Khi nhắc tới thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) nhiều người chỉ nhớ tới núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, đất đỏ bazan màu mỡ, lễ hội đua voi tưng bừng….mà bỏ quên một nét văn hóa cũng đặc sắc không kém. Đó chính là các món đặc sản tại đây.
1. Bún đỏ
Sở dĩ món ăn có tên bún đỏ cũng bởi màu sắc đỏ đặc trưng của nước dùng. Một tô bún nóng hổi đầy ắp, trên mặt là gạch cua, trứng cút, một ít tóp mỡ. Lại thêm một chút mắm tôm tim tím màu hoa cà, ớt xay và rau cần trụng. Tất cả nguyên liệu hòa phối tạo nên hương vị tuyệt vời. Món ăn sẽ càng ngon hơn khi bạn thưởng thức trong buổi sối se lạnh ở Buôn Ma Thuột.
2. Gà nướng Bản Đôn
Dù không phải là món ăn quá xa lạ vì đã xuất hiện ở khá nhiều khu ẩm thực, tuy nhiên gà nướng ở Bản Đôn thì lại khác. Nó nổi tiếng là món ăn ngon không thể bỏ qua khi đến vùng thủ phủ cà phê này. Gà nướng ở Bản Đôn được lựa chọn từ những con gà ta hoặc gà rừng để chế biến, do đó thịt rất dai và săn chắc. Gà được chọn nướng là loại mới lớn, độ chừng hơn một kg mỗi con. Sau khi làm xong, gà để nguyên con, có thể dần cho con gà bẹp lại rồi ướp muối ớt, nước sả và thêm ít mật ong rừng. Để ăn gà nướng ở Bản Đôn “đúng bài”, du khách phải chấm thịt gà với muối ớt hoặc muối sả.
3. Cà đắng
Trước đây cà đắng chỉ là loại cà mọc dại khá nhiều ở trên nương rẫy và rừng. Ngày nay, người dân đã đem cà về trồng trong vườn nhà và có quanh năm. Cà có gai và màu xanh sọc đốm trắng và đặc biệt là hương vị đắng đặc trưng. Người ta có thể chế biến cà đắng thành nhiều món ăn khác nhau: nấu cùng cá tươi, tép khô, cá khô hay thịt rừng. Nhiều người Ê Đê còn sử dụng cà đắng để ăn sống bằng cách giã nát ra rồi cho vào muối ớt, lá é, bột ngọt…
4. Lẩu cá lăng
Cá lăng là loại cá được tìm thấy rất nhiều ở dòng sông Sê rê Pôk. Khi ăn, thịt cá dai và ngọt chứ không bở rệt như những giống cá thường được nuôi trong hồ. Sau những buổi đi nương vất vả, còn gì hạnh phúc hơn khi được ngồi thưởng thức nồi lẩu cá lăng thơm lừng bốc khói nghi ngút. Cũng được nấu chua như canh chua của người Việt, bao gồm các loại rau thơm, dứa, cà chua, bạc hà… nhưng cá lăng luôn có hương vị rất riêng của vùng đất cao nguyên. Cắn một miếng cá ngập răng, ta vừa cảm thấy vị béo của mỡ cá, vừa tận hưởng vị ngọt dịu trong từng thớ thịt dai dai của loài sản vật sông nước này. Chấm cá lăng với nước mắm cay cay rồi hít hà trong tiết trời se lạnh thì thích phải biết!
5. Bơ sáp Daklak
Chẳng biết từ khi nào, bơ sáp đã trở thành một sản vật của Daklak. Dạo khắp các chợ trái cây ở Thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể nhìn thấy những tấm biển rao “bơ sáp DakLak”, điều này đã thể hiện được danh tiếng của giống bơ đặc biệt này ở vùng đất đỏ bazan. Khác với loại bơ khác, bơ sáp DakLak có vị béo ngậy đặc trưng, thịt bơ có màu vàng xanh mịn đều, quả có hình dáng bầu dục. Người dân DakLak dùng bơ chế biến thành nhiều thành phẩm khác nhau, trong đó không thể kể đến món bơ dầm nước mắm ăn cùng cơm nóng ngon tuyệt cú mèo. Nghe có vẻ lạ, nhưng nếu có cơ hội được trải nghiệm thử bạn mới thấy nó tuyệt đến mức nào. Múc một miếng cơm nóng đưa lên miệng nhai đều, vị ngọt của hạt ngọc trời chưa dút thì hương vj béo ngậy của bơ cùng mùi thơm của nước mắm đã khiến bạn ngây ngất, càng nhai kĩ càng thấy ngon!
6. Bánh chiên
Dù không phải đặc sản Buôn Ma Thuột nổi tiếng nhưng lại rất phổ biến với các em học sinh tại đây. Sau mỗi giờ tan trường, đám học sinh lại ùa ra cổng trường để thưởng thức món bánh nóng hổi. Bánh chiên thơm phức được cắt nhỏ, thêm chút tương ớt cay cay. Dân giã mà lại thơm ngon bất ngờ.
7. Bò nhúng me
Có lẻ chỉ nghe tên thôi đã đủ hấp dẫn vị giác. Món ăn gồm những miếng thịt bò thái mỏng nhúng trong nước me chua ngọt. Khi thưởng thức, thực khách dùng thêm cả bánh mì ăn kèm. Hương vị chua ngọt của sốt me, thơm lừng của tỏi phi và vị mềm thơm của thịt bò… Tất quả hòa quyện khiến bạn ăn mãi chẳng ngán.