lại rất được yêu thích tại các điểm du lịch Đài Loan.
6 SINGAPORE: GỎI CÁ THỊNH VƯỢNG
Gỏi Cá Thịnh Vượng – Yu Sheng là món ăn truyền thống thể hiện sự thăng hoa phú quý và là biểu tượng cho sự thịnh vượng và trường thọ. Món ăn này sử dụng nhiều loại nguyên liệu thơm ngon và tươi sống, mỗi loại nguyên liệu đều mang một ý nghĩa đặc biệt cho năm mới như cá biểu tượng cho sự phồn thịnh và là lời chúc sung túc cả năm; ngũ vị hương và tiêu gợi liên tưởng đến kho báu ngày càng nhiều; củ cải xanh biểu tượng cho sự trường thọ; củ cải trắng lại mang ý nghĩa làm ăn phát đạt, thăng tiến;… Món ăn được trình bày theo hình vòng tròn với hy vọng trong năm mới sự thịnh vượng sẽ ngày càng tăng và tiền vào từ tất cả mọi hướng.