Tác giả của hàng trăm truyện ngắn đã in trên báo chí và hơn ba mươi tập sách đã xuất bản, riêng phần truyện ngắn có các tập chính: Mảnh vỡ của đàn ông, Tiếng thở dài qua rừng kim tước, Tự sự 265 ngày, Bốn lối vào nhà cười, Sắp đặt và diễn, Người bên này trời bên ấy… Tác phẩm đã được dịch ra hơn mười thứ tiếng và ấn hành ở nhiều nước. Hồ Anh Thái hiện làm công tác ngoại giao ở nước ngoài.
1 Nói Bằng Lời Của Mình
“Hồ Anh Thái là nhà văn làm chủ được nhiều giọng điệu trong sáng tác, nổi bật lên là giọng điệu trữ tình trong sáng, giọng điệu tâm tình cảm thương, giọng điệu suy tư triết luận, giọng điệu hiện thực sắc lạnh và giọng điệu hài hước giễu cợt; trong đó hài hước đang là giọng điệu chủ đạo của ngôn ngữ trần thuật trong văn xuôi Hồ Anh Thái ở thời điểm hiện tại”.
2 Kịch
Tập Kịch đầu tay của của trùm tiểu thuyết và truyện ngắn Hồ Anh Thái gồm 5 vở: Chén rượu khô – Cho tôi xuống – Trong đường ngắm – Ba Sáu Chín Mười hai – Trong muốn ra ngoài muốn vào.
Nhà nghiên cứu văn học Phan Trọng Hoàng Linh gọi KỊCH là danh thiếp văn chương mới của Hồ Anh Thái – “Một nhà văn với tấm lòng đôn hậu không ngừng suy nghiệm, day dứt và phản biện cuộc đời; một nhà văn luôn ý thức về nhu cầu, trách nhiệm cần phải thể nghiệm, cách tân bút pháp qua từng tác phẩm”.
“Sự kết hợp nhuần nhị giữa màu sắc hiện thực và màu sắc tượng trưng, giữa những tấn kịch đời gần gũi đây đó quanh ta với những đường nét ảo hóa đầy ngoa dụ, hài hước. Mỗi kịch bản của Hồ Anh Thái trở thành bức tranh đa khảm được ghép nối từ nhiều mảnh nhỏ hiện thực.
Những mẩu chuyện đời sống hấp dẫn mang lại sự hấp dẫn đầu tiên. Ngôn ngữ tác phẩm luôn gần gũi với màu sắc hóm hỉnh, vui nhộn mang âm hưởng dân gian. Tác giả còn thường lồng vào cốt truyện kịch những trò chơi, những lễ rước, mẩu chuyện ngụ ngôn… đầy chất bông đùa. Nhiều yếu tố hài hước, tiếp tục mạch giễu nhại độc đáo trong các tiểu thuyết gần đây.
Kịch văn học của Hồ Anh Thái đầy tính thời sự, sinh động và tính hài, tiếng cười ở đây không phải tiếng cười trào phúng, mà là tiếng cười carnaval- khiến cả tập sách có thể ‘thỏa mãn nhiều ngưỡng tiếp nhận’ ”.
Mỗi vở kịch của anh đều chẳng bao giờ chịu đóng khung trong một chủ đề, một “chuyện”. Nó lan man và tung tóe với mọi “chuyện”: chuyện thời thế, chuyện cuộc đời, chuyện cõi người, chuyện trong nhà và ngoài phố, chuyện công sở và tư phòng, chuyện quốc gia và quốc tế, chuyện sống và chết của mỗi kiếp nhân sinh… Chẳng phải những chuyện gì xa lạ, nhưng đọc, ta cứ có cảm giác như đang chứng kiến một thế giới lần đầu tiên được “bóc vỏ”. Nó sinh động lạ thường bởi vô vàn những tình huống đời sống vừa hiện thực vừa phi lý, vừa cụ thể vừa khái quát; bởi dày đặc những tình huống ngôn từ được dựng lên qua giễu nhại và phóng đại – Nhà phê bình Hoài Nam
3 SBC Là Săn Bắt Chuột
SBC là săn bắt chuột là tiểu thuyết mới nhất của nhà văn – nhà ngoại giao – tiến sĩ Văn hóa phương Đông Hồ Anh Thái. Mở đầu là một trận lụt. Kết thúc bằng một trận hạn hán. Bối cảnh là một thành phố lớn. 11 chương giữa mang nội dung chính xoay quanh chuyện tiêu diệt chuột.
Bằng ngòi bút tài hoa của mình tác giả đã tái hiện bức tranh hiện thực huyền ảo về cuộc chiến giữa Chuột và Người với tất cả sự thô lậu, xấu xa hiện hữu trong cuộc sống được thể hiện bằng giọng văn giễu cợt, trào lộng, hài hước sâu cay đầy lôi cuốn.
4 Hướng Nào Hà Nội Cũng Sông
Cuốn tiểu luận của Hồ Anh Thái viết về đô thị và Hà Nội, ghi nhận lại những gì Hà Nội có và mới có, đã có, đang và đã mất, qua nhân vật trung tâm là con người – người ở Hà Nội. Những câu chuyển kể được nhìn bằng con mắt khe khắt, nhưng đầy lo lắng, cũng là cái tình của anh đối với một chốn mà mình yêu thương: cần phải thế nào để có thể yên tâm và tự hào.
Tác giả cố gắng giải mã những sự kiện nghe như chuyện lạ, cũng như đưa ra cách hiểu về cuộc đời và con người. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại và tính cách người ở Hà Nội hiện diện như thế nào từ góc nhìn của nhà văn, đặc biệt là một nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu văn hóa đã từng trải qua nhiều bối cảnh sống: chiến tranh, bao cấp, hòa bình, đổi mới, nông thôn và thành phố, trong nước và năm châu, đọc cuốn sách này sẽ thấy, một cách trào lộng nhưng thâm thúy, và hơn thế, là những phân tích một cách tỉ mỉ sau cái nhìn bao quát. Không như lời phê phán, xoi mói, mà thành là một bài học nhẹ nhàng nhanh nhớ khó quên.
Tác giả đã chọn điểm nhìn so sánh giữa đất nước, con người, đô thị, người quản lý với những gì là chuẩn mực bấy lâu – được gọi là nền nã truyền thống, và cái tự do thực dụng trong khuôn khổ của một thế giới phẳng. Một so sánh tưởng chừng cũ kỹ, nhưng mở ra được rõ ràng, sắc nét đâu là nét văn hóa cần có của một con người, và rộng hơn, của một xã hội người. Tri thức, cách xử sự với nhau, đạo đức ở đời với nhau, và với công việc.
Cuốn sách còn có thể coi như một ghi chép đặc biệt chuyện của một thời, vốn được viết từ năm 2008, in lần đầu 2009, nhưng cho đến nay vẫn còn nguyên cảnh báo, như mới.
5 Dấu Về Gió Xóa
Bối cảnh câu chuyện xảy ra trên một hòn đảo có nhiều điều huyền bí tên là Đảo xanh – Green Land. Lạ lùng đặc biệt nhất là các nhân vật của đảo.
Một giáo sư người Việt, Chàng, nàng và cuộc tình tay ba mà vui vẻ đúng nghĩa. Giáo sĩ và lời tự nguyền im lặng không nói, chỉ viết, và không dùng tay trái, là người có khả năng xem bói xem tướng, từ vua đến dân đều thích mê. Và Anh, nhân vật chính.
Thêm vào đó là một ông chủ tiệm ăn người Mỹ đang đi tìm tung tích cựu tổng thống John F. Kennedy, vốn là thần tượng của mình, nghe đâu chưa chết vì bị ám sát…
Rơi vào hoàn cảnh phải xóa sạch quá khứ, đây là những con người mà lai lịch không thể nào kiểm chứng được. Họ không còn lối trở về với người thực của mình, cũng không có đường về lại với những gì mà họ bỏ lại đằng sau.
Sự thật và dối trá, tình yêu và hận thù, tình bạn và quyền lợi dân tộc, tôn giáo và thế tục, lý tưởng và lòng tham… hội lại trong một môi trường khiến tất thảy phải phát lộ.
Chuyện thế sự, những đối tượng muôn thuở của văn chương đậm đặc trong Dấu về gió xóa, nhưng được viết hoàn toàn khác với bestseller SBC là săn bắt chuột mới đây của Hồ Anh Thái, đòi bạn phải đọc từ tốn, chầm chậm, cho đến trang cuối cùng.
6 Tự Kể
Những mẩu ngăn ngắn, những câu chuyện kể rù rì, thủng thẳng, ghép lại như bức tranh liên hoàn, hay như cuốn phim thời sự hấp dẫn về thời chiến tranh, thời bao cấp nghèo khổ mà không thấy khổ. Tưởng là chỉ kể thế thôi, nhưng hiện lên cả một thời, cả một đời người, và bao nhiêu chuyện khác nữa đằng sau con chữ.
Theo nhà văn Lê Minh Khuê sau khi đọc mấy mẩu rải rác này, nói, phải đi xa người ta mới viết được như thế, những chuyện của một thời vất vả này trở nên có nét lãng mạn. Cuộc sống đã từng như thế đấy.
Một cuốn sách mang những kỷ niệm của một người thành kỷ niệm chung của nhiều người.