Top 10 mẹo hay giúp bố mẹ dạy con học toán giỏi ngay khi con nhỏ

0
2139
Vật Phẩm Phong Thủy

Theo phương pháp Montessori, chuẩn bị gián tiếp ngay từ nhỏ cho Toán học (từ 0 tuổi trở đi) cũng quan trọng không kém việc trực tiếp học Toán. Trẻ không học để ganh đua với một cái máy tính. Toán học không phải chỉ là các phép toán mà là các nguyên tắc toán học được áp dụng trong đời sống hàng ngày với trẻ mầm non, đó mới là bản chất quan trọng của Toán học. Và thật may là điều này thì tất cả bố mẹ đều có thể làm được một cách dễ dàng ở nhà, không tốn kém, chỉ cần có thời gian cho con.

1 Tập cho con tư duy logic.
Khi bày bàn ăn nói “Con đếm xem nhà mình có bao nhiêu người, bao nhiêu người thì cần bấy nhiêu bát”. Ngoài ra còn có rất nhiều trò chơi bố mẹ có thể chơi trước khi đi ngủ với con. Đơn giản nhất là đưa ra hai lựa chọn để con chọn một “Con cá sống dưới nước hay trên bờ?”, “Ông mặt trời màu xanh hay màu đỏ?”… sau khó dần lên bằng việc bé phải tự nghĩ ra câu trả lời “Chim bay, cò bay, lợn có bay không nào?”, “Không?”, “Tại sao lợn lại không biết bay?”, “Vì nó không có cánh” là câu trả lời bạn đang chờ. Tùy theo tuổi bạn có thể hỏi dài hơi “Thế lợn có gì?”, “Lợn có chân”, “Chân để làm gì?”, “Chân để đi”, “Chân của lợn có biết chạy không?”, “Có”, “Lợn có mấy chân?” và để con đếm trong một bức tranh minh họa.

2 Giúp con học tính trật tự
đầu tiên mình làm a, sau đó đến b, sau đó c… để giúp con hiểu mọi việc được kết nối ra sao, giống như trật tự từng bước khi giải toán. Trẻ rất thích nghe các câu chuyện, xem clip về chính mình hồi bé. Bạn có thể kể, mẹ mang bầu con 9 tháng, bác sĩ bế con ra, tất cả mọi người đến thăm con, rồi 6 tháng con mọc hai cái răng đầu tiên… làm cho con album ảnh để con tự xem và tự đọc, tự kể về mình. Điều này áp dụng được với mọi người trong gia đình, mọi hoạt động bé làm hàng ngày như chuẩn bị ba lô đi học, chải răng…

Nếu bố mẹ có thời gian tự làm các cuốn sách nhỏ như vậy cho con học về bất cứ chủ đề nào bé chưa biết. Sau này bé sẽ rất dễ dàng học trật tự và các số thứ tự, thứ nhất, thứ hai, thứ ba, giờ trong ngày, ngày trong tuần, tháng trong năm, các mùa nối tiếp nhau trong năm thế nào… các trật tự hữu hình và vô hình.

3 Giúp con hiểu mối liên hệ nguyên nhân kết quả
chẳng hạn con không bê đồ bằng hai tay: đổ, vỡ. Con không đi cẩn thận: ngã. Con không ăn tối: đói… Như thế không phải là ác mà là để giúp con hiểu mọi hành động của mình đều dẫn đến một kết quả nhất định, có thể kết quả không như con mong muốn nhưng chính con đã chọn quyết định đó. Giống như khi làm toán. Không tư duy đúng thì kết quả sẽ sai. Tuy nhiên phải giúp con nhìn nhận rằng sai không phải là cái gì đó trầm trọng, chỉ là ngược lại với đúng. Trẻ cũng cần biết về sự đối lập, có to mới có nhỏ, có thừa mới có thiếu, có rộng mới có chật. Nếu hiểu được điều đó trẻ sẽ tự muốn làm đúng, và cùng lúc không sợ sai, dám nghĩ dám làm.

Đừng bao giờ phạt trẻ nếu trẻ không làm đúng hay đạt được kết quả như bạn muốn. Không em bé nào cố tình làm sai cả, mà chỉ là năng lực của bé tại thời điểm đó chưa làm được việc đó. Có thể do yêu cầu của bạn quá cao, có thể bé mệt không tập trung. Nguy hiểm hơn, khi phản ứng tiêu cực như thế sẽ làm cho bé luôn sợ hãi dẫn đến không dám thử những điều mới lạ sau này.

4 Tập thói quen tư duy, xử lý thông tin trước khi hành động.
Đừng để trẻ thử đúng sai rồi rút ra kết luận. Ngay từ bé luôn làm mẫu cho bé các hoạt động một cách chính xác, làm mẫu thì phải chuẩn, sau khi hướng dẫn bé làm chưa đúng thì lần sau làm mẫu lại chứ không nhảy vào sửa khi con đang làm việc, bất cứ việc gì từ nhỏ đến lớn.

Hãy giúp con so sánh mọi thứ có thể, màu xanh nào đậm hơn, bông hoa nào nhiều cánh hơn, tòa nhà nào cao hơn, bộ lego nào khó hơn, cái xe nào chạy nhanh hơn, câu chuyện nào dài hơn, phòng nào trong nhà rộng hơn, con cá nào to hơn… sau đó đến so sánh hơn nhất. So sánh giúp trẻ hiểu bản chất sự việc, giúp rèn khả năng quan sát, tư duy, ra quyết định. Đó chính là áp dụng toán học vào cuộc sống một cách đơn giản.

5 Giúp trẻ học cộng trừ nhân chia theo đúng bản chất.
Ví dụ của phép cộng: mỗi ngày con ăn một hộp sữa chua, cả tuần con ăn mấy hộp? Phép nhân: Một tuần con ăn 7 hộp sữa chua, vậy hai tuần con ăn bao nhiêu hộp. Để trẻ cộng 7 với 7, vì phép nhân chính là phép cộng đặc biệt mà thôi. Phép trừ: Con mua 7 hộp sữa chua, hôm nay là thứ 3, con đã ăn mất một hộp, trong tủ lạnh còn mấy hộp? Phép chia: Con mua 7 hộp sữa chua, có 7 ngày trong tuần, mỗi ngày con ăn mấy hộp? Và đương nhiên, đừng bảo trẻ mầm non cộng nhẩm, hãy giữ lại vỏ sữa chua, rửa sạch làm đồ dùng học toán. Nếu làm được cộng thì làm được nhân, làm được trừ thì làm được chia. Rất đơn giản và dễ hiểu. Và nếu các bố mẹ thầy cô làm được những điều tưởng như nhỏ nhặt trên đây em bé nào cũng sẽ mê toán vì toán học khi hiểu được bản chất lại trở thành đơn giản.

6 Bắt đầu từ các thuật ngữ toán học đơn giản và cơ bản nhất

Ngay từ khi dạy Gấu tập nói, mẹ đã chỉ cho bé cách nhận biết các sự vật, hiện tượng và dùng đúng từ ngữ để mô tả các khái niệm cơ bản như to – nhỏ, nặng – nhẹ, cao – thấp, đầu tiên – cuối cùng, nhiều – ít, toàn bộ và không gì cả.

7. Dạy con tập đếm

Gấu biết đến khái niệm về các con số đầu tiên không phải thông qua cách nhận mặt số mà là qua cách mẹ dạy tập đếm. Ban đầu, mẹ Gấu cùng con chơi trò học thuộc lòng các con số từ 1 đến 10, đếm xuôi rồi đếm ngược. Sau đó thì nâng dần lên đến hàng chục. Với bước này, các mẹ không cần đòi hỏi trẻ phải hiểu được giá trị của các con số mà đơn giản trẻ chỉ cần thuộc lòng là đủ. Giúp trẻ dễ thuộc mẹ có thể dạy bé thông qua bài hát “Năm ngón tay ngoan” hoặc là luôn chỉ vào các đồ vật trong nhà và đếm cho vui. Điều này sẽ giúp trẻ học được tên và chuỗi các con số.

8 Giới thiệu khái niệm Toán thông hoạt động trong ngày

Để con trẻ hiểu về toán học, bạn nên giải thích đơn giản các khái niệm trước và đi kèm là những giải thích thật cụ thể, với ví dụ gần gũi cuộc sống hàng ngày. Khi giới thiệu về khái niệm, bạn minh họa cụ thể cho con bằng cách áp dụng lên món đồ nào đó, như kẹo chẳng hạn.Tính toán số kẹo theo thao tác cộng trừ giúp con hứng thú hơn những con số.

Những ứng dụng thực tế trong cuộc sống luôn luôn giúp trẻ nắm bắt được kiến thức nhanh chóng đồng thời tạo cho trẻ cảm giác sở hữu các khái niệm mà mình đã được học.

9 Học toán qua các trò chơi vận động

Vận động và chơi trò thực hành là một trong những hoạt động thú vị giúp trẻ mở rộng khả năng suy luận và học các khái niệm toán một cách nhanh nhất. Trẻ sẽ có những trò chơi cạnh tranh phát triển khả năng cá nhân, cũng có những trò chơi theo nhóm tùy bài học của từng lớp.

Các trò chơi dân gian thú vị như chơi ô ăn quan, trò chơi Năm Mười giúp con làm quen với cách đếm số nhẹ nhàng. Ngoài ra, những trò chơi này cũng giúp cho trẻ tăng cường thêm khả năng vận động của mình, giúp trẻ vừa học, vừa chơi nhưng vừa rèn luyện sức khỏe.

Khi cùng con đi công viên chạy bộ, bạn có thể thách đố bé chạy 100 bước, hoặc chuyền banh 5 lần. Nếu có nhiều bạn bè, anh chị em họ, bạn có thể thiết kế ra những trò chơi mang tính thách đố như cướp cờ, chuyền banh…

10 Dạy con khái niệm hình học

Dạy con nhận biết và phân loại 4 hình dạng cơ bản từ những vật thể 2-D và 3-D. Chẳng hạn 2-D có các hình tròn, vuông, chữ nhật, tam giác… Vật thể 3D của các hình này là trái bóng, hộp quà vuông, hộp chữ nhật, thước kẻ tam giác…

Trò chơi thách đố trẻ phân loại và nhận biết các dạng hình học ở xung quanh (ví dụ, lá cờ có hình dạng là hình chữ nhật; đồng tiền có hình tròn).

Ngoài ra, dạy con các bài học nhận biết về thời gian và ngày tháng trong tuần đơn giản. Con sẽ nhanh chóng hiểu bài học khi được cô giáo dạy về cách xem giờ, cách tính ngày trong tuần.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN