Top 5 lễ hội truyền thống lớn và nổi tiếng nhất ở Hưng Yên

0
2902
Vật Phẩm Phong Thủy

Mỗi vùng đất trên nước ta đều có những bản sắc riêng với những lễ hội đặc sản vùng miền khác nhau . Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem những lễ hội truyền thống đặc sắc ở Hưng Yên nhé.

1.Tổ chức lễ hội Đào Nương
Lễ hội Đào Nương được tổ chức từ ngày 01 đến 06/2 âm lịch, tại xã Trung Nghĩa (TP.Hưng Yên) nhằm tưởng nhớ bà Đào Thị Huệ, người đã có công trong việc tổ chức nghĩa binh chống giặc nhà Minh vào đầu thế kỷ XV.
Theo truyền thuyết, vào thế kỷ XV, làng Đào Đặng còn là một vùng sình lầy, lau sậy um tùm. Quân giặc không quen phong thổ thường sinh bệnh tật và chết vì muỗi độc. Đào Nương (Bà Đào Thị Huệ) nghĩ ra kế giết giặc, dùng lời ca, tiếng hát làm cho chúng mê hoặc, lừa chúng chui vào bao gai tránh muỗi đốt, rồi bí mật cùng trai tráng chờ đêm khuya khi giặc đã ngủ say, đến khiêng từng bao ném xuống sông. Thấy lực lượng ngày càng hao hụt mà không rõ nguyên nhân, giặc Minh sợ hãi rút quân. Sau khi bà mất vua Lê Thái Tổ đã phong bà làm “Phúc thần” cho sửa lại nhà thờ và cấp ruộng cúng tế hàng năm. Vì bà được suy tôn là một trong những vị sư tổ nghề hát chào của nước ta, nên trong những ngày hội làng không thể thiếu được những làn điệu chèo truyền thống cùng những tiếng “tom, chát” của tiếng trống đế chèo.
Lễ hội gồm 2 phần: Phần Lễ và Phần Hội
Phần Lễ: các nghi thức tế, lễ diễn ra trang nghiêm và thành kính. Trong phần nghi lễ, đoàn rước kiệu từ đền bà Đào Nương đến đình làng, đoàn rước kiệu rất đặc biệt, chỉ có phái nữ tham gia rước kiệu. Tại đình làng diễn ra các nghi thức lễ và dâng hương.
Phần Hội: Phần Hội được tổ chức với các trò chơi dân gian truyền thống như cờ tướng, kéo co, đi cầu kiều, chọi gà…đặc biệt là cuộc thi gói bánh tẻ, thi sàng gạo. Việc tổ chức cuộc thi gói bánh tẻ, thi sàng gạo đã góp phần khơi dậy niềm tự hào của người dân nơi đây về một phong tục truyền thống của địa phương, đồng thời cũng ý thức cho lớp con cháu hôm nay phải bảo vệ, giữ gìn và phát huy những nghề truyền thống của cha ông từ ngàn xưa để lại.

2.Lễ hội Đền Thiên Hậu
Lễ hội Đền Thiên Hậu mở hội hằng năm vào ngày 23.3 và ngày 9.9 (âm lịch), để kỷ niệm ngày sinh và ngày hoá của Lâm Tức Mặc. Lễ hội thu hút đông đảo các dòng họ người Hoa ở Phố Hiến và người Việt về tế lễ.
Đền Thiên Hậu (Thiên Hậu thượng phố) nằm trên đường Trưng Trắc – phường Quang Trung – Thị xã Hưng Yên được xây dựng năm 1640 do 40 dòng họ người Trung Quốc ở Quảng Đông, Quảng Tây và Phúc Kiến quyên góp tiền của xây dựng nên. Đền Thiên Hậu thờ bà Lâm Tức Mặc, theo “Đại Nam nhất thống chí”, bà là một vị thần biển.
Lâm Tức Mặc sinh ngày 23.3 (âm lịch) là con gái thứ 6 của Lâm Nguyện, người Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Tương truyền khi Lâm Tức Mặc ra đời có hương thơm ngào ngạt, hào quang rực rỡ. Lâm Tức Mặc rất thông minh, năm lên 8 tuổi đi học tiên, luyện đơn thành chính quả, có thể hô mưa gọi gió, dùng phép màu cưỡi chiếu bay trên biển. Khi dân tình mất mùa đói kém bà tìm ra rong biển ăn thay gạo, mì, mạch, nhờ vậy dân tình không còn đói khổ. Bà tìm ra một thứ dầu ma mộc, phun xuống đất mọc cây cho hạt ăn thay lúa gạo… Đến ngày 9.9 âm lịch bà không bệnh mà hoá. Sau khi hoá Bà thường mặc áo đỏ bay lượn trên biển cứu giúp tàu thuyền qua lại. Người Phúc Kiến tôn bà làm thần Hàng Hải, ở đâu có người Phúc Kiến thì ở đó có đền thờ bà. Khi di cư đến Phố Hiến, người Phúc Kiến đã lập đền thờ Bà ở phố Bắc Hoà (nay là phố Trưng Trắc).
Đền Thiên Hậu là công trình mang đậm màu sắc kiến trúc Trung Hoa trên nhiều hạng mục như: cổng nghi môn, nhà thiêu hương, mái, đao góc và cách kết cấu vì kèo. Tương truyền đền được làm ở Trung Quốc rồi mới mang sang Phố Hiến cất dựng.
Nghi môn dựng giống như một ngôi nhà, mái lợp ngói ống, kiến trúc các bộ vì kiểu chồng rường, hệ thống cánh cửa khắc hình quan văn võ và người theo hầu. Thềm được lát bằng những tấm đá cuội trải qua mưa gió hàng mấy trăm năm vẫn không mòn. Phía trước nghi môn có đôi nghê chầu: con đực ngậm ngọc, con cái ôm con bú, chất liệu bằng đá hoa cương, tạo tác rất sinh động. Viên ngọc được làm tròn, nhẵn, không biết làm cách nào người ta có thể đưa vào miệng con đực. Đã có câu ca rằng:
Ai về tỉnh lỵ Hưng Yên
Thăm đền Thiên Hậu đôi bên nghê chầu
Con Dương ngậm ngọc Bích Châu
Con Âm sữa ngọt một bầu nuôi con.
Hai con nghê đá nói lên quan niệm sống của người Trung Hoa: được của và được con là hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời.
Khu nội tự xây kiểu chữ đinh gồm nhà thiêu hương và hậu cung. Nhà thiêu hương dựng chồng diêm 2 tầng 8 mái, mái lợp ngói ống, đường bờ nóc trang trí đức phật ngồi trên toà sen, xung quanh người qua lại. Toàn bộ hệ thống vì được kết cấu theo hình thái đặc biệt với từng chủ đề và tích truyện Trung Quốc như: Tam Quốc, Tây Du Ký… Ngoài ra, ở đây còn trang trí các loại hoa dây, bát mã quần phi, cảnh bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông.
Hậu cung gồm 3 gian, kiến trúc kiểu “chồng rường cánh”, trên các đầu dư chạm thành hình cá chép. Gian hậu cung ngoài thờ Lâm Tức Mặc còn thờ cha mẹ, anh em ruột của Bà và các dòng họ người Hoa đã có công dựng đền.
Hằng năm, Đền Thiên Hậu mở hội vào ngày 23.3 và ngày 9.9 (âm lịch) để kỷ niệm ngày sinh và ngày hoá của Lâm Tức Mặc. Đông đảo các dòng họ người Hoa ở Phố Hiến và người Việt về tế lễ. Trong lễ hội tổ chức rước kiệu linh đình, lễ vật có bánh rong câu, bánh rùa, bánh Tô Châu… là những sản vật truyền thống của người Trung Hoa. Đền Thiên Hậu là một trong số rất ít công trình kiến trúc cổ của người Trung Hoa ở Phố Hiến còn bảo lưu tới ngày nay. Với mục đích gìn giữ và tuyên truyền quảng bá tới đông đảo quần chúng nhân dân, tỉnh Hưng Yên cho trùng tu Đền Thiên Hậu khang trang sạch đẹp và năm 1992 đã được Bộ VHTT công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật./.


3.Lễ hội đền Ủng
Lễ hội đền Ủng được tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch hàng năm, tại xã Phù Ủng, huyện Ân Thi. Đây là lễ hội tưởng nhớ tướng quân Phạm Ngũ Lão.

Đền Ủng thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão, một danh tướng thời Trần, người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông xâm lược ở thế kỷ XIII. Phạm Ngũ Lão sinh ra và lớn lên tại làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, Phủ Thượng Hồng (nay là xã Phù Ủng, huyện Ân Thi) ngay từ nhỏ ông đã bộc lộ chí khí khác thường, tính tình cương trực. Đến nay thì câu chuyện về tướng quân Phạm Ngũ Lão vẫn được người dân kể lại như một tích chuyện kỳ lạ về một vị tướng anh hùng có lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, có sức khoẻ phi thường, gan dạ. Tương truyền năm ông 13 tuổi, trong làng có người đỗ đạt làm quan, mở tiệc thiết đãi dân làng, cả làng kéo đến tham dự chỉ có ông là không. Người mẹ hỏi sao con không đến ông đáp rằng chí làm trai phải làm lên công danh sự nghiệp vẻ vang cho xóm làng còn mình chưa làm được gì nên cảm thấy hổ thẹn với lòng.Hàng ngày Phạm Ngũ Lão vẫn ngồi bên đường chẻ tre, vót nan, đan sọt. Một hôm Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp (Chí Linh) lên kinh đô Thăng Long. Quân sĩ hộ vệ Trần Hưng Đạo đi trước dẹp đường, thấy Phạm Ngũ Lão, quát đuổi ông vẫn cứ ngồi yên thanh thản đan vót như không nghe thấy gì, quân lính lấy giáo đâm vào đùi, máu chẩy đầm đìa, ông vẫn không nhúc nhích. Trần Hưng Đạo thấy làm lạ bèn tiến đến hỏi đầu đuôi sự việc. Khi biết chuyện Phạm Ngũ Lão vì mải nghĩ việc nước mà quên cả nỗi đau thân xác, Hưng Đạo Vượng nhận thấy đây là một nhân tài của đất nước, bèn triệu hồi trọng dụng. Với tài năng bẩm sinh cùng với sự rèn cặp của Trần Quốc Tuấn Phạm Ngũ Lão mau chóng trở thành một vị tướng xuất sắc đã 2 lần đánh tan giặc xâm lược Nguyên – Mông.Để tưởng nhớ đến một vị tướng tài danh là người con của quê hương, dân làng Phù Ủng đã lập đền thờ Phạm Ngũ Lão ngay trên nền đất cũ của nhà ông.

Lễ hội được mở đầu với nghi thức rước công chúa Tĩnh Huệ (con gái Phạm Ngũ Lão) từ phủ chúa về lăng Phạm Tiên Công để trình ông và rước về đền Phạm Ngũ Lão để trình cha. Trong lễ rước, hàng nghìn người dân và khách thập phương đã chen nhau chui qua gầm kiệu với tâm niệm những ước muốn của mình trong năm mới sẽ thành hiện thực. Phần lễ được tổ chức trang trọng với các nghi thức cổ truyền như đại lễ, tế nội tán, ngoại tán…

Phần Hội với các trò chơi dân gian, những môn thể thao, vui chơi do tướng quân Phạm Ngũ Lão nghĩ ra để rèn luyện sức khỏe, ý chí cho binh sĩ như: hội thi vật cù. Cù hình tròn, làm bằng gỗ vuông sơn đỏ. Sân chơi là một bãi rộng chia làm 2 bên đông và tây, giữa sân kẻ một vạch ngang, chính giữa vạch đào một lỗ đặt quả dầu, hai đầu sân mỗi bên đào một lỗ. Mỗi đội có 8 quân và 1 tổng, đầu chít khăn, đóng khố. Mỗi đội đóng khố một màu khác nhau. Trước khi chơi, hai đội xếp thành hai hàng làm lễ trước cửa đền. Trọng tài cầm quả cầu đặt ở hố giữa sân, phát hiệu lệnh, hai bên giành nhau cướp bỏ vào lỗ của đối phương, bên nào cho vào lỗ của bên kia là thắng cuộc.

Trong những ngày diễn ra lễ hội, bên cạnh các phần nghi lễ còn có các hoạt động thể thao giao hữu cầu lông, bóng chuyền, hoạt động văn hóa cho chữ đầu xuân, hát quan họ, hát trống quân…

Lễ hội đền Ủng được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 13 tháng giêng, thu hút hàng nghìn lượt khách thập phương tới dâng hương, trẩy hội, là một trong những lễ hội lớn, mở đầu cho các hoạt động văn hóa, lễ hội mùa xuân của tỉnh Hưng Yên.


4.Lễ hội cầu mưa
Lễ hội cầu mưa được tổ chức từ ngày 6 đến 8 tháng 4 hàng năm, tại chùa Pháp Vân, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm. Lễ hội cầu mưa gắn với hệ thống thờ Tứ Pháp và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa để người dân có mùa màng bội thu cuộc sống được ấm no hạnh phúc.

Chùa Pháp Vân (còn có tên gọi là Thái Lạc) là một ngôi cổ tự có từ thời Lý nằm trong quần thể chùa thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện). Tương truyền rằng, cứ mỗi khi trời hạn hán thì người dân nơi đây lại làm lễ cầu mưa; vì vậy lễ hội không được tổ chức thường xuyên hàng năm. Đến năm 2005 trở lại đây lễ hội cầu mưa mới thực sự trở thành ngày hội vui nhất của người dân nơi đây. Trong ngày này, ngoài ý nghĩa tín ngưỡng thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) tại đồng bằng Bắc Bộ nó còn là dịp để gia đình quây quần xum họp, bàn chuyện làm ăn, phát triển sản xuất, chăn nuôi, cày cấy…

Tứ pháp là danh từ để chỉ 4 nữ thần trong tín ngưỡng Việt Nam gồm: Mây, Mưa, Sấm và Chớp, đại diện cho các hiện tượng tự nhiên có vai trò quan trọng trong xã hội nông nghiệp. Theo các nhà khoa học, tín ngưỡng Tứ Pháp được định hình và phát triển trong buổi đầu Phật giáo du nhập vào nước ta, thể hiện ý thức độc lập, tự chủ trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và kết nối tinh thần đoàn kết toàn dân trong việc chống lại sự đồng hóa phong kiến phương Bắc.

Tín ngưỡng thờ Tứ Pháp là hiện tượng tín ngưỡng bản địa của nước ta mang đậm màu sắc của nền văn minh lúa nước kết hợp với Phật giáo. Những cư dân trồng lúa luôn cần nước. Trong 4 nhu cầu thiết yếu mà người nông dân Việt Nam đã tổng kết là “nước, phân, cần, giống” thì nước là hàng đầu. Mà ở khu vực nhiệt đới gió mùa này, nói đến nước là nói đến mưa. Chính vì thế mà khi Phật giáo mới truyền nhập vào Việt Nam, thì tại trung tâm đầu tiên là Luy Lâu, tức vùng chùa Dâu, nó đã gắn kết với sự sùng bái 4 nữ thần Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện. Các hội chùa Tứ Pháp cho ta thấy một cách sống động sự tiếp hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng cầu mùa của người nông dân Việt Nam vẫn diễn ra…

Theo truyền thống, tại chùa Pháp Vân, lúc có hạn hán, người ta rước tượng Pháp Vân ra khỏi chùa, cùng với tượng của các bà Pháp Lôi, Pháp Vũ ở các chùa gần đó đến chùa Ôn Xá (được gọi là chùa Un) – nơi thờ bà Pháp Điện để làm lễ cầu mưa.
Lễ rước diễn ra như sau: đi đầu đoàn rước kiệu là đội múa rồng. Tiếp đến là những người tham gia rước kiệu, họ là những người khỏe mạnh, cưởi trần, đóng khố. Đặc biệt trong lễ hội không thể thiếu đoàn nhạc. Người dân đứng hai bên đường chờ đoàn rước kiệu đi qua thì té nước, làm như thế là để cầu may, những ai được dính nước sẽ được may mắn. Mọi người cùng nhau chui qua kiệu mong được sức khỏe và bình an

Theo truyền thuyết người dân kể lại, bà (Pháp Điện) chỉ được ở trong chùa không được đi ra ngoài, bởi nếu ra ngoài cửa chùa thì sẽ bị hạn hán, bà Pháp Điện nhìn về hướng nào nơi đó sẽ bị cháy… nên đội rước bà Pháp Điện chỉ chạy ra đến cửa chùa chào các chị (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi) rồi lại quay vào.

Cũng giống như các lễ hội của cư dân nông nghiệp, lễ hội cầu mưa là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn liền với đời sống tinh thần của người làm nông nghiệp. Là lễ hội được bắt nguồn từ nông nghiệp và phục vụ mục đích nông nghiệp nên trong tâm thức của người nông dân, mở hội cầu mưa cũng là một công việc cần thiết và quan trọng như bất kỳ khâu sản xuất nào./.


5.Lễ hội đền Chử Đồng Tử
Lễ hội Chử Đồng Tử diễn ra từ ngày 10 đến 12 tháng 2 âm lịch hàng năm tại Đền Đa Hoà và đền Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Đây là một lễ hội rất độc đáo, gắn liền với truyền thuyết tình yêu bất tử và lãng mạn giữa chàng trai nghèo đánh cá ven sông với nàng công chúa Tiên Dung – con của vua Hùng thứ 18.

Lễ hội Chử Đồng Tử được tổ chức ở hai ngôi đền:

Tại đền Đa Hoà

Từ sáng sớm ngày 10 tháng 2, cuộc rước kiệu của 8 xã xuất phát từ nhiều hướng theo đê sông Hồng tiến về đền Đa Hoà. Nếu có dịp quan sát từ xa du khách sẽ thấy nổi bật trên con đê xanh xanh và nền trời xanh là dòng người sắc màu rực rỡ đầy ấn tượng. Đoàn rước của các xã mỗi khi gặp nhau đều có nghi lễ chào. Tới điểm quy định đoàn rước của xã Đa Hoà (nơi có đền Đa Hoà) ra nghênh đón và nhập vào thành một đoàn rước lớn tiến về đền làm lễ. Thứ tự đoàn rước quy định như sau: Hoàng Trạch, Đồng Quê, Bằng Nha, Phú Thị, Phúc Trạch, Thiết Trụ, Nhạn Tháp, Đa Hòa và cuối cùng là Mễ Sở.

Sau lễ khai hội, dâng hương là các trò chơi dân gian, các trò vui diễn ra cả ngày lẫn đêm trong những ngày hội.

Tại đền Dạ Trạch

Sáng ngày 10 tháng 2, đoàn rước nước của xã Dạ Trạch và 4 xã bạn (Hàm Tử, Yên Phú, Đông Tảo, Tứ Dân) thuộc huyện Khoái Châu, Hưng Yên được cử hành từ đền Dạ Trạch tiến về phía sông Hồng lấy nước.

Ra đến sông Hồng đoàn rước xuống thuyền. Đoàn thuyền của 5 xã thuộc huyện Khoái Châu xuôi sông Hồng đón đội hình rước của xã Mai Động (tỉnh Hưng Yên) và hai xã Khai Thái, Tự Nhiên (của tỉnh Hà Tây) ghép thành một đội hình lớn. Một cuộc trình diễn du thuyền trên sông và làm lễ lấy nước ở giữa sông Hồng. Kết thúc việc lấy nước đoàn rước lên bờ và rước nước về đền. Khoảng 11h30’ đoàn rước nước về tới đền vừa kịp giờ khai hội.Sau khi kiệu rước nước được đưa vào an vị trong đền, các kiệu rước thánh an vị tại sân đền, đội hình ổn định, các đại biểu đến dự đầy đủ. Đoàn rồng tiến qua Cầu Tiên vào cửa đền cúi lạy thánh sau đó lui ra, đoàn múa sinh tiền, múa nón biểu diễn trên cầu.

Lễ khai hội bắt đầu.

Sau lễ khai hội, nhiều hoạt động vui chơi, múa hát, tranh tài được tổ chức tại khu vực đền trong những ngày lễ hội.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN