Top 6 địa điểm mà bạn nên ghé thăm khi đặt chân đến Tây Ninh

0
1343
Vật Phẩm Phong Thủy

Từ lâu, Tây Ninh đã nổi tiếng với nhiều địa danh lịch sử đặc sắc, danh lam thắng cảnh đẹp và vô số khu vui chơi thú vị. Và top những địa điểm du lịch Tây Ninh dưới đây sẽ giới thiệu chi tiết cho du khách những điểm đến nổi tiếng mà không ai có thể bỏ qua khi đến tham quan thành phố xinh đẹp này.

1. Tòa Thánh Tây Ninh
Từ chánh môn, đi theo con đường dẫn thẳng về phía đông sẽ đến trung tâm khuôn viên của tòa thánh. Tại đây có 3 bảo tháp – nơi thờ ba vị: Đức Hộ Pháp, Đức Thượng Phẩm và Đức Thượng Sanh. Qua các tháp là sân Đại Đồng Xã, nơi có tượng Thái tử Siddharta cưỡi ngựa tìm Đạo, theo sau là người hầu cận Channa. Tiếp theo là Cửu Trùng Thiên (nơi đặt di cốt của các chức sắc đạo Cao Đài được phong từ bậc Tiên trở lên) có hình bát quái với 9 bậc và được sơn ba màu vàng, xanh, đỏ. Gần đó là cây bồ đề cổ thụ do Đại đức Thera Narada mang từ Ấn Độ sang tặng Tòa thánh vào năm 1953. Cách cây bồ đề không xa là hai khán đài – một ở phía đông gọi là Đông khán đài và một ở phía tây gọi là Tây khán đài – nơi tín đồ hành hương và du khách về xem rước Cộ mẫu vào 2 kỳ Đại lễ mỗi năm.

Qua khuôn viên, du khách sẽ tới tòa thánh. Nhìn tổng thể, tòa thánh mang hình tượng Long Mã bái sư – là con vật linh huyền thoại mang Hà đồ trên mình, gợi ý cho vua Phục Hy (người đầu tiên trong ba vị vua huyền thoại của Trung Quốc cổ) vẽ nên Bát Quái Tiên Thiên. Với chiều dài 97,5m, chiều rộng 22m, tòa thánh mang những đặc trưng tiêu biểu cho kiến trúc đền, chùa của tôn giáo Cao Đài, thể hiện sự hài hoà giữa mỹ thuật Á Đông và phương Tây. Chung quanh tòa thánh, cả bên trong và bên ngoài, có tất cả 156 cột tròn lớn nhỏ để chống đỡ các mái hiên ở hành lang.

Mặt tiền tòa thánh là khu vực Hiệp Thiên Đài như đầu Long Mã nhìn thẳng về phía tây. Hai bên lối vào tòa thánh là lầu chuông (bên trái) có tên Bạch Ngọc Chung Đài và lầu trống (bên phải) có tên Lôi Âm Cổ Đài. Cả hai lầu đều cao 27m, bao gồm 6 tầng với chiều cao khác nhau. Lối vào chính của tòa thánh có tên Tịnh Tâm Đài như miệng Long Mã hả ra. Phía trên Tịnh Tâm Đài có một bao lơn xây hình bán nguyệt, tên là Lao Động Đài. Trên Lao Động Đài là Phi Tưởng Đài hay Thông Thiên Đài như cái trán của Long Mã với 2 cửa được coi như hai con mắt của Long Mã. Phía ngoài Thông Thiên Đài được đắp nổi biểu tượng Thiên Nhãn. Qua 5 bậc thềm của Tịnh Tâm Đài là khu vực Tịnh Tâm Điện. Tầng trên của Tịnh Tâm Điện là lầu Hiệp Thiên Đài – nơi thờ 15 vị chức sắc cao cấp: Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh và 12 vị Thời Quân.

2. Hồ Dầu Tiếng
Vị trí địa lý của hồ Dầu Tiếng tiếp giáp 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước, trong đó lưu vực chủ yếu nằm trên địa phận huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Đây là một biển nước mênh mông do con người tạo ra để hình thành nên một công trình thủy lợi quan trọng ở Miền Nam.

– Hồ Dầu Tiếng được khởi công xây dựng vào ngày 29/4/1981 và hoàn thành vào ngày 10/1/1985, lúc bấy giờ đã huy động gần hết lượng thanh niên ở tỉnh Tây Ninh tham gia đào hồ. Diện tích mặt hồ lên đến 270 km² và bao gồm 45,6 km² đất bán ngập nước, dung tích chứa 1,58 tỷ m³ nước.

– Công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng có một đập xả lũ ra đầu nguồn sông Sài Gòn, và hai dòng kênh Đông, kênh Tây phục vụ tưới tiêu cho những cánh đồng mì, mía, lúa không chỉ ở Tây Ninh mà còn ở Củ Chi (TPHCM). Đây cũng là nguồn cung cấp cho các nhà máy lọc nước xung quanh.

3. Rừng Chàng Riệc
Theo chân các hành trình du lịch Tây Ninh, du khách có thể tận dụng thời gian để tham quan Rừng Chàng Riệc. Rừng nằm trong địa phận đường 793, ấp Bàu Bền, xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Rừng Chàng Riệc nằm ở khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia. Điểm đến cách thành phố Hồ Chí Minh hơn 100 km với đường xuyên rừng cả 20km. Du khách khi đi qua khỏi đồn biên phòng Xa Mát, xuyên qua các cánh rừng già với những cây cổ thụ to hai, ba vòng tay người ôm, sẽ thấy những tán cây cây cổ thụ rợp bóng thật ấn tượng. Những cây này ngày trước đã như chiếc ô che chở cho bộ đội. Lúc giặc Mỹ cày xới vùng đất này bằng đạn bom, thì dưới những cánh rừng tán cây này, bộ đội ta di chuyển qua nước bạn và khi đã thôi khói lửa, thì quân ta lại trở về.
Ấn tượng nhất là câu nói của đồng chí Võ Văn Kiệt khi về thăm lại nơi đây là “Tại khu rừng biên giới này, mỗi khi Mỹ “cày” bom bên này thì bộ đội ta chuyển sang khu rừng bên kia phía nước bạn và ngược lại, nếu bên kia bị giội bom, quân ta lại trở về “R”. Đúng là “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Có thể nói Rừng Chàng Riệc đã trở thành khu căn cứ quan trọng trong các cuộc kháng chiến. Tiêu biểu là Trung ương Đảng đã chọn Chàng Riệc làm căn cứ chỉ đạo cuộc kháng chiến và nhiều đồng chí nòng cốt của Đảng đã từng đến đây làm việc như Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Trần Nam Trung…

4. Núi Bà Đen
Núi Bà Đen còn có tên gọi khác là núi Vân Sơn do ngọn núi quanh năm có mây bao phủ. Núi Bà Đen gắn với truyền thuyết về một người con gái nhan sắc mặn mà, có nước da bánh mật tên là Lý Thị Thiên Hương. Người yêu cô là Lê Sỹ Triệt, quê ở Quang Hóa (tức huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh ngày nay), có tài cao, chí lớn, nên đã lên đường phò Nguyễn Huệ giữ nước.
Nằm rải rác từ chân núi lên đến đỉnh núi Bà Đen là một quần thể kiến trúc gồm điện, chùa, miếu, tháp… phản ánh những đặc trưng của văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Trong đó, nổi bật là chùa Bà Đen (Linh Sơn Tiên Thạch tự) hay còn gọi là chùa Thượng và Điện Bà, nơi đặt bức tượng Bà Đen bằng đồng. Chùa Bà Đen được trùng tu và khởi dựng lại vào năm 1997. Đặc biệt, chùa còn giữ hai cột đá xanh được tạc thời Tổ Tâm Hòa (1919) ở tiền đường, mỗi cột cao 4,5m, đuờng kính 0,45m, chạm hình rồng uốn lượn rất đẹp. Bên cạnh chùa là Điện Bà được xây dựng dựa vào thế núi từ một mái đá tự nhiên nhô ra tạo thành am động. Vòm mái của Điện Bà cao 2,5m và gian nhà thờ nhân tạo phía trước dài 8m.

Ngoài ra, trên núi còn có một số ngôi chùa khác như: chùa Phật với tượng Phật nhập Niết bàn, chùa Hang (Linh Sơn An Phước tự), chùa Hạ, chùa Trung (Linh Sơn Phước Trung tự), chùa Vân Sơn. Đan xen với hệ thống chùa là rất nhiều hang động được các tăng ni, phật tử sửa chữa làm nơi thờ tự như: động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà, hang Gió… Dưới chân núi là Khu Du lịch Văn hóa núi Bà với nhiều khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, nhà nghỉ.

5. Khu du lịch Ma Thiên Lãnh
Thung lũng Ma Thiên Lãnh nằm ở xã Thạnh Tân, thị xã Tây Ninh, nơi đây được tạo thành bởi 3 ngọn núi là núi Bà Đen, núi Heo, núi Phụng với hàng trăm ha rừng nguyên sinh cùng những dòng suối nhỏ nằm sâu trong núi. Ma Thiên Lãnh đã được ví là Đà Lạt của miền Đông Nam Bộ, đồng thời đây cũng trở thành điểm du lịch hấp dẫn của Tây Ninh thu hút đông đảo du khách ghé thăm.

Nơi đây khung cảnh thiên nhiên vẫn còn khá hoang sơ, dưới chân núi là những ngôi nhà nhỏ thấp nép mình bên những dãy núi cao hùng vĩ. Từ trên đỉnh núi, du khách có thể ngắm cảnh sắc thiên nhiên non nước của thị xã Tây Ninh.

6. Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát
Vườn quốc gia Lò Gò nằm giáp ranh giới giữa Việt Nam và Campuchia và thuộc địa phận của ba xã là Hòa Hiệp, Tân Lập và Tân Bình của huyện Tân Biên.Nơi đây đã từng được sử dụng làm căn cứ địa cách mạng. Ngày nay, vườn quốc gia còn lưu giữ lại nhiều di tích lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN