Top 6 viện bảo tàng lịch sử lớn và nổi tiếng nhất ở Việt Nam

0
1625
Vật Phẩm Phong Thủy

Đến thăm các bảo tàng lịch sử trong dịp Lễ là một lựa chọn rất hay. Không những mở mang kiến thức mà còn giúp bạn tự hào và thêm yêu Tổ Quốc.

1 Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội)

Bảo tàng được xây dựng theo nguyện vọng của nhân dân Việt Nam nhằm tỏ lòng biết ơn và đời đời ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quyết tâm học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, hữu nghị và hoà bình với nhân dân thế giới.
Bảo tàng Hồ Chí Minh khánh thành còn là kết quả đóng góp của nhiều ngành, nhiều địa phương thể hiện tấm lòng của nhân dân cả nước đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vô vàn kính yêu và sự quan tâm đến giáo dục tấm gương của Người cho mọi thế hệ người Việt Nam mai sau.
Tòa nhà bảo tàng là khối hình vuông vát góc, đặt chéo, cao gần 20m, mỗi chiều dài 70m mang biểu tượng một bông sen trắng thanh tao. Bốn khối hình vuông ở tầng trên cùng vừa là cánh sen, vừa là 4 khuôn cửa hướng trông ra đường Hùng Vương, nhà sàn của Bác, đường Ngọc Hà, Phố Nguyễn Thái Học.

2 Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội)

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam được thành lập ngày 3 tháng 9 năm 1958 trên cơ sở kế thừa Bảo tàng Louis Finot do người Pháp xây dựng năm 1926 và hoạt động vào năm 1932. Đây là Viện bảo tàng của trường Viễn Đông Bác cổ. Ngày ấy, đây là nơi trưng bày những đồ cổ thu thập từ các nước ở Đông Nam Á. Nǎm 1958, người Pháp bàn giao lại ngôi nhà này cho chính quyền cách mạng mới.
Bảo tàng Lịch sử là một công trình kiến trúc đẹp có diện tích trưng bày hơn 2000 m2. Hệ thống trưng bày thể hiện một cách cụ thể và sinh động quá trình phát triển của lịch sử Việt Nam. Các bạn sẽ có cơ hội khám phá lịch sử Việt Nam từ thời tiền sử.
Mở đầu là những phòng giới thiệu di tích thời tiền sử đã tìm được ở nhiều nơi khác nhau trên đất nước Việt Nam, bao gồm các di tích từ đồ đá cũ cách ngày nay hàng chục vạn năm đến thời đại đồ đá mới cách ngày nay khoảng 4000 – 5000 năm. Tiếp theo là phần trưng bày về nền văn minh của người Việt cổ ở thời các vua Hùng dựng nước.
Những di tích trưng bày phong phú sẽ tái hiện cho bạn thấy sự phát triển liên tục và rực rỡ của nền văn hoá cổ Việt Nam từ hậu kỳ thời đại đồ đồng phát triển đến sơ kỳ thời đại đồ sắt có niên đại cách ngày nay khoảng 2000 năm. Đặc sắc nhất là những hiện vật thuộc văn hoá Đông Sơn trong đó có những chiếc trống đồng tiêu biểu.

3 Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Tp.Hồ Chí Minh)

Bảo tàng lịch sử Việt Nam – thành phố Hồ Chí Minh được thành lập tháng 8 năm 1979. Tiền thân của bảo tàng này là “ Bảo tàng Blanchard de la Brosse” (từ 1929-1956) và “ Viện bảo tàng quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn” (từ 1956-1975) với nội dung trưng bày chủ yếu về mỹ thuật cổ của một số nước châu Á.
Sau ngày Miền Nam giải phóng, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP.HCM được thành lập theo quyết định 235/QĐ-UB 28.08.1979 của ủy Ban Nhân Dân TP.HCM. Hơn một phần tư thế kỷ hoạt động, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP.HCM đã sưu tầm được hơn 25.000 hiện vật. Xây dựng 10 kho bảo quản hiện vật, với diện tích 996 m2Hiện nay bảo tàng đươc mở rộng thêm và thay đổi cơ bản về nội dung hoạt động thành một bảo tàng vừa mang tính lịch sử của dân tộc vừa thể hiện các đặc trưng văn hoá của các dân tộc phía Nam và văn hóa một số nước trong khu vực để phục vụ các đối tượng công chúng và phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.
Bảo tàng được xây dựng theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp Delaval. Phần giữa tòa nhà có một khối bát giác (gợi nhớ quan niệm về bát quái của Kinh Dịch) có 2 nóc mái lợp ngó ống, có gắn vật trang trí hình phụng, hình rồng cách điệu. Trên cùng, là 4 quả cầu nhỏ dần và đặt chồng lên nhau. Vì vậy, có người cho rằng phần nóc mái này, mang nhiều yếu tố của kiến trúc cổ Trung Quốc.
Năm 1970, bảo tàng được xây dựng thêm phần phía sau một dãy nhà do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng thiết kế. Dãy nhà có hình chữ U, ở giữa là hồ cây cảnh lộ thiên, hai dãy nhà nối hai bên, sau cùng là dãy nhà ba tầng với 2 lớp mái, có gắn đầu rồng kiểu gặm trang trí ở các góc mái. Nhờ các cửa đều hướng ra hồ cây cảnh, nên phòng trưng bày khá thoáng mát và sáng sủa.

4 Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (Tp.Hồ Chí Minh)

Ngày 31/8/1858 thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược đặt ách thống trị thuộc địa lên đất nước Việt Nam. Trong gần 100 năm nhân dân Việt Nam đã anh dũng tiến hành cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Ngày 2/9/1945, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, chấm dứt ách đô hộ của thực dân Pháp, khẳng định quyền độc lập tự do của nhân dân Việt Nam. Nhưng thực dân Pháp và sau đó là đế quốc Mỹ tiếp tục tiến hành chiến tranh xâm lược, âm mưu khôi phục ách thống trị và thiết lập chế độ thực dân kiểu mới ở Việt Nam. Trong suốt 30 năm, nhân dân Việt Nam lại phải kiên cường chiến đấu với biết bao hy sinh gian khổ để bảo vệ nền độc lập tự do của mình.

Ngày 30/4/1975, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam giành thắng lợi hoàn toàn: hòa bình, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc được khôi phục.

Để lưu lại những chứng tích anh hùng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống các thế lực xâm lược, đồng thời để tố cáo những tội ác và nêu bật những hậu quả tàn khốc của cuộc chiến tranh xâm lược, ngày 4/9/1975 Nhà Trưng bày tội ác Mỹ – Ngụy được mở cửa phục vụ công chúng. Sau đó, Nhà Trưng bày tội ác Mỹ – Ngụy được đổi tên thành Nhà Trưng bày Tội ác Chiến tranh xâm lược (ngày 10/11/1990) trước khi trở thành Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (ngày 4/7/1995).
Hiện nay Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh là đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh. Nằm trong hệ thống các bảo tàng Việt Nam, các bảo tàng vì hòa bình thế giới và là thành viên của Hội đồng các bảo tàng thế giới (ICOM), Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh là Bảo tàng chuyên đề nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ, bảo quản và trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về những chứng tích tội ác và hậu quả của các cuộc chiến tranh mà các thế lực xâm lược đã gây ra đối với Việt Nam. Qua đó, Bảo tàng giáo dục công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, về tinh thần đấu tranh bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc, về ý thức chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình và tinh thần đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới.

Bảo tàng lưu giữ hơn 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh, trong đó hơn 1.500 tài liệu, hiện vật, phim ảnh đã được đưa vào giới thiệu ở 8 chuyên đề trưng bày thường xuyên. Trong 35 năm hoạt động, Bảo tàng đã đón tiếp trên 15 triệu lượt khách tham quan trong và ngoài nước. Hiện nay với khoảng 500.000 lượt khách tham quan mỗi năm, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh là một trong những địa chỉ văn hóa du lịch có sức thu hút cao, được sự tín nhiệm của công chúng trong và ngoài nước.

5 Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (Tp.Hồ Chí Minh)

Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ được tổ nghiên cứu Lịch sử Phụ nữ Nam bộ thành lập ngày 29 tháng 04 năm 1985, tọa lạc tại số 202 Võ Thị Sáu, phường 7, quận 3, Tp.Hồ Chí Minh, nơi đây là một điểm đến, một địa chỉ quen thuộc với khách tham quan trong nước, nhất là các tầng lớp phụ nữ và khách nước ngoài đến tham quan Tp.Hồ Chí Minh.

Bảo tàng có diện tích sử dụng 5.410,5 m2, một hội trường có sức chứa gần 1.000 người, hệ thống kho bảo quản trên 700 m2, diện tích trưng bày 2.000 m2 bao gồm 10 phòng trưng bày về truyền thống xây dựng và bảo vệ tổ quốc của phụ nữ Nam Bộ.

Tòa nhà của bảo tàng hiện nay có 4 tầng lầu, trong thời kỳ Việt Nam Cộng hòa là tư dinh của Nguyễn Ngọc Loan,Tổng nha Cảnh sát của Việt Nam Cộng hòa và được sử dụng là bảo tàng từ năm 1984. Ngoài khu trưng bày, bảo tàng còn có hội trường 800 chỗ, phòng chiếu phim, thư viện, kho lưu trữ.

Bảo tàng hiện quản lý 31.360 hiện vật. Trong đó có 30.431 hiện vật trong kho và 929 hiện vật đang trưng bày; 16.739 hiện vật thể khối và 14.621 phim, ảnh, tài liệu khoa học phụ các loại; gần 2/3 là hiện vật loại hình chiến tranh cách mạng với hơn 1/3 là hiện vật văn hóa bao gồm nhiều chất liệu.

Các hiện vật được chia thành 24 sưu tập theo chủ đề hoặc theo chất liệu, trong đó có 6 sưu tập hiện vật quý hiếm. Hầu hết hiện vật được bảo quản theo đúng hướng dẫn của Cục Di sản Văn hóa theo từng chất liệu với ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm thích hợp.

Hiện vật được quản lý trong máy tính theo phần mềm do Cục Di sản hướng dẫn. Mỗi năm có tiến hành xịt mối mọt, bảo quản thường xuyên và bảo quản định kỳ hiện vật. Ngoài ra, thư viện của bảo tàng có trên 11.000 đầu sách chuyên đề về phụ nữ.

6 Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội)

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nằm trên Đường Nguyễn Văn Huyên, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội, nơi đây là tổ chức sự nghiệp trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có chức năng nghiên cứu khoa học, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, phục chế hiện vật và tư liệu về các dân tộc; tổ chức trưng bày,trình diễn và những hình thức hoạt động khác nhằm giới thiệu, phổ biến và giáo dục về các giá trị lịch sử, văn hoá của các dân tộc trong và ngoài nước; cung cấp tư liệu nghiên cứu về các dân tộc cho các ngành; đào tạo cán bộ nghiên cứu, nghiệp vụ, quản lý về nhân học bảo tàng.

Ngày 24 tháng 10 năm 1995, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ngày 12 tháng 11 năm 1997, nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh các nước sử dụng tiếng Pháp họp tại Hà Nội, Bảo tàng tổ chức lễ khánh thành, với sự có mặt của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và Tổng thống Cộng hòa Pháp Jacques Chirac.

Công trình Viện Bảo tàng Dân tộc học do kiến trúc sư Hà Đức Lịnh, người Tày thiết kế. Nội thất được thiết kế bởi nữ kiến trúc sư Véronique Dollfus (người Pháp), tọa lạc trong khuôn viên rộng gần 4,5 ha, bao gồm ba khu trưng bày.

– Khu trưng bày trong tòa Trống Đồng: không gian trưng bày thường xuyên giới thiệu 54 dân tộc ở Việt Nam trải rộng trên 2 tầng của toàn nhà với sự bố trí nội dung tham quan rất logic. Ngoài ra, tại tầng hai của toà nhà Trống Đồng, du khách còn được tham quan tìm hiểu về các dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam như: Tày, Thái, H’mông, Dao,… dưới sự bố trí rất khoa học theo kiểu xuyên dọc theo đất nước.

– Thứ hai, khu trưng bày ngoài trời, được gọi là Vườn kiến trúc, rộng khoảng 2 ha, xây dựng từ năm 1998 đến 2006, giới thiệu chủ yếu 10 công trình kiến trúc dân gian của 10 dân tộc ở Việt Nam.

– Thứ ba, toà nhà 4 tầng có tên gọi Cánh diều, khởi công xây dựng tháng 6/2007, với diện tích khoảng 500 ha và khai trương trưng bày đầu tiên vào cuối năm 2013, là khu trưng bày về các cư dân ngoài Việt Nam, trước hết là các dân tộc ở Đông Nam Á.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN