Một bộ phim hay đôi khi cũng giống như một viên ngọc ẩn, có thể rạp phim gần bạn không chiếu hoặc tấm poster đã không làm bạn phải hút mắt. Nhưng cũng vì thế nên một khi đã khám phá được thì trải nghiệm thưởng thức phim sẽ thú vị hơn nhiều. Để bắt đầu, bạn có thể tham khảo 6 bộ phim tâm lý xã hội của Mỹ hay nhất mà bạn nên xem
1 Se7en (1995)
Se7en bắt đầu bằng việc cảnh sát điều tra Mills (Brad Pitt) cùng vợ đang mang bầu chuyển đến thành phố mới. Trực giác vợ Mills mách bảo rằng thành phố này thiếu an toàn cho việc nuôi con sắp chào đời. Mills có đồng nghiệp mới là cảnh sát Somerset (Morgan Freeman). Cả hai vùi đầu điều tra về các vụ án kinh hoàng liên tiếp xảy ra. Sau một thời gian, Mills và Somerset nhận ra kẻ sát nhân giết người theo danh sách “Bảy mối tội đầu” – nhóm tội lỗi gốc cho mọi tội ác khác theo quan niệm của Kinh Thánh. Mỗi nạn nhân mắc một trong các tội: kiêu ngạo, tham lam, dâm dục, tham ăn…
Bước ngoặt bất ngờ xảy ra ở gần cuối khi tên sát nhân hàng loạt tên Doe bỗng tự thú, nộp mình cho hai điều tra viên. Hắn thừa nhận vừa giết nạn nhân thứ năm rồi đồng ý dẫn Mills và Somerset tới nơi gây ra tội ác. Ở ngoài sa mạc, Mills và Somersmet được nhận một chiếc hộp và phát hiện ra trong hộp chứa đầu của vợ Mills. Kẻ sát nhân khẳng định đã phạm tội ganh ghét và muốn Mills giết hắn. Nếu Mills giết Doe, anh sẽ phạm tội thù hận và phải trả giá.
Will Robinson nhận xét về cái kết: “Kết phim thông minh khiến nhân vật phản diện chết mà vẫn không rơi vào tình thế thỏa hiệp như các phim thông thường. Tác phẩm cũng gây sốc khi nhân vật chính diện – điều tra viên – cuối cùng lại bất đắc dĩ phải thủ ác. Màn kết bất ngờ này khiến tác phẩm không còn là phim điều tra thông thường mà trở thành vở kịch về đạo đức. Tác phẩm không đặt cái thiện và ác đối đầu nhau ở nơi tòa án mà ở giữa sa mạc – nơi các nhân vật lột hết vỏ bọc thường ngày, đối đầu nhau bằng tính người”.
Đây là một trong những phim xuất sắc của Brad Pitt. Cảnh tài tử vừa đau khổ cùng quẫn, vừa căm hận tột bậc trong phim khiến người xem bị ám ảnh.
2 Black Swan (2010)
Nina Sayers là một vũ công trẻ của một công ty ba lê danh tiếng ở New York. Cô sống với mẹ là nghệ sĩ múa ba lê nghiệp dư. Công ty nơi Nina làm việc đang chuẩn bị ra mắt vở kịch Hồ thiên nga nổi tiếng của nhà soạn kịch Tchaikovsky.
Vở diễn đòi hỏi vũ công ba lê phải diễn được sự ngây thơ trong sáng của Thiên nga trắng, đồng thời cả sự dâm đãng của Thiên nga đen.
Nina chỉ đủ tiêu chuẩn cho vai diễn Thiên nga trắng trong khi một vũ công khác là Lily lại có cá tính thích hợp cho vai Thiên nga đen. Và cuộc chiến tranh giành vai diễn đã xảy ra giữa hai cô gái.
Lily bắt đầu lên kế hoạch làm đổ bể buổi diễn của Nina bằng cách, đầu tiên là rủ rê cô bé đi chơi đêm, cho uống thuốc gây ảo giác rồi lên giường với nhau.
Sáng hôm sau, Nina phát hiện mình bị trễ giờ cho buổi tập, đến sàn diễn, cô thấy Lily đang nhảy vai nữ hoàng Thiên nga, từ đây những dồn nén căm tức suốt thời gian qua đã bùng cháy dữ dội, Nina phát hiện ra rằng cô không còn là một thiên thần trong sáng nữa, cô bắt đầu có những ghen tuông giận dữ giống như một bà mẹ kế, một mụ phù thủy độc ác bởi cô muốn giết chết Lily.
Phim được đan xen giữa kịch và đời, mơ hồ và thực tế, đến mức khán giả cũng không thể nhận ra rốt cuộc Nina đang chiến đấu chống lại ai? Kẻ thù luôn muốn tranh giành vai diễn do cô tưởng tượng Lily hay cái xấu xa giả dối nằm sâu trong bóng tối tâm hồn cô?
3 Gone Girl (2014)
Bộ phim chuyển thể trung thành với cốt truyện trong nguyên tác văn học. Mọi chuyện bắt đầu từ sự mất tích bí ẩn của Amy Elliott Dunne, vợ của Nick Dunne đúng vào dịp kỷ niệm 5 năm ngày cưới của hai người. Những chứng cứ rời rạc tại hiện trường không đủ để cảnh sát kết luận được vụ án này. Một cuộc điều tra nhanh chóng được tiến hành và thu hút sự quan tâm của dư luận bởi Amy là một nữ nhà văn nổi tiếng. Mọi nghi ngờ đều dồn vào người chồng Nick Dunne và số đông đều cho rằng anh đã giết vợ. Dù luôn khẳng định mình vô tội, lời khai của Nick luôn có những sơ hở như thể anh đang che giấu một bí mật gì đó.
Theo chân cuộc điều tra của cảnh sát, người xem được khám phá về chuyện tình lãng mạn của Amy và Nick thuở mới gặp gỡ, yêu nhau, tiến đến hôn nhân và trải qua những khủng hoảng tâm lý như bao cặp vợ chồng trẻ khác. Từng chi tiết, từng nút thắt được mở ra để trả lời cho những nghi ngờ: “Nick Dunne có phải là kẻ giết vợ?”, “Nếu Amy đã chết thì xác cô hiện giờ ở đâu?”.
Đạo diễn David Fincher vốn nổi tiếng với những tác phẩm vừa có tính giải trí nhưng chất lượng nghệ thuật cao như Se7en, Fight Club, The Curious Case of Benjamin Button, The Social Network hay gần đây là The Girl with the Dragon Tattoo. Với Gone Girl, David Fincher trung thành với cuốn tiểu thuyết từ đường dây câu chuyện cho tới cách kể đan xen giữa hai góc nhìn của Nick và cuốn nhật ký bí mật của Amy.
4 One Day (2011)
Được dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của David Nicholls, One Day kể về hành trình kéo dài suốt 20 năm giữa Dexter (Jim Sturgess) và Emma (Anne Hathaway). Mọi chuyện bắt đầu vào cái đêm định mệnh năm 1988, khi hai người vừa tốt nghiệp đại học Edinburgh. Trở về căn hộ của Emma, thay vì có một cuộc “tình một đêm” và trở thành hai kẻ xa lạ sáng hôm sau, họ lại nằm trên giường và trò chuyện như hai người bạn.
Đêm mưa tầm tã hôm đó là ngày 15/7 – ngày Thánh Swithin – mà theo tương truyền nếu hôm đó trời mưa thì 40 ngày tiếp theo cũng sẽ mưa. Nhưng không, sáng hôm sau trời hửng nắng và trong suốt 20 năm sau, chỉ có đúng một lần trời mưa vào ngày 15/7. Trong hai thập kỷ ấy, hàng loạt sự kiện xảy ra với Dexter và Emma trong những ngày 15/7 với biết bao thăng trầm, biến động trong cuộc sống của họ.
Dexter với vẻ ngoài điển trai, hào hoa dễ dàng có được công việc dẫn chương trình truyền hình và hàng tá cô gái theo đuổi. Nhưng khi tất cả những phù phiếm ấy đã trôi qua, anh chỉ còn tay trắng và bờ vai Emma để dựa vào. Trong khi đó, Emma lại không thành công trong cuộc sống và công việc, còn về tình yêu cô vẫn đau đáu nhìn Dexter vui vẻ bên những chân dài khác. 20 năm ấy, có khi họ ở bên nhau, có khi họ cách xa nhau trong ngày 15/7 song trong tâm trí, họ không lúc nào thôi nghĩ về nhau.
One Day không phải một bộ phim lãng mạn kiểu Hollywood thông thường, với môtíp kiểu chàng bạch mã hoàng tử xuất hiện đúng lúc cần nhất hay tình yêu đến một cách sét đánh. Trái lại, tình cảm giữa Dexter và Emma lại đến rất từ từ, nhẹ nhàng giống như ở ngoài đời, tạo nên vẻ đẹp cho bộ phim. Tác phẩm với mạch điệu chầm chậm, nhẹ nhàng này như một tấm gương phản ánh cuộc sống qua lăng kính tình yêu, qua câu chuyện về hai người trẻ với bao hoài bão của tuổi 20 cho tới khi bước qua tuổi trung niên.
5 Never Let Me Go (2010)
Never Let Me Go được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nhật Kazuo Ishiguro. Bộ phim là tâm lý xã hội Mỹ này là câu chuyện tình buồn mang nhiều ý nghĩa nhân văn.
Phim nói về những người trẻ, với những yêu ghét, đố kỵ và hờn giận, hiểu lầm và chia ly khiến họ phải sống trong cảnh dằn vặt và hối hận cho tới những năm trưởng thành về sau.
Và giữa những bồng bột của tuổi trẻ, tình yêu cũng bị ngộ nhận, để rồi nhiều năm sau gặp lại, khi tình yêu thực sự cũng đã quay về bên nhau, thì tất cả chỉ là những hạnh phúc ngắn ngủi đầy muộn màng.
Phim kết thúc quang cảnh cô đơn, lẻ loi của nhân vật nữ chính Kathy khi tình yêu và bạn bè của cô đều đã lần lượt ra đi.
6 Insomnia (2002)
Một thám tử được cử về thị trấn nhỏ ở Alaska để điều tra về vụ sát hại một cô gái vị thành niên đã vô tình bắn trúng và giết chết người cộng sự của mình.
Thay vì thú tội, anh vô tình nhận được một bằng chứng ngoại phạm. Tuy nhiên việc này chỉ khiến anh cảm thấy tội lỗi ngày một chồng chất, đe dọa hủy hoại tinh thần của anh, cùng với vụ án mạng mà anh đang điều tra.
Insomnia là một bộ phim tâm lý xã hội Mỹ rất hay, giống như một minh chứng về việc mặc cảm tội lỗi có thể dễ dàng giết chết chúng ta.