Top 6 tựa sách hay về tự truyệnđược nhiều người mua nhất hiện nay

0
1149
Vật Phẩm Phong Thủy

Nếu bạn muốn thay đổi cuộc sống của mình, bạn sẽ phải làm những điều khác biệt. Tuy nhiên, đôi khi chỉ vài cuốn sách truyền cảm hứng cũng có thể thay đổi hoàn toàn cái nhìn của bạn và khiến cuộc sống của bạn bước sang trang mới. Dưới đây là 6 tựa sách hay về tự truyệnđược nhiều người mua nhất hiện nay

1 Tự Truyện Benjamin Franklin

Benjamin Franklin sinh tại đường Milk, Boston vào ngày 6 tháng 1 năm 1706. Cha của ông, Josiah Franklin, là một người thợ làm nến từng có hai đời vợ và Benjamin là con trai út trong gia đình gồm 17 người con. Ông nghỉ học khi lên 10 tuổi và ở tuổi 12, ông theo học nghề in từ người anh, James, người sau này xuất bản tạp chí New England Courant. Benjamin từng đóng góp bài và có thời gian làm biên tập danh dự cho tạp chí này. Tuy nhiên, hai anh em nảy sinh bất đồng và Benjamin bỏ đi, chuyển đến New York, sau đó đến Philadelphia vào tháng 10 năm 1723. Ông nhanh chóng tìm được công việc ở một nhà in, nhưng sau đó vài tháng, ông bị Thống đốc Keith thuyết phục đến London. Tuy nhiên sau đó Benjamin nhận ra những lời hứa của Thống đốc chỉ là hão huyền. Benjamin quay lại với công việc nhân viên sắp chữ in cho đến khi được một thương gia tên Denman đề nghị một vị trí trong công việc kinh doanh của ông này và cả hai quay trở lại Philadelphia. Sau khi Denman mất, Benjamin quay về nghề trước đây của mình và không lâu sau mở một xưởng in riêng, nơi ông xuất bản tạp chí The Pennsylvania Gazette, tạp chí mà ông đóng góp nhiều bài viết như một công cụ để khuấy động những phong trào cải cách địa phương. Năm 1732, để nâng cao sự phong phú, ông bắt đầu xuất bản cuốn sách nổi tiếng Poor Richard’s Almanac (Niên lịch của Richard Nghèo Khổ) ghi chép lại những câu châm ngôn súc tích về cuộc sống mà ông sáng tác hay sưu tầm. Đây là cuốn sách đóng góp một nền tảng lớn vào danh tiếng của ông. Năm 1758, Benjamin ngừng viết cuốn Niên lịch và cho ra đời Father Abraham’s Sermon (Những Bài Giảng Của Cha Abraham), tác phẩm được xem là nổi tiếng nhất trong nền văn học thuộc địa Mỹ.

Cùng lúc đó, Franklin cũng ngày càng quan tâm đến các vấn đề công vụ. Ông vạch ra kế hoạch xây dựng một học viện, sau này được tiếp nối và phát triển thành Đại học Pennsylvania và ông cũng sáng lập ra tổ chức “Hiệp hội Khoa học Mỹ” với mục đích giúp các nhà khoa học có cơ hội gặp gỡ, trao đổi và thảo luận những khám phá của mình. Bản thân ông cũng bắt đầu các thí nghiệm điện cùng một số nghiên cứu khoa học khác trong quãng thời gian hoạt động kinh doanh và chính trị cho đến cuối đời. Vào năm 1748, khi đã có cuộc sống vật chất khá sung túc, ông bán nhà in của mình để có thời gian dành cho việc học; vài năm sau, ông có một khám phá khiến tên tuổi của mình được biết đến trên toàn châu Âu. Trong lĩnh vực chính trị, ông chứng tỏ mình có khả năng trong cả vai trò điều hành lẫn tranh luận, nhưng lý lịch chính trị của ông đã dính nhiều vết nhơ khi dùng quyền lực để nâng đỡ những người họ hàng của mình. Thành tựu chính trị lớn nhất của ông chính là việc cải cách hệ thống bưu điện, nhưng tên tuổi của ông lại chủ yếu được nhắc đến với vai trò như một chính khách thông qua hoạt động ngoại giao giữa các thuộc địa với nước Anh và sau đó là nước Pháp. Năm 1757, ông được cử sang Anh để phản đối ảnh hưởng của gia tộc Penn trong Chính phủ thuộc địa và ông đã ở lại Anh 5 năm, cố gắng thuyết phục người dân và Chính phủ Anh chấp nhận các điều kiện đối với thuộc địa. Trong lần trở về Mỹ, sự kiện Paxton mà ông đóng vai trò danh dự sau đó đã làm ông mất ghế trong Quốc Hội. Tuy nhiên, năm 1764, ông lại được cử đến Anh với tư cách một đại diện của Chính phủ thuộc địa để kiến nghị khôi phục Chính phủ từ tay các địa chủ tư sản. Tại London, ông tích cực phản đối Đạo Luật Tem. Tuy nhiên, ông đã mất rất nhiều lòng tin và sự tín nhiệm vì đã bảo vệ quyền lợi cho văn phòng đại diện một công ty sản xuất tem của người bạn mình tại Mỹ. Ngay cả những nỗ lực mang lại hiệu quả cao của ông nhằm bãi bỏ đạo luật trên cũng không giúp ông khỏi bị ngờ vực. Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục những nỗ lực bảo vệ quyền lợi các quốc gia thuộc địa khi rắc rối ngày càng tăng do khủng hoảng từ Phong trào Cách Mạng. Năm 1767, ông đến Pháp và được chào đón long trọng. Nhưng trước khi trở về quê hương vào năm 1775, ông mất chức Bộ Trưởng Bộ Bưu Điện vì dính líu đến việc tiết lộ cho bang Massachusetts lá thư nổi tiếng của Hutchinson và Oliver. Trên đường trở về Philadelphia, ông được chọn làm thành viên Quốc hội Lục Địa và vào năm 1777 ông được cử đến Pháp dưới vai trò đại sứ của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Ông ở lại Pháp tới năm 1785, như một nhân vật được cộng đồng Pháp yêu thích và với thành công trong những sứ mạng đại diện cho đất nước mình. Cuối cùng, ông trở về quê hương như một người hùng của nước Mỹ độc lập và nhận được vị trí cao chỉ sau Washington. Ông mất ngày 17 tháng 4 năm 1790.

2 Nhật Ký Anne Frank

Anne Frank tên đầy đủ là Annelies Marie Frank, sinh ngày 12/6/1929 tại Frankfurt am Main, Đức. Bố Anne là Otto Frank, một ông chủ ngân hàng, trước đó là một người lính; mẹ là Edith Hollander, sau khi kết hôn với ông Otto Frank đổi thành Edith Frank. Gia đình ông Frank là người Do Thái nhưng sống trong một cộng đồng cư dân nhiều chủng tộc. Cả bố và mẹ Anne đều khuyến khích con cái đọc sách từ khi còn rất nhỏ. Trong khi chị gái Margot tỏ ra có năng khiếu với môn toán, tính cách nhã nhặn, kín đáo thì ngược lại, Anne rất ham mê đọc và viết. Cô bé là người thẳng thắn, năng động và hướng ngoại.
Sau khi Adolf Hitler lên nắm quyền vào tháng 1/1933, bắt đầu xuất hiện các cuộc biểu tình bài người Do Thái. Để tránh thảm họa phát xít, mùa hè năm 1933, ông Otto Frank bắt đầu sang Hà Lan chuẩn bị cho cuộc di cư của gia đình. Tháng 12/1933, mẹ và chị gái của Anne sang Amsterdam, Hà Lan trước, đến tháng 2/1934, Anne Frank và bố sang Hà Lan cùng gia đình sinh sống.
Năm 1940, Hà Lan bị bọn Đức Quốc xã chiếm đóng, Anne Frank cùng gia đình ẩn náu trong một căn phòng kín tại một nhà kho ở ngôi nhà số 263 phố Princegracht, Amsterdam của gia đình cô từ tháng 9/1942 với sự giúp đỡ về lương thực, thực phẩm của một vài người bạn Hà Lan.
Gia đình Anne Frank sống an toàn cho đến ngày 4/8/1944, khi bọn mật vụ Gestapo Đức được bọn chỉ điểm báo, đã phát hiện ra căn phòng bí mật nơi ẩn náu của gia đình cô. Anne Frank và gia đình lần lượt bị chúng bắt đưa đến trại tập trung Westerbork (Hà Lan), sau đó chúng đưa họ đến trại tập trung Auschwitz (Ba Lan), rồi cuối cùng đưa đến Bergen – Belsen vào tháng 9/1944. Tại đây, mẹ của Anne Frank chết vào tháng 1/1945. Còn Anne Frank và chị gái Margot chết vì bị viêm phổi cấp trong trại tập trung vào tháng 3/1945, chỉ vài tuần trước khi trại này được giải phóng.
Trong khoảng thời gian lẩn trốn phát xít Đức và sống trong trại tập trung, Anne Frank đã viết nhật ký về những gì xảy ra xung quanh mình. Ngay từ những dòng chữ đầu, Anne đã bắt đầu đề cập đến những thay đổi đáng quan ngại từ khi người Đức đến chiếm đóng. Anne miêu tả chi tiết sự đàn áp đang gia tăng như việc tất cả người Do Thái bị buộc phải mang dấu hiệu riêng là ngôi sao màu vàng khi họ ra ngoài, cùng những biện pháp hạn chế và bức hại đang phủ bóng đen lên cuộc sống của cộng đồng Do Thái tại Amsterdam.
Sống sót sau chiến tranh, Otto Frank trở về Amsterdam và biết tin vợ cùng 2 con gái đã chết, tuy nhiên ông tìm thấy quyển nhật ký của Anne. Otto đọc nhật ký của con gái, ngạc nhiên vì không ngờ cô đã ghi lại chính xác các sự kiện diễn ra theo thời gian. Xúc động vì khát vọng của cô con gái về nghiệp văn chương, Otto bắt đầu nghĩ đến việc cho xuất bản quyển nhật ký.

3 12 Năm Nô Lệ

12 năm nô lệ (12 years a slave) trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới nhờ bộ phim chuyển thể của đạo diễn Steve McQueen, nhưng ít ai biết câu chuyện đầy ắp tư liệu về thời kỳ đen tối của người da đen Mỹ từng bị lãng quên cả trăm năm.
12 năm nô lệ là câu chuyện có thật của Solomon Northup – một công dân tự do ở New York bị bắt cóc làm nô lệ vào năm 1841, và được giải cứu tại đồn điền trồng bông ở tiểu bang Louisiana năm 1853.

Ngay sau khi được tự do, Solomon Northup đã viết cuốn 12 năm nô lệ. Nhiều thông tin cho rằng cuốn sách trở thành sách bán chạy hồi đó với khoảng 30.000 bản in. Solomon Northup sau đó cũng tham gia và phát biểu tại phong trào bãi nô. Cái chết của Northup tới nay vẫn là một bí ẩn.

Theo thời gian, câu chuyện của Solomon Northup đi vào quên lãng. Cho tới năm 1968, giáo sư sử học Sue Eakin chuyên nghiên cứu lịch sử vùng Louisiana cùng với giáo sư Joseph Logsdon đã làm sống lại câu chuyện của Solomon Northup. Cuốn hồi ký được phát hành trở lại.

12 năm nô lệ được chính Solomon kể với sự chấp bút của David Wilson. Wilson nói về cuốn sách: “Chúng tôi tin chuyện kể về trải nghiệm của ông nơi nhánh sông Con Bò sẽ xây nên một bức tranh đúng đắn về chế độ nô lệ, trong hết thảy sáng tối của nó, như chế độ ấy thực đang tồn tại trên vùng đất. Tôn chỉ duy nhất của người biên tập là trao đi một câu chuyện đáng tin cậy về cuộc đời Solomon Northup”.

Mười hai năm không hẳn là quãng đường dài với một đời người tự do, nhưng là nghìn thu đối với phận số nô lệ. 12 năm nô lệ được kể theo trật tự tuyến tính thời gian. Những lời kể là của một người được ăn học, nhưng không cầu kỳ, hoa mỹ. Trái lại, chúng rất mộc mạc, đôi khi rông dài như cách kể truyền khẩu xưa nay của người bình dân. Câu chuyện mang vẻ đẹp bởi những xúc cảm chân thực.

4 Tự Truyện Andrew Carnegie

Sinh năm 1835 ở Scotland, Carnegie đã cùng với gia đình chuyển tới Mỹ. Khi trưởng thành, ở Pittsburgh, ông làm nhân viên điện báo và nhân viên thư ký trong ngành đường sắt và tiếp tục thăng tiến trong Công ty Đường sắt Pennsylvania. Khi Cuộc Nội chiến nổ ra, ông được giao nhiệm vụ đảm nhiệm hệ thống đường sắt và điện báo của chính phủ Mỹ và ông đã làm xuất sắc công việc này. Ông là người theo Đảng Cộng hoà và là người phản đối chế độ nô lệ.

Ngoài khả năng làm việc chăm chỉ, xuất sắc và cách đối xử tốt với mọi người, Carnegie còn có rất tài giỏi trong việc xác định nghề nghiệp. Hệ thống đường sắt của Mỹ phát triển nhanh và ông nói: “Việc sản xuất như của chúng tôi khó có thể phát triển để đáp ứng kịp nhu cầu của người dân Mỹ.” Nhờ vậy, ông bắt đầu trở nên giàu có và sau khi bán nhà máy sắt thép lớn nhất nước Mỹ, ông trở thành người giàu có nhất thế giới. Ông về nghỉ hưu trong lâu đài Skibo yêu thích ở Scotland và qua đời tại Lenox, Massachusetts vào năm 1919.

5 Tự Truyện Gandhi

Gandhi vị lãnh tụ được tôn là bậc thánh (Mahatma) của người dân Ấn Độ. Là một tín đồ của Ấn Độ giáo, trước hết ông theo học ngành luật sư ở Anh và sau đó sang Nam Phi để bênh vực cho dân da màu đang bị áp bức vì nạn kỳ thị chủng tộc trong thời bấy giờ. Tại đây, con người thánh thiện của ông đã đụng chạm đến những thực tế gay gắt nhất của cuộc sống. Từ đó ông bắt đầu chủ trương thuyết bất bạo động, tự mình thực hành và thuyết phục mọi người hành động theo mình để chống lại áp bức và bất công.

Ông đã gặt hái được một số kết quả cụ thể, đã buộc được nhà cầm quyền sở tại phải nhượng bộ trước một vài yêu sách. Nhưng điều quan trọng nhất là người dân bị áp bức đã nhận ra được một điều mới với họ, đó là những đòi hỏi hợp lý sẽ đạt được mục đích nếu họ có lòng quyết tâm tranh đấu mà không phải dùng đến bạo loạn để có thể bị đàn áp và đổ máu.

Trở về lại Ấn Độ sau Thế chiến thứ nhất, ông tham gia vào phong trào tranh đấu chống lại người Anh và đã bị thực dân bắt cầm tù nhiều lần. Ông đã trở thành lãnh tụ của Phong trào Quốc gia Ấn Độ từ năm 1920 và sau đó thì trao lại cho J.Nehru (1928) để lo việc giáo dục quốc dân, nhất là tìm cách nâng cao cuộc sống của lớp cùng dân, tức thành phần tiện dân của xã hội phân biệt giai cấp Ấn Độ. Ngoài ra ông còn là người trung gian hòa giải các cuộc xung đột giữa người Ấn Độ giáo và người Hồi giáo (trong thời này chưa chia cắt thành hai quốc gia Ấn Độ và Pakistan). Và điều mỉa mai của lịch sử là chính nơi đây ông đã bị một tay quá khích người Hindu ám sát vào năm 1948…

6 Chặng đường dài đến tự do – Nelson Mandela

Nelson Mandela sinh ngày 18/07/1918 tại Transkei, Nam Phi. Ông trở thành thành viên đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) năm 1944 và tham gia chống lại các chính sách apartheid (phân biệt chủng tộc) của đảng Quốc gia cầm quyền cho đến khi bị bắt vào tháng 08/1962 và bị buộc tội phá hoại chính trị cùng các tội danh khác. Mandela phải ngồi tù hơn 27 năm và trong thời gian này, ông trở thành biểu tượng ngày càng đầy tính thuyết phục của phong trào chống chủ nghĩa apartheid. Ông được trả tự do năm 1990 và được trao giải Nobel Hòa bình năm 1993. Năm 1994, ông trở thành tổng thống đầu tiên của Nam Phi được bầu ra một cách dân chủ. Ông là tác giả cuốn sách bán chạy nhất thế giới có tên Chặng đường dài đến tự do và là chủ nhân của khoảng 250 giải thưởng khác nhau trong vòng 40 năm.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN