Top 10 nghề ngành văn hóa nghệ thuật hot nhất hiện nay

0
2763
Vật Phẩm Phong Thủy

Chọn ngành, chọn nghề là câu chuyện muôn thuở của nhiều bạn trẻ khi đứng trước ngưỡng cửa đại học, là trăn trở của nhiều thế hệ. Trong thời đại có nhiều biến động như hiện nay, lựa chọn cho mình một ngành nghề đã không dễ, xác định con đường sự nghiệp lâu dài còn khó khăn hơn. Để giúp các bạn trẻ và các ứng viên có nhu cầu tìm việc Mạng Việc Làm xin giới thiệu các nghề hot thuộc ngành văn hóa nghệ thuật

1 BẢO TÀNG HỌC
Đây là hoạt động quan trọng, có tác dụng thúc đẩy toàn bộ các hoạt động khác của bảo tàng. Người làm công tác nghiên cứu trong ngành này cần xây dựng hệ thống lý luận, phương pháp hoạt động thực tiễn cũng như các hình thức hoạt động nghiệp vụ tương ứng với lĩnh vực trưng bày, định hướng của bảo tàng.

Công tác sưu tầm hiện vật

Đây là khâu đảm bảo cho sự ra đời, tồn tại, phát triển và khả năng thu hút khách tham quan đến với bảo tàng. Sau khi tài liệu, hiện vật được nghiên cứu, xét chọn kỹ, có hồ sơ lý lịch, ghi chú đầy đủ thì sẽ được công nhận là hiện vật bảo tàng và được nhập vào kho cơ sở của bảo tàng. Người làm công tác sưu tập hiện vật cần phải có kiến thức sâu rộng cùng tinh thần trách nhiệm cao, sự tỷ mỷ, trung thực khi tác nghiệp để xác định đúng giá trị của hiện vật.

Công tác kiểm kê khoa học

Công tác này dựa trên ba nhiệm vụ: kiểm kê để bảo quản hiện vật, xác định và phát hiện ra ý nghĩa lịch sử, khoa học và nghệ thuật của chúng; tạo điều kiện để hiện vật được sử dụng một cách rộng rãi nhất. Công việc của nhân viên kiểm kê ở bảo tàng gắn liền với biểu mẫu, phiếu phích, biên bản giao nhận, các loại sổ đăng ký và hệ thống quản lý dữ liệu trên máy tính.

Công tác bảo quản, phục chế hiện vật

Giữ gìn sự toàn vẹn của các di sản văn hoá ở bảo tàng. Mỗi loại hiện vật phải có một phương pháp bảo quản, phục chế riêng phù hợp với nó. Vì vậy, khi tổ chức bảo quản phải tính đến đặc điểm vật lý – hoá học, chất liệu cũng như kỹ thuật chế tác, đời sống của hiện vật trước khi đến với bảo tàng, với mục đích giữ gìn hiện vật được nguyên dạng. Cán bộ bảo quản, phục chế hiện vật phải có những hiểu biết đầy đủ về kỹ thuật chuyên môn, khéo tay, có khả năng làm công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và tính chính xác cao.

Công tác trưng bày

Tổ chức sắp xếp và trình bày hiện vật theo hệ thống các chủ đề, sử dụng trang thiết bị cần thiết để làm toát lên ý tưởng, thông điệp mà bảo tàng muốn truyền đạt tới công chúng. Trưng bày thế nào cho hợp lý, dễ theo dõi, thông tin cô đọng và có tính thẩm mỹ là những thách thức không nhỏ đối với người làm công tác trưng bày. Họ phải có cả kiến thức sâu rộng và năng khiếu về mỹ thuật.

Công tác giáo dục và công chúng

Công tác này thể hiện chức năng giáo dục khoa học của bảo tàng, gồm nhiều hình thức: hướng dẫn tham quan; xây dựng và tổ chức các chương trình giáo dục, chương trình biểu diễn cho các lứa tuổi khác nhau; tổ chức báo cáo khoa học, nói chuyện chuyên đề; thực hiện các ấn phẩm liên quan đến hoạt động của bảo tàng.

Người thuyết minh trong bảo tàng phải có giọng nói dễ nghe, ngoại hình ưa nhìn, kỹ năng giao tiếp tốt, kiến thức sâu rộng và chính xác về các sự kiện lịch sử, có khả năng làm việc dưới áp lực cao.

2 NGHỀ BIÊN KỊCH
Biên kịch là: viết kịch bản cho sân khấu, phim, phát thanh, truyền hình và các sản phẩm truyền thông khác. Những kịch bản này có thể bắt nguồn từ ý tưởng của chính nhà biên kịch hoặc được chuyển thể từ các tác phẩm văn học.

Đầu tiên, nhà biên kịch hình thành ý tưởng, nghiên cứu, thu thập tư liệu về một đề tài chủ đề (do anh ta tự nghĩ ra hoặc theo đặt hàng). Sau đó, anh ta lên khung và tổ chức chất liệu, sáng tác hoặc chuyển thể tác phẩm văn học thành kịch bản, bao gồm phần thoại, mô tả nhân vật, cử chỉ, vận động bối cảnh, kèm theo các thông tin cần thiết cho nhà sản xuất, đạo diễn, nhà quay phim…

Hoàn thành kịch bản, nhà biên kịch chuyển kịch bản cho đoàn làm phim để cùng nhận xét, đánh giá, sửa lại kịch bản nếu cần. Nhiều khi biên kịch phải sửa lại kịch bản vài lần cho phù hợp.

Tố chất cần thiết của một nhà biên kịch là khả năng sáng tác tác phẩm văn học; sự hiểu biết về điện ảnh; khả năng làm việc dưới áp lực, độ căng về thời gian

3 NGHỀ DIỄN VIÊN
Diễn viên là: thể hiện nhân vật trong các bộ phim, kịch sân khấu và các chương trình nghệ thuật khác cho nhà hát, xưởng phim, đài phát thanh – truyền hình và các phương tiện truyền thông khác. Bằng ngôn ngữ cơ thể, cử chỉ, giọng điệu, gương mặt…, họ biến những nhân vật tưởng tượng trong kịch bản thành con người thật, đầy sống động trong tác phẩm kịch, điện ảnh, truyền thanh…

Công việc chính của diễn viên là tham gia thử vai trong tác phẩm; nghiên cứu kịch bản để hiểu vai diễn, học thuộc lời thoại, cử chỉ, động tác dưới sự hướng dẫn của đạo diễn; hóa trang phù hợp và thể hiện vai diễn trong tác phẩm điện ảnh.

Diễn viên thường xuyên rèn luyện cơ thể, giọng nói, tập biểu hiện xúc cảm… để biểu diễn tốt hơn. Đôi khi, do yêu cầu của vai diễn, họ có thể phải tập vũ đạo, tập võ v.v…

Khác với những nghề nghiệp “công sở”, công việc của diễn viên không mang tính chất ổn định và lặp lại, cũng không có giờ làm cố định. Nghề diễn viên khi công việc dồn dập, khi lại “ngồi chơi xơi nước”. Không ít khi họ phải làm việc ngoài trời dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Những phẩm chất cần thiết cho người diễn viên là ý chí quyết tâm, khả năng tưởng tượng và biểu hiện xúc cảm tốt, chủ động, sáng tạo, ứng biến linh hoạt, có khát vọng thể hiện bản thân, có trí nhớ tốt, khả năng làm việc dưới áp lực lớn, công việc vất vả. Sự chăm chỉ, tận tụy cũng là một yếu tố không thể thiếu để thành công trong nghề này.

4 NGHỀ DỰNG PHIM
Người dựng phim là: quyết định về việc biên tập lại các đoạn phim, cắt hoặc ghép các cảnh với nhau phục vụ cho việc diễn tả tâm trạng, tốc độ và cao trào của phim v.v… Đầu tiên, người dựng phim xem các đoạn phim để phân tích, đánh giá và chọn các cảnh, các phân đoạn, từ đó quyết định cảnh nào cần được phát triển, cảnh nào cần quay lại. Anh ta cắt bớt các đoạn, cảnh phim để đảm bảo độ dài của phim và sắp xếp các cảnh quay theo thứ tự để đảm bảo tính hiệu quả tối đa của bộ phim. Người dựng phim kết hợp với các chuyên gia khác biên tập phần âm nhạc và các hiệu ứng, kỹ xảo hình ảnh.

Người dựng phim làm việc trong các hãng sản xuất phim, công việc căng thẳng, thường xuyên phải làm ngoài giờ cho kịp tiến độ. Nghề này đòi hỏi khả năng cảm nhận nghệ thuật tinh tế, kiên nhẫn và tỉ mỉ cũng như khả năng làm việc theo nhóm.

5 NGHỀ KHẢO CỔ HỌC
Nghiên cứu, tìm kiếm những điểm khảo cổ, tổ chức khai quật tại những điểm khảo cổ đã được thiết lập, thực hiện các phương pháp bảo vệ địa điểm khảo cổ, làm sạch và phân loại hiện vật tìm thấy tại các điểm khảo cổ. Sau đó, bằng một hệ thống các phương pháp kỹ thuật khác nhau (về cả vật lý và hoá học), nhà khảo cổ nghiên cứu, làm sáng tỏ các hiện vật tìm thấy để đưa ra những đánh giá kết luận về mặt lịch sử.

Cuối cùng, họ lập tài liệu về những thông tin thu thập được, ước định về tính chính xác của tư liệu, tư vấn cho các cá nhân hoặc tổ chức về giá trị khảo cổ và khoa học của hiện vật cổ cùng với những phương pháp bảo tồn, phục chế cần thiết.

Một nhà khảo cổ thường chuyên môn hoá về một lĩnh vực nào đó của khảo cổ, chẳng hạn chuyên về một khu vực hay một giai đoạn trong lịch sử v.v…

6 NGHỀ MC (MASTER OF CEREMONIES)
MC vốn là nghề không có khoa trường nào đào tạo chính thức, và các chương trình truyền hình hiện nay đang thiếu những MC giỏi. Đã có rất nhiều bạn săn đuổi bằng được các MC nổi tiếng, thuyết phục họ mở lớp dạy riêng cho một nhóm người trẻ, nhưng khi nhận được những cái lắc đầu, họ cũng không nản chí.

Tuy vậy, nghề MC đòi hỏi bạn có nhiều kĩ năng và vốn kiến thức phong phú để có thể đảm nhận nhiều vị trí. MC đôi lúc là người biên tập chương trình, là người thiết kế sáng tạo cho chính chương trình của mình chứ không đơn giản là học thuộc lời và đứng nói như cái máy.

7 NGHỀ NHIẾP ẢNH
Ngày nay, nghệ thuật nhiếp ảnh thâm nhập vào hầu hết các lĩnh vực trong cuộc sống. Trong bảo tàng, những bức ảnh chỉ xếp sau những tác phẩm hội họa. Ảnh đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực báo chí, xuất bản, quảng cáo v.v… Chụp ảnh là việc sử dụng máy ảnh và ánh sáng ghi lại hình ảnh của đối tượng nhiếp ảnh trên phim hoặc trên máy ảnh kỹ thuật số.

8 NGHỀ PHỤC CHẾ
Nghề Phục chế đặc trưng bởi ba yếu tố: một phần nghệ thuật, một phần khoa học và một phần tâm linh. Tuỳ vào đối tượng phục chế mà công việc của nhà phục chế rất khác nhau. Tuy nhiên, công việc chung của anh ta là:

– Quan sát, nghiên cứu và ghi chép đầy đủ những đặc điểm về mặt lịch sử, công nghệ chế tạo… của đối tượng phục chế, các hư hỏng nhận thấy bằng mắt thường và qua máy kiểm tra.

– Thảo luận kỹ lưỡng với những người chịu trách nhiệm với đối tượng cần phục chế đó về các yêu cầu, phương pháp phục chế cần thiết v.v…

– Tiến hành các phương pháp phục chế bằng nhiều kỹ năng nghiệp vụ khác nhau: giữ nguyên, gia cố đối tượng, làm sạch, loại bỏ các chất gây hại có trên đối tượng, bổ sung và định dạng lại các chi tiết bị thiếu, kiểm tra và chống lại các vi sinh vật gây hại cho đối tượng v.v…

– Lập tài liệu về đối tượng phục chế (có kèm hình ảnh trước và sau phục chế).

– Chăm sóc, bảo quản và thực hiện các biện pháp phòng ngừa

– Tư vấn về bảo quản và phục chế, vận chuyển

– Nghiên cứu kỹ thuật và phương pháp phục chế v.v…

Đối tượng phục chế rất đa dạng, bởi vậy nhà phục chế thường chuyên sâu vào một số loại đối tượng như: các tác phẩm hội họa, tượng và kiến trúc có cấu tạo từ đá, giấy, các tác phẩm lưu trữ và tác phẩm thư viện, ảnh, phim và các thiết bị tư liệu hiện đại v.v…

9 NGHỀ QUAY PHIM
Người quay phim là: người điều khiển các máy quay ở trường quay để ghi hình bộ phim.

Nhà quay phim thảo luận với đạo diễn về các ống kính sề sử dụng, các góc quay…; chọn và lắp ráp các thiết bị quay và phụ kiện đi kèm; kiểm tra âm thanh và ánh sáng; xem các cảnh qua kính ngắm, chỉnh ống kính và ghi lại hình ảnh; luôn điều khiển thiết bị trong quá trình quay, đảm bảo việc quay có hiệu quả chuyển máy quay và điều chỉnh phù hợp với cảnh quay tham khảo ý kiến các kỹ thuật viên khác như kỹ thuật viên ánh sáng hoặc âm thanh để đạt được kết quả mong đợi. Anh ta cũng giám sát các trợ lý quay trong quá trình sản xuất phim.

Người quay phim làm việc với tư cách một thành viên trong đoàn làm phim và thường phải làm việc liên tục bất kể ngày đêm hay kỳ nghỉ. Họ cũng đi lại rất nhiều tới các điểm quay khác nhau.

Tố chất cần thiết cho nhà quay phim là cảm nhận tốt về hình ảnh, óc tưởng tượng phong phú, sáng tạo, tính kỷ luật, sự kiên nhẫn, khả năng làm việc dưới áp lực cao.

10 NGHỀ THIẾT KẾ
Công việc của nhà thiết kế rất đa dạng, tùy thuộc vào lĩnh vực thiết kế. Tuy nhiên, về cơ bản, để hoàn thành công việc của mình, nhà thiết kế thường:

– Xác định nhu cầu, thị hiếu của khách hàng.

– Nghiên cứu những đặc tính của sản phẩm như kích cỡ, hình dáng, trọng lượng, màu sắc, chất liệu sử dụng, giá cả, độ tiện dụng, an toàn v.v…

– Phác thảo hình dáng chung của sản phẩm

– Tham khảo ý kiến của khách hàng rồi xây dựng bức vẽ chi tiết, mô hình thực hoặc mô hình trên máy vi tính.

– Ngày nay, các nhà thiết kế thường sử dụng các phần mềm hỗ trợ thiết kế giúp lược bớt thao tác, lại có thể thay đổi linh hoạt, tiết kiệm chi phí và thời gian.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN