Top 10 truyện dân gian khiến bạn cười rụng rốn

0
5872
Vật Phẩm Phong Thủy

Truyện cười dân gian hay nhất và được cập nhật thường xuyên, những mẩu truyện tiếu lâm hài hước cực vui vẻ sẽ giúp bạn giải trí và xả stress nhanh chóng.

1 LÀM NGƯỜI
Khi Chúa tạo ra con lừa, Người phán: “Ngươi sẽ làm một con lừa có trí tuệ khiêm tốn, làm việc quần quật từ sáng sớm tới tối mịt, thồ những gánh nặng oằn lưng mà chỉ được ăn cỏ. Bù lại những vất vả đó, ngươi sẽ được sống tới 50 năm”.

Con lừa trả lời:

– Sống như vậy 50 năm thì thật là khốn khổ. Xin Người cho con sống không quá 20 năm thôi.

Chúa chấp thuận ước nguyện của con lừa.

Người tiếp tục tạo ra con chó và nói với nó:

– Ngươi sẽ trông coi nơi ở, bảo vệ tài sản của con người, kẻ sẽ coi ngươi là bạn hữu thân thiết nhất. Ngươi sẽ ăn cơm thừa canh cặn của hắn và sống 25 năm.

Con chó đáp:

– Cảm ơn Người! Nhưng sống kiếp con chó trong 25 năm là một hình phạt quá nặng. Xin Chúa cho cuộc đời con chỉ kéo dài dưới 10 năm thôi!

Lời thỉnh nguyện của con chó được chấp nhận.

Thế rồi, Chúa tạo ra con khỉ và bảo nó:

– Ngươi sinh ra làm kiếp con khỉ. Ngươi sẽ đánh đu từ cây nọ qua cây kia, hành động như một gã ngốc. Ngươi sẽ có bộ dạng tức cười, chuyên làm trò cười cho thiên hạ. Tuổi thọ của ngươi là 20 năm.

Con khỉ tạ ơn Chúa rồi than thở:

– Cuộc sống như thế kéo dài tới 20 năm thật là một cực hình. Xin người cho con sống 10 năm thôi.

Chúa nhân từ chấp nhận lời thỉnh cầu.

Người tiếp tục tạo ra con người rồi phán:

– Ngươi là con người, sinh vật cao cấp duy nhất biết đi trên đôi chân ở trái đất này. Ngươi sẽ sử dụng trí tuệ để làm chủ mọi sinh vật trên thế giới. Ngươi sẽ thống trị địa cầu và thọ 20 năm.

Con người cầu xin:

– Thưa Chúa! Kiếp người 20 năm thật quá ngắn ngủi. Xin Người hãy ban cho con 20 năm mà con lừa đã từ chối, 15 năm mà con chó không chịu nhận và 10 năm con khỉ vứt bỏ.

Thế là, Chúa cho người đàn ông sống 20 năm làm kiếp con người. Kế đó, anh ta lấy vợ và sống 20 năm kiếp con lừa, làm việc quần quật với những gánh nặng trên lưng. Tiếp theo, khi có con, anh phải sống 15 năm kiếp con chó, trông coi nhà cửa và xơi những đồ ăn thừa mà lũ con để lại. 10 năm cuối đời, anh ta sống kiếp con khỉ, hành động như một gã ngốc để mua vui cho lũ cháu.

2 THỦ ĐOẠN TÁN GÁI XINH CỦA HỌC TRÒ NGHÈO
Xưa, có một anh học trò nghèo rất thông minh, thuê một căn nhà ở trọ trong phố.

Đối diện với nhà anh là nhà một bà cụ chuyên nghề quay tơ, có một cô con gái út rất nết na thùy mị, chăm việc bếp núc.

Bà cụ thường đe bọn thanh niên hàng xóm:

– Có già ở đây, bọn bây đừng hòng léng phéng đến con Út.

Một ngày kia. Lúc bà cụ đang quay tơ, cô Út nấu ăn dưới bếp, anh học trò cầm một cái chén nhỏ xíu sang nhà bà cụ:

– Thưa bác, hôm nay cháu nấu ăn quên mua nước mắm, bác cho cháu xin một muỗng.

Thấy anh học trò ăn nói dễ thương nên bà cụ cũng dễ dãi:

– Ừ con cứ xuống bếp nói con Út đưa cho.

Anh học trò đi xuống bếp, giấu cái chén tỉnh bơ:

– Cô Út, bác nói cô cho tôi… nắm tay cô một chút.

Cô Út sợ quá la toáng lên:

– Má ơi! Anh này ảnh kêu…

– Thì mày để cho nó một chút. Có mất cái gì đâu!

Cô Út đành đứng im cho anh nắm tay. 3 bữa sau, anh học trò lại sang:

– Thưa bác, cho con xin một củ hành nhỏ.

– Con cứ xuống bếp nói con Út đưa cho.

Anh ta lại xuống bếp:

– Cô Út, bác nói cô cho tui hôn cô một cái.

Cô Út la lớn:

– Má ơi! Anh này ảnh đòi…

– Thì mày cứ để cho nó một chút…

Cô Út đành để cho anh ta hôn. Cứ thế khi thì hạt tiêu, trái ớt, khi thì muỗng muối, hạt đường, cô Út cứ đành phải “cho một chút”… Một thời gian sau, anh ta đã được ở… rể nhà bà cụ.

3 THU HOẠCH LƯỠI NAI
Năm ấy, mấy chục công lúa tui đang cấy cặp mé rừng, tới mùa không còn thu hoạch được một hột để nhổ râu. Lúc lúa đứng cái, lũ nai kéo về cả bầy, ăn tới tới. Cất chòi giữ ngày giữ đêm, giật banh mất chục cái thùng thiếc mà chúng vẫn trơ trơ không sợ. Đánh bẫy, giặng giò bắt được một, thì chúng kéo lại hai. Nai chà tràn vô xóm rượt chém bò cổ, nhảy đực bò cái, đẻ ra con nào cũng có nhánh nhóc.

Ai cũng bảo là chắc phải để xứ này cho nai ở. Tui nhất định không chịu thua, cố tìm hết cách để trị lũ nai này. Đêm đêm tui đi rình xem cách chúng ăn lúa. Nó ăn cũng như trâu bò ăn vậy thôi. Nghĩa là lưỡi cũng le ra, nghoéo gọn bụi lúa rồi giựt mạnh lên.

Tui về nhà, ngồi suy nghĩ, nhủ thầm: “Như vậy là chết cha chúng mày rồi!”. Xách mác ra vườn, tui đốn những cây tre lồ ô mang vô. Tui lần lượt bập nhẹ nhẹ lưỡi mác vào cật cây tre rồi lẩy ra lấy một miếng cật tre dài cỡ chiếc đũa bếp, hai bề cạnh bén như nước. Làm tới chiều, tui đem ra ruộng, mỗi bụi lúa tui cắm vào giữa một miếng tre cho thật chắc. Làm xong về nhà, tui biểu mấy đứa nhỏ cứ việc ngủ cho thẳng giấc đi, đừng lo canh tuần gì nữa.

Sáng bữa sau, tui chống chiếc xuống be ra ruộng. Tui xăn quần lội xuống, tay nắm be xuồng dắt tới, vừa đi vừa mò theo từng gốc lúc mà lượm lưỡi nai. Thứ tre lồ ô chẻ mỏng, cật bén như nước. Vô phúc cho con nai nào nhè ngoéo cái lưỡi vô đó mà giật lên thì thế nào cũng phải đứt lưỡi ra.

Mùa đó, ngoài cái chuyện bán thịt lưỡi nai tươi cho bà con lối xóm nhậu chơi, tui còn phơi khô chở lên Sài Gòn bán cho cửa hàng mua để xuất sang Hồng Kông, Singgapo được một tấn hai lưỡi nai khô. Không tin thì hỏi bả thử coi.

4 GÁC KÈO ONG MẬT
Mùa hạn năm đó, tui quảy gùi, vác mác lội từng ăn ong. Đi từ suốt sáng cho tới trưa mà vẫn chưa cạo được ổ nào, còn đóng kèo gát toàn là loại mới ốp lưỡi mèo, mật mới tráng ống. Buồn tình, tui mới lột gùi để mác với dao tre một bên, lấy tấm vải nhựa ra, trải dựa gốc tràm, nằm ngủ một giấc. Tui nằm tréo nguẩy, chân này gác xiên lên chân kia. Lúc nghe nắng nóng nóng bên mang tai, tui mới giật mình thức dậy.

Cũng còn nằm nguyên tư thế cũ, tui móc gói thuốc ra vấn hút. Đang lúc nhả khói, phun mây phì phèo, tui bỗng nghe ở đâu đây có tiếng bầy ong mật vỗ cánh rì rào. Tui ngó dáo dác, định ngồi dậy đi tìm. Nhưng chực nhìn xuống cái chân đang tréo nguẩy của mình thì… trời đất! Ổ ong đang đóng dưới bụng ống chân tui. Thấy mình ngủ nằm tréo nguẩy, nó tưởng đâu cái kèo mà áp lại đóng.

“Mầy đem nạp mạng, sẵn đây tao cạo luôn”. Nghĩ vậy nên tui hút mạnh mấy hơi thuốc phà khói vào tổ ong. Bị khói thuốc Gò Vấp cay mắt, bầy ong bỏ ổ, bay tán loạn. Tui với lấy cây dao tre để bên cạnh xắn lấy tàn ong bỏ đi, tấm tàn lớn bằng cái sàn vậy. Còn lại khúc mức, tui xeo thêm mấy nhát dao tre nữa, nó rớt xuống tấm vải nhựa cái đụi, một khối mật vàng óng bằng trái dừa khô nằm trưu trứu trên tấm vải nhựa.

5 GÀI BẪY BẮT CHIM
Cánh đồng Kinh ngang này vào mùa nước ngọt, các thứ chim lớn như gà dãy, giang sen, chàng bè, lông ô, khoang cổ, diệc mốc từ trong rừng U Minh lũ lượt kéo ra kiếm ăn. Chúng quần đảo mát trời, giậm nhẹp những đồng lúa sạch trọi. Tất cả các loại chim đó chỉ có giang sen với khoang cổ là thịt ăn có lý, còn phần lớn ăn xảm xì như trứng rồng. Nói thì nói vậy chứ dù ngon hay dở mình cũng phải gài bắt cho ráo đợt để đem ra chợ bán, kẻo chúng phá lúa chịu không thấu.

Cái đám thằng Cường, thằng Thọ gài bẫy đạp, bẫy cò ke, bẫy mổ chỉ bắt trầm kha mỗi ngày vài chục con, có thấm bổ gì. Tui nghĩ ra một cách gài khác tụi nó. Bữa đó tui bỏ một ấm trúm xuống xuồng chống vô rừng đặt lươn. Đem về, tui lựa rặc thứ lươn da vàng, đầu nhọn, loại này mạnh lắm. Tui lấy chỉ ni-long thật chắc cắt ra một sợi dài chừng hai tầm đất, một cầu khúc cây ngáng ngang, một đầu tui cột ngay vào chỗ rún con lươn. Làm xong, tui ôm ra bẫy ruộng thả hai con lươn thành một cặp gần nhau.

Sáng ngày hôm sau, tôi bò ra ruộng rình xem. Ban đầu có một con gà dãy đi lọm khọm tới bên con lươn vừa trông thấy rồi đứng khựng lại, ngóng cổ, liếc mắt nhìn. Thấy con lươn bò nhọi nhọi, nó nhảy vọt tới mổ vào đầu. Con lươn bị đau quá vọt luôn vô bụng con chim rồi tuột ra sau đít. Tới con giang sen cũng vậy. Nó nhảy tới mổ vào đầu con lươn, con lươn vọt mạnh vô bụng, dùi luôn ra sau. Rồi lại đến con chàng bè cũng y vậy…

Một con lươn mồi của tui vọt đến chết xỏ lụi ít nhất cũng một chục con chim. Như vậy là cứ hai xâu làm một, tôi cầm mỗi tay một cây ngáng, la cho chim bay lên, mang tui theo. Tui bay bỗng mặt đất mà lái từng cặp xâu chim thả ra ví vô, về nhà giao cho bả trói đem ra chợ Sông Đốc bán. Vậy mới đã!

6 CÁ TRÊ LUNG TRÀM
Tui dẫn bày chó săn vô Lung Tràm định lùng thịt, cũng dạo mùa nước rọt này đây. Dưới kinh, cá quẫy ùn ụt, trên rừng chim chóc bay rần rần. Mình muốn kiếm bậy một con nai để làm đám kị cho bà già vợ, chớ loại cá, chim đó thường quá. Vùng Lung Tràm thưở đó còn thầy choại, dớn với cây tràm, đất trấp phập phếu, bởi vậy người ta mới kêu nó là Lung Tràm.

Đã quyết đi vào khu vực có nai, nhưng đến mặt trời lên cao mấy cây sào, tui vẫn chưa hạ được một chú nào. Bị nhiều bạn săn quần tới lui hoài, nên “bể” hay “đổ” nhanh như gió. Mỗi khi nghe chó vừa đánh hơi sủa lên, tức thì nghe một tiếng “bét” là chỉ còn đứng mà ngó theo.

Đến lúc mặt trời gần đứng bóng, người cùng chó đã mệt mỏi, tui mới rề lại một gốc cây tràm nghỉ mát. Chân bước từ từ, mắt cứ ngó dáo dác theo mấy con ong mật đang ăm bông trên đọt tràm, bất thần tui đạp lên mình một con nai chà đang nằm ngủ. Tui giật mình té ngửa, con nai cũng hoảng hồn nhảy dựng. Nó phóng một cái, đụng nhằm gốc cây to dội lại, té lên mình tui. Sẵn cây mác trên mình, tui vớ chân sau con nai. Khứa một nhát vào nhượng. Còn lại ba chân, con nai cố bươn chạy. Bầy chó thấy vậy, đuổi theo. Bị rượt ngột quá, con nai chạy giạt vào bìa rừng, phóng xuống Lung Tràm. Bầy chó chia làm hai, ven theo hai mé lung. Con nai lội qua bên này thì lũ chó bên này tấn công, hễ lội qua bên kia thì lũ chó bên kia ví ép. Nó lúng túng, lội qua lội lại mãi… Tui giục chó, vây chặt và ép lần cho con nai lội về hướng nhà mình. Ra tới ngã ba lung, thấy thằng em tui đằng kia chống xuồng lại. Tui kêu tiếp. Thằng em tui nhấn sào chống vọt tới bên con nai. Bây giờ con nai còn cố lội lờ đờ, cái đầu trên mặt nước. Thằng em tui với nắm lấy cái chà gạt con nai, lôi mạnh lên xuồng. Nhưng trời ơi! Con nai chỉ có cái chùm ruột lòng thòng dính ở phía dưới. Té ra nãy giờ nó bị cá trê dưới Lung Tràm bu theo rỉa sạch trọn thịt thà, xương xóc. Bầy cá cứ vây lấy con nai mà rỉa thịt làm cho con nai cứ trồi lui trồi tới, vậy mà tui cứ tưởng con nai còn lội. Thằng em tui kéo luôn lên xuồng cùng với xác còn lại của con nai cả tạ cá trê. Con nào con nấy bằng cườm tay người lớn.

7 NGƯU LÀ CON BÒ TÓT
Một thầy đồ dốt, ngồi dạy học ở nhà nọ. Có nhiều chữ thầy không biết, nên phải đi hỏi người ngoài rồi mới về dạy lại.

Một hôm, dạy đến chữ “bôn” nghĩa là chạy, chữ chồng lên nhau, đoán mãi không ra chữ gì, mới hỏi dò người ta:

– Có giống gì khoẻ bằng ba con trâu không nhỉ?

Có người bảo:

– Có giống bò tót.

Thầy về dạy học trò:

– Ngưu là con bò tót.

Một hôm khác, thầy lại đến dạy chữ “đinh”, mặt chữ thì biết, mà nghĩa thì lại không hay, nhưng vội quá, không kịp đi hỏi. Thấy chữ viết giống như cái giằng cối xay, thầy bèn dạy liều:

– Ðinh là giằng cối xay.

Nhà chủ thấy thầy dốt quá, đành mời thầy cắp tráp ra cửa và đọc tiễn thầy một bài thơ:

Ngưu là con bò tót
Ðinh là giằng cối xay
Thầy dạy hay chữ quá
Xin thầy về đi cày…

8 CĂN BỆNH DA CỔ CỦA TUI
Coi vậy chớ da cổ tui không phải là lang beng hay trổ đồi mồi gì đâu nghe!

Số là hồi đó, đất U Minh này còn cao, về mùa mưa, nước rừng đổ ra cuồn cuộn, màu đỏ thẫm như nước trà. Các kinh rạch nhỏ uốn éo tuôn nước ra sông Ông Đốc. Sông Ông Đốc đổ ra biển.

Thưở ấy, hai bên bờ sông Ông Đốc là rừng dừa nước ken nhau chạy một mạch tới gần mé biển, rồi như giật mình dừng lại chới với… Con sông có chỗ rộng tới ba trăm mét. Đã nói con sông nước chảy mạnh như một con rắn nằm đập đuôi, nên ban đêm nhìn vào đầu cọc cừ nào cũng thấy chất lân tinh ánh lên tưng bừng sáng lòa. Con nước ròng xuống, những hàng cột đáy bị gió rung lên kêu o… o… Xuồng đi đường có dịp thả xuôi nước, qua ngang những ruộng đáy nghe đánh vèo một cái mà phát chóng mặt.

Lần đó, tui cùng dượng Tư nó chèo chiếc ghe cà dom đi chợ Cà Mau mua ít xi mang về xài. Lỡ con nước, tụi tui phải về nước ròng đêm. Tui ở phía sau kềm lái, thả theo chiều nước xuôi băng băng. Đêm tối đen như mực, tui cứ nghểnh cổ nhìn theo làn sáng sáng trên trời mà lái theo đó.

Ghe đang lao tới vun vút, tui bỗng nghe dượng Tư nó ngồi trước la: “Coi chừng gạt!” . Tức thì tai tui nghe cái “vèo”, thân thể nhẹ bỗng, ghe lủi tuốt lên mé bờ. Dượng Tư nó la bài hãi, tui tức quá, trả lời:

– Tui không còn thấy đường nữa, sợi dây kẽm chằng cột đáy gạt văng cái đầu tui mất rồi.

Tui nghe tiếng nói mình phát ra chỗ cần cổ chớ không phải chỗ cửa miệng. Nghe vậy, dượng Tư nó lật đật chạy lại mò cái đầu tháp lại cho tui, rồi ổng lấy hồ xi măng trét trét quanh cổ. Vì đêm hôm lụp chụp, với nữa không có cái bay nên ổng tô xi măng không láng được, đến bây giờ da cổ tui sần sượng vậy đó. Ai không tin làm thử coi thì biết.

9 RẮM CỦA CON ĐẤY Ạ
Một bà huyện đến chơi nhà chị em, cùng đi có anh đầy tớ theo hầu. Ðương ngồi trò chuyện đông đủ, bà huyện bỗng vãi rắm ra. Anh đầy tớ đứng hầu sau lưng, vội bưng miệng cười. Lúc bấy giờ bà lớn tẽn lắm, nhưng cũng không dám nói gì.

Về đến dinh, bà mới gọi anh đày tớ vào buồng mắng một thôi một hồi:

– Ðồ ngu! Ðồ ăn hại! Không ra thể thống gì cả! Như người ta thì mày nhận là của mày, có được không? Ðằng này mày lại nhe răng ra mà cười như con khỉ! Bà lại đánh tuốt xác ra bây giờ!

Anh đầy tớ sợ mất vía, vội lui ra, rồi chạy một mạch đến nhà kia, thanh minh với mọi người:

– Bẩm các bà! Cái rắm bà con đánh lúc nãy là của con đấy ạ!

10 TÚ SUẤT GIÀNH MỀN ÔNG HUYỆN
Cũng là Tú Suất, bữa kia, đi lỡ đường trọ nhà quán. Ông huyện đâu cũng vô ngủ.

Nghề con nhà học trò làm quen với nhau mau lắm. Trò chuyện trà lá với nhau. Ai dè anh ta định tâm sẵn, lừa khi ông huyện đi ra ngoài mà làm dấu nơi góc mền, hòng xỏ ông huyện chơi.

Nằm kề nhau, khuya lại giả đò ngủ mê, giựt mền ông huyện mà đắp. Ông huyện tưởng cơn mê ngủ cũng để cho đắp. Sáng ông huyện dậy sớm ra đi kêu Tú Suất dậy. Anh ta đáp: “Quan huyện ngài có gấp ngài đi trước đi, tôi thong thả vậy” rồi nhắm mắt ngủ lại. Ông huyện nói: “Không thì trả cái mền cho trẻ nó bỏ vô xiểng cho rồi đặng có đi sớm chứ” Tú Suất nổi xung lên: “Ủa, ngài làm quan mà ngài nói cái mới lạ cho chớ, nầy! Mền của tôi đang đắp sờ sờ, ngài nói ngài đòi, thật ngài làm bỉ mặt tôi quá. Mền tôi có dấu của tôi đây rõ ràng…”. Cãi không lại miệng, ông huyện nhịn thua bỏ đi.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN