Chọn ngành, chọn nghề là câu chuyện muôn thuở của nhiều bạn trẻ khi đứng trước ngưỡng cửa đại học, là trăn trở của nhiều thế hệ. Trong thời đại có nhiều biến động như hiện nay, lựa chọn cho mình một ngành nghề đã không dễ, xác định con đường sự nghiệp lâu dài còn khó khăn hơn. Để giúp các bạn trẻ và các ứng viên có nhu cầu tìm việc Mạng Việc Làm xin giới thiệu các nghề hot thuộc ngành Khoa học & Xã hội nhân văn
1 NGHỀ LUẬT
Thẩm phán.
Thẩm phán làm việc tại tòa án, được quyền nhân danh Nhà nước để xét xử các vụ án, quyết định những hình thức xử lý thích hợp với các hành vi vi phạm pháp luật. Khi thẩm phán đã ra phán quyết, những người có liên quan phải thực hiện nghiêm túc, nếu không sẽ có cơ quan nhà nước cưỡng chế thi hành.
Kiểm soát viên
Kiểm sát viên làm việc tại Viện Kiểm sát, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và lợi ích công cộng. Vai trò của kiểm sát viên thể hiện rõ nét nhất trong lĩnh vực tội phạm hình sự. Kiểm sát viên có quyền đưa một vụ phạm pháp ra xem xét để xử lý, ra lệnh bắt giữ, tham gia điều tra vụ án, truy tố tội phạm. Tại phiên tòa xét xử án hình sự, kiểm sát viên làm rõ các hành vi phạm tội (buộc tội) và đề xuất hình phạt thích hợp. Còn trong phiên tòa xét xử các loại án khác, kiểm sát viên có chức năng kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của mọi người, kể cả thẩm phán.
Luật sư
Khác với thẩm phán và kiểm sát viên, luật sư hành nghề tự do, không thuộc biên chế của cơ quan Nhà nước. Luật sư không được Nhà nước trả lương mà có thu nhập từ các khoản thù lao do khách hàng trả. Để hành nghề, luật sư có thể thành lập các văn phòng luật sư hoặc công ty luật hợp danh.
2 NGHỀ NGOẠI GIAO
Ngoại giao là một nghệ thuật trong đàm phán, dàn xếp thương lượng giữa những người đại diện cho một nhóm hay một quốc gia. Thuật ngữ này thông thường đề cập đến quan hệ ngoại giao quốc tế. Việc chỉ đạo, thực hiện các mối quan hệ quốc tế thông qua sự can thiệp hay hoà giải của các nhà ngoại giao liên quan đến các vấn đề như kinh tế, thương mại, văn hoá, du lịch, chiến tranh và tạo nền hòa bình … Các hiệp ước quốc tế trước tiên thường được các nhà ngoại giao đàm phán trước khi được chính trị gia của các nước xác nhận chính thức.
Về mặt xã hội, ngoại giao là việc sử dụng tài xử trí, ứng biến để giành được sự thuận lợi, là một công cụ tạo ra cách diễn đạt các tuyên bố hay truyền đạt thông điệp một cách không đối đầu, mà là một cách cư xử lịch thiệp.
3 NGHỀ PHIÊN DỊCH
Phiên dịch viên là người chuyên làm công việc chuyển các văn bản (nói hoặc viết) từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác một cách chính xác, giúp những người nói không cùng ngôn ngữ có thể hiểu nhau.
Như bạn có thể thấy, phiên dịch là một công việc rất hữu ích và cao quý. Người làm phiên dịch chính là cầu nối khiến các quốc gia, tổ chức, cá nhân thuộc các ngôn ngữ khác nhau hiểu được nhau, giúp họ có sự thông cảm, thấu hiểu và trở nên gần gũi với nhau hơn.
Phiên dịch viên không chỉ đơn thuần dịch về mặt từ, ngữ, họ phải truyền tải nội dung và ý tưởng của người nói tới người nghe, người viết tới người đọc. Bởi vậy, công việc này đòi hỏi người phiên dịch phải hiểu một cách tổng quát về vấn đề, sự kiện mà họ đang dịch. Từ đó, họ có thể chuyển đổi đầy đủ, chính xác vấn đề từ ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ dịch.
Nhạy cảm, hiểu biết về văn hoá cũng như sự tinh thông trong cách sử dụng ngôn ngữ là những yêu cầu cần có của người phiên dịch.
3 NGHỀ PR (PUBLIC RELATIONS)
PR – viết tắt của Public Relations. Bạn có thể tạm gọi là Quan hệ công chúng. Là cung cấp thông tin cho công chúng và thuyết phục công chúng, nỗ lực thống nhất thái độ hành động giữa một tổ chức với công chúng và ngược lại, giữa công chúng với tổ chức.
4 NHÀ NHÂN HỌC XÃ HỘI VĂN HÓA
– Tiến hành những nghiên cứu, điều tra về các tộc người, các cộng đồng, các nhóm xã hội trong quá khứ hoặc hiện tại thông qua việc đi khảo sát thực tế, ghi chép lại lịch sử (truyền miệng), quan sát trực tiếp hoặc phỏng vấn. Chẳng hạn họ ghi lại đặc trưng văn hóa của các dân tộc, không chỉ để bảo tồn, mà còn để lý giải và tư vấn cách biến những khía cạnh văn hóa này trở thành động năng phát triển kinh tế và tái sản xuất, duy trì văn hóa trong cộng đồng.
– Giới thiệu những kết quả nghiên cứu của mình với công chúng qua các ấn phẩm như sách báo, các buổi thuyết trình và các cuộc trưng bày bảo tàng… Hiện nay, nhà nhân học xã hội, văn hóa ngày càng sử dụng nhiều phương tiện truyền thông mới như phim ảnh, phim cộng đồng, các phương tiện nghe nhìn, hệ thống thông tin điện tử v.v… để chuyển tải những thông điệp nhiều chiều giữa cộng đồng địa phương, giới khoa học và các nhà hoạch định chính sách.
Nhà nhân học văn hóa, xã hội trước kia thường làm việc trong một khu vực địa lý và khoảng thời gian nhất định, nhưng ngày nay đã mở rộng địa bàn nghiên cứu ra các cộng đồng xuyên quốc gia, thậm chí nghiên cứu thực địa ngay tại các công ty, hãng sở lớn trên thế giới. Họ phân tích, tổng hợp các thông tin, nghiên cứu về các quá trình, những điểm khác biệt về xã hội và lịch sử rồi so sánh chúng với những thể chế của xã hội đó (tôn giáo, tục lệ, thói quen, chăm sóc sức khỏe, nhận thức, phong cách tiêu dùng, văn hóa công sở, doanh nghiệp v.v…).
5 NHÀ SỬ HỌC
+ Xem xét, đánh giá và làm sáng tỏ những sự kiện lịch sử đã xảy ra trong quá khứ bằng cách khai thác thông tin qua các nguồn sử liệu như di tích lịch sử, hiện vật trong bảo tàng, thư tịch cổ, các sáng tác dân gian (truyền thuyết, ca dao, hò, vè), phong tục tập quán, hồi ký, nhật ký, thư từ, báo chí, các cuộc phỏng vấn, các công trình nghiên cứu của các nhà sử học khác.
+ Tìm và đọc các nguồn sử liệu để lấy thông tin, sau đó sắp xếp lại và kiểm tra tính chính xác của thông tin, từ đó đưa ra các kết luận.
+ Giới thiệu kết quả nghiên cứu qua các tạp chí chuyên ngành, các công trình nghiên cứu, các bài giảng.
+ Nghiên cứu tại các viện, trung tâm nghiên cứu, cố vấn cho các kế hoạch, chương trình có liên quan đến lịch sử, giảng dạy lịch sử tại các trường học.
+ Mỗi nhà sử học thường nghiên cứu sâu về một lĩnh vực, hay một giai đoạn lịch sử nhất định như lịch sử văn hóa, lịch sử Nhà nước pháp luật, lịch sử Việt Nam cổ trung đại, lịch sử Việt Nam cận đại v.v…
6 NHÀ TÂM LÝ HỌC
Hiện nay ở nước ta chưa có chức danh dành cho chuyên ngành tâm lý học. Tuy nhiên trên thực tế thì những sinh viên tâm lý sau khi tốt nghiệp có không ít cơ hội việc làm.
Nhà tâm lý học đường
Làm việc tại các trường học. Công việc chính của họ là tham gia vào việc phòng ngừa những khó khăn, thất bại trong học tập cũng như trong đời sống tinh thần của học sinh. Từ đó góp phần giúp cho học sính giải tỏa được những khúc mắc trong đời sống, có thành tích tốt hơn trong học tập.
Nhà trị liệu tâm lý
Làm việc tại các bệnh viện tâm thần cũng như các bệnh viện, các trung tâm trị liệu khác v.v… Nhà trị liệu tâm lý hỗ trợ cho nhà tâm lý học hoặc các bác sĩ tâm thần. Đôi khi họ có thể làm việc độc lập. Họ giúp cho người có nhu cầu trị liệu phân tích, hiểu và giải quyết những mâu thuẫn tâm lý bên ngoài (mâu thuẫn với người khác) cũng như những khó khăn tâm lý mang tính nội sinh.
Tùy vào từng trường hợp cụ thể, nhà trị liệu tâm lý có thể áp dụng các phương pháp trị liệu khác nhau như trị liệu hành vi, trị liệu theo phương pháp nhận thức, phân tâm, trị liệu gia đình v.v…
Chuyên viên tham vấn
Các chuyên viên tham vấn có môi trường làm việc rất rộng, tại các trung tâm tư vấn, các đường dây tư vấn nóng như 1080, 1088, 1900… hoặc các dự án phi chính phủ v.v… Công việc của các chuyên viên tư vấn thường liên quan đến các vấn đề nảy sinh trong các lĩnh vực tình yêu, hôn nhân và gia đình. Công việc của họ thường là gặp gỡ, trò chuyện để giúp cho người có nhu cầu nhận thức được vấn đề của mình và tự tìm ra được cách giải quyết phù hợp nhất. Thường họ không đưa ra cách thức tiến hành, thậm chí cả lời khuyên để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Nhà tâm lý học
Các nhà tâm lý học làm việc tại các viện nghiên cứu trung tâm nghiên cứu, các trường đại học và cao đẳng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, công ty quảng cáo, truyền thông v.v…
Công việc của các nhà tâm lý học cũng rất đa dạng. Họ có thể làm công tác nghiên cứu, giảng dạy hoặc tham gia vào việc hoạch định các chính sách liên quan đến đời sống tâm lý được ứng dụng trong các hoạt động quản trị, kinh doanh v.v… Nhà tâm lý học cũng có thể tham gia vào các dự án, các chương trình của các tổ chức trong và ngoài nước, tổ chức phi chính phủ v.v…
7 NHÀ XÃ HỘI HỌC
+ Quan sát và nghiên cứu các nhóm xã hội và các đề tài như gia đình, cộng đồng, giáo dục, quan hệ trong ngành nghề, tội phạm, chính trị, các quan hệ dân tộc và thân tộc, đói nghèo, truyền thông đại chúng v.v…
+ Nghiên cứu, thu thập và phân tích số liệu (thường sử dụng công cụ máy tính hỗ trợ).
+ Ghi lại, nhận định và phân tích về những số liệu thống kê, viết báo cáo.
+ Tiến hành phỏng vấn, điều tra có hệ thống với những đối tượng, nhóm đối tượng được chọn theo một số tiêu chí nào đó, bằng những phương pháp như bảng câu hỏi, phỏng vấn sâu, phỏng vấn nhóm
+ Phân tích làm sáng tỏ thống thông tin thu thập được, đưa ra lời tư vấn, và dự báo… với xã hội hoặc các nhóm người về các vấn đề mà họ quan tâm.
Các nhà xã hội học thường hoạt động trong các lĩnh vực chuyên biệt như: các mối quan hệ của chủng tộc, dân tộc, thân tộc, tâm lý xã hội; nghiên cứu so sánh xã hội; giới và các mối quan hệ của giới; xã hội học thực hành v.v…
8 THƯ KÝ
Thư ký được coi là trợ thủ đắc lực của các nhà quản lý. Công việc của họ thầm lặng đứng sau thành cóng của nhà lãnh đạo nhưng chỉ cần thiếu họ một ngày, rất có thể các sếp sẽ cuống lên vì không ai giúp họ giải quyết gọn ghẽ khối lượng công việc khổng lồ. Thư ký sắp xếp thời gian, thông tin và tài liệu cho một hoặc một nhóm quản trị viên cấp cao nhất định. Phạm vi trách nhiệm của người thư ký có thể thay đổi theo độ tuổi, kinh nghiệm và yêu cầu của người tuyển dụng.
Phạm vi chuyên môn nghiệp vụ thư ký bao quát rộng hơn, ngoài các nghiệp vụ thông thường, người thư ký còn phải đảm nhiệm các chức năng dịch vụ bao gồm cả kế toán, tài chính, nhân sự, tổng hợp và quản trị. Các chức năng này được thể hiện bằng các nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, các nhiệm vụ quan trọng nhất là xử lý thư tín, giao địch điện thoại, chuẩn bị các văn thư, văn bản và các báo cáo chuẩn bị các cuộc họp, các chuyến đi.
Không những thế, họ còn là người làm việc với các công ty y tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ nhà đất. Đôi khi họ cũng phải gặp gỡ các luật sư làm việc với tòa án để giải quyết những vụ việc thay cho các nhà quản lý cấp cao.