Với nhiều đứa trẻ việc học hành này giống như một nghĩa vụ chứ không phải là việc đem lại sự thích thú hay có ý nghĩa. Để trẻ biết nhận thức đúng đắn về việc học tập và khuyến khích con học tốt, bố mẹ có thể tham khảo 7 mẹo dưới đây.
1. Chuẩn bị tâm lý học tập
– Hãy giúp trẻ thực hiện một lịch hoạt động trong ngày, trong đó xác định rõ ràng thời gian học tập tại nhà mỗi ngày. Trước khi bước vào giờ học trẻ phải đánh dấu vào việc đã làm để thấy rõ là sau việc này sẽ đến giờ học.
– Tạo sự thoải mái, vui vẻ, không tạo những tình huống hay thông tin chi phối sự tập trung của trẻ trước giờ học như không la mắng các sai phạm (nếu có) của trẻ, không nói về buổi đi chơi cuối tuần hay một chương trình, một bộ phim hay…
2. Xác định mục tiêu học tập
Đặt mục tiêu rõ ràng cho buổi học, trả lời được các câu hỏi:
– Hôm nay học những bài gì: Ghi rõ tiêu đề bài học.
– Mục tiêu học hôm nay: Học bao nhiêu trang, làm bao nhiêu bài tập.
– Bài học có thể chia làm 2-3 phần (nếu dài) hay không?
3. Tuyệt đối không bênh con khi con bị cô la
Các bố mẹ đương nhiên sẽ xót con vô cùng vì nó bị mắng, nhưng con sẽ ngoan hơn với lời mắng của cô giáo. Kể cả trong trường hợp con bị trù dập thì việc đó cũng rất tốt cho con. Bởi vì sau này ra đời, sẽ còn vô khối người trù dập con. Để con có sức đề kháng về việc này và biết cách xử trí, một năm học bị trù dập trong trường học thật có nhiều giá trị.
4. Tuyệt đối không so sánh hoặc lấy ai đó làm gương khi giáo dục con. Đấy là sự xúc phạm nhân cách nặng nề
Con là con, con sẽ có nhiều điểm dở nhưng cũng vô khối điểm ưu. Con sẽ có mặt mạnh khác nữa. Vì thế, khi khen ngợi con, hãy khen ngợi sự phấn đấu của con, tiến bộ của con, chứ đừng khen ngợi điểm số. Cách khen này sẽ khiến con hào hứng hơn nhiều.
5. Điều chỉnh bài vở theo năng lực của trẻ
Để giúp trẻ tự học một cách hiệu quả, cha mẹ cần hiểu năng lực thực sự của con mình đã đạt được chuẩn kiến thức chưa? Nếu đã hoàn thành xuất sắc, cần tăng thêm bài tập ở nhà hoặc giải các bài nâng cao.
Trường hợp con bạn chưa đạt được chuẩn, không nên ép con học quá sức, cũng không nên giao nhiều bài tập mà chỉ tập trung vào những bài cơ bản nhất để trẻ tiếp thu được kiến thức.
6. Cho trẻ tham gia các hoạt động xã hội
Cha mẹ nên cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi dã ngoại cùng với gia đình hoặc với bạn bè để trẻ vừa thư giãn vừa học hỏi những kiến thức ngoài sách vở.
Cha mẹ cũng nên để trẻ trồng cây xanh, tham gia các lớp ngoại khóa để tăng kỹ năng giao tiếp xã hội, kỹ năng đội nhóm…
7. Tạo góc học tập yên tĩnh
Trẻ thường kém tập trung nếu nơi bé ngồi học quá ồn ào hoặc bừa bãi. Mẹ và bé hãy cùng dọn dẹp phòng ốc ngăn nắp, tập sách sắp xếp gọn gàng, cất bút viết bỏ vào hộp và dọn dẹp hết sách báo cũ.