Bạn là một người đam mê đọc sách, bạn là người thích khám phá những tựa sách cũ nhưng lại hay , thì bạn không nên bỏ qua những cuốn tiểu thuyết của Việt Nam hay nhất sau đây.
1.Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một tiểu thuyết dành cho thanh thiếu niên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, xuất bản lần đầu tại Việt Nam vào ngày 9 tháng 12 năm 2010 bởi Nhà xuất bản Trẻ, với phần tranh minh họa do Đỗ Hoàng Tường thực hiện. Đây là một trong các truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh, ra đời sau Đảo mộng mơ và trước Lá nằm trong lá. Tác phẩm như một tập nhật ký xoay quanh cuộc sống của những đứa trẻ ở một vùng quê Việt Nam nghèo khó, nổi bật lên là thông điệp về tình anh em, tình làng nghĩa xóm và những tâm tư của tuổi mới lớn. Theo Nguyễn Nhật Ánh, đây là lần đầu tiên ông đưa vào truyện của mình những nhân vật phản diện, đặt ra vấn đề đạo đức như sự vô tâm hay cái ác.
Là một trong những quyển sách Việt Nam bán chạy nhất năm 2010, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã được tái bản ngay trong ngày phát hành đầu tiên, với tổng số bản in lên đến hơn 20.000 bản. Đây cũng là cuốn sách mở đầu cho phương thức in nhiều dạng ấn bản trên một tác phẩm ở Việt Nam, với ấn bản bìa mềm và bìa cứng được bán ra song song. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được chuyển thể thành một bộ phim điện ảnh cùng tên bởi đạo diễn Victor Vũ, công chiếu vào tháng 10 năm 2015 với doanh thu phòng vé rất cao và gây được nhiều sự chú ý trong công chúng. Như một ảnh hưởng từ sức ảnh hưởng tích cực của bộ phim, tiểu thuyết đã trở thành quyển sách bán chạy nhất trong Hội sách Hà Nội năm 2015. Tính đến tháng 10 năm 2015, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã trải qua 28 lần tái phát hành với tổng số bản in lên đến 130.000 bản.
2.Tuổi thơ dữ dội
“Tuổi thơ dữ dội” là một tác phẩm truyện dài tám phần của nhà văn Phùng Quán. Truyện được khởi thảo bên bờ Hồ Tây năm 1968 và hoàn thành trong lều cỏ giữa hồ Tịnh Tâm năm 1986. Cuốn truyện xoay quanh cuộc sống chiến đấu và sự hy sinh của những thiếu niên 13, 14 tuổi trong hàng ngũ Đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân.
Cuốn truyện miêu tả súc tích quá trình tham gia chiến đấu và hy sinh ở tuổi đời rất trẻ của hơn ba mươi thiếu niên, tập trung quanh các nhân vật tiêu biểu là Lượm, Mừng, Quỳnh sơn ca và một loạt các nhân vật khác như: Tư dát, Bồng da rắn, Vịnh sưa,…
Cuốn truyện có hệ thống nhân vật khá giống “Những ngày khói lửa” và một vài truyện ngắn khác, khiến người đọc cảm giác là có nhiều tác phẩm khác nhau trong thời kỳ này cùng viết về một nhóm nhân vật có thật.
Năm 1988, cuốn tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được xuất bản và nhận Giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam hai năm sau đó và đã được dựng thành phim.
3.Bến không chồng
Bến không chồng là một tiểu thuyết của nhà văn Dương Hướng, một trong ba tác phẩm văn xuôi được giải thưởng Văn học của Hội nhà văn Việt Nam năm 1991, được dựng thành phim truyện cùng tên vào năm 1999. Tiểu thuyết khắc họa cuộc đời của những con người ở một làng nông thôn Bắc Bộ với bao trắc trở, đổ vỡ và bi thương, thời gian trong và sau chiến tranh ở Việt Nam.
4.Đất rừng phương Nam
Đất rừng phương nam là tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi viết về cuộc đời phiêu bạt của cậu bé tên An. Bối cảnh của tiểu thuyết là miền Tây Nam Bộ, Việt Nam vào những năm 1945, sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam Bộ.
Cậu bé Nguyễn An sống cùng với cha mẹ tại thành phố những ngày sau ngày độc lập 2/9/1945. Thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam, đổ quân vào Nam Bộ. Pháp mở những trận đánh khiến cho những người dân sống tại thành thị phải di tản. An và ba mẹ cũng phải bỏ nhà bỏ cửa để chạy giặc. Cậu nhớ đến một anh bạn đi tàu đã tặng cậu chiếc la bàn mà không kịp mang theo.
Theo cha mẹ chạy hết từ vùng này tới vùng khác của miền Tây Nam Bộ. An kết bạn cùng với những đứa trẻ cùng trang lứa và có cuộc sống tuổi thơ vùng nông thôn đầy êm đềm. Nhưng cứ vừa ổn định được mấy bữa thì giặc đánh tới nơi và lại phải chạy. Trong một lần mải chơi, giặc đánh đến và An đã lạc mất gia đình. Cậu trở thành đứa trẻ lang thang.
Ở nơi chợ búa này cậu gặp những người đầu tiên cứu mạng mình. Dì Tư béo bảo cậu về làm giúp cho quán ăn của dì. Thế là từ đó, cậu có nơi nương tựa, không còn phải chịu cảnh đói khổ qua ngày. Tại quán ăn dì Tư béo, An có cơ hội tiếp xúc với nhiều người: anh Sáu tuyên truyền, những anh bộ đội, những kẻ Việt gian bán nước như vợ chồng Tư Mắm, những người nông dân chân chất như lão Ba Ngù…
Vợ chồng Tư Mắm làm nghề bán mắm dọc các con kênh rạch. Vợ Tư mắm là người đàn bà rất xinh đẹp, bà ta muốn mua chuộc An làm tay sai. Một buổi tối, An vô tình đọc được những dòng chữ tiếng Pháp viết trong cuốn sổ của vợ chồng Tư Mắm. An biết rằng bọn họ là Việt gian. Khi họ hỏi, thì An đối đáp rất thông minh rằng mình thấy nó đẹp mà chả hiểu gì. Nhưng dì Tư sau đó lại bảo rằng An biết tiếng Pháp. Vì thế, An chạy trốn, hai vợ chồng Tư Mắm đốt cháy quán dì Tư rồi bỏ đi.
5.Mảnh đất lắm người nhiều ma
Mảnh đất lắm người nhiều ma là tên gọi một cuốn tiểu thuyết tâm lý xã hội của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, ra đời năm 1990. Tác phẩm được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Nguyễn Khắc Trường viết về nông thôn Việt Nam.
6.Mùa lá rụng trong vườn
Mùa lá rụng trong vườn là một tiểu thuyết của nhà văn Ma Văn Kháng, hoàn thành vào tháng 12 năm 1982 và được xuất bản lần đầu vào năm 1985.
Lấy bối cảnh một gia đình truyền thống vào những năm 80 của thế kỉ XX, khi đất nước bắt đầu có những bước chuyển mình mạnh mẽ sau chiến tranh, gây ra nhiều thay đổi tốt có, xấu có; truyện đã phản ánh chân thực những biến động trong xã hội thời bấy giờ và những ảnh hưởng to lớn của nó tới gia đình – tế bào của xã hội.
Truyện đã giành giải thưởng loại B của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1986.
7.Ngồi khóc trên cây
Ngồi khóc trên cây là một tiểu thuyết dành cho thanh thiếu niên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, xuất bản lần đầu tại Việt Nam vào ngày 27 tháng 6 năm 2013 bởi Nhà xuất bản Trẻ, với phần tranh minh họa do Đỗ Hoàng Tường thực hiện. Đây là một trong các truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh, ra đời sau Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ và trước Chúc một ngày tốt lành. Tác phẩm xoay quanh mối tình hồn nhiên, trong trẻo giữa chàng sinh viên trẻ Đông và một cô bé 14 tuổi được mọi người gọi bằng cái tên “Rùa”. Câu chuyện khai thác sâu vào những suy tư, trăn trở nội tâm của tuổi mới lớn trên một nền điệu gợi về tuổi thơ sống chan hòa giữa thiên nhiên rừng núi, phảng phất phong vị miền quê và tình làng xóm. Bối cảnh của tác phẩm diễn ra chủ yếu ở một ngôi làng tại Quảng Nam, quê hương của chính tác giả.
Không giống với nhiều tác phẩm trước đó của Nguyễn Nhật Ánh, Ngồi khóc trên cây được nhà văn đưa vào nhiều nghịch cảnh éo le, bi thương nhằm thử thách các nhân vật và giúp họ trưởng thành hơn về mặt tình cảm theo thời gian. Tác phẩm đã nằm trong tốp những quyển sách Việt Nam được nhiều người đặt mua nhất năm 2013 theo thống kê của nhiều hệ thống phân phối sách trực tuyến, đồng thời được Nhà xuất bản Trẻ đưa vào Tủ sách bán chạy nhất của họ. Ngồi khóc trên cây cũng được đánh giá như một “hiện tượng xuất bản” của Việt Nam, với lượng sách in lần đầu lên đến hơn 20.000 bản, và đã phải tái bản khi còn chưa chính thức phát hành.
8.Nỗi buồn chiến tranh
Nỗi buồn chiến tranh là một tiểu thuyết của nhà văn Bảo Ninh, xuất bản lần đầu năm 1987 và lập tức gây “bão” trên văn đàn Việt Nam ở đủ mọi khía cạnh khác nhau. Tác phẩm này liên tiếp nhận các tặng thưởng, giải thưởng, những niềm vinh dự lớn lao, tác giả của “Nỗi buồn chiến tranh” được nhiều nhà phê bình trong và ngoài nước tôn vinh là tác giả của “cuốn tiểu thuyết xúc động nhất về chiến tranh Việt Nam”, “cuốn sách chạm vào mẫu số chung của nhân loại”, “thành tựu lớn nhất của văn học đổi mới”… Từng có thời tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” bị cấm không được in suốt nhiều năm liền. Cho tới năm 2005, cuốn tiểu thuyết này chỉ được xuất hiện trở lại với bạn đọc sau khi đã đổi tên thành “Thân phận của tình yêu”. Sau đó, sách đã được in lại với tên chính thức đã nổi danh: “Nỗi buồn chiến tranh”, đồng thời được dịch ra rất nhiều thứ tiếng.
9.Số đỏ
Số đỏ là một tiểu thuyết văn học của nhà văn Vũ Trọng Phụng, đăng ở Hà Nội báo từ số 40 ngày 7 tháng 10 1936 và được in thành sách lần đầu vào năm 1938. Nhiều nhân vật và câu nói trong tác phẩm đã đi vào cuộc sống đời thường và tác phẩm đã được dựng thành kịch, phim. Nhân vật chính của Số đỏ là Xuân – biệt danh là Xuân Tóc đỏ, từ chỗ là một kẻ bị coi là hạ lưu, bỗng nhảy lên tầng lớp danh giá của xã hội nhờ trào lưu Âu hóa của giới tiểu tư sản Hà Nội khi đó. Tác phẩm Số đỏ, cũng như các tác phẩm khác của Vũ Trọng Phụng đã từng bị cấm lưu hành tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước năm 1975 cũng như tại Việt Nam thống nhất cho đến năm 1986.
Cho đến nay, tác phẩm “Số Đỏ” đã được tái xuất bản và được phê duyệt ở Việt Nam. Đồng thời tác phẩm này cũng được đưa vào chương trình học ở trong nước (SGK Ngữ Văn 11, tập 1 với tên gọi: “Hạnh phúc của một tang gia”).
10.Thời xa vắng
Thời xa vắng là một tiểu thuyết tiêu biểu trong đời viết văn của nhà văn Lê Lựu. tác phẩm ôm chứa một dung lượng lớn chặng đường lịch sử 30 năm oai hùng của dân tộc, từ buổi lập nước đến lúc giải phóng toàn bộ đất nước [cần dẫn nguồn]. lịch sử được khái quát bằng tiểu thuyết thông qua số phận của anh nông dân Giang Minh Sài: học giỏi, là niềm hy vọng, tự hào của cả gia đình và dòng họ.Nhưng cũng chính niềm tự hào đó cũng đã đặt lên vai cậu bé Sài một thứ áp lực vô hình, lúc nào cũng phải học phải làm theo những điều mà mọi người xung quanh cho là “tốt nhất”. Lấy vợ cũng phải do cha mẹ chọn, ngủ với vợ cũng vì để tránh cái án kỷ luật làm ô nhục danh tiếng gia đình…. Là một người lính với vẻ ngoài thô mộc, khô khan nhưng thục chất ben trong con người Sài lại là một người đang vùng vẫy với niềm khao khát được yêu, được sống với cảm xúc thực sự của mình.Hơn nữa tác phẩm còn có nhiều tầng nhiều lớp với nhưng trăn trở rất đáng suy ngẫm của tác giả.
Trong Chân dung và đối thoại, Trần Đăng Khoa viết, ngay từ khi ra đời cuốn sách đã gây ra một tiếng vang lớn vượt quá sức tượng của tác giả. cuốn sách đã để lại một dấu ấn trong Văn học Việt Nam cuối thế kỷ 20 và trong lòng độc giả.