Top 7 lễ hội truyền thống lớn và nổi tiếng nhất ở Điện Biên

0
1614
Vật Phẩm Phong Thủy

Mỗi cùng đất trên nước ta đều có những bản sắc riêng với những lễ hội đặc sản vùng miền khác nhau . Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem những lễ hội truyền thống đặc sắc ở Điện Biên nhé.

1.Lễ Tủ Cải của dân tộc Dao Quần chẹt
Lễ Tủ Cải thường được tổ chức sau thu hoạch vụ mùa vào cuối năm cũ hay đầu năm mới là thời gian nông nhàn. Lễ không diễn ra theo thời gian nhất định mà phụ thuộc vào điều kiện của từng gia đình.

Theo nghĩa Nôm Dao, Tủ là báo cáo, Cải là đặt tên, Tủ Cải tức là lễ báo cáo với các thần linh, tổ tiên về việc đặt tên thứ hai (tên âm) cho người con trai trong dòng tộc, bởi khi cúng lễ xưng tên với tổ tiên họ kiêng dùng tên thật.

Tủ Cải là lễ quan trọng nhất trong tập tục vòng đời người con trai Dao, đánh dấu sự trưởng thành như lễ thành đinh của người Kinh trong xã hội cổ truyền. Đồng bào quan niệm ai đã thụ lễ mới được coi là người đủ tư cách làm các công việc trong dòng tộc, cộng đồng và tất cả những người làm thầy mo đều phải trải qua nghi lễ này.Thường bé trai từ 8 tuổi trở lên, khi điều kiện kinh tế gia đình cho phép đều được làm lễ Tủ Cải.

Trước ngày diễn ra lễ từ 10 đến 15, gia chủ chuẩn bị các lễ vật, thực phẩm tùy theo nhu cầu, quy mô lễ lớn, nhỏ đồng thời mang lễ vật đến mời các thầy cúng có uy tín trong bản chọn ngày lành tháng tốt và tổ chức lễ.

Trước khi tổ chức lễ một ngày, các thầy cúng, họ hàng thân tộc đã có mặt đầy đủ. Thầy cả phân công các thầy cúng, những người giúp việc, họ hàng, dân bản cùng dựng đàn lễ trong nhà (nơi ngự của tổ tiên), đàn lễ ngoài trời (nơi ngự của các thần linh), dán sớ điệp và viết sớ báo cáo để trình báo với tổ tiên, thần linh.

Khi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, lễ Tủ Cải bắt đầu được tổ chức. Trong vòng từ 2 đến 4 ngày đêm, tất cả mọi người dự lễ đều cùng ăn chay. Lễ Tủ Cải tổ chức lớn trong vùng gồm 7 ông thầy cúng với quyền hạn và nhiệm vụ khác nhau. Thầy cả và thầy hai là linh hồn và là người điều khiển chính trong các lễ thức. Các thầy đọc thông viết thạo chữ Nôm Dao thuộc các quyển sách cúng, các bài diễn ca hay các bài tế các vị thánh thần.

Mở đầu, thầy cả đọc lời tuyên bố lý do tổ chức lễ Tủ Cải. Nội dung nghi lễ này thầy cả đề cập đến lịch sử người Dao, ai là con trai cũng phải làm cái lý này và xướng tên những người sẽ được thụ lễ. Tiến trình lễ diễn ra qua nhiều lễ thức khác nhau như: Lễ nhập tổ tiên, lễ báo cáo với các vị thần linh, lễ khai đàn, lễ đặt tên âm, mời tổ tiên trong đàn lễ nghe báo cáo, nghi thức cầu xin tổ tiên phù hộ cho gia đình người được thụ lễ (sư mới) làm ăn phát đạt, lễ quá tăng, nghi lễ thụ đèn, lễ cấp âm binh, nghi lễ cấp cầu, lễ cấp bằng sắc, lễ cấp đạo sắc, lễ thăm thiên đình, lễ tạ Thánh, lễ trình diện Ngọc Hoàng, nghi lễ ngã đàn hóa kiếp, nghi lễ cúng Ngọc Hoàng, Thần Nông, lễ tiễn Bàn Vương, nghi lễ tạ ơn và tiễn đưa tổ tiên.

Diễn trình lễ đặc biệt sinh động ở phần những người giúp việc nhập vai tổ tiên, thần linh về nghe báo cáo, nhảy múa, ăn cỗ sum vầy cùng con cháu và chia tay bịn rịn lưu luyến không muốn rời khi phải về trời. Hay cảnh ma ngoài rừng vào phá lễ, bị bắt nhốt và phần kết được thả ra nhảy múa vui mừng. Lễ thành công khiến cho người ta có thể tưởng tượng quanh ta luôn tồn tại song hành một thế giới vô hình bên thế giới thực tại với nền tảng là lấy cội nguồn tiên tổ, thần linh làm điểm tựa vững chắc đểvươn tới tương lai tươi sáng.

Trong phần lễ xen lẫn hội, phối hợp nhịp nhàng và có mối quan hệ khăng khít với nhau, tạo nên không khí linh thiêng mà ấm áp tình người, tràn đầy sự hứng khởi. Lời khấn cầu, những lời răn dạy của tổ tiên, thần linh thông qua các thầy cúng tới sư mới hòa trong âm thanh phụ họa của tiếng chiêng, tiếng trống không ngoài mục đích để tính thiêng của cõi tâm linh thâm nhập vào cõi trần gian. Tất cả được diễn ra sinh động theo một quy trình khá lôgic từ khâu chuẩn bị đến việc tiến hành các nghi lễ. Các lễ thức và cách trình diễn, bày tỏ tình cảm ước nguyện của mình với tổ tiên thông qua các thầy cúng và người giúp việc.

Các lễ thức diễn trình theo quy định kéo dài cho đến ngày cuối cùng của buổi lễ vừa mang ý nghĩa giáo huấn vừa mang màu sắc tâm linh huyền ảo, đồng thời phản ánh những ước mơ, khát vọng của con người lấy cội nguồn tiên tổ làm nền tảng để rèn tâm, dưỡng đức.

Lễ thức quan trọng nhất trong lễ Tủ Cải là thầy cả cấp cho người được thụ lễ một bản đạo sắc viết bằng chữ Nôm Dao, ghi về lý lịch của sư mới, nguyên do thụ lễ và các điều răn dạy. Đạo sắc được coi là bằng chứng để sư mới được phép thực hiện các nghi lễ trong xã hội người Dao. Tên của chàng trai được ghi trong gia phả, sử dụng khi cúng lễ và lúc qua đời con cháu sẽ cúng theo tên âm này.

Kết thúc các nghi lễ, thầy thư ký đọc tổng kết báo cáo trước đàn lễ tổ tiên, báo cáo kết quả thành công của lễ, tạ ơn tổ tiên, thần linh, thỉnh cầu cho sư mới những điều tốt đẹp. Cuối cùng gia chủ cám ơn và mời mọi người dự bữa cơm đoàn kết, cùng nâng cốc chúc mừng sư mới.

Trải qua bao biến thiên lịch sử cùng, lễ Tủ Cải của đồng bào đến nay vẫn giữ được bản sắc riêng luôn hiện hữu trong đời sống cộng đồng. Lễ có tác động tích cực đến việc giáo dục thế hệ trẻ, góp phần xây đắp nên sự gắn kết cộng đồng, bảo tồn những tinh hoa văn hóa dân tộc.

2.Lễ Bó khoăn khoai
Với quan niệm vạn vật đều có linh hồn, cơ thể sống chỉ là vật biểu hiện ra bên ngoài của một tâm hồn bên trong nên người Thái trắng sau khi kết thúc vụ mùa phải làm lễ Bó khoăn khoai (cúng vía trâu) – một lễ cảm ơn con trâu sau khi mùa vụ đã hoàn thành, nhờ có sức kéo của trâu mà mùa vụ mới được hoàn thành nhanh chóng, con người mới thóc lúa đầy bồ, sung túc, đủ ăn.

Con trâu có vị trí, ý nghĩa đặc biệt đối với cuộc sống của cư dân nông nghiệp. Là cư dân nông nghiệp miền núi nhưng các cư dân Thái (Điện Biên) sinh sống chủ yếu ở các thung lũng gần sông, suối “người Xá ăn theo lửa, người Thái ăn theo nước”, đã tạo cho nhân dân bản địa thói quen và điều kiện sản xuất lúa nước từ lâu đời. Câu tục ngữ “Làm nương ủ lá cây, làm ruộng thả nước ngập luống cày”, “Làm ruộng phải lo gianh, làm ruộng phải lo giống” thể hiện trình độ sản xuất khá cao của dân tộc Thái, do vậy để đảm bảo sức kéo cho ruộng, nương, con trâu đối với họ có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Lễ được tổ chức như sau:

Trước hôm cúng, trâu được tắm rửa sạch sẽ, Lễ tạ ơn được tiến hành với từng con, bắt đầu từ con trâu đầu đàn, tiếng Thái gọi là khoai tổn lang (trâu chủ gầm), sau đó lần lượt theo thứ tự con nhiều tuổi trước, con ít tuổi sau. Tạ ơn con nào thì kéo con trâu trước mâm cỗ cúng. Người cúng cầm sẹo mũi con trâu và đọc bài cúng.

Đồ cúng trong lễ bó khoăn khoai gồm có: cỏ nhưng phải là cỏ gianh hoặc cỏ lau và muối được gói trong lá chuối và được đặt lên chiếc mâm có rải lá chuối. Lễ vật đã được bày sẵn trong mâm gồm có 1 con gà, 1 chai rượu, 4 chén rượu, 4 đôi đũa, 2 cuộn dây thừng. Mâm cúng được gia chủ mang ra sàn bên mâng hẩ là sàn thường được dùng để làm công việc sinh hoạt hằng ngày trong gia đình.

Sau đó con trâu được dắt từ gầm sàn ra dưới gian mang hẩ và được buộc lại bằng dây thừng. Gia chủ cúng đại ý rằng con trâu nuôi của mình, mình để làm ruộng, nương cho nhà mình. Có những lúc mình bảo nó không nghe, nó làm không đúng yêu cầu của mình, lúc đó tao tức giận đã đánh đập mày, tao biết linh hồn mày biết sẽ không vui. Hôm nay đã hết công việc đồng áng, vụ mùa đã bội thu, tao có rượu, thịt, cỏ cho mày ăn no và mày xí xóa cho tao vì có những lúc tao bực mà đánh mày.

Lời lẽ, ngôn từ trong lời khấn rất giản dị, mộc mạc như chính lối sống của người nông dân miền núi, công tội rất rõ ràng. Tất cả vì mục tiêu công việc đặt lên hàng đầu nhưng đồng thời cũng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đề cao vai trò của lao động ngay cả đối với loài vật vô tri.

Sau khi cúng xong, trâu được cho ăn cỏ và xát muối vào mồm trâu vì sau khi làm lễ bó khoăn khoai, gia chủ sẽ đưa trâu lên rừng để trâu tự kiếm ăn, đỡ công phải chăm sóc trong lúc nông nhàn. Việc xát muối vào mồm để trâu nhớ đường mà về nhà, không được đi lạc vào nhà khác. Việc chỉ cho ăn cỏ lau và cỏ gianh vì khi vào rừng có rất nhiều loại cỏ khác nhau và trong đó không thiếu những loài cỏ độc. Cho ăn 2 loại cỏ này để trâu nhớ mà ăn.

Sau đó gia chủ thắp nến sáp ong và gắn lên sừng trâu với ý nghĩa sẽ soi sáng đường cho trâu, trên đường đi không gặp phải hổ dữ và vướng vào vực sâu. Điều này phản ánh nỗi sợ hãi sâu xa của người nông dân miền núi do trước kia rừng thiêng, nước độc, các loài thú dữ nhiều vô kể. Một điều khác so với việc cúng vía trâu ở các nơi khác là trâu hôm sau mới được thả vào rừng còn ở thị xã Mường Lay, sau khi cúng xong trâu được gia chủ dắt ngay vào rừng để tự kiếm ăn. Một tuần một lần gia chủ phải vào rừng để kiểm tra trâu nhà mình…

3.Lễ mừng cơm mới dân tộc Si La
Lễ mừng cơm mới của đồng bào Si La thường được tổ chức từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 (khoảng tháng 8 âm lịch) là thời gian vụ lúa đầu mùa bắt đầu chín và được tổ chức vào ngày Thìn hoặc ngày Tỵ.

Theo quan niệm của người Si La, trong suốt quá trình sản xuất của gia đình và dòng họ luôn có sự che chở của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Vì vậy, khi con cháu trong dòng họ dùng những nông sản đó không được quên ơn những người lớp trước đã truyền đạt lại kinh nghiệm sản xuất. Người Si La sẽ lấy những hạt lúa chín đầu tiên của vụ mùa về cúng tổ tiên trước khi thu hoạch.

Lễ mừng cơm mới là một trong những nghi lễ đặc trưng tiêu biểu không chỉ được tổ chức tại mỗi gia đình trưởng dòng họ riêng, mà tất cả các dòng họ trong bản đều tổ chức.

Người Si La tổ chức lễ mừng cơm mới trong một ngày tại gia đình trưởng mỗi dòng họ. Gia đình trưởng dòng họ có bàn thờ và trưởng họ thường là người thay mặt cho cả dòng họ làm các thủ tục trong các nghi lễ cúng bái. Sau các nghi lễ cúng mời tổ tiên, các gia đình trong họ sẽ đến dự bữa cơm mừng cơm mới tại nhà trưởng dòng họ.

Sáng hôm tổ chức làm lễ, tất cả các gia đình trong bản cử người tổng vệ sinh chung cho cả bản, sau đó các gia đình quét dọn nhà cửa, rửa bát đũa, lau chùi các đồ dùng sinh hoạt trong nhà. Trong đó mâm cúng phải rửa sạch và sửa sang nơi thờ cúng để bầy các đồ cúng. Vì người Si La quan niệm rằng khi tổ tiên, ông bà thế giới bên kia đến hưởng thụ đồ lễ mà thấy nhà cửa, đồ dùng không vệ sinh sạch sẽ khiến tổ tiên không thích và sẽ không phù hộ bảo vệ mùa màng nữa.

Sau khi mọi thứ được chuẩn bị xong, đến chiều tối gia chủ bắt đầu nấu cơm mới và chế biến các đồ lễ như con cá, con cua, con sóc, củ mài, củ khoai… hấp cho chín, bầy lên mâm đợi khi mặt trời lặn hẳn, gia chủ (trưởng dòng họ) tiến hành phần lễ cúng mời tổ tiên về hưởng thụ. Người Si La quan niệm khi mặt trời lặn, đêm tối buông xuống là lúc tổ tiên trở về gần con cháu. Mâm lễ được bày đầy đủ đồ lễ và đặt dưới bàn thờ, gia chủ (trưởng họ) thay mặt cho con cháu cả dòng họ cúng mời tổ tiên, ông bà, cha mẹ những người đã khuất về hưởng đồ lễ cơm mới.

Lễ cúng dưới bàn thờ xong, gia chủ cử người chuyển nguyên mâm lễ đó đặt cạnh bếp chính bên giường gia chủ (Với người Si La chỉ có những gia đình trưởng họ mới được làm bếp này. Bếp làm ở trong nhà, ngay cạnh cột chính của nhà, là nơi giữ lửa ấm cho cả họ, bảo vệ che chở mọi người và là nơi chủ họ sưởi ấm, hút thuốc). Mâm cúng có đặt thêm bát nước trắng và một ống tre cao 15cm, có đường kính miệng khoảng 8cm, bên trong ống có men rượu, trên miệng phủ lá chuối và cắm 3 que tre, tượng trưng cho bình rượu cần.

Lúc này gia chủ bắt đầu cúng tổ tiên lần hai. Sau mỗi lần cúng của gia chủ (trưởng họ) sẽ cho một người con cháu trong nhà cầm thìa múc lấy lần đầu 3 thìa nước trắng vào ống, hai lần sau mỗi lần múc lấy một thìa. Khi xướng cúng đủ ba lần là xong lễ cúng mời tổ tiên. Các đồ lễ đó có thể mang ra cho mọi người dùng, nhưng riêng cơm mới làm đồ cúng đó phải đổ một bát riêng dành cho con chó trong nhà ăn trước thì mọi thành viên trong nhà mới được ăn.

Sau nghi lễ cúng mời tổ tiên về hưởng cơm mới xong, tại gia đình tổ chức lễ (trưởng họ), con cháu trong nhà cũng bắt đầu bầy mâm mời anh em họ hàng, khách khứa trong bản đến dự bữa cơm mới và chúc may mắn cho gia đình và dòng họ. Lễ mừng cơm mới của người Si La kết thúc trong tiếng nói cười và những lời chúc tụng nhau trong bữa cơm liên hoan của gia chủ. Mọi người ai cũng vui mừng trước thành quả của một vụ mùa bội thu và tin tưởng rằng sẽ rồi đây cuộc sống của họ sẽ còn rất nhiều cuộc vui như thế.

Lễ Mừng cơm mới là một nghi thức nông nghiệp chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa tích cực và là một phần quan trọng trong ý thức của đồng bào Si La./.

4.Lễ hội Thành Bàn Phủ
Lễ hội Thành Bàn Phủ được tổ chức hàng năm vào các ngày 24 và 25/2 Âm lịch, tại xã Noọng Hẹt, huyện Điện Biên nhằm tưởng nhớ anh hùng Hoàng Công Chất.

Năm 1754, thủ lĩnh Hoàng Công Chất cùng 2 vị tướng người dân tộc thiểu số là Lò Ngải và Lò Khanh phất cờ khởi nghĩa đánh tan giặc Phẻ và tàn quân Thái Bình Thiên Quốc do chậu Phạ Tin Tòng cầm đầu, giải phóng xứ Mường Thanh (Điện Biên), chấn ải biên cương Tổ quốc.

Lễ hội thành Bản Phủ được tổ chức hằng năm vào ngày giỗ tướng quân Hoàng Công Chất, là dịp để tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc; khơi dậy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, tình nghĩa miền ngược với miền xuôi. Lễ hội kêu gọi nhân dân các dân tộc phát huy truyền thống, tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Thông qua lễ hội giới thiệu nhằm quảng bá đến du khách trong nước và quốc tế về hình ảnh, truyền thống nghìn năm hội tụ đất và người Mường Thanh – Điện Biên.

Lễ hội gồm hai phần: Phần Lễ và Phần Hội

Phần lễ: Mở đầu phần lễ, âm vang tiếng trống oai hùng, trang nghiêm nổi lên trong không khí tưng bừng của ngày hội. Sau nghi thức chào cờ là một phút mặc niệm, tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Chúc văn giỗ tướng quân gồm 3 phần: nhạc đệm hùng tráng, anh linh, tiếp đến là nghi lễ rước, dâng lễ vật và màn tái hiện lịch sử bằng sân khấu hóa.

Chỉ huy đoàn lễ rước là người đứng tuổi, trang phục uy nghiêm, bước đi oai phong, thể hiện tình cảm quý trọng, biết ơn sâu sắc của đồng bào các dân tộc đối với người nông dân áo vải Hoàng Công Chất và 2 vị tướng Ngải, Khanh đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm. Đoàn lễ rước gồm đội múa lân, múa rồng, đội rước kiệu mặc trang phục lễ hội. Đoàn tế lính nghĩa quân mặc trang phục lính trận, tay cầm giáo mác chĩa lên trời. Các lực lượng tham gia cầm cờ, lực lượng quần chúng nghiêm trang.

Màn tái hiện lịch sử bằng sân khấu hoá gồm 3 phần: bối cảnh lịch sử, tướng quân lãnh đạo nhân dân đánh giặc, Mường Thanh được giải phóng; với sự tham gia của các diễn viên tỉnh nhà làm nổi bật vai trò, tôn vinh người thủ lĩnh miền xuôi cứu dân miền ngược, tinh thần đoàn kết của đồng bào Tây Bắc, diễn tả hình ảnh đồng bào nô nức ủng hộ đánh giặc. Dàn trống, cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, âm thanh hoành tráng, rộn ràng, trầm hùng và linh thiêng; cầu cho quốc thái dân an…

Bên cạnh văn hoá tín ngưỡng truyền thống, phần hội là sân chơi lành mạnh, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho đồng bào trên địa bàn với đa dạng các hoạt động văn hoá, văn nghệ; trưng bày triển lãm tranh, ảnh “các di vật của nghĩa quân Hoàng Công Chất”, thi trò chơi dân gian như: đua ngựa giết Phẻ, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, đi cà kheo, tung còn truyền thống, thi nấu ăn nuôi quân, ẩm thực văn hoá dân tộc; Liên hoan văn nghệ với sự tham gia biểu diễn của các đoàn nghệ thuật quần chúng. Những thiếu nữ dân tộc Thái duyên dáng, dịu dàng trong trang phục váy đen dài chấm gót, áo cóm với hàng cúc bướm lóng lánh ánh bạc, trên tay cầm chiếc quạt sặc sỡ, nhịp nhàng trong điều múa uyển chuyển, đằm thắm, tạo sự lôi cuốn đối với khán giả. Vòng xoè đoàn kết là đặc trưng của dân tộc Thái trong lễ hội.

5.Lễ hội Hạn Khuống
Hạn khuống là một hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Thái, Điện Biên. Lễ hội thường được tổ chức sau vụ thu hoạch vào tháng 11 hàng năm. Lễ Hạn Khuống do bên gái tổ chức thực ra là một cuộc vui để tìm hiểu bạn đời sau đó chia tay về nhà chồng. Chính vì vậy, Hạn Khuống đã để lại biết bao kỷ niệm và ấn tượng đẹp của một thời trẻ trung sôi nổi.
Khi nói đến Hạn Khuống, người Thái nghĩ ngay đến nơi hò hẹn – giao duyên bằng những lời ca thắm tình của nam nữ thanh niên Thái, một nét sinh hoạt văn hóa cổ xưa của người Thái. Hạn Khuống làm cho trai mường, gái bản Thái thêm yêu cuộc sống, yêu lao động sản xuất, gần gũi với thiên nhiên, vì văn hóa của người Thái cũng bắt đầu từ tình yêu cuộc sống, bắt đầu từ phong tục, tập quán sinh hoạt của một tộc người luôn gắn bó với núi rừng. Có thể nói, lửa sàn Hạn Khuống sẽ thêm thắm đượm tình người khi du khách, bạn bè gần xa đến giao duyên trên sàn Hạn Khuống vào ngày lễ hội, dịp tết đến xuân sang.
Ngoài căn nhà sàn thân quen của mình, khi tiết trời sang xuân, khi bản mường bước vào mùa lễ hội, nam nữ thanh niên Thái cùng nhau vào rừng đốn chặt lấy vài cây rừng về dựng một sàn ở khu đất trống giữa bản, sàn có thể dựng bằng tre hoặc gỗ, sàn đó được gọi là Hạn Khuống nơi để nam nữ thanh niên Thái đến khắp (hát) đối đáp. Trên sàn Hạn Khuống chuẩn bị dụng cụ cho nam thanh, nữ tú hội tụ giao duyên; con gái Thái thì quay sợi, cán bông, dệt vải, thêu thùa bằng chỉ màu các loại, có bếp củi để đốt lửa. Dụng cụ cho trai Thái gồm có lạt xanh, lạt đỏ, lạt trắng để đan hom, đan giỏ, đan ớp, hoặc đan các con vật để tặng bạn gái, người mà trai Thái có ý tỏ tình trong đêm khắp đối giao duyên. Ống điếu và bó đóm bằng tre ngâm khô và thuốc lào. Ngoài ra còn một số vật dụng khác để đan chải, đan vợt xúc… và các loại nhạc cụ như khèn bè, pí pặp, pí thiu, sáo trúc, đàn tính…

Sàn Hạn Khuống dựng cao khoảng 1,2m – 1,5m, rộng chừng 0,6m, dài chừng 5m, xung quanh có lan can được trang trí hoa văn mang bản sắc dân tộc. Giữa sàn Hạn Khuống có cây nêu bằng tre to, dài để cả phần ngọn còn nguyên lá và trang trí các con giống đủ màu sắc gọi là “Lắc xáy chính”. Cây “Lắc xáy chính” này mang bóng dáng của cây vũ trụ. Bốn góc sàn Hạn Khuống có 4 cây nhỏ trang trí đẹp mắt gọi là “Lắc xáy”. 4 góc sàn đều có cầu thang lên xuống, được gọi là “San bó Han Khuông” (Sàn hoa Hạn Khuống). Chủ thể Hạn Khuống thường chọn những thiếu nữ Thái xinh đẹp của bản mường, có đức – tài hát đối ứng gọi là “Xao tỏn khuống”. Bốn cô gái ngồi ở bốn góc gọi là “Xao lắc xáy”. Khi bếp lửa trên sàn bắt đầu nhóm lên, ngọn lửa cháy rực sáng cả một góc bản mường cũng là lúc các cô chủ Hạn Khuống rút thang lên, quay guồng xa của mình kéo sợi giăng ngang lối lên – xuống sàn Hạn Khuống và cuộc thi tài bắt đầu. Lúc này, các chàng trai Thái muốn lên sàn hoa thì phải thắng trong cuộc hát đối với các cô chủ sàn Hạn Khuống. Lời các bài hát đối thường lấy trong truyện thơ Thái “Xống chụ xon xao”, “Tản chụ xiết xương”. Khi đã vào cuộc, ngoài khắp đối ra là lời ứng tác giữa một bên là trai Thái, một bên là các cô chủ Hạn Khuống. Lời ứng tác tinh tế, sắc sảo thể hiện sự thông minh, tài ba của những chàng trai, cô gái Thái.

Khi đã cảm phục tài ứng tác của các chàng trai trong hát đối, các cô gái thả thang xuống chạm đất đưa tay níu mời các chàng trai lên sàn Hạn Khuống. Sau khi lên Hạn Khuống, bên gái tiếp tục thử sức tài ba, lòng kiên trì, đối đáp của bên trai là không cho ghế, bên trai lại khắp xin ghế ngồi. Cứ thế, xin được ghế ngồi rồi lại khắp đối xin ống điếu thuốc lào… Sau một loạt các bài khắp, các chàng trai đã vượt qua thử thách và được các cô gái đồng ý cho dự cuộc vui đến thâu đêm. Khi chàng trai và cô gái nào để ý đến nhau, có tình cảm riêng với nhau thì tự đến bên nhau để tỏ tình bằng những lời khắp đối ân tình, sâu lắng. Cứ như thế, cuộc vui cuốn hút các cô gái Thái thể hiện sự kéo tay bằng việc thêu dệt, xe sợi, cán bông không biết mỏi mệt; còn các chàng trai người thi đan giỏ, đan hom, thi thổi sáo, đàn tính bằng những làn điệu níu kéo lòng người, tình người.

Đêm càng về khuya, Hạn Khuống càng say nồng bởi những lời khắp đối, bởi sự nhanh tay xe sợi, thêu, đan hom, đan giỏ của các chàng trai cô gái Thái. Đến lúc này, những người có tuổi và trẻ em tuy vương vấn sàn Hạn Khuống nhưng cùng lần lượt ra về vì đêm sắp tàn canh. Chỉ còn lại trên sàn Hạn Khuống là các chàng trai, cô gái Thái vai kề vai bên bếp lửa rực hồng, lan tỏa làm cho đôi má tuổi mười tám đôi mươi các cô chủ Hạn Khuống thêm xinh. Hạn Khuống có thể diễn ra trong nhiều ngày, hình thức vui chơi phong phú, đa dạng như: tung còn, múa xòe, tó má lẹ, chơi cù… Khi hoàng hôn buông xuống, sinh hoạt trên sàn Hạn Khuống lại trở nên thắm nồng và trầm lắng lời khắp giao duyên của trai gái Thái. Cùng với khắp đối, người đến xem có thể cất lên giọng phụ họa làm cho không khí trong đêm Hạn Khuống càng trở lên say đắm lòng người. Hạn Khuống tan là lúc cô chủ sàn Hạn Khuống khắp lời chia tay. Đến lúc này, không ai bảo ai, mỗi người một tay, trai dọn đồ nặng, gái dọn đồ nhẹ và bắt đầu thổi tắt bếp lửa sánh vai cùng nhau ra về là lúc rặng núi phía đông bắt đầu hửng sáng, Lúc đó, cô chủ Hạn Khuống cất thang Hạn Khuống dừng cuộc vui, nhưng dư âm đêm Hạn Khuống còn mãi với thời gian.

Sinh hoạt Hạn Khuống như có sức hút kỳ lạ nếu ta để tâm nghe những lời khắp đối bằng những câu thơ nổi tiếng của người Thái trong tác phẩm “Xống chụ xon xao” được người Thái Tây Bắc lưu truyền, diễn xướng qua nhiều thế hệ và đón nhận trường ca đó bằng cả tình cảm nồng thắm, thiết tha. Chính vì lẽ đó, Hạn Khuống là nét văn hóa mang đậm giá trị tinh thần trong đời sống thường nhật, biểu trưng tình cảm của người Thái. Khắp đối giao duyên trên sàn Hạn Khuống là sự kết tụ văn hóa Thái Tây Bắc, mà ở đó khởi nguồn từ cuộc sống và được biểu hiện nét sinh hoạt văn hóa tinh thần đầy cảm xúc của người Thái. Sinh hoạt văn hóa trên sàn Hạn Khuống làm con người thêm yêu cuộc sống, nhìn cuộc sống tốt đẹp hơn, cuộc sống tràn ngập tình nghĩa, tính bao dung và lòng nhân ái.


6.Lễ hội đền Hoàng Công Chất
Lễ hội Đền Hoàng Công Chất được tổ chức từ ngày 24/02 đến 25/02 Âm lịch hàng năm, tại Thôn Noọng Nhai, xã Noọng Hẹt, huyện Điện Biên. Trong tiếng trống rộn ràng của lễ hội, đội tế nữ quan xã lần lượt dâng hương, dâng nến, dâng rượu… để tưởng nhớ vị anh hùng áo vải Hoàng Công Chất.
Thành Bản Phủ ở xã Noọng Hẹt (tỉnh Điện Biên), là khu di tích lịch sử gắn liền tên tuổi lãnh tụ nông dân Hoàng Công Chất ở thế kỷ 18. Ông được nhân dân tôn vinh lập đền thờ và hằng năm, lễ hội nơi đây thu hút khá đông du khách. Lễ hội thành Bản Phủ – đền Hoàng Công Chất nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết giữa miền xuôi, miền ngược. Sau thắng lợi này, từ năm 1758 đến 1762, nghĩa quân và nhân dân đã xây thành Bản Phủ, một công trình kiến trúc quân sự trấn thủ vùng biên cương. Tòa thành nằm giữa trung tâm cánh đồng Mường Thanh trù phú, vựa thóc lớn của cả vùng Tây Bắc. Theo dân gian truyền lại thì thành được xây dựng khá kiên cố với hào sâu và lũy tre dày đặc phía ngoài chân tường. Hiện nay, dấu tích vòng tường thành vẫn còn hiện hiển.

Kể từ năm 1994, khi đền thờ Hoàng Công Chất chính thức được Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận xếp hạng di tích lịch sử; cứ mỗi độ xuân sang đúng vào ngày mất của ông (25/2 âm lịch), các cơ quan quản lý văn hoá của tỉnh Điện Biên và huyện Điện Biên lại tưng bừng tổ chức lễ hội trong khuôn viên tòa thành Bản Phủ.

Lễ hội Hoàng Công Chất diễn ra trong hai ngày:

Mở màn là phần rước kiệu và dâng hương. Đi đầu là đội múa rồng, lân tạo không khí sôi động. Sau các nghi thức, 40 diễn viên trình diễn màn múa cờ hội theo nhịp trống tưng bừng. Tiếp đến là phần biểu dương sức mạnh đại đoàn kết dân tộc của 60 diễn viên trong trang phục truyền thống, đại diện cho các dân tộc thiểu số tây bắc trình diễn những tiết mục ca, múa nhạc đặc sắc.

Độc đáo và lôi cuốn sự chú ý của mọi người là những cô gái Thái với nón, quạt, khăn, ô, kèn, tính tẩu với những bông hoa tươi của núi rừng trên tay trong điệu múa hoa ban và vòng xòe uyển chuyển, đằm thắm, dịu dàng.
Trong khuôn khổ lễ hội nhiều hoạt động văn nghệ, thi đấu thể thao có sự tham gia của đội nghệ thuật quần chúng các xã Na Ư, Pa Thơm, Noọng Hẹt, Thanh Nưa của huyện Điện Biên và các tỉnh bạn Hòa Bình, Sơn La, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Bình. Sân đền và khuôn viên trong thành nô nức người trảy hội và xem các trò chơi dân gian như hái đào tiên, bắt lợn lấy thưởng, đánh đáo đá, tung còn, chơi cờ phạ, thi bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co nam, nữ…Ngoài ra còn tổ chức giao lưu văn nghệ, uống rượu cần, thi giọng hát hay dân ca các dân tộc.

Lễ hội đền Hoàng Công Chất – thành Bản Phủ được tổ chức hàng năm không chỉ là hoạt động tín ngưỡng mà còn là sự kiện văn hóa, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Qua việc tổ chức lễ hội cũng là dịp tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc; khơi dậy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, giữa miền ngược với miền xuôi cùng chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.


7.Hội mừng mưa rơi của dân tộc Khơ Mú
Người Khơ Mú gọi hội mừng mưa rơi của dân tộc mình là lễ hội “Om đin om đang”, tức lễ hội mừng nước hay hội mừng mùa măng mọc. Theo các cụ già ở bản Pá Bon, xã Mường Luân, Điện Biên Đông, gọi như vậy bởi mở đầu phần hội bao giờ cũng là điệu múa “Om đin om đang”. Hội mừng mưa rơi được tổ chức vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 âm lịch, trước hoặc sau những cơn mưa đầu mùa.Trong lễ hội, người ta hát những bài ca mừng nương rẫy khi được đón những cơn mưa đầu mùa. Lễ hội thường được tổ chức trên nhà sàn và thầy cúng là người chủ trì phần lễ.

Để chuẩn bị cho lễ hội, người trong bản ốp bẹ chuối vào cột nhà để làm cây hoa chủ. Cây hoa chủ gồm 3 – 5 lớp. Các lớp cành đều treo hình chim, thú, hoa quả được đan bằng lạt giang hoặc mua ở các chợ. Bàn thờ cúng thần linh được đặt ngay dưới cây hoa. Trên bàn thờ bày các lễ vật gồm: đĩa gà luộc, bánh chưng, bánh dày, xôi nhuộm phẩm đỏ, trứng, mía, gạo, muối… Tiếp đến, thầy cúng mặc trang phục dân tộc gồm: áo đen, chít khăn đen, thắt lưng đỏ (ngày nay chỉ còn mặc áo đen) đọc lời cầu cho người trong bản có sức khoẻ tốt, gặp nhiều may mắn; cầu xin thần linh cho mưa thuận gió hòa, xua đuổi chim thú phá hoại mùa màng… Vừa đọc lời cúng, thầy vừa lấy nhúm gạo, muối, rượu tung ra xung quanh và thả xuống sàn.

Sau phần lễ, phần hội diễn ra sôi nổi với những điệu múa truyền thống của dân tộc Khơ Mú. Từ lễ hội mừng mưa rơi, nhiều lời ca của dân tộc Khơ Mú đã được các nhạc sỹ chép lại, phổ biến rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN