Top 6 địa điểm du lịch mà bạn nên đến khi tới Hà Nam

0
1730
Vật Phẩm Phong Thủy

Từ lâu, Hà Nam đã nổi tiếng với nhiều địa danh lịch sử đặc sắc, danh lam thắng cảnh đẹp và vô số khu vui chơi thú vị. Và top những địa điểm du lịch Hà Nam dưới đây sẽ giới thiệu chi tiết cho du khách những điểm đến nổi tiếng mà không ai có thể bỏ qua khi đến tham quan thành phố xinh đẹp này.

1. Kẽm Trống
Kẽm Trống nằm giữa xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam và xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng danh thắng cấp quốc gia từ năm 1962. Được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Hà Nam và Ninh Bình, vậy mà 54 năm trôi qua kể từ ngày được công nhận danh thắng quốc gia, Kẽm Trống dần trôi vào quên lãng và có nguy cơ bị xóa sổ.
“Hai bên thì núi, giữa thì sông/Có phải đây là Kẽm Trống không” – hai câu mở đầu bài thơ của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương viết về Kẽm Trống phần nào giúp chúng ta hình dung về danh thắng này. Nằm sát Quốc lộ 1, cách thủ đô Hà Nội gần 80 km về phía Nam, Kẽm Trống được hình thành từ những dãy núi đá vôi hai bên bờ sông Đáy. Nhờ dòng nước trong xanh, núi đá soi mình xuống dòng sông khiến Kẽm Trống đẹp như một bức tranh sơn thủy.

Đứng trên cầu Khuất giáp ranh 2 tỉnh Ninh Bình và Hà Nam, chúng ta có thể phóng tầm mắt bao quát toàn bộ Kẽm Trống. Không rộng lớn mênh mông, Kẽm Trống như một nét chấm phá của tạo hóa với núi sông, đồng ruộng và cỏ cây. Cảnh sắc của trời đất và con người tạo cho khu vực này một vẻ đẹp vừa hoang sơ vừa trầm lắng.

2. Bát cảnh sơn
Quần thể di tích thắng cảnh Bát cảnh sơn nằm ở xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Từ thị xã Phủ Lý, theo quốc lộ 22 đi 13km là đến quần thể danh thắng Bát cảnh sơn (hoặc có thể đi từ Đồng Văn theo quốc lộ 60).

Xã Tượng Lĩnh được thiên nhiên ưu đãi với địa hình tự nhiên có nhiều tiềm năng phong phú. Dãy Bát cảnh sơn đứng bên tả ngạn sông Đáy, dựa lưng vào vòng cung Nam Công (Kim Bảng – Hà Nam và Tuyết Sơn, Hương Tích – Hà Tây), tạo thành thế núi hình sông kỳ thú.
Xét theo tổng thể ở phạm vi rộng thì Bát cảnh sơn là một cụm du lịch của quần thể Hương Sơn bởi hai thắng cảnh này rất gần gũi, tiếp giáp với nhau liền mạch trong dãy núi đá vôi Hà Nam – Hà Tây. Theo vị trí địa lý hành chính. Bát cảnh sơn là “tiểu thắng cảnh”, là cửa ngõ Hương Sơn, nằm trong xã Tượng Linh, nơi ngã ba của 3 huyện Kim Bảng (Hà Nam), Mỹ Đức, Ứng Hoà (Hà Tây).

3. Đền Lãnh Giang
Ðền Lảnh Giang tọa lạc trong khuôn viên có diện tích gần 3.000m­2, bao quanh là không gian xanh của vườn nhãn, đầm sen, bến nước. Cửa đền hướng ra dòng sông Hồng mênh mông sóng nước.

Sau nhiều lần tu sửa, kiến trúc đền hiện nay gồm các công trình: hồ bán nguyệt, tam quan và đền chính. Hồ bán nguyệt được trồng hoa súng đỏ, giữa hồ là ngọn bảo tháp 2 tầng và cây cầu cong tạc hình “lưỡi long hướng địa” nối bảo tháp với tam quan. Tam quan đền xây theo kiểu chồng diêm tám mái với các đầu đao cong vút đắp nổi hình đầu rồng, đan xen là mặt nguyệt, lá lật cách điệu mềm mại. Ðền chính có kiến trúc theo kiểu nội công, ngoại quốc bao gồm 3 tòa với 14 gian lớn, nhỏ. Trong đó, nổi bật nhất là tòa Trung đường được dựng theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái cong.

Ngoài kiến trúc bề thế, đền Lảnh Giang lưu giữ nhiều đồ thờ giá trị như: khám long đình, khám đặt tượng 3 vị tướng thời Hùng Vương thứ 18, kiệu bát cống long đình, sập thờ và nhiều hoành phi câu đối, nhang án…

4. Đền Trần Thương
Trần Thương là mảnh đất địa linh, trù phú như câu ca truyền đời “Cá Nhân Đạo, gạo Trần Thương” và câu thơ khắc ghi trên bức châm tại đền: “Trần Thương dư phúc địa, trà thảo tứ thời xuân” (đất Trần Thương lắm phúc, hoa quả bốn mùa xuân). Trước đây, Trần Thương là trung tâm “Lục khê đầu” (sáu khe nước). Từ đây có thể ngược sông Hồng đi Thăng Long rồi ra biển, qua sông Hồng về phía Đông khoảng 3km là khu Tam Đường (Hưng Hà, Thái Bình), nơi đặt lăng mộ của nhà Trần, về phía Nam khoảng 20 km là đền Trần – chùa Tháp (Nam Định).

Đền Trần Thương là một trong 3 ngôi đền lớn của cả nước, nơi thờ chính Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Tương truyền trên đường đi đánh quân Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo thấy địa thế nơi đây hiểm yếu, bèn đặt 6 kho lương để phục vụ cuộc kháng chiến. Địa điểm ngôi đền hiện nay là kho lương chính. Sau khi chiến thắng trở về, ngài đã cắm sinh phần, lấy đây làm dân “tạo lệ” và từ đó xuất hiện thôn Trần Thương và các thôn khác như: Đội Xuyên, Hoàng Xá, Khu Mật… những tên cổ gắn với việc đồn trú của quân đội nhà Trần. Trong số các di tích thờ Trần Hưng Đạo Đại Vương trên đất Hà Nam và cả nước, đền Trần Thương là di tích tiêu biểu, có quy mô kiến trúc lớn, Ngôi đền thâm nghiêm, cổ kính tọa lạc trên đất thiêng “Hình nhân bái tướng” “Ngũ mã thất tinh”, được xây kiểu “Tứ thủy quy đường”. Tổng thể kiến trúc cảnh quan ngôi đền gồm nghi môn ngoại, nghi môn nội, 5 tòa, 15 gian, chia thành 3 cung: Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam và hai giải vũ, 5 giếng…Kiến trúc độc đáo và cảnh quan tự nhiên của đền Trần Thương như nhập đời vào đạo, nhập con người với vũ trụ trong một không gian văn hóa linh thiêng. Giá trị đền Trần Thương còn được thể hiện ở phần trang trí kiến trúc với các đề tài, họa tiết được chạm khắc công phu như: lưỡng long chầu nguyệt, rồng bay, phượng múa, sóng nước, mây trời…Tạo nên một bức tranh thiên nhiên vừa sống động, vừa cổ kính trang nghiêm hàm chứa triết lý dân gian.

5. Đền Trúc
Đền Trúc (Ngũ Động Thi Sơn) thuộc địa phận thôn Quyển Sơn của xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng. Đền nằm bên ven sông Đáy ngay dưới chân núi Cấm. Đền Trúc không chỉ nổi tiếng về cảnh đẹp mà còn thu hút đông đảo du khách bởi lễ hội hát dặm giàu ý nghĩa, tôn vinh người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt.

6. Chùa Bà Đanh
Chùa Bà Đanh nằm ở thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn của huyện Kim Bảng. Ngôi chùa này có diện tích khoảng 10ha, với phong cảnh hữu tình, hướng chính nam của chùa có thể nhìn ra dòng sông Đáy nên thơ.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN