Truyện cười trạng Việt hay nhất và được cập nhật thường xuyên, những mẩu truyện hài hước về các Trạng dân gian Việt Nam cực vui vẻ sẽ giúp bạn giải trí và xả stress nhanh chóng.
1 MỪNG CHÚA THẮNG TRẬN
Chúa Trịnh sau khi tuần du một vùng biên ải miền tây, trở về kinh sư huênh hoang khoe rằng “Quân nó” vừa thua to, và bị quân nhà chúa nửa đêm bất thần phá lũy đánh tốc vào…
Phụ họa với nhà chúa, bọn quan nội và lũ nịnh thần đua nhau dâng biểu chúc tụng. Nhân cơ hội này, Quỳnh cũng làm một bài thơ gửi mừng chúa. Thơ rằng:
Nửa đêm giờ tí trống canh ba
Thoắt tiến lên thành phá lũy ra
Một tướng thẳng vào trong cửa hiểm
Hai quân đứng núp chực bên hà
Quân ta đổ lộn cùng quân nó
Nước nó giao hoà với nước ta
Đánh đoạn rút về lau khí giới
Tìm nơi vũ khố để can qua.
Nghe nói mới đọc qua lần đầu, chúa đắc ý. Nhưng xem kỹ lại, ngẫm nghĩ, nhà chúa bỗng nhăn mặt nói với thị thần: “Trạng lại dùng “Cái ấy” để lõm ta rồi, thế mà tụi bây không đánh hơi thấy à? “.
2 TRẠNG CHẾT CHÚA CŨNG BĂNG HÀ
Từ bận ấy, chúa có bụng ghét Quỳnh. Được mười hôm, chúa đòi Quỳnh vào thị yến, định đánh thuốc độc cho chết, Quỳnh biết chúa căm về mấy chuyện trước, lần này đòi vào thị yến, chắc là có chuyện. Lúc đi dặn vợ con rằng:
– Hôm nay ta vào hầu yến Chúa, lành ít, dữ nhiều. Ta có mệnh hệ nào, thì không được phát tang ngay, cứ phải để ta vào võng, cắt hai đứa quạt hầu, rồi gọi nhà trò về hát, đợi bao giờ phủ chúa phát tang thì ở ngoài hãy phát tang.
Dặn xong, lên võng đi.
Quỳnh vào đến cung, đã thấy chúa ngồi đấy rồi. Chúa bảo:
– Lâu nay không thấy mặt, lòng ta khát khao lắm. Vừa rồi, có người tiến hải vị, ta nhớ đến ngươi, đòi vào ăn yến, người không được từ.
Quỳnh biết chúa thù về cây cải hôm nọ, không ăn không được. Vừa nếm một miếng thì chúa hỏi:
– Bao giờ Quỳnh chết?
Quỳnh thưa:
– Bao giờ chúa băng hà thì Quỳnh cũng chết?
Ăn xong, Quỳnh thấy trong người khang khác, cáo xin về. Vừa về đến nhà thì tắt hơi. Vợ con cứ theo lời Quỳnh dặn mà làm. Chúa sai người dò xem Quỳnh có việc gì không, thấy Quỳnh đương nằm võng nghe nhà trò hát, mà người nhà thì đi lại vui vẻ như thường, về tâu với chúa. Chúa liền đòi đầu bếp lên hỏi xem đánh thuốc thế nào mà Quỳnh không việc gì.
Chúa ăn thử, được một chốc thì chúa lăn ra chết.
Nhà Quỳnh nghe thấy trong dinh chúa phát tang thì ở nhà cũng phát tang. Chúa và Trạng đưa ma một ngày. Thế mới biết Quỳnh chết đến cổ còn lừa được chúa mới nghe. Người đời sau có thơ rằng:
“Trạng chết chúa cũng băng hà
Dưa gang đỏ đít thì cà đỏ trôn”.
3 CÂY NHÀ LÁ VƯỜN
Quỳnh nhiều lần dùng trí thông minh, tài đối đáp để trêu chọc chúa Trịnh, nên trước chúa quý trọng bao nhiêu thì sau lại ghét bấy nhiêu. Chúa càng ghét, Quỳnh càng trêu tợn.
Một lần, chúa sai lính tới kéo đổ nhà Quỳnh. Thấy lính đến Quỳnh bảo:
– Chúa sai các anh đến kéo đổ nhà ta, các anh cứ làm, nhưng không được reo, cười, ai mà reo cười ta cắt lưỡi.
Ở đời, hễ kéo nặng thì phải reo hò, không dô ta, hò khoan sao mà kéo nổi? Bọn lính
đành chịu thua về trình báo lại. Lần khác chúa sai bọn lính đến ỉa vào vườn nhà Quỳnh, Quỳnh thản nhiên cầm dao ra bảo:
– Chúa sai các anh đến ỉa thì cứ ỉa nhưng ta cấm đái. Thằng nào đái thì dao đây, ta cắt…. Ngay!
Ỉa ai không đái bao giờ?
Bọn lính lại phải về tâu lại. Chúa truyền cho chúng mang gáo dừa theo và đái vào đó. Quỳnh đành chịu thua nhưng vẫn nghĩ cách chơi lại chúa. Một tháng sau, Quỳnh ra chợ, thấy người ta bán cải tốt, liền mua thật nhiều về, mang lên biếu chúa. Chúa thấy cải ngon, sai đầu bếp nấu canh, và quên chuyện cũ liền hỏi Quỳnh cải đâu mà ngon vậy. Quỳnh thưa ngay:
– Dạ, đó là cải nhà trồng. Trước nó không tốt lắm nhưng từ khi chúa sai lính “Bón phân” vườn nhà thần, nên nó tốt tươi như vật. Cây nhà lá vườn thôi, thần mới dám dâng cho chúa xơi!
4 TRẢ NỢ ANH LÁI ĐÒ
Quỳnh thường đi đò ngang, khất chịu tiền, lâu quá món nợ tích lại cũng khá nhiều, không trả được. Lúc anh lái đò đến đòi, Quỳnh bảo:
– Ừ, đợi đấy, vài hôm nữa, sẽ trả đầy đủ.
Ở giữa sông có một cồn cát, bỗng xuất hiện một cái nhà nhỏ, lợp lá gồi. Người ta đồn rằng đó là cái lầu yết thơ của Trạng. Thế là mọi người tò mò rủ nhau đi xem. Muốn ra nơi cồn nát, chỉ có con đường đò ngang, mới đầu chỉ lưa thưa ít người. Ra đến nơi họ thấy có một cái biển đề mấy chữ bằng vôi trắng “Cha đứa nào kể với đứa nào”.
Tất nhiên khi về, gặp người khác hỏi thì ai cũng trả lời độc một câu:”Ra mà xem!”
Cũng có người tếu tán thêm: “Hay lắm, ra mà xem.”
Thế là thiên hạ lũ lượt kéo nhau ra xem “lầu yết thơ của Trạng”, lúc đầu là người trong làng, rồi các làng lân cận, lan ra đến cả tổng. Còn anh lái đò chèo mệt nghĩ, nhưng hả hê với số tiền lớn thu được của khách, cho đến khi người ta biết là bị Quỳnh cho “quả lừa” thì mới vơi khách.
Anh lái đò vãn việc, chợt nhớ món nợ của Quỳnh, mới đến hỏi.
Quỳnh mắng:
– Ai nợ nhà anh? Anh nợ ta thì có. Nhờ mẹo của ta mà anh vớ bở; ta chưa hỏi phần của ta đấy. Thôi ta cứ gửi lại đó mà trừ dần cho tiền đò sau này.
Anh lái đò chợt hiểu, cười sung sướng, rồi cám ơn Quỳnh rối rít.
5 PHẬT SAY
Làng Thụy Chương xưa là một làng nổi tiếng về nấu rượu. Rượu ở đây thơm ngon đặc biệt. Mé trước làng ở ven hồ Tây có một ngôi chùa nhỏ. Thời Lê Trung Hưng, chùa đổ nát chỉ còn trơ một pho tượng tay chống gậy, xiêu vẹo, nghiêng ngả.
Một hôm Quỳnh vào làng mua rượu, thấy pho tượng như vậy, mới làm mấy câu thơ đùa:
Ông đứng chi mà đứng mãi đây?
Dập dềnh như tỉnh lại như say,
Vãi nào đã chuốc cho ông rượu?
Còn có cho vay một nậm đầy?
Tương truyền từ đó, dân làng ai cũng gọi tượng là “Phật say”.
6 CÚNG THÀNH HOÀNG
Lần khác, vợ Quỳnh ốm, thuốc thang chữa mãi không khỏi, xem bói, thì ra không phải tại Chúa Liễu mà do động Thành Hoàng bản thổ. Quỳnh ra đình khấn vái, xin Thành Hoàng cho khỏi, sẽ sửa gà lễ tạ. Khấn xong, về đến nhà thì vợ đã khỏi rồi. Bà vợ giục làm gà lễ tạ, Quỳnh bảo:
– Được, nhà không có gà ta có cái khác để lễ tạ rồi. Rồi Quỳnh vào ổ gà, thủ hai quả trứng, đem luộc. Người nhà tưởng luộc để đánh gió. Một lúc, Quỳnh khăn áo chững chạc, cầm cái đĩa và hai quả trứng đi. Người nhà lấy làm lạ, đi theo xem, thì thấy Quỳnh vào đình để đĩa trứng lên hương án rồi đứng đọc bài văn tế nôm rằng:
Chú là kẻ cả trong làng,
Ta là người sang trong nước,
Đôi bên chức tước chả kém gì nhau.
Vì trẻ nó đau, phải ra khấn vái.
Phiên chợ thì trái, không mua được gì.
Nhà có con ri nó vừa nhảy ổ,
Bắt ra mà mổ, nghĩ cũng thương tình,
Chú có anh linh, xơi hai trứng vậy.
Khấn xong, chẳng lễ, chẳng vái gì trở ra về nói với vợ là yên tâm dưỡng cho thật lành bệnh bởi Thần hoàng đã nhận lễ mà bằng lòng rồi.
7 BÀ BANH HẾT LINH
Hồi ấy, gần xứ Quỳnh ở, có một pho tượng đá rất kỳ lạ, trần truồng đứng giữa đồng, miệng tủm tỉm cười, tay trỏ xuống chỗ kín, gọi là tượng bà Banh.
Pho tượng kỳ cục vậy nhưng linh lắm, ai đi qua trông thấy, nhếch mép cười thì không xếch mồm cũng méo miệng. Đồn rằng đó là chỗ người Tàu giấu của, thiêng lắm. Quỳnh nghe đồn, đi xem. Đến nơi thấy tượng trần truồng mà chân lại đi giày, cổ đeo hạt. Quỳnh không cười không nói, cầm bút đề ngay vào ngực tượng một bài thơ nôm rằng:
Khen ai đẽo đá tạc nên thầy!
Khéo đứng ru mà đứng mãi đây?
Trên cổ đếm đeo dăm chuỗi hạt.
Dưới chân đứng chéo một đôi giày,
Ấy đã phất cờ trêu ghẹo tiểu,
Hay là bốc gạo thử thanh thầy?
Có ngứa gần đây nhiều gốc dứa,
Phô phang chi ở đám quân này.
Quỳnh đề thơ xong, bỏ đi. Tượng đá bỗng toát mồ hôi ra từ đó mất thiêng.
8 ĐỐI ĐÁP VỚI ĐOÀN THỊ ĐIỂM
Thuở còn đi học, Quỳnh càng ngày càng mê cô con gái thầy học là Đoàn Thị Điểm là người vừa xinh đẹp, đoan trang lại giỏi văn thơ.
Nhưng trêu chọc với nàng không dễ bởi ngoài tính tình đoan trang, Thị Điểm còn rất giỏi văn thơ nhất là ứng đối. Có lần Quỳnh từ phố Mía về, Thị Điểm thấy Quỳnh đang ngồi, liền ra ngay một vế đối có ý trêu:
“Lên phố Mía gặp cô hàng mật, cầm tay kẹo lại hỏi thăm đường.” (kẹo tiếng địa phương còn có nghĩa là kéo lại).
Gặp câu đối ra toàn mía, mật kẹo, đường, Quỳnh nghĩ mãi không ra vế đối, bí quá,
đành phải đánh bài chuồn.
Một hôm, thấy cô Điểm vào buồng tắm, nhà vắng, Quỳnh nghịch ngợm gõ cửa đòi vào. Cô Điểm vốn hay chữ, tức cảnh, ra ngay một vế đối, bảo Quỳnh đối được thì cho vào. Câu đối như sau:
– “Da trắng vỗ bì bạch!”. (Bì bạch, chữ hán cũng có nghĩa là da trắng).
Quỳnh nghĩ nát óc cũng không tìm ra câu để đối, đành lủi thủi bỏ đi nhưng nghĩ bụng sẽ tìm dịp lỡm lại Thị Điểm.
Một lần khác, Quỳnh ngồi đối diện với Thị Điểm qua cửa sổ Thị Điểm lại đọc một câu:
“Hai người ngồi song song hai cửa sổ.” (Song là hai, song cũng có nghĩa là song cửa). Lại một lần nữa, gặp câu quá hóc búa, Quỳnh bí quá đành lảng ra chỗ khác.
Một hôm tối trời, thừa lúc Thị Điểm ra ngoài, Quỳnh lẻn vào giường Thị Điểm nằm trước. Thị Điểm không biết, vào buồng sờ soạng, vô tình quờ ngay tay vào… Thị Điểm biết ngay là Quỳnh nghịch ngợm, liền ra cho một vế đối, bảo không đối được sẽ mách thầy học về tội sàm sỡ.
Vế đối ra như sau:
“Trướng nội vô phong phàm tự lập.”
(Trong phòng không có gió mà cột buồm lài dựng lên)
Lần này Quỳnh đối được ngay:
“Hưng trung bất vũ thủy trường lưu”
(Trong bụng không có mưa mà nước vẫn chảy dài).
Lần đó Quỳnh thoát tội.
Nhân ngày xuân, thầy sai Thị Điểm đem lễ lên chùa. Quỳnh được thầy cho theo cùng. Trên đường, Thị Điểm chỉ cây xương rồng bảo Quỳnh:
– Cây xương rồng, trồng đất rắn, long vẫn hoàn long (Long là lỏng lẻo, chữ Hán long nghĩa là rồng, mà chữ rồng đã dùng ở trên).
Về ý, Thị Điểm nói bóng, Quỳnh ngang ngạnh, có dạy dỗ thế nào cũng không chuyển được.
Chữ đối đã khó, ý lại sâu xa. Thế mà Quỳnh đối lại được rất chỉnh, lại tỏ được cái ý nhất quyết giữ cái tính ấy và còn thách thức Thị Điểm nữa. Quỳnh đối mhư sau:
– Quả dưa chuột, tuột thẳng gang, thử chơi thì thử (Thử chữ hán nghĩa là chuột, mà chữ chuột cũng đã dùng trên).
Cũng qua lần đối đáp này, hai người thấy tư tưởng không hợp nhau nên từ đấy thôi xướng họa.
9 ĐẦU TO TẠ CHÚA 3 BÒ
Chuyện Quỳnh lừa bà Chúa Liễu chỉ cúng bò bằng lời khấn suông, lại còn làm đổ gãy cả tai ngai, làm Chúa giận lắm, nên Chúa bắt vợ Quỳnh ốm lăn ốm lóc. Theo yêu cầu của vợ, Quỳnh đành phải đến đền khấn, để Chúa Liễu giải hạn cho. Quỳnh đến, khấn:
– Em lỡ đùa với chị, em có lỗi, thì chị quở em, sao chị lại phạt vợ con em bắt phải ốm, mà họ có tội tình gì? Em xin chị tha cho vợ con em, và xin lần này sẽ tạ chị ba bò, em sẽ để ở ngoài sân, chứ không dám vào đền, chị yên tâm, khỏi phải lo gãy đổ.
Chúa Liễu nghe Quỳnh nói lễ những ba bò thì mừng lắm. Lại hứa cúng ở ngoài sân, như thế, thì Quỳnh cũng tỏ ra biết điều.
Khi vợ con hết ốm, Quỳnh lững thững đến đền với đôi tay không, rồi đứng trước bàn thờ Chúa Liễu, chắp tay khấn:
– Chị đã phù hộ cho vợ con em tai qua nạn khỏi, biết ơn chị, nay giữ đúng lời hứa, em xin tạ chị đủ “Ba bò” ở ngay tại sân đền.
Nói xong, Quỳnh từ từ lui ra, rồi quỳ xuống, bò đúng ba vòng trước sân. Bò xong, Quỳnh phủi tay, đứng dậy, ngoảnh mặt vào phía bàn thờ Chúa Liễu cười:
– Thế là chị sướng nhá! Em tạ chị lần này những “Ba bò” đấy!
Xong, Quỳnh ung dung bước ra về, để lại nỗi tức giận tràn hông cho Chúa Liễu
10 TRẢ ƠN BÀ CHÚA LIỄU
Gặp khoa thi, Quỳnh ra ứng thí. Đường đi qua đền Sòng, Quỳnh vào yết Chúa Liễu, xin Chúa phù hộ cho, đỗ thì xin trả lễ. Quỳnh ra thi, quả nhiên đỗ thật. Vinh quy về, Quỳnh mua một con bò mẹ, một con bò con đem đến lễ. Quỳnh quỳ xuống lạy, rồi dắt con bò mẹ đến buộc vào tay ngài mà khấn rằng:
– Chúa có lòng thương phù hộ cho Quỳnh được đỗ, nay gọi là có một con bò để trả lễ. Xin Chúa nhận cho. Chúa là chị, xin lễ con lớn, còn con nhỏ, em xin đem về khao dân
Nói rồi, dắt bò con về. Con bò mẹ thấy dắt mất con đi, lồng lên chạy theo, làm ngai Chúa đổ lổng chổng, lộng gãy cả. Quỳnh cười nói:
– Chị thương em nghèo, trả không lấy, thì em xin đem về vậy.
Nói rồi dắt cả hai mẹ con bò về.