Theo công ty chuyên về giao thông và dịch vụ dẫn đường của Hà Lan, Mexico City là địa điểm đáng sợ nhất về giao thông. Trong Top 10, các thành phố châu Á chiếm tới một nửa.
1. Mexico City (Mexico) – 66%
Các tài xế ở Mexico City ước tính phải mất thêm trung bình 59% thời gian đi lại để loay hoay trong các đám tắc đường vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, và lên tới 103% vào giờ tan làm.
Điều đó có nghĩa mỗi năm, một người mất thêm 219 tiếng để đi lại, ngoài thời gian cần có để đi từ nơi này tới nơi khác.
2. Bangkok (Thái Lan) – 61%
Một du khách kể lại rằng mình từng mất 2 tiếng mà chỉ đi được chưa tới một cây số. Đôi khi, một nhân viên văn phòng có thể đi làm muộn tới 4 tiếng chỉ vì tắc đường.
3. Jakarta (Indonesia) – 58%
Là thành phố đông đúc nhất Indonesia, thủ đô Jakarta có dân số khoảng 30,2 triệu người. Mỗi ngày có 3,2 triệu người đi vào trung tâm thành phố. Số lượng khổng lồ ôtô và xe máy góp phần gây tắc nghẽn vào giờ cao điểm.
13 năm trước, Jakarta cũng là thành phố đầu tiên ở Đông Nam Á đưa xe buýt BRT vào hoạt động, chuyên chở khoảng 350.000 lượt hành khách mỗi ngày.
4. Trùng Khánh (Trung Quốc) – 52%
Trùng Khánh, chứ không phải Bắc Kinh, là thành phố có giao thông tệ nhất Trung Quốc. Là một trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, Trùng Khánh có dân số khoảng 49,1 triệu người.
5. Bucharest (Romania) – 50%
Chỉ đứng thứ 5 trong danh sách, nhưng lại có nghĩa Bucharest là thành phố có giao thông tệ nhất châu Âu.
Giờ cao điểm ở Bucharest là từ 7-9h, và 16-18h. Tuy nhiên, tại các cửa ngõ thành phố, xe cộ nườm nượp và chen chúc nhau cả ngày.
6. Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) – 49%
Một trong những nguyên nhân chính khiến thành phố có dân số khoảng 14,8 triệu người thường xuyên xảy ra tắc nghẽn là số phương tiện cá nhân quá nhiều trong khi phương tiện giao thông công cộng không đủ.
7. Thành Đô (Trung Quốc) – 47%
Nguyên nhân gây tắc đường và khiến giao thông trở nên hỗn loạn tại Thành Đô có thể bắt gặp thường xuyên: ôtô đâm xe buýt, xe đạp chạy trên cao tốc, một công nhân làm đường đứng sửa chữa, bảo trì gì đó bên lề mà không hề có biển báo hay các biện pháp bảo vệ.
8. Rio de Janeiro (Brazil) – 47%
Một trong những thành phố đông đúc nhất châu Mỹ vốn chịu nhiều tiếng xấu về an ninh cũng như giao thông. Người dân ở đây mất nhiều thời gian đi lại do đường phố đông đúc thường xuyên tắc nghẽn, đặc biệt vào giờ cao điểm.
9. Đài Nam (Đài Loan) – 46%
Các loại xe 2 bánh là một trong những nguyên nhân chính gây tắc đường ở Đài Nam. Trung bình người dân phải mất thêm 37 phút so với thời gian cần có để đi lại.
10. Bắc Kinh (Trung Quốc) – 46%
Một đoạn video của thời báo Nhân dân hôm 2/1 ghi lại cảnh ách tắc khi hàng chục nghìn chiếc xe cố gắng quay lại Bắc Kinh sau kỳ nghỉ kéo dài 3 ngày. Các lái xe phải chờ ít nhất 3 tiếng mới qua được trạm thu phí trên cao tốc Bắc Kinh, tạo thành cảnh tắc đường dài hàng km