Top 10 món ăn nhất định bạn nên thử khi tới Hà Giang

0
1334
Vật Phẩm Phong Thủy

Khi đến với Hà Giang, kể cả là dân phượt hay khách du lịch, tham quan nghỉ mát, bạn cũng không thể cưỡng lại được những món ăn bình dân mà lại có sức hút đến khó tả.

1. Bánh cuốn Đồng Văn
Đây là món ăn luôn đứng đầu khi khách du lịch nói về đặc sản của Hà Giang. Trong cái chớm lạnh đầu đông, các bạn trẻ ưa “xê dịch” lại có cơ hội di chuyển địa điểm tham quan của mình lên vùng núi rừng Đông Bắc, cùng quây quần bên nhau cạnh chiếc bàn nhỏ, hít hà cái hương vị trong lành của cái lạnh nơi đây, hít cái hương đất, cái không khí trong trẻo mà nơi thị thành đông đúc kia không bao giờ có được. Tìm vào dừng chân ở quán bánh ven đường, bạn mới thực sự cảm nhận được hơi ấm ở đây, hơi ấm từ bếp lửa tráng bánh, hay chính là hơi ấm từ lòng người.

2. Xôi ngũ sắc
Xôi một màu thì ta có thể nhìn thấy ở mọi nơi, nhưng khi đến với Hà Giang, bạn chắc chắn sẽ phải trầm trồ ngạc nhiên khi thấy món xôi ngũ sắc gồm 5 màu: trắng, đỏ, xanh, tím, vàng. Không phải ngẫu nhiên mà người Tày lại chế biến món xôi thành những màu như thế. Mỗi màu xôi lại truyền tải một ý nghĩa nhất định, đó là đại diện cho ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Tất cả những màu tạo nên một màu sắc không những hài hòa âm dương, ngũ hành mà còn tạo nên sự thu hút đối với những vị khách du lịch, những dân phượt từ khắp mọi miền.

3. Thắng dền
Thắng dền là món bánh ăn chơi vào mùa đông, nên phải khi có gió lạnh tràn về thì người ta mới bắt đầu làm bánh. Thắng dền thoạt nhìn sẽ thấy bánh trôi tàu ở Hà Nội, bánh cống phù ở Lạng Sơn, nhưng lại có cách chế biến và hương vị khác biệt, khiến du khách ăn thử một lần sẽ thấy ấm áp khó quên.

4. Cháo ấu tẩu
Người ta nói, đến Hà Giang mà chưa nếm thử qua món cháo ấu tẩu thì coi như chưa biết gì về món ngon Hà Giang. Đây là món cháo làm từ củ ấu tẩu có chất độc, nhưng được người Hà Giang chế biến khéo léo thành món ăn có tác dụng giải cảm như một vị thuốc. Muốn giảm bớt tính độc cho món cháo cũng phải có bí quyết, chọn gạo tẻ, nếp cái trồng trên nương của đồng bào dân tộc, chân giò của lợn cắp nách, ninh trong 4 tiếng,… qua một số cong đoạn công phu mới có được bát cháo ấu tẩu hoàn hảo. Củ ấu tẩu cũng cần được chọn lọc kĩ lưỡng, ngâm kĩ qua nước vo gạo trong qua một đêm, rửa sạch, đem ninh cho tới khi mềm, bở tơi thành thứ bột đặc sền sệt. Bột củ ấu tẩu được nấu lẫn gạo và nước dùng ninh từ chân giò lợn. Cuối cùng, bắc ra rồi múc ra bát đập thêm một quả trứng gà, cho thêm ớt, tiêu, hành, rau mùi và tía tô, tăng thêm tác dụng giải cảm cho bát cháo.

5. Thịt trâu, lợn gác bếp
Hà Giang là một tỉnh miền núi phía Bắc với nhiều dân tộc anh em sinh sống với nhau nên tục gác thịt lên bếp đã trở thành thói quen, phong tục thông lệ tron mỗi gia đình. Từ bao đời, thịt trâu, lợn gác bếp đã trở thành món ăn không thể thiếu và là đặc sản Hà Giang mà du khách không thể bỏ qua khi đến đây.

6. Mật ong bạc hà
Mật ong bạc hà Đồng Văn có vị ngọt đậm đà khác hẳn với những loại mật ong ở những nơi khác, chúng êm dịu, thơm ngon, bổ dưỡng và nhất là có mùi hương rất đặc biệt. Sản phẩm do chính tay người nông dân làm ra, họ cất công chăm sóc ong rồi thu hoạch lấy mật, làm nên những giọt mật ong tinh túy, đặc trưng của vùng núi đá, mang lại giá trị kinh tế đến đồng bào dân tộc giúp cuộc sống ổn định hơn.

7. Lợn cắp nách
Lợn cắp nách có tên gọi rất đặc biệt mà ai cũng tò mò không biết cái tên đó sinh ra như thế nào. Sở dĩ chúng được gọi như vậy vì thân hình của con lợn này khá bé mà người dân khi bắt lọ hay để ôm thọt vào người hay treo dưới nách. Hơn nữa lợn ra đời từ thói quen chăn nuôi lạc hậu của bà con dân tộc vùng cao như: Dao, Thái, Mông,… Đây thực chất là giống lợn đặc trưng truyền thống được lai giữa lợn rừng và lợn Mường và việc nuôi dưỡng khá đơn giản. Thường thì sau khi lợn mẹ sinh ra lợn con, chúng được thả rông mặc cho mưa nắng không có chuồng trại, không được chăm sóc. Những con lợn phải tự kiếm ăn từ những cây củ dại từ ngoài vườn, rừng,… thỉnh thoảng mới được cho ăn những bắp ngô, củ sắn.

8. Cơm lam Bắc Mê
Cơm lam là cơm được nấu bằng ống nứa, ống tre và nướng chín trên than, lửa. Đồng bào dân tộc miền núi thường làm món cơm này để mang theo khi đi làm nương làm rẫy, vừa thuận tiện lại vừa được bảo quản tốt, không bị ôi thiu. Để làm món cơm lam Bắc Mê không hề khó, công đoạn đơn giản mà cũng không hề tốn kém. Người dân thường chọn nguyên liệu là gạo nếp ngon nhất được trồng trên nương, rồi ngâm kĩ trong nước. Việc lựa chọn gạo là yếu tố quan trọng nhất vì chúng quyết định phần lớn độ ngon và mùi thơm của cơm lam. Gạo nếp ngâm, vo sạch rồi trộn đều cùng với một chút muối.

9. Phở bò
Ấn tượng đầu tiên của hầu hết các thực khách khi thưởng thức tô phở bò ở Phố cổ Đồng Văn là vị nước dùng ngọt thanh, bò tái dai thơm và sợi phở mềm. So sánh vị phở Đồng Văn với hương vị gia truyền của người Hà Nội thì rõ ràng không thể bì kịp, tuy nhiên giữa khí lạnh của đất trời nơi đây, được xì xụp bát phở nóng, ngọt thơm đầy quyến rũ đã làm nhiều du khách thích thú, ấm lòng.

10. Phở chua Hà Giang
Những buổi sớm trong các phiên chợ, đặc sản mà không thể không nhắc tới đó chính là phở chua – món điểm tâm mỗi sáng của người dân chất phác nơi đây. Phở tuy không phải đặc sản có một không hai ở Hà Giang nhưng lại mang một nét khác biệt của ẩm thực Hà Giang. Phở chua thực chất có nguồn gốc từ Trung Quốc rồi lan sang các tỉnh biên giới phía Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn,… vào sau đời Mãn Thanh cách đây khoảng 300 năm. Tên Trung Quốc của phở chua là “Lường pàn” nghĩa là “phở mát”. Gọi là phở mát nên phở chua thường được dùng cũng như được bán vào mùa hè. Trước đây, món này được dùng trong thực đơn món cỗ. Hiện nay, món được nhiều làm món điểm tâm trong các buổi chợ phiên.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN